Trình tự giải quyết khiếu nại được quy định như thế nào? Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại như thế nào?
Cho tôi hỏi cái biên bản họp đối thoại giải quyết khiếu nại của tôi phần chữ ký thiếu rất nhiều thành phần ký vào biên bản như vậy biên bản này có đúng tính pháp lý không. Tôi có đề nghị các thành phần tham dự cuộc họp có ghi ở trên đầu biên bản ký vào hoặc không ký thì ghi lý do cũng được nhưng những cán bộ này nói không ký và không ghi lý do không ký. Vậy xin hỏi như vậy các cán bộ UBND xã ở trên có vi phạm pháp luật về văn bản hay không tôi có thể khiếu nại việc các thành phần không chịu ký vào biên bản này được không? – Câu hỏi của chị Hồng đến từ Cần Thơ.
Trình tự giải quyết khiếu nại được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 30 Luật Khiếu nại 2011 quy định như sau:
Tổ chức đối thoại
1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
2. Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
3. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
4. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
5. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Như vậy, theo quy định trên thì trước khi đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại người có thẩm quyền phải tổ chức đối thoại giữa các bên. Đồng thời, việc đối thoại phải được lập thành biên bản, biên bản này phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia đối thoại.
Trường hợp, người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do. Cho nên, trong trường hợp này việc các bên tham gia đối thoại không ký vào biên bản và cũng không ghi rõ lý do là trái với quy định của pháp luật.
Trình tự giải quyết khiếu nại được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại như thế nào?
Căn cứ vào Điều 39 Nghị định 124/2020/NĐ-CP có quy định:
Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm
1. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các điều 40, 41 và 42 của Nghị định này. Hình thức xử lý kỷ luật bao gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có vi phạm pháp luật khiếu nại nhưng chưa được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
2. Người khiếu nại và những người có liên quan mà có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
…
Như vậy, về nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định như trên.
Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại như thế nào?
Căn cứ vào Điều 41 Nghị định 124/2020/NĐ-CP như sau:
Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
…
3. Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
a) Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.
Như vậy, đối với những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng thực hiện không đúng trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại thì có thể bị xử lý kỷ luật theo hình thức giáng chức hoặc cách.
Trường hợp này anh có thể làm đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND xã để yêu cầu giải quyết việc cán bộ xã làm sai quy trình giải quyết đơn khiếu nại.