Triết lý Âm – Dương trong văn hóa Việt

Không biết từ khi nào, người Việt quan niệm trong cõi vũ trụ trời đất hỗn mang này luôn có hai cực luôn đối lập nhau cùng song song tồn tại. Mặc dù đối lập nhưng lại hòa quyện, dung hòa nhau, hỗ trợ nhau phát triển. Qua thời gian dài đúc kết lý luận gọi tên: Triết lý âm – dương. Một triết lí gắn bó mật thiết và sâu sắc trong đời sống văn hoá của người Việt Nam. Nó góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc và làm nên sức sống dẻo dai, bền bỉ, trường tồn cũng như  những nét tính cách độc đáo của  người Việt.      

1. Ngay 2 từ âm – dương đã rất mơ hồ và khó giải nghĩa đối với một số người. 

Theo quan niệm người Á Đông, giữa vạn vật luôn có sự tranh chấp và tương đối, nghĩa là có sự chống chọi nhau cứ hai, bốn hoặc hơn nữa tương đối với nhau, từ đó tạo nên hai trạng thái âm và dương đối chọi nhau. Âm là Cái, là tĩnh, là chưa hoàn bị. Dương là Đực, là động, là hoàn bị. Chẳng hạn: Mặt trăng và mặt trời, đêm và ngày, ác và thiện, thể xác và linh hồn..v.v.

Hình ảnh có liên quanTheo nhiều tài liệu của Trung Hoa, vua Phục Hy (2852 – 2737 TCN) là người tìm ra nguyên tắc tương đối âm và dương. Một đêm, nhà vua mơ thấy con ngựa Rồng lội trên sông Hoàng Hà mang trên lưng một Hà Đồ gồm những chấm đen và chấm trắng sắp cân nhau thành hai hình lưỡng nghi: Đen là âm và trắng là dương. Những hình đó trà trộn với nhau thành bốn hình mới, gọi là Tứ Tượng. Tứ Tượng sinh ra Bát Quái, Bát Quái lại sinh ra 64 Trùng Quái, sau đó lại sinh ra 4096 hình kép khác, mỗi hình gồm 12 điểm và như thế các hình và các điểm được nhân lên vô tận. Phục Hy thay những điểm đen bằng một vạch cắt đôi tương ứng với hai vạch ngắn – – ký hiệu cho âm và một vạch dài, liền vào điểm trắng – ký hiệu cho dương. Tất cả những hình thức này đều được trình bày và cắt nghĩa trong bộ Kinh Dịch

Vào thời xa xưa, triết lý âm dương có ý nghĩa rất cụ thể và thiết thực trong nhận thức của người Việt. Âm – Dương là bản chất của giới tự nhiên. Ý nghĩa ban đầu của chúng không phải cái gì khác mà chính là: “Mẹ cha – đất trời”. Chính từ quan niệm âm dương với hai cặp đối lập gốc “mẹ – cha” và “đất trời” này, người xưa đã dần suy ra vô số những cặp đối lập phổ biến khác và hình thành nên một hệ thống học thuyết gọi là triết lý âm dương. Nội dung cơ bản của triết lý âm dương là mọi sự vật, hiện tượng đều là sự kết hợp và chuyển hóa lẫn nhau của hai mặt đối lập theo quy luật: “Trong âm có dương, trong dương có âm; âm cực sinh dương, dương cực sinh âm”. Triết lý âm dương, đến lượt nó lại là cơ sở cho sự nhận thức và hoạt động thực tiễn. Do phát sinh từ nền văn hoá Nam  Á – Bách Việt nên triết lý âm dương đã trở thành cơ sở hình thành tính cách người Việt sau này.

                 Triết lý âm dương có nguồn gốc từ vùng nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á cổ đại. Sau đó, tổ tiên người Hán tiếp thu và phát triển nó lên thành một quan niệm, một tư tưởng học thuật. Người Việt thấm nhuần sâu sắc triết lý âm dương, thể hiện rất rõ trong tính cách và lối sống của người Việt.

                 Nhờ thấm nhuần sâu sắc tư tưởng triết lý âm dương mà người Việt Nam nắm rất vững hai qui luật của nó: “Trong âm có dương, trong dương có âm; âm cực sinh dương, dương cực sinh âm”. Cho nên, không phải ngẫu nhiên trong kho tàng văn hoá dân gian người Việt có rất nhiều câu chuyện kể, những câu tục ngữ đúc kết tư tưởng đời sống nhân dân như: “Trong rủi có may, “Trong hoạ có phúc”, “Người có lúc vinh lúc nhục”, “Sông có khúc đục khúc trong”,  “Sướng lắm khổ nhiều”, “Trèo cao ngã đau”, “Yêu nhau lắm cắn nhau đau”, “Tham thì thâm”, “Bĩ cực thái lai”… Ngay trong cấu trúc câu tục ngữ, thành ngữ, thường là hình thức đối xứng; trong thơ có đối thanh, đối ý, đối hình; trong ca dao có những cặp hình tượng đối xứng mang tính chất văn hoá truyền thống như: rồng – phượng; loan – phượng; cá – chim; nước – lửa… Trong sinh hoạt hàng ngày, người Việt đặt tên cho những sự vật quen thuộc cũng theo nguyên lý âm dương: ngói âm dương, cõi âm dương, chợ âm dương, tiền âm dương, ghép gỗ theo nguyên tắc âm dương…

                 Trong cơ cấu bữa ăn, người Việt cũng đã lựa chọn những món ăn thích hợp để điều hoà âm dương trong cơ thể nhằm nâng cao sức khoẻ hoặc để chữa bệnh. Nguyên tắc âm dương ở đây được biểu thị hài hoà theo hình thức phân loại thức ăn “Nóng” và “Lạnh”. Về lương thực thực phẩm, những loại mang tính “nóng” như khoai mì, ngô, rượu… những loại thuộc tính “lạnh” như đậu phụ, đậu nành, đậu chao… Đối với các loại rau dưa, rau có tính “nóng” là gừng, ớt, tỏi, cà rốt, rau thơm, loại rau có tính lạnh là rau dền, măng, dưa leo, cà chua… Tương tự, các loại hoa quả như nhãn, vải, nho…thuộc tính “nóng” và chuối, dứa… thuộc tính “lạnh”. Cũng vậy các loại thịt cá như: thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt bò, tôm, lươn… thuộc tính “nóng”, các loại thịt vịt, thịt thỏ, cá trèn, nghêu, ốc… thuộc tính “lạnh”. Trên cơ sở phân loại thực phẩm như vậy, người ta khuyên người có “máu nóng” dùng thức ăn “lạnh” và ngược lại.

                 Chính nhờ lối tư duy mang đậm tính chất âm dương và nhờ nắm vững hai quy luật của triết lý âm dương mà người dân nông nghiệp Việt Nam có được triết lí sống quân bình.Với người Việt, quân bình âm dương vừa biểu hiện cho sự hoàn thiện, viên mãn, mà “vuông tròn” là một biểu tượng Vái trời cho đặng vuông tròn”, “Ba vuông sánh với bảy tròn, đời cha vinh hiển, đời con sang giàu”, vừa được xem như là nguyên tắc ứng xử: “Đừng ăn quá miệng, đừng diện quá sang”,  “Nhọn gãy, cứng nát”…. Trong cuộc sống cố gắng không làm mất lòng ai, trong việc ở, cố gắng tạo nên sự hài hoà với môi trường thiên nhiên xung quanh. Cũng chính từ triết lý quân bình âm dương này mà người Việt có lối sống lạc quan, yêu đời: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, ứng xử linh hoạt và khả năng thích nghi cao: “Ăn theo thuở, ở theo thì”.

            Triết lý âm dương vẫn luôn ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Theo thời gian, những biểu hiện sinh động của nó vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ truyền thống và hiện đại của người Việt. Sức ảnh hưởng không cùng của triết lý này là trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu của một nền văn hóa và chính nó đã tạo ra những nét tính cách độc đáo của con người Việt Nam.

         Ngày nay, triết lý âm dương vẫn tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng ở nhiều lĩnh vực của đời sống như trong lĩnh vực kiến trúc và y học… Và gần đây, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều tài liệu, sách vở về “quy luật âm dương”, “tìm hiểu nguyên tắc âm dương trong cuộc sống con người” v.v. Song, trong bối cảnh đất nước ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều điều trong nhận thức và ứng xử của người Việt – vốn trước đây là ưu điểm, nay cũng đã bộc lộ những hạn chế. Đó là từ trọng sự quân bình, đưa đến tư tưởng bình quân chủ nghĩa và thái độ nước đôi theo kiểu: “hòa cả làng; dĩ hòa vi quý; chín bỏ làm mười”. Đó là bên cạnh sự linh hoạt, giỏi ứng phó là sự tùy tiện, đại khái, làm không đến nơi đến chốn, thờ ơ, vô trách nhiệm và hậu quả của nó là nhiều công trình dang dở, thiếu đồng bộ. Tính lạc quan cũng nhiều khi đưa đến sự tự mãn, thiếu thực tế. Vì vậy, bên cạnh việc nghiên cứu để thấy giá trị của triết lý âm dương, thì những hạn chế nêu trên cũng cần được nghiên cứu và có các giải pháp nhằm điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hiện nay. Để những giá trị truyền thống tốt đẹp mãi được tôn vinh nhưng vẫn dung hòa với vẻ đẹp hiện đại trong mỗi nếp nghĩ, nếp nhà của người Việt.

(ST)

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…