Trí tuệ Việt trong ‘thủ phủ’ nghiên cứu của Samsung | EMagazine | Vietnam+ (VietnamPlus)
Nội Dung Chính
Trí tuệ Việt trong ‘thủ phủ’ nghiên cứu của Samsung
Với hai tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất hơn 50% số lượng điện
thoại di động của Samsung trên toàn cầu. Nhưng ít ai biết rằng, một phần lớn ứng dụng của Samsung hiện tại
được các kỹ sư Việt Nam đảm nhiệm.
Từ việc đi học hỏi công nghệ…
Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng phát triển SVMC, anh Nguyễn Đăng Trung (sinh năm 1986), Quản lý dự
án tại trung tâm cho hay đơn vị này được thành lập vào năm 2012.
Khi bắt đầu, các kỹ sư như Trung đơn thuần chỉ điều chỉnh về mặt ngôn ngữ và yêu cầu đối với từng thị trường của
các phần mềm đã có sẵn cho người dùng ở các nước Đông Nam Á.
Tới năm 2014, Trung cùng các cộng sự đã được giao hỗ trợ phát triển phần mềm dòng điện thoại Galaxy V, đó cũng là
một trong những dự án đầu tiên mà người Việt tham gia với vai trò “đầu tàu.”
Nguyễn Đăng Trung là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của SVMC. (Ảnh) Minh Sơn)
“Khi đó, cảm giác rất vui sướng và tự hào vì mình đã được tự triển khai một dự án lớn. Dự án này sau đó đã
được Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung ở Ấn Độ kế thừa để triển khai dòng Galaxy V cho thị
trường Ấn Độ”, Trung kể.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu làm việc, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung Việt Nam cho hay,
suốt những năm qua, đơn vị này đã và đang đầu tư rất lớn cho các kỹ sư người Việt, từ việc chuyển giao cho đến
làm chủ các công nghệ tiên tiến nhất của tập đoàn.
Đến nay, SVMC đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên với hơn 2.200 kỹ sư trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển
phần mềm điện thoại di động. Đây cũng là trung
tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Samsung trong khu vực
Đông Nam Á và là một trong 25 trung tâm chuyên thực hiện nghiên cứu về mảng điện thoại của hãng trên toàn cầu.
Hai nhóm lĩnh vực chính SVMC đang nghiên cứu bao gồm: Phát triển phần mềm cho các thiết bị di động; Nghiên cứu,
phát triển các giải pháp kỹ thuật trên nền tảng di động (bao gồm hệ thống nhúng, giao thức truyền thông, dịch vụ
đa phương tiện, giải pháp S Pen và bảo mật điện thoại).
Samsung Galaxy V
Ngoài ra, SVMC còn tham gia chuyển giao công nghệ tiên tiến đưa vào dây chuyền sản xuất tại 2 nhà máy lớn nhất
của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, góp phần vào thành công của Samsung Electronics-doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài thành công nhất tại Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 60 tỷ USD năm 2018, tương đương 25% kim ngạch
xuất khẩu của Việt Nam.
Theo lãnh đạo SVMC, nơi đây đã thực hiện hàng trăm dự án lớn nhỏ, trong đó nổi bật là các ứng dụng S Note, “mạng
xã hội” PEN.UP cho chiếc bút S Pen “thần kỳ” – thiết bị gắn liền với dòng Galaxy Note, Smart Switch – một công
cụ cực kỳ hữu dụng để chuyển đổi dữ liệu giữa các điện thoại với nhau hoặc từ điện thoại sang máy tính…
Trung tâm R&D mới của Samsung sẽ được đặt tại khu vực Tây Hồ Tây
…tới làm chủ cứ điểm R&D của người khổng lồ Samsung
Kỹ sư Nguyễn Đăng Trung kể rằng, trong những năm qua nhiều kỹ sư của Việt Nam thường xuyên sang học hỏi, làm việc
tại các trung tâm R&D của Samsung ở các nước. Từ chỗ đi để học hỏi, nay kỹ sư Việt đã ngang ngửa trình độ, thậm
chí còn ra nước ngoài hỗ trợ các trung tâm R&D khác bởi có nhiều lĩnh vực kỹ sư Việt nắm ưu thế về kỹ thuật và
kinh nghiệm.
Thậm chí, SVMC không chỉ chuyển giao mà còn là đầu tàu của các ứng dụng như FM Radio hoặc Voice Recorder và
Calculator.
Nhờ những thành công ấy, đội ngũ kỹ sư Việt tại SVMC tiếp tục được giao phát triển chủ đạo về phần mềm của các
dòng điện thoại thương mại hóa trên toàn cầu, với độ khó ngày một nâng lên. Khối lượng công việc cũng không thua
kém những trung tâm R&D khác với các kỹ sư gạo cội của Samsung tại Hàn Quốc, Ấn Độ hay New Zealand…
Kỹ sư Việt tại SVMC tham gia vào dự án S Pen của Samsung. (Nguồn Samsung)
Anh Trung cũng tiết lộ, nhiều ứng dụng cho các dòng sản phẩm của Samsung, kể cả những dòng sản phẩm hội tụ công
nghệ đỉnh cao nhất, khó nhất cũng đang được các kỹ sư của SVMC phát triển hoặc tham gia đóng góp.
Với sự tiến bộ của các kỹ sư Việt, SVMC đã tham gia vào nhiều dự án mang tính toàn cầu của Samsung. Một trong số
đó chính là các phần mềm ứng dụng dành cho bút điện tử S Pen của dòng điện thoại Galaxy Note. Thậm chí, các kỹ
sư Việt còn làm chủ phần mềm của Samsung Galaxy A7- điện thoại thông minh với 3 camera đầu tiên của hãng. 2 dự
án điện thoại thông minh gần đây nhất mà SVMC phát triển là Galaxy A30s và Galaxy A50s đã được công bố ra thị
trường vào cuối năm 2019.
Các kỹ sư người Việt làm cho phần mềm Samsung Galaxy A7 smart phone 3 camera đầu tiên của Samsung.
(Nguồn Samsung)
Như vậy, từ việc chỉ nghiên cứu, phát triển phần mềm điện thoại của thị trường Đông Nam Á, đến nay SVMC đã mở
rộng phạm vi triển khai với các dự án bản địa hóa tại Australia, New Zealand, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Ngoài ra, SVMC cũng đã triển khai các dự án gốc phát triển toàn bộ hệ thống phần mềm, tính năng cho các sản phẩm
dòng điện thoại trung cấp, cao cấp của Samsung.
Còn theo ông Choi Joo Ho, ‘thuyền trưởng’ của Samsung Việt Nam, đơn vị này dự tính xây dựng Trung tâm nghiên cứu
và phát triển tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Theo kế hoạch, nhân lực của SVMC dự kiến sẽ tăng từ 2.200 nhân viên
hiện tại lên tới 3.000 trong tương lai với nòng cốt là các kỹ sư người Việt để phát triển các công nghệ mới nhất
như 5G, Ai, BigData…
Một chương mới đầy hứa hẹn lại bắt đầu với Samsung Việt Nam và SVMC. Và, chúng ta lại chờ đợi trí tuệ Việt sẽ
tỏa
sáng rực rỡ, trở thành những trụ cột không thể thiếu trong đội ngũ kỹ sư của gã khổng lồ công nghệ toàn cầu…
Xem thêm
-
Thu hút FDI
-
Bệ phóng
-
Nữ kỷ sư Samsung
-
Người mở lối
-
Phúc lợi
-
Trung tâm R&D
-
Dự án tỷ USD
-
Thuyền trưởng