Trì hoãn ngày đèn đỏ vào dịp tết: nên hay không và cách trì hoãn
Rụng dâu luôn là nỗi ám ảnh với chị em phụ nữ, không chỉ mang lại sự đau đớn, khó chịu mà nhiều khi còn phiền toái đặc biệt trong dịp lễ tết. Bởi vậy nhiều bạn nữ muốn rời ngày ‘đèn đỏ’ để có thể tận hưởng trọn vẹn ngày đoàn viên. Điều này hoàn toàn có thể, để bác sĩ mách nhỏ cho các bạn nữ nhé.
Nội Dung Chính
1. Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là gì?. Trước tiên, bạn gái cần biết cơ chế của sự xuất hiện kinh nguyệt thì sẽ hiểu tại sao chúng ta có thể can thiệp vào chu kỳ để trì hoãn sự ra kinh.
Sự xuất hiện của kinh nguyệt, sự ‘rụng dâu’ thực chất là do giảm đột ngột nội tiết tố (estrogen, progesterone) trong cơ thể vào cuối chu kỳ, gây co thắt các động mạch cấp máu cho niêm mạc tử cung, niêm mạc tử cung thiếu máu nên bong tróc, trôi ra ngoài tạo nên kinh nguyệt hàng tháng cho chị em phụ nữ.
Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt không chỉ gây nên sự khó chịu, đau bụng, đau lưng, buồn chán, mệt mỏi mà nhiều phiền toái nếu diễn ra vào dịp Tết như đi chơi nhưng không thể mặc đồ sáng màu. Nhiều thủ tục tôn giáo, nghi lễ tùy vùng miền còn kiêng kỵ người đang có kinh nguyệt. Do vậy nhu cầu rời ngày kinh vào dịp lễ tết là nhu cầu chính đáng.
Do vậy, nếu không muốn xuất hiện kinh nguyệt thì chỉ cần ngăn chặn sự thiếu máu niêm mạc tử cung, hay chính là ngăn chặn sự giảm đột ngột hormone trong cơ thể.
2. Dời ngày kinh nguyệt như thế nào?
Dời ngày kinh nguyệt chúng ta có thể ngăn chặn sự sụt giảm nồng độ hormone đó bằng cách chủ động bổ sung hormone vào cơ thể. Một cách thức gần với sinh lý, ít tác dụng phụ đó là sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày.
Đối với chị em đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày thì nếu đang dùng loại thuốc 21 viên thì sau khi hết thuốc tiếp tục gối luôn vỉ tiếp theo vào mà không có khoảng nghỉ. Nếu đang dùng thuốc vỉ 28 viên thì sau khi dùng hết 21 viên đầu tiên, còn 7 viên cuối (khác màu, thường là sắt, giả dược) thì bỏ mà uống ngay sang vỉ tiếp theo. Bao giờ sự trì hoãn đã đủ mong muốn thì ngừng thuốc 3-5 ngày là sẽ ra kinh.
Dời ngày kinh nguyệt như thế nào?
Đối với bạn nữ đang không dùng thuốc tránh thai, nếu tính toán có thể rụng dâu ngày Tết thì nên dùng thuốc tránh thai loại 21 viên (nên dùng loại 2 thành phần), viên đầu tiên tốt nhất nên bắt đầu từ ngày ra kinh đầu tiên, hoặc nếu đã ra kinh rồi thì nên bắt đầu ít nhất là 2 tuần trước kỳ kinh mới, dùng liên tục 21 viên, sau đó gối tiếp vỉ 21 viên khác đến bao giờ muốn ra kinh thì ngừng thuốc vài ba ngày sẽ có kinh.
Việc dời kinh sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi được uống thuốc chủ động trước kỳ’ rụng dâu’ tiếp theo ít nhất 10-14 ngày.
3. Có tác dụng phụ không mong muốn nào không?
Tác dụng phụ của việc dời ngày kinh nguyệt có thể xảy ra vì việc bổ sung hormone bằng thuốc tránh thai hằng ngày là gần gũi với sinh lý cơ thể nên thường ít tác dụng phụ xảy ra.
Tác dụng phụ của việc dời ngày kinh nguyệt
Nếu có thường tác dụng phụ nhẹ nhàng như buồn nôn, nhức đầu, người tích nước nhẹ, căng ngực, có thể ra ít huyết ở giữa thời gian dùng thuốc…nhưng nhìn chung là có thể chịu được và dễ chịu hơn đau bụng đau lưng mà nhiều bạn chịu đựng.
4. Những ai không nên sử dụng biện pháp này để dời ngày kinh?
Đối với những bạn có bệnh lý nền, như lupus ban đỏ, bệnh mạch máu, tim mạch, động kinh hoặc đang dùng các thuốc khác thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Trì hoãn ngày ’dâu rụng’, ngày ‘đèn đỏ’ dịp lễ tết là một điều có thể và nên làm nếu những ngày này mang đến cho bạn nhiều phiền toái và có thể ảnh hưởng đến quá trình tận hưởng ngày Tết cổ truyền. Có thắc mắc, cần tư vấn đừng ngần ngại đặt câu hỏi hay lịch khám với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp nhé.