Trẻ sốt về đêm: Nguyên nhân và cách hạ sốt cho trẻ tại nhà | Huggies
Trẻ sốt về đêm có thể báo hiệu những vấn đề đáng lo về sức khoẻ. Vậy nguyên nhân trẻ bị sốt là gì hay bé bị sốt phải làm sao? Cùng Huggies tìm hiểu chi tiết vấn đề trẻ bị sốt về đêm trong bài sau mẹ nhé!
Sốt là gì?
Nhiệt độ cơ thể người thông thường nằm trong khoảng 36.5 đến 37 độ (thân nhiệt trẻ em thường cao hơn người trưởng thành một chút). Do một số vấn đề, thân nhiệt chúng ta có thể tăng lên một cách bất thường, hiện tượng này được gọi là sốt.
Tình trạng trẻ em sốt về đêm
Rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng về hiện tượng trẻ sốt về đêm, đặc biệt là khi bé sốt về đêm khá thường xuyên ở giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi. Các bé sinh hoạt bình thường vào ban ngày, thậm chí là vui chơi, ăn uống rất tốt nhưng khi đêm đến thì lại có biểu hiện sốt cao khiến ba mẹ vô cùng bối rối.
Trẻ sốt cao về đêm diễn ra thường xuyên, gây không ít phiền toái cho cả gia đình và sức khỏe của trẻ. Mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân trẻ sốt về đêm cũng như cách hạ sốt nhanh cho bé để có thể tránh những hậu quả xấu do không kịp thời xử lý nhé!
Tham khảo: Sức khoẻ của bé
Trẻ em sốt về đêm có nguy hiểm không?
Có thể nói, tình trạng trẻ thường bị sốt về đêm là một trong những nỗi lo lắng của các bà mẹ bỉm sữa. Song, đây cũng là những triệu chứng thường xảy ra do sức đề kháng của trẻ còn non yếu, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Mặc dù trẻ sốt về đêm không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm nhưng bố mẹ cũng không nên xem nhẹ, chủ quan trong khâu chăm sóc con.
Để dễ theo dõi tình trạng sức khỏe của bé, bố mẹ nên lưu ý các mức nhiệt độ sau: Từ 38-39 độ C là sốt nhẹ, không quá nguy hiểm, chỉ cần nghỉ ngơi sau 2 – 3 ngày là khỏi; trên 39-40 độ C thì vô cùng nguy hiểm, dễ xảy ra hiện tượng co giật. Ngoài ra, đối với những em bé đã có căn cơ co giật trước đó thì ngay cả khi có thân nhiệt ở mức bình thường dưới 38 độ cũng có thể tái phát. Vì vậy, bố mẹ cần phải cẩn thận, theo dõi bé liên tục để có thể tránh được những rủi ro không đáng có.
Nguyên nhân trẻ bị sốt và triệu chứng
Nguyên nhân bệnh lý
-
Sốt virus: Sốt cao (thường 39-40 độ C), nhức mỏi cơ thể, đau đầu, buồn nôn có thể tiêu chảy.
-
Sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột, trên 3 ngày và có biểu hiện xuất huyết da hay chảy máu mũi, chảy máu răng. Trẻ có biểu hiện lừ đừ, vật vã, tay chân lạnh, ói ra máu, đau bụng, tiêu phân đen.
-
Sốt do viêm phổi: Sốt cao, thở nhanh, thở bất thường, khò khè, ho, nôn, chán ăn, bỏ bú, lừ đừ; khi bệnh nặng, trẻ có thể bị tím tái môi và móng tay.
-
Sốt do cảm cúm: Sốt 2 – 3 ngày, kèm theo sổ mũi hay nghẹt mũi, đau họng, ho, mệt mỏi, chán ăn.
-
Sốt do bệnh sởi: Trẻ sốt cao liên tục, ho nhiều, chảy nước mũi, mắt đỏ, từ ngày thứ 4 ban xuất hiện ở mặt, lan ra chân và chi.
-
Sốt do viêm tai: Trẻ có thể sốt cao, bỏ ăn, ù tai, đau tai, chảy mủ tai, nghe không rõ. Đặc biệt, nếu chưa biết nói, trẻ có thể biểu hiện kéo kéo tai.
-
Sốt rét: Trẻ thường sốt kéo dài, liên tục, có hoặc không kèm lạnh run, đôi khi chỉ ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ.
-
Viêm màng não: Sốt kèm theo thóp phồng, cổ cứng (trẻ không cử động cổ được, không cúi đầu xuống được), nhạy cảm với ánh sáng, nôn mửa, li bì.
-
Lao: Trẻ thường có dấu hiệu sốt kéo dài, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, biếng ăn, đứng cân hay sụt cân, ho nhiều, ho ra máu và không đáp ứng với kháng sinh thông thường.
-
Nhiễm trùng huyết: Trẻ có biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao liên tục, không ăn uống được, nôn ra tất cả, li bì, mạch nhanh, thở nhanh, có thể có phát ban da,…
Nguyên nhân khách quan
-
Thời tiết thay đổi đột ngột: Sức đề kháng của trẻ em còn rất yếu. Vì vậy, chỉ cần một cơn nắng to, hoặc một trận mưa rào đột ngột cũng có thể làm trẻ bị sốt.
-
Cột mốc phát triển đặc biệt: Bé đang trong giai đoạn mọc răng hoặc mới tiêm phòng thường có các biểu hiện như khó ngủ, quấy khóc, bỏ ăn và sốt nhẹ. (Tham khảo: Sốt mọc răng
-
Mặc quá nhiều quần áo: Mặc quá nhiều quần áo có thể khiến bé bị sốt, đặc biệt là trẻ sơ sinh vì thân nhiệt của bé thường không ổn định và bị tác động lớn từ các yếu tố của môi trường bên ngoài.
-
Do trẻ chơi đùa nhiều, mồ hôi tiết ra nhiều, các lỗ chân lông giãn to ra nhưng lại tắm rửa ngay sau đó khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, khí lạnh sẽ ngấm dần vào cơ thể cho đến đêm thì phát sốt.
Trẻ bị sốt về đêm là nỗi lo của rất nhiều mẹ bỉm sữa
Bé bị sốt phải làm sao?
Trẻ bị sốt về đêm phải làm sao? Trước tiên, mẹ nên đo nhiệt độ cơ thể cho bé. (Tham khảo: Nhiệt độ trung bình của trẻ sơ sinh). Trường hợp trẻ bị sốt về đêm dưới 38,5 độ C, mẹ có thể giúp bé hạ sốt nhanh bằng cách dùng khăn ấm lau người cho bé. Ngoài ra, mẹ có thể dùng khăn đã vắt khô nước đặt tại nách và bẹn hoặc những vùng da có nếp gấp giúp thoát nhiệt nhanh. Đồng thời bỏ bớt chăn mền và thay quần áo thoáng mát cho con, mẹ nhé!
Những trường hợp trẻ bị sốt về đêm trên 38,5 độ C, mẹ có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt. Tùy theo tuổi và cân nặng, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn lựa chọn thuốc phù hợp.
Tham khảo: Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, mẹ nên cho bé uống thuốc hạ sốt
Trường hợp trẻ sốt quá cao, không thể uống được thuốc hạ sốt, mẹ nhanh chóng đặt thuốc hạ sốt bằng đường hậu môn cho bé. Sau khi hạ sốt cho trẻ, mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sỹ khám và tìm nguyên nhân gây sốt.
Trẻ bị sốt về đêm nhiều, sức đề kháng kém nên khi chăm sóc bé, mẹ cũng nên lưu ý một số điều sau:
-
Mở cửa để phòng thoáng khí. Mẹ càng đắp chăn, đóng kín cửa sẽ càng làm trẻ càng thêm khó chịu.
-
Khi trẻ bị sốt, cơ thể mất nước khá nhiều nên mẹ cần nhanh chóng bổ sung nước cho con. Mẹ cũng có thể cho bé uống nước điện giải để bù nước và khoáng chất cho cơ thể.
Nhiều trường hợp trẻ bị sốt về đêm có thể tự khỏi sau 1-2 ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt kết hợp triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng như khó thở hay xuất hiện vết tím trên da, hãy đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh:
Sốt là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau như đã kể trên, may mắn thay, đa số các nguyên nhân đều lành tính, trẻ có thể thuyên giảm bệnh sau 1-2 ngày sốt. Trong trường hợp trẻ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm vào ngày thứ 3, vẫn sốt cao hay sốt liên tục thì ngày thứ 3 là thời điểm phù hợp để mẹ đưa trẻ đến bệnh viện khám nhé!
Trẻ bị sốt khi nào cần đến bệnh viện điều trị?
Mặc dù, sốt là bệnh lý thông thường mà hầu hết trẻ sơ sinh nào cũng mắc phải, chỉ cần chăm sóc kỹ lưỡng, đúng cách là 2 – 3 ngày sau bé sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bố mẹ không nên chủ quan chỉ để bé ở nhà và tự tìm cách điều trị. Nếu xảy ra một trong những trường hợp sau đây, bố mẹ phải ngay lập tức đưa con đến bệnh viện để điều trị:
– Bé sốt cao và có dấu hiệu không hề hạ sốt dù đã thử nhiều biện pháp như chườm mát, dán miếng hạ sốt, uống thuốc hạ sốt,…
– Đang sốt mà bé còn xuất hiện thêm các triệu chứng khác như nôn ói, khó thở, lạnh tay chân,… thì phải đưa bé đến ngay bác sĩ tư nhân/bệnh viện gần nhất để tránh co giật, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
– Trường hợp bé sốt cao liên tục trong 3 – 4 ngày dai dẳng mãi không dứt, thậm chí tái đi tái lại lâu hơn thì cần đưa đến bác sĩ gấp.
– Khi cảm thấy em bé có dấu hiệu mệt mỏi li bì, chán ăn, bỏ bữa, ngủ nhiều,… thì không nên tiếp tục để con điều trị tại nhà nữa.
Đặc biệt, đối với những bé sơ sinh dưới 3 tháng tuổi thì dù chưa xuất hiện các triệu chứng trên nhưng lại thường xuyên bị sốt về đêm thì bố mẹ cũng cần phải theo dõi cẩn thận và đưa bé đi chữa trị kịp thời nhé!
Lưu ý khi chăm sóc trẻ thường sốt nhẹ về đêm
Chăm sóc trẻ là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là trong những lúc đau ốm bệnh tật. Do đó, bố mẹ nên lưu ý những điều sau để chăm sóc con mình trong tình trạng thường xuyên bị sốt về đêm:
– Duy trì việc cho bé bú sữa mẹ theo nhu cầu bởi lúc này cơ thể bé sẽ bị cơn sốt hành đến rã rời vì vậy việc cung cấp dưỡng chất cần thiết nạp lại năng lượng cho con là điều cần thiết. Ngoài ra, mẹ cũng cần chăm sóc tốt cho bản thân, ăn nghỉ điều độ để cung cấp lượng sữa chất lượng cho bé.
– Đối với bé đã ăn dặm, nên bổ sung rau xanh, vitamin cần thiết giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, không nên cho bé ăn quá nhiều trong một bữa mà hãy chia ra nhiều bữa ăn nhỏ trong một ngày để con dễ tiêu hóa và không bị nặng bụng, khó chịu.
– Lưu ý là phụ huynh không được ủ ấm cũng không nên chườm lạnh cho bé bởi điều này dễ gây sốc nhiệt.
– Nước và một số loại chất lỏng khác có tác dụng thải nhiệt ra ngoài, cũng như khiến cơ thể đỡ mệt mỏi hết. Vậy nên, hãy cố gắng bù lại lượng nước trong cơ thể cho con bằng cách cho bé uống nhiều nước, lau người bằng nước ấm,… Đối với những bé lớn hơn, phụ huynh cũng có thể cho con uống trà thảo dược (atiso, hoa cúc) cũng sẽ giúp thanh lọc và hạt sốt cho trẻ hiệu quả.
– Cho bé mặc những bộ quần áo thông thoáng, chất liệu thấm hút mồ hôi hiệu quả bởi vì mồ hôi tích tụ sẽ làm tăng nhiệt độ, dễ bị ớn lạnh và khiến bé sốt cao hơn.
– Tuyệt đối không dùng rượu hay chanh làm cách hạ sốt bởi nó dễ khiến da bé tổn thương, bỏng rát.
– Nếu bé sốt quá cao thì tuyệt đối không được tắm cho con, tránh bị nhiễm lạnh, trúng gió.
– Luôn theo dõi các triệu chứng, đo nhiệt độ để nắm bắt tình trạng của bé.
Khi nào nên đánh thức trẻ?
Theo Verywellfamily, nếu trẻ dù sốt vẫn ngủ được thì đừng vội đánh thức con để cho uống thuốc hạ sốt. Mẹ chỉ nên đánh thức bé khi các triệu chứng sốt của con ngày càng nghiêm trọng.
Một vài trường hợp ngoại lệ khác như con có thể ngủ ngon hơn sau khi dùng Tylenol, Motrin hoặc Advil vào ban đêm, tuy nhiên mẹ nên tham khảo với bác sĩ hoặc dược sĩ để được chỉ định liều lượng phù hợp với bé. Để yên tâm và hành động kịp thời, ba mẹ nên theo dõi nhiệt độ và các biểu hiện sốt của con.
Tham khảo: Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Hy vọng với những thông tin trên bố mẹ đã biết cách xử ý khi trẻ bị sốt về đêm. Để biết thêm thông tin về sức khỏe cũng như cách chăm sóc bé đúng, mẹ có thể tham khảo tại chuyên mục Chăm sóc bé của Huggies mẹ nhé!