Trẻ học nấu ăn với chi phí 400.000 đồng/buổi

Đăng ký cho trẻ tham dự các lớp học nấu ăn chuyên nghiệp thay vì bếp gia đình với chi phí khoảng 400.000 đồng/buổi, phụ huynh kỳ vọng con tự đáp ứng nhu cầu cơ bản của chính mình.

Chị Thúy Hằng (TP.HCM) dự chi khoảng 4 triệu đồng cho con trai tham gia khóa học nấu ăn, làm bánh mùa hè.

“Bản thân tôi đã tham gia lớp nấu ăn cùng bạn bè trước đó. Khi tôi hỏi ý con, thấy con thích, hai mẹ con đồng hành cùng nhau vào học làm bếp. Giờ đây, mẹ và con là bạn học rồi. Tôi thấy đây là trải nghiệm rất thú vị”, chị Thúy Hằng chia sẻ với Zing.

Sẵn sàng chi tiền để cùng con trải nghiệm

Chị Thúy Hằng cho biết riêng năm 2022, kỳ nghỉ hè của các con đến trễ hơn, thời gian để con nghỉ ngơi, thăm thú, trải nghiệm không nhiều. Nữ phụ huynh trăn trở khá nhiều trong việc tìm cho con trai 9 tuổi lớp học ngoại khóa bổ ích, giúp con giải tỏa căng thẳng sau thời gian học tập miệt mài, bù lại lượng kiến thức mà con chưa tường tận trong khoảng thời gian học online mà không gây áp lực lên con.

Tìm về với niềm yêu thích của chính mình, chị đề xuất cho con đến học làm bánh cùng mẹ. Và bé Khang – con trai chị Hằng – yêu thích việc vào bếp từ buổi học đầu tiên.

Phu huynh TP.HCM cho con hoc nau an anh 1

Chị Thúy Hằng đã chi hơn 4 triệu đồng cho con trai tham gia khóa học nấu ăn. Ảnh: NVCC.

“Học phí cho lớp nấu ăn này khoảng 400.000 đồng/buổi. Mỗi buổi, các con học làm một món ăn, loại bánh khác nhau. Bây giờ, khi thích ăn món bánh nào, con sẽ quan tâm đến việc học hỏi để tự tay tạo ra món ăn hơn là xin ba mẹ cho tiền mua chiếc bánh được làm sẵn. Theo tôi, bỏ ra số tiền này hoàn toàn hợp lý vì con có cơ hội trải nghiệm làm ra món ăn, còn có sản phẩm mang về khoe với các thành viên trong gia đình. Bé đã học được hơn 10 buổi rồi và vẫn rất thích thú”, chị Hằng chia sẻ.

Chị Hằng nhấn mạnh đối với việc nuôi dạy con trẻ thời hiện đại, ba mẹ hoàn toàn không ép buộc con làm điều gì theo ý mình mà đưa ra gợi ý để con lựa chọn rồi đồng hành cùng con. Đối với khóa học nấu ăn, bé Khang thật sự yêu thích và cố gắng. Là con trai, con không khéo léo, tỉ mỉ như phần lớn bạn nữ trong lớp. Đổi lại, con rất tâm huyết với các sản phẩm, có ý thức tuân thủ những lưu ý của giáo viên.

Cùng chung mối quan tâm, chị An Hồ (TP.HCM) cũng đăng ký cho cả 2 cô con gái 8 và 9 tuổi theo học lớp nấu ăn tại trung tâm Star Kitchen. Cứ đến mỗi buổi học, 3 mẹ con lại hào hứng cùng nhau đến lớp. Mẹ và con lên ý tưởng mới, tích cực thử nghiệm, sáng tạo, làm các món ăn truyền thống trở nên đặc biệt, thích mắt hơn.

“Cho con đi học nấu ăn không chỉ là trải nghiệm làm ra món ăn mà còn để con có thêm bạn bè, sự tương tác thực tế, biết làm việc nhóm, thay vì cứ chăm chú vào điện thoại, máy tính cả ngày. Theo tôi, kiến thức sách vở không thể nào bằng thực hành được. Các con vào bếp rồi sẽ biết để làm ra thức ăn hàng ngày con ăn đôi khi không đơn giản. Từ đó, con có ý thức tiết kiệm, ngăn nắp hơn và thêm quý trọng, biết ơn công sức của người làm ra món ăn cho mình”, chị An Hồ tâm sự.

Mong con có kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc bản thân

Những phụ huynh như chị An Hồ, chị Thúy Hằng quan niệm rằng con trẻ nên được trải nghiệm nhiều môn học, tự bản thân con sẽ tự tìm ra sở thích, thế mạnh của mình. Tuy nhiên, khi thời gian mùa hè có hạn, các phụ huynh quyết định chỉ cho con học nấu ăn cùng với tiếng Anh. Phần thời gian còn lại, ba mẹ cùng con cái có thể trò chuyện, lắng nghe nhau nhiều hơn.

Phu huynh TP.HCM cho con hoc nau an anh 2

Cha mẹ mong trẻ học cách tự phục vụ và chăm sóc người khác. Ảnh: NVCC.

Theo chị An Hồ, không chỉ là một cách để con trẻ thư giãn sau giờ học căng thẳng, việc cho con học nấu ăn từ sớm cũng là phương thức giáo dục trẻ về kỹ năng tự phục vụ và cách chăm sóc mọi người xung quanh.

Thế hệ nào cũng có những áp lực khác nhau, đối với các con, áp lực đến từ sự đầy đủ, tốc độ sống cùng kỳ vọng. Vừa lo con bị áp lực, vừa sợ con thiệt thòi, điều mà nhiều phụ huynh mong mỏi nhất khi cho con theo học nghề bếp chuyên nghiệp từ nhỏ vẫn là để con mình có thói quen ăn uống tốt hơn thay vì yêu thích đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe.

Thêm vào đó, con biết quý trọng công sức làm ra món ăn, biết phụ giúp ông bà, cha mẹ những công việc đơn giản, gỡ xuống cái mác “cậu ấm cô chiêu” mà nhiều người thường dùng khi nhắc đến những đứa trẻ được sinh ra giữa thời hiện đại.

Chị Thu Trang (TP.HCM) năm nay cũng cho cô con gái nhỏ Bảo Anh (học lớp 5) theo học khóa nấu ăn mùa hè được tổ chức tại trường học. Chị tin đây sẽ là nền móng cho kỹ năng và ý thức chăm sóc bản thân.

“Dù con còn nhỏ tuổi, tôi luôn hướng con đến sự tự lập. Nấu ăn là kỹ năng cơ bản nhưng rất quan trọng. Con theo học nấu ăn, thích thú với việc vào bếp cũng sẽ biết tự làm ra những món ăn đơn giản cho chính mình. Khi về nhà, con biết giúp đỡ mẹ trong việc bếp núc, ít nhất là rửa rau, cho thấy con phát triển ý thức từ khóa học. Về sau, con còn có thể tự mình chăm sóc cho ông bà, bố mẹ nữa”, chị Thu Trang nói.