Trẻ bị ho nên ăn gì?
Ngoài việc áp dụng các cách trị ho cho trẻ, mẹ nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trẻ bị ho nên ăn gì và kiêng gì là thắc mắc của rất nhiều bậc phụ huynh. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng và cần thiết để trẻ có thể “chiến đấu” với những cơn ho gây khó chịu. Vậy trẻ bị ho nên ăn gì?
1. Cách chọn thực phẩm cho bé
– Khi trẻ bị ho nên ăn những món có nhiều nước, dễ nuốt, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như: súp, cháo, sữa…
– Nên đảm bảo 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất béo, chất đạm và rau.
– Nên chọn những thực phẩm phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ.
- Ngoài việc áp dụng các cách trị ho cho trẻ, chế độ dinh dưỡng cũng hết sức quan trọng (ảnh sưu tầm)
– Có thể cho thêm một lượng tỏi, hành tây hoặc tía tô vào bữa ăn của trẻ vì đây là những thực phẩm có công dụng kháng viêm, tiêu diệt virus, là những kháng sinh trị ho, chữa viêm họng hiệu quả.
– Trẻ bị ho nên ăn những thực phẩm giàu vitamin A, kẽm và chất sắt như: thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi ngon, an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bé và cho cả gia đình. Đẩy lùi cơn ho bằng thực phẩm cũng là một cách trị ho cho trẻ.
2. Cách cho trẻ ăn
– Trước khi cho trẻ ăn, nên cho trẻ uống vài thìa nước nhỏ.
– Cho trẻ nằm sấp, vỗ về lưng trẻ để giảm bớt lượng đờm trong cổ trẻ trước khi cho trẻ ăn cũng là một cách mà bác sĩ khuyên cha mẹ nên áp dụng. Việc làm này có thể làm giảm tình trạng nôn trớ thức ăn, do trẻ sơ sinh bị ho.
– Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày.
3. Trẻ bị ho nên ăn gì?
3.1. Các món ăn được nấu loãng, dễ tiêu
Trẻ bị ho nhiều sẽ gây ra rát cổ, khó chịu, nuốt nước bọt đau. Chính vì vậy, cần cho trẻ ăn những loại thực phẩm mềm, mát, dễ nuốt như súp, cháo, sữa.
- Ăn các món dễ nuốt như cháo, soup cũng là một trong những cách trị ho cho trẻ (ảnh sưu tầm)
3.2. Các thực phẩm giàu vitamin A, kẽm, sắt
Nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ.
Có một kinh nghiệm dân gian được lưu truyền rằng khi trẻ bị ho thì nên kiêng thịt gà và tôm. Theo các bác sĩ thì việc kiêng khem đó là không cần thiết. PGTS TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi – Đại học Y Hà nội cho biết, việc kiêng tôm và thịt gà khi bị ho chỉ nên làm với những người có tiền sử dị ứng.
Trên thực tế, tôm và thịt gà là hai loại thực phẩm rất giàu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm và sắt. Những chất này có tác dụng bổ sung dưỡng chất cho cơ thể trong thời gian trẻ bị bệnh, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.
- Trong khi áp dụng các cách trị ho cho trẻ, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng (ảnh sưu tầm)
Chú ý khi chế biến thịt gà và tôm để tránh tình trạng ho của trẻ nặng thêm:
Tôm: Bóc hết lớp vỏ cứng và chỉ lưng, chỉ lấy phần thịt tôm chế biến món ăn cho trẻ.
Thịt gà: Bỏ da, bỏ xương, xé nhỏ.
Tôm và thịt gà nên được chế biến kỹ lưỡng và nấu thành những món ăn mềm, dễ nuốt.
Xem thêm
3.3. Gợi ý một số món ăn cho trẻ bị ho
Cách trị ho bằng món trứng vịt hấp lá hẹ đường phèn
- Cách trị ho bằng món trứng vịt hấp lá hẹ đường phèn (ảnh sưu tầm)
Nguyên liệu:
– Trứng vịt: 3 quả
– Lá hẹ: 10g
– Đường phèn
Cách làm
– Rửa sạch lá hẹ, thái nhỏ.
– Cho lá hẹ đã thái vào bát to cùng với đường phèn, đập trứng vào, đánh tan và khuấy đều, sau đó cho vào hấp cách thủy.
Cách dùng
– Ăn vào lúc đói 1 lần/ngày.
– Ăn từ 3 đến 5 ngày.
Trẻ bị ho thường lười ăn, không muốn ăn cơm. Trong trường hợp này, các món cháo chính là vị cứu tinh của các bậc cha mẹ. Vậy trẻ bị ho nên ăn cháo gì?
Cách trị ho bằng món cháo tía tô
- Cách trị ho bằng món cháo tía tô (ảnh sưu tầm)
Nguyên liệu
– Lá tía tô tươi
– Gừng tươi
– Đường phèn
– Gạo
Cách làm
– Vo sạch gạo và nấu cháo.
– Lá tí tô rửa sạch, thái nhỏ
– Gừng tươi giã nhỏ
– Cháo chín, cho tía tô, gừng, đường phèn vào khấu đều.
– Đợi cháo sôi lại rồi bắc xuống
Cách dùng
– Ăn lúc đói
– Ăn từ 3 tới 5 ngày
Không chỉ có tác dụng chữa ho, viêm họng cho trẻ, tía tô còn là một thảo dược trị rôm sảy cho bé rất hiệu quả.
Cách trị ho bằng món cháo tỏi
Đây là một món ăn rất tốt cho trẻ bị ho.
- Cách trị ho bằng món cháo tỏi (ảnh sưu tầm)
Nguyên liệu
– Gạo
– Tỏi
– Lá chanh
– Thịt lợn nạc
Cách làm
– Thịt lợn: rửa thật sạch, băm nhỏ, xào chín.
– Lá chanh, tỏi: rửa sạch, giã nhuyễn, lọc lấy nước.
– Vo sạch gạo. Cho gạo vào nước tỏi và lá chanh đã lọc được, nấu thành cháo.
– Cháo chín, cho thịt vào và đảo đều.
– Đợi cháo sôi lại lần nữa rồi tắt bếp.
Cách dùng
– Cho trẻ ăn vào buổi sáng, ăn lúc đói.
– Cho trẻ ăn khoảng 4-5 ngày.
4. Trẻ bị ho không nên ăn gì?
4.1. Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ
Thực phẩm chứa nhiều dầu, mỡ sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa. Ăn nhiều món ăn chứa dầu mỡ cũng làm sản sinh nhiều đờm, làm tình trạng ho ở trẻ trở nên trầm trọng.
- Trẻ bị ho không nên ăn các món nhiều dầu mỡ (ảnh sưu tầm)
4.2. Thực phẩm tanh
Cá, cua là những thực phẩm có vị tanh, có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ trở nặng, đặc biệt là đối với những trẻ có tiền sử dị ứng.
Khi bị bệnh, trẻ ăn cua, cá sẽ cảm thấy có vị tanh khiến trẻ dễ nôn trớ. Vì vậy, nên để trẻ khỏ bệnh mới cho trẻ ăn trở lại.
4.3. Thực phẩm nhiều đường
Những thực phẩm ngọt, chứa nhiều đường có thể khiến trẻ ho nhiều hơn vì theo Đông y, trẻ bị ho do phổi bị nhiệt. Ăn những thực phẩm nhiều đường dễ khiến cơ thể bốc hỏa, gây ho nhiều hơn.
4.4. Đậu phộng, chocolate
Nhóm thực phẩm này làm tăng lượng đờm, khiến trẻ ho nhiều và khó chịu trong cổ.
- Chocolate, đậu phộng có thể làm tăng lượng đờm trong cổ trẻ (ảnh sưu tầm)
4.5. Thức ăn, đồ uống lạnh
Sử dụng thức ăn, đồ uống lạnh là một trong những nguyên nhân gây ra ho hay viêm họng ở trẻ nhỏ. Những đồ ăn thức uống này có thể kích thích cổ họng khiến triệu chứng ho tăng lên. Trẻ em bị ho do dị ứng cũng không nên uống đồ uống có gas vì nó có thể gây ra những cơn ho kéo dài.
5. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị ho
- Cho trẻ nghỉ ngơi, giữ cơ thể thoáng mát khi trời nóng và đủ ấm khi trời lạnh.
- Xúc miệng nước muối ấm
- Cho trẻ uống nhiều nước giúp làm loãng đờm
- Ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu và chia làm nhiều bữa nhỏ hơn bình thường vì khi ho – trẻ dễ bị nôn trớ do họng bị kích thích bởi các chất tiết đọng lại, hoặc do trẻ chưa biết cách ho khạc đờm ra ngoài nên thường nuốt đờm.
- Nếu trẻ ho có đờm, cha mẹ nên vỗ rung vùng lưng giúp trẻ ho ra đàm dễ hơn
- Nhỏ thuốc sát khuẩn và làm thông mũi nếu có nghẹt mũi.
- Sử dụng một số vị thuốc/bài thuốc thảo dược dân gian có tác dụng làm dịu cơn ho.
- Không tự ý dùng kháng sinh mà phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa.
Cha mẹ nên đảm bảo môi trường xung quanh trẻ thoáng khí, sạch sẽ và tránh các tác nhân có hại cho đường hô hấp như khói thuốc lá, bụi bẩn,…để trẻ có một sức khỏe tốt hơn.
TS. Tạ Thu Thủy
Trưởng khoa Khám chữa bệnh tự nguyện Chất lượng cao
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương