Trẻ 9 tháng tuổi: Phát triển thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc

Trẻ 9 tháng tuổi là lúc bắt đầu trẻ có thể bò vững, lăn lộn và tự di chuyển để khám phá thế giới xung quanh mình. Thực tế, lúc này trẻ đã có thể phân biệt được người và vật ở khoảng cách xa, thậm chí chúng còn nghe thấy và cố gắng tìm hiểu các âm thanh tiếng động phát ra từ đâu. Vì thế, trẻ 9 tháng tuổi được coi là giai đoạn vàng phát triển thể chất, hình thành sự nhận thức, vận động và có cảm xúc.

1. Sự phát triển ở trẻ 9 tháng tuổi

Khi trẻ 9 tháng tuổi, chúng thường thích hoạt động, di chuyển để khám phá thế giới xung quanh ở bên ngoài. Trẻ có thể bò, trườn, lăn lộn, đứng dậy để với các đồ vật ở xung quanh mình. Lúc này trẻ có thể nhận biết được người và vật ở các khoảng cách xa, từ đó có động lực di chuyển để cầm nắm, nếu có tiếng động trẻ cũng sẽ cố tìm hiểu chúng phát từ đâu để hướng tới.

Hành vi này không đơn giản là một cột mốc trong sự phát triển kỹ năng vận động mà còn là biểu hiện chứng tỏ trẻ đang hiểu dần về khái niệm chiều sâu trong không gian (khi trẻ nhận ra những vật ở xa), về việc đưa ra quyết định (nên đi theo hướng nào) và thậm chí là về việc thiết lập, tập trung theo đuổi một mục tiêu (điều trẻ muốn và làm cách nào để đạt được).

Khi trẻ được 9 tháng tuổi chúng có thể giao tiếp thông qua các cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, âm thanh từ tiếng người nói. Trẻ có thể vận động, di chuyển trong giai đoạn này nhưng vẫn chưa thực sự linh hoạt. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì theo thời gian, hướng phát triển của trẻ ngày càng phân hóa riêng biệt và đôi khi trẻ tập trung vào một kỹ năng đặc biệt nào đó mà chưa quan tâm đến những kỹ năng khác.

Lúc này bạn hãy tin tưởng bản năng làm cha, làm mẹ của mình và cho con một chế độ dinh dưỡng thật tốt để con vừa có thể phát triển tinh thần, vừa phát triển thể chất theo đúng hướng.

Trẻ 9 tháng tuổi

2. Một số đặc điểm phát triển nổi bật ở trẻ 9 tháng tuổi

Thực tế có rất nhiều bậc cha mẹ thường băn khoăn không biết trẻ 9 tháng biết làm gì? Câu trả lời là tùy thuộc sự phát triển, vận động của mỗi trẻ. Tuy nhiên, hầu hết, em bé 9 tháng tuổi sẽ có sự phát triển vượt bậc về thể chất, sự vận động, nhận thức và cảm xúc.

2.1. Sự phát triển về trí não ở trẻ 9 tháng tuổi

Việc phát triển trí não nhanh chóng khiến trẻ nhớ lâu và cảm giác mọi đồ vật đều đã quen thuộc nên chúng thường tìm kiếm những niềm vui cũng như các trải nghiệm mới mẻ. Vì thế, đây chính là thời điểm quan trọng để cha mẹ có thể thử một vài món đồ chơi với chúng như tìm kiếm đồ vật, vẫy tay hay chơi ú òa. Lúc này, trẻ 9 tháng tuổi có thể kiên định hơn với việc tìm kiếm, thậm chí khóc đòi khi không nhìn thấy đồ vật đó. Khái niệm về “sự tồn tại của vật thể” đối với trẻ lúc này có nghĩa là ngay cả khi bạn ra khỏi tầm mắt, trẻ biết rằng bạn vẫn còn ở đó.

2.2. Sự phát triển về kỹ năng vận động của trẻ 9 tháng tuổi

Việc di chuyển như bò, lăn lộn,.. đòi hỏi sự tập trung lớn ở em bé 9 tháng tuổi. Mặc dù, có thể có thể trẻ chưa thể hoặc bỏ việc bò nhưng hầu hết trẻ đều đang nỗ lực hình thành sự vận động khác nhau, ví dụ như trườn, ngồi lê, tập đứng vịn tay vào tường, thành giường.

Lúc này các bậc cha mẹ có thể khuyến khích trẻ bằng cách cùng ngồi xuống sàn nhà và chơi trò đuổi bắt. Kỹ năng vận động tĩnh của trẻ cũng đang được cải thiện dần, cha mẹ có thể thấy trẻ nhặt được những đồ vật nhỏ dễ dàng hơn. Kỹ năng này có thể giúp trẻ tự ăn, tự cầm bình sữa, bình nước để hút mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ.

Trẻ học bò

2.3. Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi về kỹ năng giao tiếp

Ở giai đoạn trẻ 9 tháng tuổi, trẻ bắt đầu học cách giao tiếp với người thân bằng các cử chỉ, hành động như chỉ tay, chào, vỗ tay hoan hô. Nếu như ở các giai đoạn trước đây trẻ thường khóc khi thấy đói thì khi em bé 9 tháng tuổi trẻ có thể đòi “mom, mom” hoặc chỉ tay vào chiếc ghế ăn dặm để bày tỏ mong muốn của mình.

Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ bắt đầu học nói, bập bẹ những câu quen thuộc, do đó cha mẹ hãy bắt đầu dạy trẻ về kỹ năng giao tiếp bằng cách chỉ tên các đồ vật, con vật, màu sắc hoặc kể cho trẻ nghe về những hoạt động trong ngày của bạn. Những cuộc đối thoại tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có tác dụng rất lớn về kỹ năng giao tiếp cho trẻ.

Khi trẻ chú ý đến lời nói của bạn thì chúng sẽ học được cách nói chuyện luân phiên khi giao tiếp, tức là trẻ sẽ thử bập bẹ và dừng lại một chút để bạn trả lời rồi sau đó lại tiếp tục. Lúc này bạn cũng có thể nhận thấy trẻ có khả năng kết hợp các nguyên âm và phụ âm cũng như cố gắng bắt chước những từ nghe được khi bạn nói. Thực tế, những trẻ được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ cử chỉ sẽ học rất nhanh kỹ năng giao tiếp này.

Trẻ học nói

2.4. Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi về cảm xúc

Khi trẻ được 9 tháng tuổi, trẻ cũng phát triển mạnh về cảm xúc, trẻ có thể tỏ ra vui vẻ, cười khi thấy người bạn hoặc bố mẹ nhưng lúc này trẻ cũng đã bắt đầu phân biệt được người lạ mặt. Trẻ có thể tỏ ra lo lắng, sợ hãi khi không nhìn thấy bố mẹ, đây gọi là chứng sợ người lạ. Ví như như ông bà mới đến chơi hoặc các cô giúp việc, bảo mẫu, trẻ có thể òa khóc, không cho người lạ bế ẵm.

Điều này hoàn toàn bình thường và các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể dỗ dành bằng cách ôm lấy trẻ và để em bé 9 tháng tuổi chơi với người lạ để trẻ có thể quen dần và tiếp xúc với nhiều người hơn. Ngoài ra, trẻ cũng đã bắt đầu học được một số hành vi ở các trẻ lớn hơn như bắt tay, vẫy tay chào tạm biệt, tỏ vẻ không vui, không thích khi bị ai đó từ chối. Cha mẹ hãy ghi nhận và phản hồi lại những hình thức tương tác này để trẻ có thể phát triển hơn kĩ năng xã giao của mình.

Ngoài sự phát triển về thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc thì giai đoạn này trẻ còn phát triển về nhiều mặt. Lúc này các bậc cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi, cũng như tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ để tạo sức đề kháng tốt nhất. Đây cũng là giai đoạn trẻ bắt đầu mọc răng sữa, vì thế cha mẹ cần đặc biệt chú ý các giai đoạn phát triển của trẻ để có sự chuẩn bị và nuôi dạy con tốt nhất.

Lịch tiêm phòng vắc-xin 6in1 của trẻ

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.