Trẻ 13 tháng tuổi: Phát triển thể chất, nhận thức và cảm xúc – MarryBaby

Sự phát triển của trẻ 13 tháng tuổi

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của trẻ 13 tháng tuổi

Khi trẻ 13 tháng tuổi, sự phát triển của con yêu sẽ chậm lại. Bé sẽ tăng cân và lớn chậm hơn.

Trẻ 13 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ 13 tháng tuổi là:

  • Bé gái 13 tháng tuổi: cân nặng khoảng 9,2kg và chiều cao khoảng 75cm.
  • Bé trai 13 tháng tuổi: cân nặng khoảng 9,8kg và chiều cao khoảng 77cm.

Chắc chắn, mỗi trẻ 13 tháng tuổi sẽ có những sự phát triển khác nhau. Bản thân những số liệu trên cũng không hẳn là chính xác đối với mỗi bé. Mẹ chỉ cần thấy con tăng cân và phát triển lành mạnh theo chiều hướng tích cực là được.

Trong tháng này, con yêu sẽ cao hơn khoảng 1,27cm và tăng cân khoảng 0,25kg. Nếu thấy lo lắng về sự phát triển của trẻ 13 tháng tuổi, mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa. Nếu con phát triển tốt, mẹ hãy đợi bé được 15 tháng thì đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra cân nặng và chiều cao của con.

2. Các cột mốc phát triển quan trọng của trẻ 13 tháng tuổi

các cột mốc phát triển của trẻ 13 tháng tuổi

Trẻ 13 tháng tuổi biết làm gì? Tìm hiểu một số mốc quan trọng của trẻ 13 tháng tuổi dưới đây, mẹ sẽ có câu trả lời.

Khả năng nói của trẻ 13 tháng tuổi

Trẻ 13 tháng tuổi biết nói không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, bé chỉ mới bập bẹ mà chưa nói tròn được những từ cụ thể. Thông thường, con sẽ nói được khoảng 1-3 từ vựng đơn giản như “ha” thay vì “hoa”, “bống” thay vì “quả bóng” hoặc có thể nói “ba”, “mama”,… Có một số bé 13 tháng tuổi vẫn tiếp tục “ê a” những câu nói vô nghĩa, chưa rõ ràng hay chưa thể nói được những từ lái lái như trên nhưng không sao cả. Điều quan trọng là người lớn hãy kiên nhẫn và luôn vui vẻ khi lắng nghe con nói nhé.

Bé 13 tháng tuổi giao tiếp tốt hơn. Mẹ sẽ thấy bé tìm cách để nói rõ ý kiến ​​của mình thay vì khóc khi mẹ không hiểu ý con. Ví dụ, bé muốn lấy cái thìa ở trên cao như quầy bếp sẽ chỉ vào đó với mong muốn mẹ lấy giúp mình.

>> Mẹ có thể tìm hiểu thêm: Những cách dạy trẻ học nói sớm đơn giản nhưng hiệu quả bất ngờ!

Trẻ 13 tháng tuổi chập chững những bước đi: Hầu hết trẻ mới biết đi có thể tự đứng lên và bám vào những đồ vật xung quanh để di chuyển. Khoảng 50% số trẻ có thể tự mình thực hiện một vài bước đi loạng choạng.

Nếu con chưa biết đi mẹ cũng đừng quá lo lắng vì có một số trẻ khỏe mạnh phải đến tận 18 tháng mới có thể đi được.

Sự phát triển cảm xúc của trẻ 13 tháng tuổi

Trẻ 13 tháng tuổi biết làm gì? Bé ở độ tuổi này đã hiểu biết về cảm xúc và tình cảm hơn trước. Dưới đây là một số biểu hiện tình cảm bé có được khi 13 tháng tuổi:

  • Bé bám víu ba mẹ nhiều hơn và cảm thấy lo lắng khi ba mẹ không ở bên cạnh.
  • Đôi khi, bé muốn dành một chút thời gian để chơi một mình.
  • Bé dễ la toáng hoặc khóc hay tức giận nếu cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng.
  • Bé có thể cười khúc khích nếu cảm thấy hứng thú với điều gì đó.
  • Bé tỏ ra cảnh giác với những người lạ hơn.

3. Các vấn đề thường gặp ở trẻ 13 tháng tuổi

Trẻ 13 tháng tuổi chưa mọc răng có sao không?

Theo bác sĩ nha khoa, việc mọc răng chậm ở trẻ không gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Không ít em bé mọc chiếc răng đầu tiên khi 10 đến 12 tháng tuổi mới mọc răng.

Tuy nhiên, nếu bé từ 13 tháng trở lên mà chưa xuất hiện chiếc răng sữa nào thì khi này con đã bị chậm mọc răng.

Thông thường, với trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu canxi cũng có thể sẽ chậm mọc răng hơn so với những đứa trẻ phát triển bình thường khác. Vì vậy, nếu bé 13 tháng chưa có răng trong kèm theo hiện tượng suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi ba mẹ cũng cần đưa bé đi khám chuyên khoa dinh dưỡng.

Trẻ 13 tháng tuổi khóc đêm: Mẹ cần làm gì?

Những trẻ 13 tháng tuổi khóc đêm bất thường và có đi kèm với một số những biểu hiện như: Khi ngủ em bé thường giật mình, ngủ ngáy, hoảng sợ và hay khóc thét,… có thể là hiện tượng sinh lý. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên và kéo dài thì có thể ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ. Cha mẹ cần nghĩ ngay đến vấn đề em bé khóc do bệnh lý.

Trẻ khóc đêm bất thường, có thể thức dậy giữa đêm, la hét hay giật mình khi ngủ là do hệ thống thần kinh của em bé đang phát triển và chưa hoàn thiện, khả năng ức chế còn kém. Do đó, nếu ban ngày em bé có những hoạt động quá sức, điều đó làm cho não bộ trẻ vẫn còn đang trong trạng thái hưng phấn làm cho trẻ quấy khóc khi đang ngủ. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên giật mình khi đang ngủ cũng có thể là biểu hiện của một loạt bất thường về cấu trúc hay chức năng của não bộ. Vì vậy, mẹ cần đưa em bé đến cơ sở y tế khám để có nhiều thông tin cũng như các xét nghiệm cần thiết để bác sĩ chẩn đoán chính xác.