Trẻ 12 tháng tuổi: Phát triển thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm – Bác sĩ Nhi khoa – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sắp sửa chào đón sinh nhật tròn 1 tuổi của trẻ, trong khi một năm trước trẻ vẫn còn nằm trong vòng tay bạn, thật tuyệt vời khi đến thời điểm này, trẻ đã có thể làm được nhiều thứ dường như không tưởng. Những cột mốc quan trọng của trẻ ở độ tuổi này ngày càng dài dù tại thời điểm này trẻ đã biết đi và biết nói. Để khuyến khích sự tăng trưởng của trẻ, hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ phát triển theo một chiều hướng khác nhau và bạn hãy làm tất cả mọi thứ có thể. Trẻ sẽ sớm đạt được những cột mốc ấy khi trẻ sẵn sàng, việc bạn cần làm chính là cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ và luôn bên cạnh trẻ mỗi lần trẻ vấp ngã.

1. Phát triển thể chất ở trẻ 12 tháng tuổi

Trẻ 12 tháng tuổi có thể tự ngồi, tụ bám để đứng dậy, hoặc có thể tự bước đi khi đang cầm nắm một đồ vật khác. Trẻ có thể cầm hai đồ vật rồi gõ vào nhau, tự bốc đồ ăn và dùng cốc uống nước.

Khi bạn nhìn lại những bức ảnh mới sinh của trẻ, thật đáng kinh ngạc khi thấy được sự phát triển của trẻ tại thời điểm này. Từ biểu đồ tăng trưởng của trẻ, bạn sẽ thấy mức tăng cân nhanh nhất của trẻ là khoảng từ 6 đến 9 tháng tuổi và sẽ chậm lại khi trẻ càng lớn và ngày càng vận động nhiều hơn. Sự tăng trưởng của mỗi trẻ sẽ có sự khác nhau, thậm chí là anh chị em, vì vậy bố mẹ không nên có bất cứ sự so sánh nào giữa các trẻ, thường con trai có xu hướng nặng cân và cao hơn con gái một chút. Ở độ tuổi này trẻ đã có khả năng sử dụng ngón tay cái và ngón tay trỏ để cặp đồ vật một cách chính xác.

Trẻ 12 tháng tuổi cảm thấy hứng thú khi được kiểm soát các cử động của chính mình. Trẻ có thể tự di chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi một cách dễ dàng, có thể ngồi mà không cần hỗ trợ nếu trẻ muốn, tự đứng lên và cẩn thận ngồi xuống. Dù bằng cách nào đó, bạn luôn cần dành thời gian để hướng sự quan sát của mình tới trẻ bởi ở giai đoạn này, trẻ rất hiếu động. Một số trẻ thậm chí còn tự đi mà không cần phải hỗ trợ.

Trẻ 12 tháng tuổi đã có thể phối hợp một số hoạt động, chẳng hạn như trẻ có thể với lấy một thứ gì đó, trong khi tay kia đang cầm nắm một vật khác.

Trẻ đã không còn luôn chờ đợi để được ẵm bồng suốt trong vòng tay bạn, bé bây giờ đã có thể tự di chuyển và bạn chỉ cần ôm ấp khi bé muốn. Có đôi lúc trẻ còn trở nên phát cáu khi bạn giúp trẻ, do đó hãy để trẻ được tự làm mình.

Ở giai đoạn này, trẻ đã biết cách thử phản ứng của cha mẹ, chẳng hạn như thôi không làm việc gì khi cha mẹ nói không, lắc đầu khi trẻ không ăn. Khả năng vận động của trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu như được cha mẹ giữ một tay, trẻ có thể bước đi được nhiều hơn.

Trẻ thích thú khi ném và xô ngã mọi thứ, thích chơi với những chiếc bình và xoong nồi bằng cách đặt cái nhỏ vào cái lớn, thích làm mọi người giật mình khi trẻ dùng các đồ vật rồi đập vào nhau tạo ra tiếng động lớn.

Trẻ có cảm giác mới mẻ và hứng thú về sự kiểm soát và khả năng khi trẻ có thể tự di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Đây chính là lần trải nghiệm đầu tiên về cảm giác thực sự độc lập về thể chất.

Sự phát triển thần kinh, vận động bình thường ở trẻ em 1-12 tháng tuổi

2. Phát triển cảm xúc ở trẻ 12 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ có thể hiểu những gì bạn nói và bắt chước những hành động đơn giản của bạn như vỗ tay, nhặt gấu bông, vẫy tay tạm biệt hay xin chào. Thậm chí một số trẻ tập nói sớm đã thành thạo một vài từ riêng.

Hãy cho trẻ nghe nhạc thường xuyên, trẻ 12 tháng tuổi sẽ nhận ra các bài hát quen thuộc, nhảy theo nhip điệu và cảm thấy hứng thú khi được nghe những giai điệu này.

Thông qua điệu bộ và cử chỉ, trẻ có thể diễn đạt nhu cầu của mình cho người khác thấy. Trẻ có thể khóc hoặc căng thẳng khi thấy bố mẹ đi ra chỗ khác hoặc có nhiều người lạ vây quanh trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ thích được bố mẹ chăm sóc hơn những người khác. Vì vậy, đừng nghĩ rằng con còn quá nhỏ để phân biệt người với người, bởi lúc này trẻ đã có khả năng biết thích người này, vật này qua biểu hiện của nét mặt hoặc tiếng khóc.

Nếu bạn dạy bé thường xuyên, một số trường hợp đã có thể chỉ ngón tay vào tai của mình khi bạn hỏi tai ở đâu. Bạn có thể dạy con cách cư xử do sự hiểu biết của trẻ ngày càng tốt hơn nhiều, chẳng hạn nói “con xin” hay vẫy tay chào tạm biệt. Sau khi chơi xong, bạn cũng có thể thuyết phục trẻ cùng dọn dẹp.

3. Trẻ 12 tháng tuổi ăn và ngủ như thế nào?

Thông thường, trẻ 12 tháng tuổi sẽ cần khoảng 14 tiếng rưỡi để ngủ mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ ngắn (20 đến 30 phút) và một giấc ngủ trưa dài hơn (2 đến 3 giờ).

Nên sử dụng chăn hoặc áo ngủ cho trẻ khi ở độ tuổi này, nhằm giúp cho việc tự do di chuyển trong cũi nhiều hơn.

Việc chuẩn bị bữa ăn cho trẻ bây giờ cũng trở nên đơn giản hơn vì em bé của bạn có thể ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như các thành viên khác trong gia đình – chỉ khác là khẩu phần nhỏ hơn. Trẻ đã đủ tuổi để dùng mật ong, trứng trong chế độ ăn uống. Ngoài ba bữa ăn chính mỗi ngày, bạn nên cho trẻ ăn thêm các bữa phụ với các loại trái cây, rau củ, bánh mì nướng nguyên hạt hoặc sữa chua nguyên chất.

Chỉ nên cho trẻ uống tối đa 400ml sữa mỗi ngày, bao gồm đồ uống và bất kỳ loại sữa nào có trong ngũ cốc ăn sáng. Đây có thể là sữa mẹ hoặc sữa bò có đầy đủ chất béo.

Tiếp tục bổ sung các loại vitamin hàng ngày cho trẻ như vitamin A, vitamin Cvitamin D.

Nếu trẻ đang bú mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú. Từ 12 tháng tuổi, có thể dừng cho trẻ uống sữa bột và chuyển sang loại sữa nguyên kem. Cho trẻ uống từ 2 đến 3 cốc mỗi ngày.

Bạn nên khuyến khích trẻ uống nước lọc và hạn chế dùng các loại hoa quả chứa quá nhiều vitamin C.

Khuyến khích trẻ ăn rau quả và áp dụng thực đơn cân bằng cho trẻ. Không nên cho trẻ ăn những thức ăn có hàm lượng đường, muối và mỡ cao. Để trẻ không bị nghẹn, hãy cắt đồ ăn thành từng miếng nhỏ.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ

4. Những hoạt động khuyến khích sự phát triển của trẻ

Bạn có thể khuyến khích trẻ phát triển thông qua một số hoạt động, chẳng hạn như:

  • Đọc sách cùng trẻ mỗi ngày và khuyến khích trẻ chỉ vào một vật khi bạn đọc tới vật đó
  • Lựa chọn nhiều quyển sách với hình vẽ, màu sắc nổi bật
  • Cho bé nghe các bài hát có nhịp điệu và khuyến khích trẻ bắt chước
  • Bạn cần gọi tên các đồ vật chính xác và nhất quán để bé bắt chước và học theo
  • Ở giai đoạn này trẻ vẫn chưa sẵn sàng để tập sử dụng bồn cầu vì vậy hãy kiên nhẫn chờ đợi đến khi trẻ được 18 tới 24 tháng
  • Trẻ vẫn còn giấc ngủ ngắn, do đó, bạn nên tập cho bé có giấc ngủ dài và ngắn đúng giờ. Ba mẹ nên khuyến khích trẻ sử dụng giường riêng
  • Nên dành khoảng thời gian riêng chỉ có bạn với bé
  • Trẻ 12 tháng tuổi vẫn còn hạn chế về khả năng để hiểu thứ tự sự vật/ sự việc/ thời gian, vì vậy bạn nên kiên nhẫn với trẻ
  • Ở giai đoạn này, trẻ cần chơi các trò chơi hoạt động nhiều và cần tương tác với người khác do đó cần giảm thời gian xem tivi của trẻ xuống chỉ còn một tiếng mỗi ngày
  • Để tăng giao tiếp cho trẻ trong bữa ăn, nên cho bé ngồi ở ghế cao ngang bàn
  • Không ép trẻ ăn khi trẻ không muốn
  • Nhằm tránh bị dị vật đường thở do hít sặc khi nuốt, tránh cho bé ăn các loại hạt cứng, kẹo cứng, kẹo cao su
  • Bạn nên khuyến khích trẻ sử dụng thìa và bát đĩa riêng
  • Luyện tập cho trẻ đánh răng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ

Trẻ 12 tháng tuổi rất hiếu động và thích di chuyển mọi ngóc ngách trong nhà, vì vậy, khi chăm sóc trẻ cần lưu ý:

  • Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cần ý thức rõ và thảo luận với người trông trẻ về những vật dụng có thể gây nguy hiểm, chẳng hạn như ổ cắm điện, tay nắm cửa…
  • Tránh xa trẻ khỏi những dây lòng thòng như dậy rèm cửa, dây điện…
  • Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và không để các loại đồ uống hay hóa chất gần trẻ
  • Nếu nhà bạn có bể bơi riêng, cần có rào chắn cẩn thận
  • Cần đảm bảo đồ chơi của bé lớn hơn miệng bé nhằm tránh bé bị tắc nghẽn
  • Cần đảm bảo những đồ chơi của bé được là từ vật liệu an toàn
  • Các đồ chơi của bé cần được kiểm tra toàn bộ để tránh các cạnh sắc cũng như các phần có thể bị rời ra nhằm phòng ngừa tình huống bé có thể nuốt phải
  • Cần cho trẻ ngồi chắc chắn trên ghế an toàn ở giữa hàng ghế sau và không được cho trẻ ngồi hàng ghế trước khi bạn lái xe hơi riêng. Luôn nhớ cài dây an toàn cho trẻ.
  • Các lọ thuốc cần được đậy nắp kín và để xa tầm tay trẻ. Bình chữa cháy trong nhà cần được khóa cẩn thận để trẻ không thể mở. Tránh xa các loại hóa chất khỏi tầm tay của trẻ
  • Các vật dụng gia đình như dao kéo, phích nước nóng hoặc các vật nặng phải để xa tầm tay trẻ
  • Trẻ cần được theo sát bất kể mọi nơi, mọi lúc
  • Để trẻ không bị ngã ra ngoài, cần đảm bảo cửa đã được đóng
  • Sử dụng kính râm cho trẻ khi trẻ ra ngoài để tránh hai loại tia cực tím A và B
  • Nếu trẻ bị cháy nắng khi còn bé, điều này sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng về sau. Do đó, vào những lúc nắng nhất trong ngày, nên tránh đưa trẻ ra nắng.

Mỗi đứa trẻ sẽ có hướng phát triển theo các cách riêng của chúng, vì vậy chúng ta không thể dự đoán chính xác thời gian và cách thức trẻ hoàn thiện toàn bộ các kĩ năng. Những cột mốc trên đây giúp cung cấp những thông tin cần thiết nhằm theo dõi sự phát triển của con mình và nếu con mình có phát triển quá chậm hay quá nhanh so với trẻ cùng tuổi thì bố mẹ cũng không có gì quá lo lắng hay hoảng hốt. Bố mẹ nên thông báo cho bác sĩ chuyên khoa nếu nhận thấy con mình có chút bất thường so với độ tuổi và những dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ không biết bò
  • Dù có bố mẹ hỗ trợ những trẻ cũng không thể đứng
  • Không thể nói những từ đơn như mẹ, ba
  • Không học cách sử dụng các cử chỉ như vẫy tay, lắc đầu
  • Trẻ không chỉ trỏ vào các đồ vật hay hình ảnh của đồ vật

Trẻ tập đi

Giai đoạn trẻ 12 tháng tuổi có những phát triển quan trọng trong cuộc đời. Cha mẹ nên nắm được những cột mốc để đồng hành và giúp con phát triển tốt. Nếu nhận thấy các dấu hiệu khác thường của con, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám.

Trẻ 12 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein… Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,… Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,… giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.