Trầu cau trong đời sống văn hóa dân tộc

 

 

 

 

 

Ngày nay, qua nhiều sách vở và các tài liệu khảo cổ, người ta được biết trầu cau là hai loại cây đã xuất hiện rất lâu đời ở các vùng Trung Ấn, Ðông Nam Á và ở một số quần đảo trên Thái Bình Dương; như trong di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Hòa Bình, hạt cau đã được tìm thấy trên dưới một vạn năm (1). Tại các nơi đây đã có nhiều dân tộc có tục ăn trầu như các dân tộc thiểu số xưa ở miền nam nước Trung Hoa (kể từ lưu vực sông Dương tử trở xuống), tức người Trung Hoa miền nam ngày nay, các dân tộc Thái Lan, Miến Ðiện, các dân tộc Việt-Mên-Lào, kể cả các dân tộc thiểu số như người Thái, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thượng… trên bán đảo Ðông Dương, cùng các dân tộc trên quần đảo Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân; và ở Ấn Ịộ cũng có nhiều nơi dân chúng có tục ăn trầu

Có lẽ người xưa, do kinh nghiệm mà có, đã biết sử dụng vôi, trầu, cau, cũng như các loại lá, rễ, quả của nhiều thứ cây khác tìm được để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa hay trị bệnh. Quả thực, ăn trầu đã giúp cho cơ thể được ấm nóng chống lạnh, chống sơn lam thủy khí; ăn trầu lại sạch miệng, răng lợi và xương cốt được bồi dưỡng, vững mạnh.

Sự tích trầu cau – Ý nghĩa.

Riêng tại xứ ta, tục ăn trầu tất nhiên đã có rất sớm, ngay tục dùng trầu cau làm sính lễ cưới hỏi thay muối (vì người xưa cho muối là quí nhất) có thể cũng có đã lâu, nhưng chưa biết bắt đầu từ thời điểm nào. Phải đợi đến cuối thế kỷ thứ XV, sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp ra đời, nó mới được ghi chép lại thành một truyện tích rõ ràng, có một nguồn gốc mang nhiều ý nghĩa thâm thúy.

Theo tài liệu của Bùi Văn Nguyên, dịch giả cuốn Tân Ðính Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh, thì Trần Thế Pháp trong bài đề tựa sách của mình, có cho biết, chính ông là người đã sưu tập được cuốn Lĩnh Nam Chích Quái Lục, bản gốc, của một tác giả khuyến danh, có lẽ khởi thảo vào đời Trần. Sách chép những chuyện huyền hoặc, quái dị trong nước từ xưa đến nay, căn cứ vào lời kể của dân gian và chỉ được phổ biến trong từng địa phương.

Ðược sách, họ Trần bèn nghiên cứu cho sáng tỏ đầu đuôi sự việc rồi chép lại, có sắp xếp và chỉnh lý về nội dung một số truyện.

Sau đó, tác giả Vũ Quỳnh rồi Kiền Phú (đời hậu Lê) cũng dựa vào bản gốc để viết lại L.N.C.Q. theo sự sắp đặt riêng của mình. Đặc biệt trong cuốn Tân Ịính L.N.C.Q., Vũ Quỳnh đã bổ xung nhiều chi tiết, thêm nhiều truyện mới và viết bằng một hình thức mới mẻ, hấp dẫn hơn.

Sự tích Trầu Cau trong L.N.C.Q. đã có nội dung như thế nào?

Vào thời xa xưa, có hai anh em nhà họ Cao, một người tên Tân, một người tên Lang (tân lang có nghĩa là cây cau) rất mực thương yêu nhau. Khi cha mẹ qua đời, hai anh em đến trọ học nhà ông thầy họ Lưu.

Thấy Tân và Lang vừa học giỏi, vừa đẹp người đẹp nết, ông thầy yêu quí như con. Cô con gái của thầy cũng đem lòng quyến luyến, muốn chọn người anh làm chồng.

Hai anh em Tân và Lang sát tuổi nhau, dung mạo lại giống nhau như khuôn đúc, cô gái không sao đoán được ai là anh, ai là em. Nhân dịp biếu cháo, cô cố ý chỉ đưa tới một bát cháo với một đôi đũa rồi rình xem, thấy Lang cung kính mời Tân ăn trước cô mới biết Tân là anh, và xin cha được gá nghĩa cùng chàng.

Vợ chồng Tân và Xuân Phù (tên cô gái, xuân phù có nghĩa là trầu không mùa xuân) sống rất hạnh phúc. Hai anh em Tân và Lang vẫn ở bên nhau, nhưng Lang nhận thấy từ ngày anh có vợ, tình anh đối với mình không còn quyến luyến như xưa, trong khi ấy người anh vô tình không hề hay biết. Ðã thế lại xẩy ra chuyện hiểu lầm. Một hôm hai anh em đi làm đồng về muộn, Lang về trước, nàng Lưu tưởng chồng, chạy ra vồn vã âu yếm. Lang vội lên tiếng, cả hai đều biết là nhầm nên rất ngượng. Tân về,biết chuyện để dạ nghi ngờ, từ đó tỏ ra lạnh nhạt với em hơn.

Lang buồn tủi âm thầm bỏ nhà ra đi. Chàng lang thang trong rừng cho tới khi kiệt sức, chết đi hóa thân thành cây cau bên bờ suối vắng.

Thấy em không về, Tân ân hận, xót xa. Chàng lặng lẽ lên đường tìm em. Tân cũng đã tới bờ suối nọ, ngồi bên cây cau than khóc. Khi thân xác rũ liệt, chàng chết hóa thân thành tảng đá vôi, nằm sát bên gốc cau.

Nàng Lưu chờ chồng mãi chẳng thấy trở về, quá nhớ thương nên lại đi tìm. Một chiều kia nàng cũng tới được bờ suối định mệnh. Nàng ngồi trên tảng đá khóc miết… đến khi hồn lìa khỏi xác thì hóa thân thành cây trầu không, leo bám trên thân đá.

Gia đình họ Lưu đi tìm con, được biết chuyện bèn lập miếu thờ. Người đương thời rất cảm kích trước tình anh em khắng khít, tình vợ chồng thắm thiết, thủy chung của anh em vợ chồng họ Cao nên thường đến đốt nhang, chiêm bái, cầu cúng (3).

Một hôm vua Hùng thứ tư nhân dịp tuần du qua đấy, thấy có miếu thờ, lại được dân sở tại kể cho nghe câu chuyện thương tâm kia thì vô cùng cảm động. Ngài bảo lấy trầu cau ăn thử mới khám phá ra một mùi vị thơm cay, nồng ấm, và khi nhổ nước cốt trầu xuống tảng đá vôi lại thấy hiện ra sắc đỏ tươi như máu, nhà vua cho là quý bèn truyền lấy giống về trồng, xa gần bắt chước làm theo. Ngài còn xuống lệnh cho thần dân từ nay sẽ nhất thiết dùng trầu cau trong các dịp cưới hỏi, và trong các buổi hội họp lớn, nhỏ. Tục ăn trầu ở nước ta có từ đó.

Sau khi đọc sự tích Trầu Cau trong Lĩnh Nam Chích Quái, ta nhận thấy, truyện được ghi chép lại không những có kết cấu chặt chẽ, lại phối hợp được cả hai yếu tố hiện thực lẫn huyền hoặc một cách khéo léo. Như thế , các tác giả của nó đã khiến một câu chuyện truyền khẩu vụn vặt, còn mờ nhạt trong dân gian trở thành một truyện cổ tích có đầu đuôi, vừa lý thú hấp dẫn, vừa hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy.
Quả vậy, ở giai đoạn đầu, truyền có tính hiện thực với dấu vết thời đại, với những tên tuổi rõ ràng, có ý nghĩa, với những tình tiết hợp tình, hợp lý, tự nhiên. Ở giai đoạn cuối, truyện trở nên huyền hoặc: hai anh em họ Cao và vợ người anh vì không hiểu nhau nên đã tự chia lìa. Chỉ đến khi cả ba người cùng chết đi và chết bên nhau, người em hóa cây cau, người anh hóa phiến đá vôi và vợ người anh hóa cây trầu không, họ mới có được sự cảm thông hoàn toàn; từ nay họ sẽ mãi mãi gắn bó bên nhau và kết hợp thành một qua miếng trầu tình nghĩa. Ở đó, một dòng nước đỏ tươi như máu được tiết ra, tượng trưng cho tình gia đình muôn đời thiêng liêng, bền chặt.

Trần Thế Pháp, cũng như các tác giả đời Lê khác, khi viết lại sự tích Trầu Cau nói riêng, dàn dựng lại những huyền thoại dân gian trong Lĩnh Nam Chích Quái nói chung, hiển nhiên đã có hậu ý đề cao những giá trị cũ của dân tộc, với mục đích phổ biến để giáo dục con em theo tinh thần 24 điều dụ của vua Lê Thánh Tông (4). Có lẽ bắt đầu từ đấy (cuối thế kỷ XV) các truyện cổ tích, thần thoại nói chung, truyện Trầu Cau nói riêng mới được truyền bá rộng rãi trong toàn quốc. Riêng trong sự tích Trầu Cau, ta thấy các tác giả muốn giải thích cho mọi người hiểu rằng, dân tộc ta đã có một đời sống văn hóa khá cao ngay từ thuở xa xưa, từ thời Hùng Vương kia (theo Ðại Việt Sử Lược, vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Tây lịch) (5). Ngay từ thuở đó xã hội Việt Nam đã có truyền thống lấy gia đình làm gốc, anh em biết thương quý nhau, trên kính dưới nhường; vợ chồng lấy nhau vì tình vì nghĩa, và người đàn bà đã biết trọn niềm chung thủy son sắt với chồng… Không phải đợi đến khi người Trung Hoa sang đô hộ nước ta, giáo hóa ta, dân ta mới biết thế nào là hiếu đễ, thế nào là tiết nghĩa.

và cũng vì sự tích Trầu Cau có ý nghĩa sâu sắc như thế nên tục ăn trầu của dân ta đã được thăng hoa, trở thành một mỹ tục mang tính chất đặc thù của một nền văn minh cổ Ðông Nam Á. Mỹ tục ăn trầu này đã gắn liền với những sinh hoạt văn hóa, từ đời sống vật chất hằng ngày đến đời sống tinh thần của dân ta trước kia như thế nào?

Ðể tìm hiểu, chúng ta tất phải dựa một phần lớn vào những tài liệu có từ ngàn xưa, đó chính là loại văn chương bình dân truyền khẩu của dân tộc: thành ngữ, tục ngữ, ca dao và dân ca vậy.

1. Trầu cau nơi quê hương
Chúng ta đều biết, xưa kia trầu cau là hai loại cây được trồng khắp nơi trên quê hương đất nước để lấy lá, lấy trái dùng hằng ngày. Từ vua quan cho chí thứ dân, từ đàn ông cho chí đàn bà, ai ai cũng thích nhai trầu; nhiều người còn nghiện là đằng khác, nhất là các bà già bình dân, nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, do đó mới có khẩu ngữ “bà già trầu”.

Ðặc biệt cây cau chẳng những được dân gian quí hóa bảo nhau trồng ở sân trước nhà – chuối sau cau trước – mà ngay ở Hoàng thành, vào đời Minh Mạng (1820 – 1840), cây cau còn được chọn khắc trên đỉnh đồng, có tên Anh Ðỉnh, đỉnh thứ tư trong cửu đỉnh, được đặt trước sân Thế Miếu.

Với chúng ta, hình ảnh những hàng cau thẳng tắp, cao vút (nhiều khi cao hơn 10 mét), có lá mọc thành chùm ở ngọn cây, thân lá xẻ hình lông chim, lung linh trong nắng sớm, đong đưa trước gió chiều hay in hình trên nền trời xanh thẳm vào những đêm trăng sáng; cùng hình ảnh những giàn trầu không xanh rờn với những chiếc lá to bằng bàn tay, có hình trái tim duyên dáng nơi góc vườn của nội, của ngoại… đều là những hình ảnh thân quen đã in sâu vào ký ức của nhiều người. Ngày nay chúng đã trở thành những hình ảnh biểu tượng cho quê hương trong nỗi nhớ, niềm thương của bầy con xa xứ.

Hoa cau thì mọc thành một chùm lớn, phân nhánh, có mo bọc ngoài. Khi hoa kết trái thì buồng cau nở lớn, mo cau khô, rụng xuống. Câu ca dao sau đây đã mô tả hình ảnh và giới thiệu thời gian cau đơm hoa kết trái một cách thật lý thú:

Ðầu rồng đuôi phượng te te 
Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con.

Riêng loại cau liên phòng, còn gọi là cau tứ quí thì ra trái cả bốn mùa. Khi được mùa, mỗi buồng cau có đến trên trăm trái, hình bầu bầu và lớn bằng quả trứng gà.

Trầu cau không chỉ được trồng để nhà dùng mà nhiều khi còn là nguồn sống của gia đình và lập nên cửa nên nhà:

Anh về cuốc đất trồng cau, 
Cho em vun ké dây trầu một bên. 
Chừng nào trầu nọ bén lên, 
Cau kia sai trái lập nên cửa nhà.

Chả thế, gia đình nào có cả vườn trồng cau sinh lợi đều được kể là một trong những nhà giầu có nơi thôn dã:

– Nhà ngói, cây mít 
– Ruộng sâu, trâu nái 
hay
Vườn cau, ao cá.

Ở nước ta, từ Bắc chí Nam đều có nhiều vùng nổi tiếng trồng trầu cau và sản xuất được nhiều trầu cau ngon, gửi bán đi các nơi hoặc để xuất cảng.

Theo tài liệu của Ðỗ Tất Lợi, trước đây (1930) diện tích trồng cau ở ngoài Bắc ước chừng 2.500 hectare, chủ yếu là các vùng Hải Dương, Kiến An, Quảng Ninh, Nam Ðịnh và Thái Bình. Ca dao cũng có câu:

Ðồn rằng kẻ Trọng lắm cau, 
Kẻ Cát lắm lúa, kẻ Mau lắm tiền.

Ở miền Trung, diện tích trồng cau khoảng 1.400 hectare. Đặc biệt trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ đã được ca dao vùng Huế Ợ Thừa Thiên ca tụng hết lời:

Trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ 
Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon. 
Hạt thơm mà xác lại giòn, 
Được tiếng khen là phải, dậy tiếng đồn không sai.

Chợ Dinh Nam Phổ là hai đại xã nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Hương, thuộc ngoại biên thành phố Huế.

Trong Nam, cau được trồng nhiều ở Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, nhưng có tiếng hơn cả là trầu cau Bà Ðiểm – Hóc Môn. Bà Ðiểm – Hóc Môn, một miệt vườn ngoại thành Sài Gòn , có biệt danh là Mười Tám Thôn Vườn Trầu, chả vì cả mười tám thôn làng nơi đây dân chúng đều trồng trầu làm nghề chính. Trầu trồng từ vườn nhà này tiếp nối vườn nhà kia, tạo thành một vùng trầu xanh tươi bát ngát. Hiện nay, một phần do chiến tranh tàn phá, một phần do giới trẻ bỏ hẳn tục ăn trầu nên diện tích trồng trọt tất đã giảm nhiều.