Trầu cau trong đời sống của người Ca Dong
Trầu cau trong đời sống của người Ca Dong
Xã Đăk Nên được mệnh danh là xứ sở của cây cau tại huyện Kon Plông. Ở đây, cây cau phát triển tươi tốt, trải từ vườn nhà ra đồi núi và nhìn đâu cũng thấy cau. Việc ăn trầu cau trở thành tập quán và là một nét đẹp trong văn hóa của người Ca Dong.
Không biết tự bao giờ, cây cau dường như đã hòa quyện với đời sống của bà con Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), hiện hữu trong từng câu chuyện, lời ca, tiếng hát và trong từng vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Có lẽ chính sự gần gũi, hòa hợp tự nhiên đó, mà tục ăn trầu cau của bà con người Ca Dong nơi đây đã trở thành một nét văn hóa rất độc đáo.
Đến với thôn Sô Thák (xã Đăk Nên) để tìm hiểu về tập tục này, tôi được già làng A Brui niềm nở đón tiếp. Cũng như người dân ở các địa phương có tục ăn trầu cau, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Sau khi chuẩn bị xong đĩa trầu cau mời khách, già A Brui cất giọng trầm đục, dần đưa tôi vào câu chuyện: Từ bao đời nay, người Ca Dong luôn xem cây cau như linh hồn của vùng đất này. Gắn bó với cây cau, chúng tôi nhận thấy loài cây này có rất nhiều công dụng. Tán cây cau che bóng mát, phần thân được dùng làm nhà, rễ cây có thể sử dụng làm củi đốt. Quả cau dùng để ăn với lá trầu, vôi. Tập tục này được truyền từ bao đời nay.
“Việc ăn trầu cau ở đây rất phổ biến. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, từ trẻ con, thanh niên, cho đến những người già trong thôn, ai cũng ăn trầu cau. Bởi người Ca Dong quan niệm, ăn trầu làm môi đỏ đẹp hơn, làm cho chúng ta gần gũi và cởi mở với nhau hơn. Cũng chính vì thế, đối với người Ca Dong, khi có khách đến nhà, họ thường mời dùng trầu cau. Đó không chỉ là phép lịch sự, mà còn thể hiện tình cảm, lòng mến khách của gia chủ” – già làng A Brui bộc bạch.
Cây Cau gắn bó với đời sống bà con Ca Dong xã Đăk Nên. Ảnh: T.T
Một tác dụng khác của việc ăn trầu cau là giúp ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng. Ở đây, các cụ già dù đã trên 70 tuổi những răng vẫn rất chắc khỏe, lành lặn. Bên cạnh đó, những người đã ăn trầu cau thường không hút thuốc lá, góp phần loại bỏ mối nguy bệnh tật do tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Cũng chính nhờ đặc điểm này mà tại thôn Sô Thák, hầu như không có ai nghiện thuốc lá.
Theo già A Brui, đối với người Ca Dong, vôi ăn kèm với trầu cau đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, bà con nơi đây thường tự chế biến vôi, thay vì mua từ nơi khác. Theo đó, việc làm vôi phải lựa chọn đúng nguyên liệu và tuân thủ đúng từng khâu, từng bước. Khác với người Kinh, ngày nay thường hay ăn trầu cau với vôi đá nung chín, vôi của người Ca Dong được chế biến từ nguyên liệu vỏ ốc.
Để có vôi ăn trầu cau, khi đã gom đủ số lượng vỏ ốc cần thiết, người Ca Dong đem nung vỏ ốc trong lửa, đợi đến khi vỏ ốc chuyển từ màu đen sang màu trắng của tro mới đạt yêu cầu. Sau đó tiếp tục nghiền vỏ ra thành bột, hòa đúng tỷ lệ nước để cho ra vôi bột hoàn chỉnh. Vôi này được quét lên lá trầu, ăn cùng với quả cau, sẽ cho ra hương vị đậm đà nhất.
Việc ăn trầu cau không chỉ trở thành nếp trong sinh hoạt hàng ngày, trầu cau còn xuất hiện trong hầu hết các nghi thức lễ hội, như: đâm trâu, mừng lúa mới, tết khỉ, cúng nhà rông… của người Ca Dong ở đây. Trong tín ngưỡng của người dân, miếng cau, lá trầu têm vôi là sản vật không thể thiếu để dâng lên Yàng (trời). Qua miếng trầu cau, người Ca Dong thể hiện lòng thành kính, cầu mong Yàng phù hộ cho người dân gặp những điều tốt lành (sức khỏe, mùa màng bội thu…). Đặc biệt, trong những ngày Tết, bất kỳ nhà nào cũng phải chuẩn bị sẵn một đĩa trầu cau, với mong muốn cầu tài lộc, vụ mùa bội thu trong năm mới.
Già A Brui bày tỏ: Trong đời người, trầu cau luôn gắn liền với các sự kiện trọng đại, trong đó quan trọng nhất là đám cưới. Khi nam đến tuổi lấy vợ, gái đủ tuổi gả chồng, trong ngày cưới bao giờ cũng phải có buồng cau và lá trầu. Bà con trong làng sẽ xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Cũng chính vì thế, khi chuẩn bị cho đám cưới, cặp đôi phải lựa những quả cau có hình dáng đẹp, to, cùi dày, vỏ mỏng. Trầu được chọn phải là lá trầu xanh, to, không bị rách. Khi lễ cưới được tổ chức, cô dâu, chú rể phải ăn trầu mới chính thức nên vợ chồng trước sự công nhận của mọi người. Sau đó, cặp đôi sẽ đi biếu trầu cau gia đình hai bên và họ hàng gần xa để thể hiện lòng biết ơn và tình cảm của mình.
Người Ca Dong mời khách ăn trầu cau. Ảnh: T.T
Theo già A Brui, ở đất này, trẻ con dù mới 4 – 5 tuổi cũng đã biết ăn trầu cau. Thấy người lớn, người già ăn trầu cau, đảm trẻ cũng bắt chước theo. Ban đầu, chúng chỉ ăn riêng lá trầu và cau, lớn thêm tí nữa thì chúng học cách làm vôi, biết cách kết hợp trầu cau với vôi để cho ra hương vị ngon nhất. Cứ như vậy, dù không ai truyền dạy, nhưng tục ăn trầu cau vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được gìn giữ cho đến hiện tại.
Phết một ít vôi lên lá trầu rồi quấn lại, già A Brui đưa cho tôi, kèm theo một lát cau mới cắt. Không ngần ngại, tôi bỏ cả vào miệng nhai nát. Khoảng chừng vài phút, tôi cảm nhận được hương thơm, vị cay xộc lên mũi, tiếp ngay sau đó là vị nồng của vôi làm tê đầu lưỡi. Tiếp tục nhai thêm chút nữa, có vị ngọt và cay nhẹ, tạo nên một hương vị rất riêng, khó diễn tả hết. Sau đó, tôi có cảm giác chóng mặt, lâng lâng, chếnh choáng… Trông thấy tôi như thế, già A Brui đưa tôi ca nước và bảo tôi uống hết.
Nghỉ ngơi chừng 10 phút, khi thấy tôi đã trở lại trạng thái bình thường, già A Brui mới cất lời: “Cậu xưa nay chưa bao giờ ăn trầu cau phải không? Vừa rồi là dấu hiệu say đấy. Tuy hơi khó chịu, nhưng khác với say rượu, say trầu cau không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Bởi cái say ở đây, là say cái chất trong lá trầu và cau. Khi đó, ngươi ta chỉ cần uống nước mát vào, nghỉ ngơi tầm 10 – 15 phút là sẽ hết. Tuy nhiên, kể từ lần thứ 2 trở đi, khi ăn trầu cau sẽ không bị say nữa”.
Việc ăn trầu cau trở thành tập quán và là nét văn hóa của người Ca Dong. Trải qua bao năm tháng, bà con nơi đây luôn ý thức được tầm quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển cây cau. Không chỉ phụ thuộc vào sự ưu đãi của tự nhiên, việc trồng cau đã trở thành việc làm thường xuyên vào thời vụ hàng năm của bà con qua các thế hệ. Theo đó, khi một cây cau được khai thác, bà con sẽ lấy chính quả của nó để gieo xuống gần gốc cây cũ để ươm mầm cây mới. Cứ như vậy, những cây non lớn lên, tiếp nối những cây già, tiếp tục sinh sôi và phát triển.
Có thể nói, tục ăn trầu cau là một nét văn hóa độc đáo của người Ca Dong tại xã Đăk Nên. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tục ăn trầu cau vẫn luôn được duy trì và kế thừa qua các thế hệ. Lá trầu, miếng cau mang ý nghĩa về sự sum vầy, hạnh phúc, trọn vẹn trong mỗi gia đình. Trầu cau và những quan niệm về cuộc sống còn góp phần hình thành nên tính cách cởi mở, chân chất… của người Ca Dong ở xã Đăk Nên.
TẤT THÀNH