Tranh, tượng con giáp và công chúng đương đại

Tranh trâu mừng Xuân Tân Sửu của Lê Trí Dũng.
Tranh trâu mừng Xuân Tân Sửu của Lê Trí Dũng.

Dồi dào ý tưởng

Từ giữa tháng 11/2020 đã thấy họa sĩ – nhà điêu khắc Kù Kao Khải (Ninh Bình) tập trung thực hiện những tác phẩm điêu khắc với hình tượng con trâu trên chất liệu gỗ, sơn màu ngộ nghĩnh. Trong khi đó, họa sĩ Lê Đình Nguyên (với nghệ danh Nguyên “trâu”) ở Hà Nội cũng dành nhiều thời gian làm những tác phẩm điêu khắc với hình tượng con trâu.

Sở dĩ có nghệ danh Nguyên “trâu” là bởi từ nhiều năm nay, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã tạo dấu ấn với những tác phẩm điêu khắc động về con trâu. Đón Xuân Tân Sửu sắp tới, anh còn về làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) thực hiện những tác phẩm điêu khắc với hình tượng con trâu rất lạ mắt.

Một số tác phẩm hiện được trưng bày tại triển lãm “Chúng tôi kể chuyện gốm” vừa khai mạc vào tối 12/1 và mở cửa đến tháng 2, tại phòng tranh Hanoi Studio Gallery (13 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bên cạnh đó, rất đáng nhắc tới bộ 1010 con trâu được làm từ gỗ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội). Sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê cách làng cổ Đường Lâm 3 km, anh Phát rất thú vị với hình ảnh con trâu. Vừa rồi, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội và chuẩn bị đón năm mới Tân Sửu 2021 anh bắt tay thực hiện dự án làm 1010 con trâu.

Đến nay, sau khoảng 3 tháng thực hiện, anh đã hoàn thành gần 500 tác phẩm. Tất cả đều được chế tác từ gỗ mít, phủ các chất liệu sơn khác nhau để biểu đạt những ý tưởng mà nghệ sĩ muốn gửi gắm. Những con trâu của Tấn Phát đã được trưng bày trong những ngôi nhà cổ trăm tuổi ở làng cổ Đường Lâm để du khách khi đến đây có thể chiêm ngưỡng, hoặc mua về trưng bày.

Đây là cách mà nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bày tỏ lòng tri ân với mảnh đất quê hương và mang đến sức sống mới cho hoạt động du lịch ở làng cổ Đường Lâm.

Song song với những tác phẩm điêu khắc, nhiều họa sĩ cũng vẽ tranh con giáp mừng năm Tân Sửu trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, bột màu trên giấy… Trong đó có thể nhắc đến những tên tuổi như họa sĩ Thành Chương, Đỗ Phấn, Tào Linh, Lê Trí Dũng, Phạm An Hải, Tô Chiêm, A Sáng… Mỗi người một phong cách, thể hiện trên những chất liệu khác nhau, kích thước khác nhau mang tới một “thế giới trâu” đa sắc màu, sống động và không kém phần ngộ nghĩnh.

Đặc biệt, ngày 23/1 tới, triển lãm “Tiễn năm Tí đón năm Sửu” của nhóm họa sĩ G39 cũng sẽ được khai mạc, trưng bày nhiều tác phẩm vẽ con trâu. Triển lãm có sự tham gia của các họa sĩ: Vương Linh, Bình Nhi, Bùi Thanh Thủy, Nguyễn Hồng Phương, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Minh (phố), Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Lâm Đức Mạnh, Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Lê Thiết Cương, Đỗ Dũng, nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy.

Đưa nghệ thuật tới gần công chúng

Vẽ tranh, làm tượng về con giáp không phải tới nay mới được các họa sĩ thể hiện mà nhiều họa sĩ tiền bối đã duy trì thú chơi này, thậm chí nhiều người gặt hái thành công, có nhiều tác phẩm tốt, đến nay vẫn còn được nhắc đến, như danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…

Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, ở Việt Nam, vẽ tranh con giáp được các họa sĩ bắt đầu theo đuổi từ sau năm 1954, trên các bưu thiếp chúc Tết hoặc bìa báo Xuân, tranh trong báo Xuân.

Cùng với danh họa Bùi Xuân Phái còn có các họa sĩ Nguyễn Bích, Sĩ Ngọc… cũng vẽ nhiều tranh con giáp. Nhưng người theo đuổi đề tài vẽ con giáp quy mô nhất lại là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ông Nghiêm có một mảng chuyên sáng tác về 12 con giáp, thậm chí ông còn chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành.

Trong khi đó, theo họa sĩ Thành Chương, “thú vẽ tranh con giáp mỗi dịp chờ đón Tết đã có từ lâu đời nhưng theo thời gian, hoạt động đó đã bị mai một, lãng quên. Nếu trước đây, cái lệ vẽ tranh con giáp chỉ mang ý nghĩa tặng bạn bè như một lời chúc Xuân thì nay các họa sĩ vẽ tranh con giáp không chỉ tiếp nối, phát huy nét đẹp văn hóa tinh thần của cha ông xưa mà còn tạo nên một mảng đề tài, mảng tranh nghệ thuật phong phú”- họa sĩ Thành Chương nói.

Còn họa sĩ Đỗ Phấn cho rằng, giới họa sĩ Việt  hiện đại bắt đầu quan tâm đến đề tài vẽ tranh con giáp kể từ khi thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1925. “Ở nước ta có nhiều họa sĩ vẽ tranh con giáp, phần lớn để thỏa mãn thú chơi của chính mình và mang tặng bạn bè. Tuy nhiên số họa sĩ vẽ đủ bộ 12 con giáp đạt đến độ nghệ thuật không có nhiều người lắm. Có thể tạm kể ra những ông Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn… Dù thành công của các ông ở những mức độ khác nhau nhưng đó là những người đều đặn hàng năm có tác phẩm”- họa sĩ Đỗ Phấn chia sẻ.

Đa số các ý kiến đều thừa nhận, tranh, tượng con giáp xuất hiện trong mấy năm gần đây đã có sự thay đổi rất nhiều trong cách thể hiện, số nghệ sĩ tham gia cũng đông hơn, nhiều tên tuổi mới xuất hiện. Các phong cách biểu đạt cũng đa dạng, bên cạnh phong cách tả thực còn có trừu tượng, lập thể… khiến cho tranh con giáp phong phú và thu hút được đông đảo người xem. Không chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc mà các họa sĩ còn mong muốn chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa trong xã hội. Đồng thời, chất liệu mà các họa sĩ sử dụng để thể hiện cũng phong phú, đa dạng hơn.

Thêm vào đó, bên cạnh những triển lãm, trưng bày truyền thống, với sự phát triển của các mạng xã hội, nhiều sàn nghệ thuật được mở trên mạng  đã đưa những tác phẩm tranh, tượng con giáp đến với công chúng một cách nhanh chóng, thuận tiện. Thậm chí, nhiều họa sĩ cũng trực tiếp giới thiệu tác phẩm của mình trên trang cá nhân để bán cho những người yêu thích. Điều này đã đáp ứng được công chúng đương đại, và tạo nên một thị trường tranh, tượng con giáp khá sôi động vào dịp cuối năm ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội.