Tranh dân gian và tranh Tết về con lợn trong năm Hợi

Vào những ngày cuối tháng chạp âm lịch, người dân Việt Nam đi chợ sắm hàng Tết, nào là lá gói bánh chưng, mật, vàng hương hoa, câu đối,… trong đó, một thứ mà ai cũng mua đó là tranh Tết. Tranh Tết, phổ biến là tranh dân gian và chủ yếu có hai dòng tranh, đó là tranh Đông Hồ (làng Hồ, Bắc Ninh) và tranh Hàng Trống (Hà Nội), ngoài ra còn có các dòng tranh dân gian khác như: Làng Sinh (Huế), Kim Hoàng (Hà Tây),… Nói chung, các dòng tranh dân gian hay còn gọi là tranh Tết đều phản ảnh đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất và tâm linh của con người trong xã hội.

Tranh Đông Hồ là một loại tranh in mảng, nét, kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với tranh Hàng Trống. Màu sắc của tranh Đông Hồ rực rỡ tươi sáng sử dụng chủ yếu những gam màu cơ bản, như: đỏ, xanh, vàng, nâu, được chế tác từ hoa quả, lá cây trong tự nhiên là chủ yếu, màu đen làm bằng than lá, thân cây phù hợp như lá tre. Do việc in nét và in mảng hàng loạt, nên số lượng tranh bán vào ngày Tết cũng khá lớn, hầu như thỏa mãn được nhu cầu của nhân dân, nhất là vùng thôn quê, bản làng, hải đảo. Tranh Đông Hồ sản xuất quanh năm, nhưng gần đến ngày Tết thì càng bận rộn, nên phải huy động nhiều nhân lực cho khâu đóng gói, vận chuyển, phát hành vào những ngày giáp Tết ở khắp các chợ từ đô thị đến nông thôn, kể cả miền xuôi và miền ngược xa xôi.

Dòng tranh Đông Hồ có nội dung và hình thức biểu đạt rất phong phú, chủ yếu đi sâu miêu tả tính chân thực cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường trong mối quan hệ giữa người với người, và giữa người với thiên nhiên, thể hiện tính nhân quả, cầu an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Tính triết lý của tranh Đông Hồ rất sâu sắc, vừa vui tươi dí dỏm, hóm hỉnh, vừa sâu cay, nửa hư nửa thực, mang tính trừu tượng. “Nói đó cho cạy lòng đây” như tranh đánh ghen, hứng dừa, đám cưới chuột,… Nhiều bức tranh nói lên nỗi niềm khát khao hạnh phúc, ấm no, ước nguyện, giàu có, yên lành, trồng cây thì cây tốt, chăn nuôi thì sinh sôi nảy nở, béo khỏe và sâu xa hơn nữa là mong sao tình làng nghĩa xóm hòa thuận, đoàn kết, an khang, thịnh vượng như tranh đàn lợn, đàn gà, tứ quý, hoa lá, chim muông… Ngày Xuân, các cụ già trong làng, trong phố đến với nhau chúc tụng, uống rượu, bình tranh, họa thơ tranh, thật lý thú. Mỗi bức tranh Đông Hồ đều có chỗ đứng riêng, khó hòa lẫn với các dòng tranh khác ở chỗ tính khái quát ước lệ, bố cục khá cao, nhưng người xem ở các tầng lớp khác nhau đều hiểu và rất thích, đó chính là cái đẹp mà sắc thái dân tộc bao trùm trong tranh, vì thế, chơi tranh Đông Hồ ngày Tết ở nước ta là khá phổ biến. Thời xưa, gần đến ngày Tết người ta còn tặng quà cho nhau bằng tranh, theo nội dung mà họ đã định từ trước, phù hợp với hoàn cảnh tình cảm của người được trao tặng để trang trí trong ngày Tết, mong sao “mọi việc như ý” cho một năm mới tốt lành. Đó là nét đẹp văn hóa trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống,… mà có lẽ chỉ người Việt Nam mới có.

Ở đất thánh Hà Thành, người dân cũng rất quen thuộc và yêu mến tranh Hàng Trống, một dòng tranh mà cách đây hằng thế kỷ nó đã đi vào tâm thức của người dân Hà Nội. Bên cạnh vẻ đẹp chân chất thôn quê bình dị của tranh làng Hồ thì tranh Hàng Trống lại có một nét riêng, đó là cách thức thể hiện của tranh rất mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng, mượt mà, quý phái của người Tràng An, nó có sức hấp dẫn đến kỳ lạ như thiếu nữ đô thành. Cách đây mấy thập kỷ trở về trước, nhiều người dân Hà Nội mỗi khi đi sắm Tết như câu đối, cành đào, người ta cũng không quên mua vài bức tranh, như: tứ bình, nhị bình, tố nữ, cá “Lý ngư vọng Nguyệt” để về trang trí đón Xuân. Tranh Hàng Trống là một loại tranh mà phương pháp sản xuất in ấn cũng có khác với tranh làng Hồ. Tranh Đông Hồ in ấn từng khuôn nét, mảng màu, thì tranh Hàng Trống lại in nét đen trên giấy và sau đó là tô màu theo một khuôn mẫu có trước. Người thợ căn cứ vào mẫu tranh để tô màu thật chính xác theo sắc độ đã định sẵn. Phương pháp tô màu đòi hỏi tay nghề rất cao, rất thành thạo, điêu luyện, cầu kỳ chau chuốt vì tranh mang tính tạo hình của hội họa khá rõ nét, có đậm nhạt, sáng tối, làm người xem dễ hình dung về hình họa trong tranh. Tuy nhiên, cũng có nhiều nghệ nhân tài hoa tự mình sáng tác và hoàn chỉnh tác phẩm theo đơn đặt hàng mang tính đơn lẻ. Có thể nói, dòng tranh Hàng Trống là loại tranh bước gần tới tính hiện đại của nghệ thuật tạo hình đương đại nhưng vẫn giữ được tính dân tộc và rất trữ tình. Tranh Hàng Trống có kích thước lớn hơn tranh Đông Hồ, có lẽ nó cũng đã phản ảnh một cách hiện thực khách quan là tranh nào thì nhà đó. Phần đông những ngôi nhà của đô thành là cao lớn thì những vật dùng trong đó có cả tranh trang trí cũng phải có tỉ lệ tương ứng. Nghệ thuật và nội dung của tranh Hàng Trống xuất phát từ một quan niệm triết học tín ngưỡng tôn giáo và tâm linh rất rõ ràng. Những bức tranh như Đức Thánh Trần, Ngũ hổ, Lý Ngư vọng nguyệt… nó phản ảnh một tâm thức về triết lý tâm linh thành kính, tôn vinh thần linh thánh thiện, phù hộ cứu nhân độ thế, quan hệ âm – dương… Khác với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống đi sâu vào ý nghĩa nhân quả của thần học “Có kiêng có lành”, “có thờ có thiêng”, để rồi “có phúc, có lộc”.

Do đó, nghệ thuật tạo hình tranh Hàng Trống có màu sắc đậm nhạt, ẩn hiện cũng rất phù hợp với triết lý của nội dung tranh. Như vậy, hai dòng tranh dân gian đã được dùng vào ngày Tết Nguyên đán là khá phổ biến nên người ta nói đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống là tranh Tết không những có ý nghĩa về truyền thống, mà còn mang tính lịch sử xã hội về mặt triết học sâu sắc về nhân quả, hướng thiện, hiền tài độ nhân cứu thế, hoan hỉ…

Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Đảng, Nhà nước ta khuyến khích nghệ thuật tạo hình phát triển, trong đó có tranh dân gian, đồng thời tạo điều kiện mở đường cho các họa sĩ nghiên cứu, khai thác chất liệu nghệ thuật tranh dân gian để sáng tác tranh Tết mang tính dân tộc và tính hiện đại. Vì vậy, nhiều họa sĩ đương đại đã vận dụng chất liệu này đưa vào tranh của mình để in ấn xuất bản phục vụ quảng đại nhân dân ngày Tết Nguyên đán trong cả nước, được quần chúng ưa thích và trân trọng. Nhiều họa sĩ cho ra mắt công chúng những bức tranh phục vụ ngày Xuân, ngày Tết khá đẹp, như: tranh của Tạ Thúc Bình, Huy Toàn, Nguyễn Bích, Đỗ Đức… Do kỹ thuật in hiện đại nên màu sắc cũng khá phong phú, hấp dẫn với số lượng tranh được xuất bản gấp nhiều lần in tranh thủ công của các làng nghề truyền thống. Nói chung, tranh hiện đại có khai thác chất liệu từ dân gian mà các họa sĩ, nghệ nhân sáng tạo từ nhiều thế kỷ qua đã phản ánh tính kế thừa trong việc xây dựng và bảo vệ phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Tranh dân gian trang trí trong ngày Tết không những là những tác phẩm nghệ thuật đã góp phần vui tươi, đầm ấm, mà còn biểu hiện tính tâm linh tín ngưỡng của nhân dân tồn tại bao thế kỷ qua trong những ngày Tết vui Xuân. Nó phản ánh đời sống tinh thần khá phong phú kể cả nội dung và hình thức thể hiện qua đường nét màu sắc của các họa sĩ, nghệ nhân trong nhân dân sáng tạo ra. Bởi vậy, tranh trang trí trong ngày Tết là những bức tranh có nội dung nói lên lòng khao khát cho một năm mới, thiên thời địa lợi nhân hòa, mong muốn mọi gia đình ấm no hạnh phúc. Ở bàn thờ gia tiên những nghi thức xếp đặt, cấp bậc, bát hương, câu đối, đại tự thì những tranh Tết cũng được các gia đình trang trí đối xứng hai bên bàn thờ như là tứ bình, nhị bình, tứ quý. Nhìn lên bàn thờ gia tiên trong ngày tết không ai không thấy tính linh thiêng thành kính từ những bức tranh dân gian đã góp phần quan trọng cho việc vui Tết đón Xuân, trong đó có tranh đàn lợn.

Trong các dòng tranh dân gian về con lợn nhất là vào năm Hợi, người ta không thể không nói đến tranh Đông Hồ, Bắc Ninh, một địa phương có truyền thống làm tranh dân gian về cây, hoa, lá, con vật. Hình tượng con lợn có nội hàm khá sâu sắc, biểu hiện cho sung túc đủ đầy, ấm no hạnh phúc (lợn mẹ, lợn con) (lợn nái), lợn ăn cây ráy,… Với phương pháp biểu đạt, cách vẽ nét đen mảng màu hài hòa, hình con lợn có hoa văn cách điệu âm – dương trang trí trên thân hình con vật to béo khỏe khoắn, người xem tranh thấy ở đó hình ảnh hạnh phúc, nhất là đối với người sản xuất, chăn nuôi gia súc. Bên cạnh tranh gà mẹ, gà con (đàn gà) một tác phẩm rất sống động, ríu rít rộn ràng, phản ảnh cuộc sống đầy đủ thì tranh đàn lợn (lợn nái) thường bài trí đối xứng hai bên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết, làm cho không khí ngày Xuân thêm đầm ấm, vui tươi như có một điềm tốt lành đang đến với các thành viên gia đình trong năm mới. Tranh con lợn Đông Hồ do in màu tự nhiên bằng chất liệu hoa lá như: quả dành, hoa hòe, xanh lá chằm, có tính mềm mại, sáng trầm êm ả, được đưa vào hình tượng con lợn càng có sức truyền cảm cao. Tất cả các màu được các nghệ nhân Đông Hồ cấu trúc miếng mảng cho tranh đàn lợn rất sinh động, có hồn có chiều sâu. Bức tranh “đàn lợn mẹ con” được tạo hình theo cách thức đồ họa, người xem cảm thụ được đường nét đậm nhạt luyến láy hợp lý, lợn mẹ trông hiền hậu mũm mĩm to béo, mắt sáng, tai vểnh lên ve vẩy như đang nghe ngóng âm thanh, miệng kêu ủn ỉn và những nét vòng xoáy âm – dương ở thân mẹ, con thể hiện sự phồn thực trông đáng yêu làm sao! Nghệ nhân Đông Hồ đã đưa hình trang trí vân tròn xoáy âm dương là có tính triết lý “thiên, địa, nhân”, trời đất thuận hòa, người người ấm no, đó là khát vọng của dân, sống trong nền văn minh văn hóa lúa nước Việt. Nói chung tranh về con vật, cây hoa, trái ở các dòng tranh dân gian Đông Hồ – Bắc Ninh, Hàng Trống – Hà Nội, Kim Hoàng – Hà Tây xưa nay là Hà Nội, làng Sinh ở Huế đều chung có một triết lý sâu sắc là ấm no, hạnh phúc và phần lớn và chủ yếu là phục vụ trong ngày Tết, điểm khởi đầu cho khát vọng tốt đẹp năm mới.

Ngày nay, tranh dân gian không được phổ biến rộng rãi trong xã hội, có chăng cũng chỉ xuất hiện ở một số làng bản vùng cao để trang trí trong những ngày Tết Nguyên đán và sau khi chơi xong người ta cuộn lại cất đi dùng cho năm sau. Tuy vậy, những dư âm ký ức của một thời về dòng tranh này như: “đám cưới chuột”, “đánh ghen”, “hứng dừa”, “gà mẹ gà con” và “lợn mẹ và con”,… đã để lại cho hậu thế những triết lý khá sâu sắc về nhân – quả cuộc đời, mang tính giáo dục nhân văn phong phú mà bức tranh đánh ghen, đám cưới chuột là một ví dụ. Cũng từ cách miêu tả vừa mang tính hiện thực vừa có tính trừu tượng, tinh tế, trong tâm thức thầm kín của đời sống xã hội Việt, để rồi ngày nay nhiều họa sĩ, nghệ nhân đã khai thác tính hai mặt, hình tượng đó trong tranh dân gian cho việc sáng tác tranh từ chất liệu tranh dân gian về con lợn để trang trí, triển lãm,…

Trong các dòng tranh dân gian từ Bắc chí Nam, từ cổ chí kim, nghệ nhân họa sĩ dân gian vẽ về con lợn cũng chỉ mong muốn con người vươn tới cái đẹp, cái hay, mưu cầu ấm no hạnh phúc, chúc cho năm mới gặp nhiều may mắn, tốt lành. Ngắm tranh Tết về con lợn trong dòng chảy tranh dân gian Việt Nam qua nhiều thế kỷ, người đời đương đại cũng phải khâm phục, suy ngẫm về tài năng và tâm hồn mang tính nhân văn sâu sắc của ông cha ta, góp phần lớn lao vào kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Họa sĩ Hoàng Hoa Mai