Tranh con trâu với năm Sửu

Con trâu là nguồn cảm hứng giàu hình tượng trong thơ ca, văn học, nghệ thuật Việt Nam, trong đó có hội họa. Vào những ngày Tết từ bắc chí nam, nhiều nơi đều có phong trào sáng tác và in tranh con trâu mà cụ thể là các làng nghề tranh dân gian.

Sau này, tranh con trâu được các họa sĩ Việt Nam hiện đại thể hiện với nhiều loại hình khác nhau và dưới nhiều chất liệu như: sơn dầu, bột mầu, lụa, sơn khắc, v.v. Nhiều bức tranh với đề tài ấm no, hạnh phúc như Ðược mùa của họa sĩ Tạ Phúc Bình hay Con trâu quả thực của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức tranh này là một ký họa với gam mầu ấm áp, trẻ trung, bố cục chặt chẽ, hoàn chỉnh rất sống động và được in phát hành nhiều vào những ngày Tết Nguyên đán trong những năm 60 của thế kỷ trước. Thời kỳ chống đế quốc Mỹ, tranh con trâu được các họa sĩ thể hiện rất sinh động, tay cày, tay súng mà người nông dân và trâu là chủ thể.

Nói đến tranh Tết vẽ con trâu thì các nghệ nhân dân gian Việt Nam phản ánh một cách bộc bạch, nhưng thầm kín rất sâu sắc cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, vừa mang tính hiện thực, vừa đậm tính nhân văn. Ở Việt Nam hình tượng con trâu không những là sức lao động mà còn là bạn đồng hành với con người trong sản xuất, trong lễ hội tâm linh. Vì vậy tranh con trâu trang trí trong những ngày Tết đã trở thành phổ biến và cũng là sản phẩm văn hóa rất linh thiêng, được  trân trọng mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Năm con trâu đã đến, tranh Tết vẽ con trâu sẽ không những là nguồn cảm hứng của các họa sĩ, các nghệ nhân làng nghề trong dân gian mà còn góp phần làm cầu nối giữa các nền văn hóa quốc tế  trong  thời kỳ mở cửa.

Theo ND