Tranh – thú chơi tao nhã Tết đậm hồn Việt

(CATP) “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là những thú chơi tao nhã trong dịp Tết Nguyên đán theo truyền thống của người Việt từ xưa. Tranh là thú chơi đứng thứ nhì, đặc biệt, với những dòng tranh dân gian có lịch sử song hành từ thời lập quốc. Các bộ tranh Tết như một phần làm nên sắc màu Tết Việt, không chỉ mang thông điệp chúc phúc một năm mới an hòa, thịnh vượng, mà còn là một phong tục, một phần tâm hồn, là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc của người Việt mỗi khi mùa xuân tới.

Trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam, tranh dân gian có vị trí quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến. Nó đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hóa những khái niệm về nhân sinh quan và quan niệm về thẩm mỹ của nhiều thế hệ người Việt.

Trong đời sống của người Việt, tranh Tết dân gian thường rất đa dạng về thể loại, nhưng thường là thông điệp, lời chúc một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý… Những bức tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng, tranh kính Nam bộ, tranh làng Sình… thường được chọn lựa treo trong ngày Tết và dần trở thành thú chơi tao nhã đậm hồn Việt đầu năm mới.

Thông điệp về sự hạnh phúc, thịnh vượng

Trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt Nam, theo văn hóa truyền thống, ngoài cành đào, cành mai, bánh chưng, bánh tét, trái cây, mứt, các món ăn dân tộc, mỗi gia đình không thể thiếu câu đối đỏ cùng những bức tranh Tết Việt để chưng và chơi Tết. Chơi tranh không chỉ là một thú vui tao nhã mà còn để tạo không khí vui tươi, rực rỡ cho gia đình vào những ngày đầu xuân và xua đi những điều rủi ro, xui xẻo.

Trong nhiều tư liệu về lịch sử văn hóa Việt đều cho rằng tập quán chơi tranh Tết xuất phát điểm từ thời Lý (1010 – 1225) và nhà Trần (1225 – 1400), nhưng thực tế cũng không có bằng chứng xác thực nào. Trong sách sử thì có ghi tranh Tết Việt có từ thế kỷ XV và phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ chúa Trịnh Giang ra lệnh khắc bản in (năm Giáp Dần 1734), nước ta tự in sách Tứ Thư, Ngũ Kinh thay cho các loại sách trước đó phải mua từ Trung Hoa. Thời kỳ này, tranh Tết Việt được in ấn phổ biến và được chấn chỉnh, bổ sung cho phù hợp thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Tranh Tết thời kỳ này chân phương, thật thà qua nét bút và màu sắc, thể hiện sự to khỏe, sung mãn trong diễn đạt nội dung, bày tỏ niềm ước vọng một cuộc sống thanh bình, no ấm của mọi người.

Phong tục treo tranh trong nhà ngày Tết đã thành một truyền thống văn hóa được lưu giữ đến ngày nay và đang được phục hồi để phát triển theo thời đại. Màu sắc rực rỡ trong những bức tranh Tết khơi gợi cảm giác mới mẻ, ấm cúng, rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình, đồng thời là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc của người Việt. Ngày trước, với các gia đình nông thôn nhà tranh vách đất, ngày Tết có vài bức tranh và câu đối dán lên, xem như ngôi nhà lộng lẫy hẳn lên để đón một năm mới với nhiều ước vọng sung túc, no ấm. Còn ở các thành phố lớn, treo tranh, chơi tranh còn là vật trang trí để kiến tạo không gian sang trọng, quí phái, chứng tỏ được cái lễ giáo, gia phong của gia đình.

Theo phong tục, thường ngoài cổng, dán hai bức tranh, một bên là ông “Tiến Tài” – Tấn Tài, một bên là ông “Tiến Lộc” – Tấn Lộc, với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Có nhà dán cặp tranh thần hộ mệnh là những ông tướng nhà trời để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng. Đầu năm mới cũng là dịp sửa soạn lại bàn thờ, do vậy các tranh mang đề tài tín ngưỡng, tâm linh, thờ phụng cũng được gia chủ mang về bày biện, như: tranh ông Công, ông Táo, các tranh Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ, tranh vẽ về các ông Hoàng, bộ tranh “Tam đa’’ – Phúc – Lộc – Thọ tượng trưng cho phúc đức, tài lộc và sống lâu, tranh “Phúc – Thọ” với lời cầu “phúc như Đông hải” và “thọ tỷ Nam sơn”…

Trong nhà, thường treo hay dán nhiều tranh với một số đề tài được ưa chuộng trong dịp Tết, như: tranh “Mẹ con đàn gà’’, “Mẹ con đàn lợn’’ thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã, với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận, khát vọng sung túc cả năm. Những bức tranh “Vinh hoa’’, “Phú quý’’ với cậu bé mũm mĩm ôm gà, ôm vịt tượng trưng cho điềm phúc. Tranh “Tố nữ’’ thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ và thân thuộc giữa con người với thiên nhiên. Tranh “Tứ quý’’ thể hiện ước vọng bốn mùa xuân – hạ – thu – đông hay mai – lan – cúc – trúc, cầm – kỳ – thi – họa, ngư – tiều – canh – mục, luôn tràn ngập âm thanh vui tươi, mang đến ý nghĩa cho sự thuận hòa, phát triển, bình an.

Bên cạnh loại tranh mang niềm ước vọng còn có các tranh giáo dục luân lý, như: “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Sự tích trầu cau”, “Tấm Cám”, “Lục Vân Tiên”…; tranh phong cảnh đất nước, như: “Chùa Hương”, “Chùa Một Cột”, “Hồ Gươm”, “Sông Hương núi Ngự”…; tranh về lịch sử hào hùng, bất khuất của dân tộc, như: “Hai Bà Trưng khởi nghĩa”, “Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán”, “Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên”…

Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử, tâm linh, mọi người có thể dành vị trí trang trọng trong nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm. Ví dụ năm nay là Tân Sửu, gia chủ có thể chọn những bức như: “Chăn trâu thả diều”, “Chăn trâu thổi sáo’’ – là những bức tranh có nội dung, hình thức đẹp thuần túy, mộc mạc, phản ánh nét sinh hoạt lao động của người nông dân trong khung cảnh thanh bình, yên ả cùng những ước mơ bình dị, nhưng bay cao, bay xa.

Phong tục đẹp cần lưu giữ và phát triển

Vài năm trở lại đây, khi đời sống vật chất ngày càng ổn định, từ quan niệm “ăn Tết’’ đang chuyển dần sang “chơi Tết’’ thì việc chơi tranh ngày Tết cũng bắt đầu tạo thành xu hướng quay về truyền thống, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn, sự đầu tư kỹ lưỡng của người chơi tranh với yêu cầu đòi hỏi cao hơn, tinh tế hơn, tinh xảo hơn. Song song những bức tranh dân gian theo lối vẽ và chất liệu truyền thống, còn xuất hiện tranh Tết có chất liệu đa dạng, như: tranh gốm sứ, tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ, tranh đá quý…, vẫn dựa trên những đề tài của tranh dân gian xưa, hàm chứa các thông điệp nhân sinh quan, thế giới quan sâu sắc, có giá trị truyền đạt ý nghĩa giáo dục như rèn đức, luyện tài, tích phúc, để đức cho con cháu đời sau.

Chơi tranh Tết dù là tranh dân gian hay tranh hiện đại đều thể hiện sự ngưỡng vọng của con người trước cái đẹp cùng những ước vọng cho năm mới. Trong xã hội hiện đại, các nghệ sĩ Việt vẫn hướng tác phẩm của mình với ý nghĩa làm sống lại lĩnh vực tranh Tết. Đây cũng chính là một cách dựa vào truyền thống để đến với những mục tiêu xa hơn, lâu bền hơn cho nghệ thuật tranh Tết cổ truyền Việt Nam. Nét đẹp của thú chơi tranh dân gian nhân dịp ngày Tết sẽ mãi được các thế hệ người Việt lưu giữ, như một cách bảo tồn những giá trị bất biến văn hóa truyền thống Việt Nam.