Trang tuyến sinh Đại Học Luật
PHẦN 1: HỎI – ĐÁP THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT
Câu hỏi 1: Trường Đại học Luật, Đại học Huế được thành lập khi nào? Vị trí của Trường so với các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay?
Trả lời: Trường Đại học Luật, Đại học Huế tiền thân là Luật Khoa thuộc Viện Đại học Huế thành lập từ năm 1957. Sự phát triển của Trường qua bốn giai đoạn:
Từ năm 1990 – 2000: Bộ môn Luật Trường Đại học Tổng Hợp Huế
Từ năm 2000 – 2009: Khoa Luật thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Từ năm 2009 – 2014: Khoa Luật thuộc Đại học Huế
Từ ngày 03/03/2015 đến nay: Trường Đại học Luật, Đại học Huế (theo quyết định 274/QĐ-TTg của Thủ Tướng chính phủ). Hiện nay ở Việt Nam có gần 100 cơ sở đào tạo cử nhân Luật bao gồm:
+ Có 5 cơ sở đào tạo chuyên lĩnh vực Luật: Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh; Khoa Luật trực thuộc ĐHQG Hà Nội; Trường Đại học Luật, Đại học Huế và Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học QG TP. Hồ Chí Minh. Đối với các trường đào tạo chuyên lĩnh vực luật thì tất cả sự đầu tư về con người, cơ sở vật chất, thư viện và môi trường học tập chỉ dành cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Luật.
+ Các cơ sở đào tạo luật trong các trường đa ngành: Đây là những trường có nhiều ngành trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có đào tạo cử nhân lĩnh vực luật, quản lý các ngành này là Khoa Luật hoặc Bộ môn Luật.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế là một trong năm thành viên thường trực của Mạng lưới cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam.
Câu hỏi 2: Các trình độ đào tạo đại học & ngành đào tạo trình độ đại học mà Trường đào tạo hiện nay?
Trả lời: Trường Đại học Luật, Đại học Huế hiện nay đào tạo trình độ đại học và sau đại học, cụ thể:
Đào tạo trình độ đại học
Ngành Luật, các chuyên ngành:
+ Luật Hành chính
+ Luật Dân sự
+ Luật Hình sự
+ Luật Kinh tế
+ Luật Quốc tế
Ngành Luật Kinh tế (không phân chuyên ngành)
Đào tạo trình độ sau đại học
Thạc sĩ Luật Kinh tế
Thạc sĩ Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật
Tiến sĩ Luật Kinh tế
Câu hỏi 3: Muốn tìm hiểu về Trường thì qua kênh thông tin chính thức nào?
Trả lời: Thông tin về các hoạt động của Nhà trường được đăng tải chính thức tại địa chỉ website: http://hul.edu.vn/
Thông tin về Tuyển sinh:
+ Tư vấn tuyển sinh trực tuyến:
Trang thông tin tuyển sinh: http://tuyensinh.hul.edu.vn/
Fanpage chính thức:
https://www.facebook.com/hul.edu.vn
+ Tư vấn Tuyển sinh trực tiếp:
Văn phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Luật, Đại học Huế
Địa chỉ: Đường Võ Văn Kiệt, P. An Tây, TP. Huế
Email: [email protected]
Điện thoại: 0234.3946997 – 0934.757511 – 0932.343286 – 0794.521410
Câu hỏi 4: Thời gian học chương trình đào tạo Ngành Luật, Luật Kinh tế là bao lâu? Nếu trong quá trình học em có lý do đặc biệt tạm nghỉ thì được phép bảo lưu mấy năm?
Trả lời:
– Thời gian đào tạo ngành Luật, Luật Kinh tế hình thức đào tạo chính quy là 4 năm (tối đa không quá 6 năm).
– Trong quá trình học tập, sinh viên có thể nghỉ học tạm thời 1 năm vì nhu cầu cá nhân (hoàn cảnh gia đình khó khăn, sinh con,…); sinh viên đang trong thời gian điều trị bệnh nghỉ học tạm thời theo thời gian điều trị bệnh (ghi trong bệnh án); sinh viên thực hiện nghĩa vụ quân sự thì nghỉ học tạm thời trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự (2 – 3 năm).
Câu hỏi 5: Em đang băn khoăn lựa chọn giữa Ngành Luật và Luật Kinh tế nhưng không hiểu giữa hai ngành này có gì khác biệt?
Trả lời: Trong quy định về đào tạo đại học hiện nay cho phép các cơ sở đào tạo mở các ngành: Luật, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế (các ngành khác như Luật Thương mại quốc tế,… đang cho thí điểm). Ở Trường Đại học Luật, Đại học Huế có 2 ngành: Luật và Luật Kinh tế.
Điểm khác biệt:
+ Hai ngành này dựa trên 2 chương trình đào tạo khác nhau, hoạt động đào tạo và chuẩn đầu ra khác nhau.
Các học phần trong ngành Luật được thiết kế tập trung vào lĩnh vực pháp luật chung, sau đó năm thứ 3 chia thành các nhóm theo định hướng ngành (chuyên ngành) như Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Kinh tế và Luật Quốc tế. Việc phân chuyên ngành này không ghi vào bằng tốt nghiệp, chỉ ghi trên Phụ lục văn bằng (bảng điểm).
Các học phần trong Ngành Luật Kinh tế được thiết kế chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật kinh tế ngay từ năm thứ nhất như Kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, quản trị học; các học phần lĩnh vực luật cũng chuyên sâu về pháp luật hợp đồng, pháp luật kinh doanh, pháp luật đất đai, pháp luật môi trường, pháp luật cạnh tranh,… Ngành Luật Kinh tế không chia thành chuyên ngành.
+ Vị trí việc làm: tất cả các vị trí việc làm trong xã hội hiện nay điều cần kiến thức pháp luật. Vì thế danh mục các vị trí việc làm rất rộng và đa dạng( luật sư, công chứng, kiểm sát, tòa án, thanh tra, công an, ủy ban nhân dân, doanh nghiệp,..) không phân biệt tốt nghiệp Luật hay Luật Kinh tế; tuy nhiên ngành Luật Kinh tế giúp cho sinh viên khi ra trường có nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật kinh tế thích ứng trong doang nghiệp, tư vấn dịch vụ trong lĩnh vực pháp luật kinh tế hơn.
Bằng cử nhân: ngành Luật ghi CỬ NHÂN LUẬT; ngành Luật Kinh tế ghi CỬ NHÂN LUẬT KINH TẾ (xem bản mẫu văn bằng hình dưới)
Điểm giống nhau: cả 2 ngành điều có 120 tín chỉ, có một số học phần chung chiếm khoảng 50%.
Câu hỏi 6: Để học luật tốt thì phương pháp học tập nào có hiệu quả nhất? Trường có hỗ trợ sinh viên tiếp cận phương pháp học tập ở đại học không?
Trả lời: Đối với việc học đại học khác với học phổ thông, phương pháp học tập khác nhau, đặc biết đối với lĩnh vực Luật thì phương pháp học tập sau đây mang lại hiệu quả:
Phương pháp học – hiểu: Các học phần Luật rất nhiều các văn bản, sinh viên không nhớ hết điều luật được mà học trên cơ sở hiểu vận dụng có thể nhớ lâu và vận dụng vào thực tế.
Phương pháp học gắn với hành: mục tiêu các chương trình đào tạo luật yêu cầu kiến thức và kỹ năng. Nên kiến thức có được qua việc học trên lớp, nghiên cứu tài liệu,… và bắt đầu vận dụng vào thực tế từ phương thức tình huống( case sudy), hoạt động giả định (phiên tòa, hòa giải), hoạt động thực tập, thực tế.
Nhà trường thực hiện nhiều phương thức khác nhau đề hỗ trợ sinh viên tiếp cận phương pháp học tập ở đại học:
Thứ nhất, ngay từ tuần sinh hoạt công dân Nhà trường đã có buổi nói chuyện, hướng dẫn cho các bạn sinh viên về phương pháp học luật giúp các bạn phân biệt được những điểm khác biệt cơ bản giữa phương pháp học trong trường phổ thông với phương pháp học đại học nói chung và học luật nói riêng.
Thứ hai, ở kỳ một năm học thứ nhất trong chương trình học các bạn được học môn: Hướng nghiệp nghề luật và phương pháp học luật. Môn học này sẽ giúp các bạn hiểu được bản chất của các phương pháp học luật, và bắt đầu sử dụng các phương pháp đó vào học các môn học khác. Ngoài ra, môn học này sẽ giúp các bạn hình dung được các công việc có thể làm sau khi tốt nghiệp đại học luật.
Thứ ba, Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, mời các chuyên gia hành nghề luật như Luật sư hay là đại diện các nhà tuyển dụng, sử dụng lao động đến trao đổi theo các chủ đề, và giải đáp những thắc mắc của các bạn để giúp các bạn hiểu rõ hơn về phương pháp học luật.
Câu hỏi 7: Em đăng ký vào Ngành Luật khi vào trường có được phân về các khoa theo chuyên ngành không? Các chuyên ngành khác nhau như thế nào?
Trả lời: Nếu em trúng tuyển vào Ngành Luật khi nhập học vào Trường sẽ được phân về các Khoa để quản lý và sinh hoạt lớp.
Sau khi học hết năm học thứ 3, căn thứ vào nguyện vọng và mức điểm trung bình tích lũy của sinh viên Nhà trường sẽ phân chuyên ngành đối với sinh viên Ngành Luật, cụ thể gồm 05 chuyên ngành:
+ Luật Hành chính
+ Luật Dân sự
+ Luật Hình sự
+ Luật Kinh tế
+ Luật Quốc tế
Mỗi chuyên ngành có sự khác nhau về chương trình đào tạo. Chuyên ngành Luật Hành chính đào tạo chuyên sâu kiến thức pháp luật trong lĩnh vực Hành chính nhà nước; Chuyên ngành Luật Hình sự đào tạo chuyên sâu kiến thức pháp luật về lĩnh vực hình sự, tội phạm học; Chuyên ngành Luật Dân sự đào tạo chuyên sâu kiến thức pháp luật về lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, thừa kế, hợp đồng; Chuyên ngành Luật Kinh tế đào tạo chuyên sâu kiến thức pháp luật về lĩnh vực kinh tế, tổ chức doanh nghiệp, pháp chế; Chuyên ngành Luật Quốc tế đào tạo chuyên sâu kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế, pháp luật quốc tế.
Câu hỏi 8: Nhà trường có những loại học bổng nào cho sinh viên trong quá trình học? Điều kiện được hưởng?
Trả lời:
1. Học bổng khuyến khích học tập dựa vào kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên. Học bổng khuyển khích học tập tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hoặc cấp bù học phí cuả Nhà trường.
– Điều kiện được hưởng:
Đối với sinh viên năm 1 (học kỳ đầu): dựa trên kết quả điểm tuyển sinh (học bạ, thi THPT, xét tuyển thẳng).
Đối với sinh viên năm 1 (học kỳ 2), năm 2, năm 3, năm 4 xét cấp học bổng dựa trên điểm học tập và điểm rèn luyện học kỳ liền kề trước.
– Số tháng cấp: 5 tháng/học kỳ
– Mức cấp:
+ Xuất sắc: (XS, XS) bằng 150% học phí.
+ Giỏi: (Giỏi, Tốt) bằng 125% học phí.
+ Khá: (Khá, Khá) bằng 100% học phí.
2. Ngoài học bổng KKHT, hàng năm Đại học Huế cấp hàng chục suất học bổng khác cho sinh viên của Nhà trường như học bổng Nguyễn Quang Phục, học bổng Nguyễn Trường Tộ, học bổng Keidanren & JCCI, học bổng Phuc’Fond…; học bổng cho các đối tượng là người dân tộc; học bổng của các chính phủ, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cấp cho sinh viên,…
Câu hỏi 9: Em ở vùng biên giới, thuộc gia đình khó khăn thì có được Trường hỗ trợ học bổng hay chi phí học tập không? Điều kiện hưởng?
Trả lời: Nếu em thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập (dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo thi đỗ vào trường) thì được cấp 60% mức lương cơ sở x 5 tháng/ học kỳ (4.470.000đ/HK)
Nếu em thuộc gia đình khó khăn thì Nhà trường có học bổng KKHT mức 1,5% (thực hiện theo thông báo của Nhà trường hàng kỳ) và được cấp các học bổng khác của Nhà trường cấp định kỳ, đột xuất cho sinh viên.
Câu hỏi 10: Em ở tỉnh miền bắc, rất lo lắng chỗ ở khi nhập học. Vậy ký túc xá trường có ưu tiên cho các em ở xa không? Liên hệ theo địa chỉ nào? Giá phòng/sinh viên?
Trả lời: Hằng năm, để chuẩn bị đón tiếp cho các Tân sinh viên vào nhập học. Nhà trường thành lập Đội Tiếp đón tân sinh viên nhằm hỗ trợ, tư vấn tân sinh viên và người nhà về thủ tục nhập học, nơi cư trú.
Nhà trường hằng năm dành 150 – 200 suất KTX miễn phí cho sinh viên hoặc hỗ trợ sinh viên đăng ký ở tại KTX.
Do vậy, nếu em ở xa thì ngay sau khi có kết quả nhập học, em có thể sắp xếp vào Huế nhập học sớm hoặc có thể liên hệ Thầy Minh (0978.029.688) phụ trách ở KTX Trường Bia để đăng ký. Ngoài ra, em có thể liên hệ với Thầy Bình (Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Luật Huế: 0387.066.504) để biết thêm thông tin về KTX.
Giá phòng ở:
Phòng 1 người 1.000.000 đ/ người/ tháng.
Phòng 2 người 500.000 đ/ người/ tháng.
Phòng 3 người 300.000 đ/ người/ tháng.
Phòng 4 người 220.000 đ/ người/ tháng.
Phòng 5 người 180.000 đ/ người/ tháng.
Phòng 6 người 150.000 đ/ người/ tháng.
Phòng 7 người 130.000 đ/ người/ tháng.
Phòng 8 người 90.000 đ/ người/ tháng.
Câu hỏi 11: Em không muốn ở Ký túc xá hoặc nếu KTX hết chỗ ở thì tìm phòng trọ có khó không? Giá thuê trọ ở Huế thế nào? Ai có thể hỗ trợ em tìm phòng trọ khi nhập học?
Trả lời: Nếu em không muốn ở KTX hoặc KTX hết chỗ thì việc tìm phòng trọ cũng tương đối dễ dàng với sự giúp đỡ của đội ngũ tình nguyện viên tiếp đón Tân sinh viên của Nhà trường. Khi nhập học, em có thể liên hệ với Thầy Bình (Đội trưởng Đội tiếp đón Tân sinh viên – 0387.066.504) để được hỗ trợ thông tin về phòng trọ còn trống tại Huế và gần Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Hiểu được nỗi lo về nơi ăn chốn ở của các em Tân sinh viên và Phụ huynh, Nhà trường sẽ cung cấp danh sách dữ liệu các phòng trọ, địa chỉ, sdt của chủ trọ và giá phòng cùng với các tiện ích cụ thể của từng phòng trọ để sinh viên và phụ huynh tham khảo. Dữ liệu này đang được Nhà trường cập nhật và sẽ công bố trên fanpage cũng như website của Nhà trường. Tuy nhiên, mặt bằng chung giá thuê trọ ở Huế tương đối rẻ, giá phòng giao động từ 400,000 – 800,000/ phòng. Phòng có thể ở được 1 đến 2 người, bao gồm vệ sinh trong. Giá điện trung bình 3000đ/ chữ, nước 10,000/ chữ.
Câu hỏi 12: Học phí của Trường quy định như thế nào? Sinh viên phải nộp học phí vào thời điểm nào? Có được nộp học phí nhiều lần trong một học kì không?
Trả lời:
+ Căn cứ Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1072/QĐ-ĐHH ngày 01/9/2016 của Giám đốc Đại học Huế, hàng năm Hiệu trưởng ra quyết định mức thu học phí, thông báo cho sinh viên .
+ Sinh viên phải hoàn thành việc nộp học phí trước khi dự thi kết thúc học phần.
+ Sinh viên có thể đóng học phí nhiều lần trong một học kỳ.
+ Học phí năm học 2021-2022: 295.000đ/tín chỉ, tương đương 4.425.000đ/học kỳ/15 tín chỉ.
Câu hỏi 13: Gia đình em muốn nộp học phí giúp thì nộp trực tiếp hay qua tài khoản nào? Cách nào để biết đã nộp học phí?
Trả lời:
– Nộp học phí trực tiếp tại Trường
Phụ huynh hoặc Sinh viên nộp học phí trực tiếp tại Phòng Kế hoạch – Tài chính, Trường ĐH Luật, đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây, TP Huế.
– Nộp học phí qua ngân hàng
Tên tài khoản: Trường Đại học Luật
Số tài khoản: 55610000019265-Ngân hàng BIDV Phú Xuân, Huế.
Nội dung chuyển tiền: Họ tên, MSSV, học phí học kỳ….
Ví dụ:, Nguyễn Văn A, 20A5021234, Học phí học kỳ 1/năm học 2021-2022
Muốn biết đã nộp học phí hay chưa, sinh viên truy cập vào trang https://qlgd.hul.edu.vn/ hoặc có thể liên hệ trực tiếp Phòng Kế hoạch – tài chính (SĐT: 0234.3946998): Cô Phương (0973.253.215) để đối chiếu.
Câu hỏi 14: Trong quá trình học phụ huynh muốn biết kết quả học tập, đóng học phí của con thì theo dõi trên hệ thống nào? Ai hỗ trợ?
Trả lời: Hiện nay, việc quản lý kết quả học tập, học phí và thông tin liên quan đến sinh viên được Nhà trường thực hiện đồng bộ trên hệ thống Quản lý giáo dục: https://qlgd.hul.edu.vn.
Ngay sau khi nhập học, mỗi sinh viên được cấp một mật khẩu đăng nhập vào hệ thống để tự mình theo dõi kết quả học tập của mình. Chính vì vậy, quý vị phụ huynh muốn theo dõi kết quả học tập của con mình có thể yêu cầu con mình truy cập vào hệ thống nêu trên.
Đồng thời, nếu phụ huynh cần hỗ trợ, thông tin sinh viên về kết quả học tập, việc đóng học phí thì có thể liên hệ trực tiếp:
– Kết quả học tập: Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa:
SĐT: 0983844646, Email: [email protected]
– Đóng học phí: Cô Nguyễn Thị Mai Phương:
SĐT: 0973253215, Email: [email protected]
Câu hỏi 15: Trong quá trình học, em muốn được đi thực tế tại các cơ quan pháp luật/DN từ năm 1 thì Nhà Trường có hỗ trợ không?
Trả lời: Nhà trường rất quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Do đó, Nhà trường hỗ trợ tối đa bằng cách cung cấp giấy giới thiệu, liên hệ các đơn vị để gửi sinh viên đi thực tế. Bắt đầu từ học kỳ 2 của năm thứ nhất, sinh viên đã có thể tham gia đi thực tế tại các cơ quan trên địa bàn thành phố Huế. Các cơ quan mà sinh viên năm thứ nhất có thể đi thực tế như: Uỷ ban nhân dân các phường trên địa bàn thành phố, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Công an phường, Văn phòng Luật sư, Văn phòng Công chứng, Công ty Luật, Bộ phận pháp chế trong các Ngân hàng, doanh nghiệp,…
Câu hỏi 16: Do gia đình em làm nông nghiệp thu nhập không ổn định, em muốn biết mức chi phí trung bình 1 tháng/sinh viên ở Huế?
Trả lời: So với mức sống ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng thì Huế là một nơi “dễ sống” bởi tất cả mọi thứ ở đây đều ở mức rẻ. Đồ ăn ở Huế không chỉ ngon, phong phú đa dạng mà giá cả còn rất vừa với “túi tiền” của mọi người đặc biệt là các bạn sinh viên. Các bạn sẽ không tìm thấy nơi đâu ngoài Huế bán một to bún bò có hương vị đậm đà chuẩn vị mà chỉ với giá 10 đến 15 ngàn đồng hay tô cơm hến chỉ với giá 8 đến 10 ngàn đồng…Ngoài ra ở Huế còn có rất nhiều quán cơm từ thiện, cơm chay hỗ trợ sinh viên, đặc biệt trong số đó là quán cơm 5000 nằm ngay trong khuôn viên của Nhà trường với mục đích phục vụ các bạn sinh viên và những người dân lao động có thu nhập thấp.
Đại học Huế còn hỗ trợ rất nhiều sinh viên khi có đến 3 khu Ký túc xá cho tất cả các trường, khoa trực thuộc. Nếu ở Ký túc xá thì bạn đã có thể tiết kiệm một số tiền rất lớn khi chỉ mất từ 70 đến 140 ngàn đồng/tháng cho tiền ở. Điểm đặc biệt ở Ký túc xá tại Huế là các bạn được nấu ăn ngay trong phòng. Đại học Huế luôn để cao sự tiện nghi cho sinh viên mà chúng ta khó có thể thấy ở các khu Ký túc xá của các trường đại học khác trên cả nước. Hay nếu các bạn muốn thuê trọ thì giá thuê ngay cả trong trung tâm thành phố cũng rất phải chăng, giá thuê trọ tại Huế dao động từ 400 đến 800k/phòng (có thể ở từ 1 đến 2/3 sinh viên).
Do vậy, nếu tiết kiệm thì chi phí sinh hoạt ở Huế dao động từ 1,5 – 2 triệu đồng/1 tháng.
Câu hỏi 17: Nhà trường có quán cơm 5 ngàn cho sinh viên, vậy sinh viên thuộc đối tượng nào được ăn ở quán này?
Trả lời: Tại khuôn viên Trường Đại học Luật có Quán Cơm 5.000 đồng do Trường Đại học Luật và các nhà hảo tâm thành lập. Quán cơm hoạt động buổi trưa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Quán cơm được thành lập với mục đích hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cũng cấp các suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với giá chỉ 5.000 đồng. Bên cạnh đó, mọi đối tượng sinh viên đều có thể ăn ở quán này nếu có nhu cầu.
Câu hỏi 18: Vào học ở Trường em muốn học thêm ngoại ngữ, tin học phục vụ khi ra trường làm việc thì học ở đâu? Có gần khu trọ hay khu KTX không?
Trả lời: Vào học ở Trường em muốn học thêm ngoại ngữ, tin học phục vụ khi ra trường làm việc thì có thể học tại ngay các lớp được mở trong Trường Đại học Luật. Hàng năm, Nhà trường đều liên kết với các đơn vị đào tạo ngoại ngữ, tin học có uy tín, chất lượng để mở lớp đào tạo cho sinh viên có nhu cầu.
Sinh viên ở trọ và KTX quanh Trường tham gia học đều rất thuận lợi.
Câu hỏi 19: Em lần đầu tiên sống xa gia đình, sẽ gặp không ít những khó khăn của đời sống và học tập. Trường có kênh thông tin tư vấn, hỗ trợ nào?
Trả lời: Trong quá trình học tập tại Trường, sinh viên có thể thông qua các kênh thông tin sau để được hướng dẫn, hỗ trợ:
– Đường dây nóng của Ban giám hiệu, các phòng chức năng, Đoàn – Hội, khoa chuyên môn Nhà trường đã cung cấp cho sinh viên trong thông tin cho người học theo địa chỉ:
http://hul.edu.vn/so-tay-dai-hoc/thong-tin-cho-nguoi-hoc-cua-truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-hue_4919.html
– Bộ phận Tư vấn hỗ trợ của Phòng Công tác sinh viên theo số ĐT: 0234.3946995.
– Văn phòng một cửa (mở cửa từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần).
– Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Nhà trường (tham gia các CLB Đội nhóm hoặc trao đổi trên fanpage của Đoàn – Hội).
– Các khoa chuyên môn QLSV và giảng viên phụ trách khối lớp hệ chính quy.
Câu hỏi 20: Ngoài giờ học trên lớp chúng em có thể tham gia các hoạt động gì ở Trường? Cách thức để tham gia?
Trả lời: Môi trường hoạt động tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế rất đa dạng và phong phú. Ngoài giờ học trên lớp, các bạn sinh viên có thể tham gia rất nhiều các hoạt động, các chương trình do Đoàn thanh niên – Hội sinh viên, các Liên chi Đoàn, các Clb/đội nhóm tổ chức về học thuật, về văn hóa thể thao, tình nguyện vì cộng đồng,… chẳng hạn như:
Tham gia viết bài Hội thảo Khoa học sinh viên
Tham gia các Phiên tòa giả định
Tham gia các Giải bóng đá, Giải bóng chuyền sinh viên hằng năm;
Tham gia Cuộc thi Tiếng hát sinh viên; cuộc thi Hoa khôi sinh viên; Cuộc thi nhảy dân vũ, flashmob.
Tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng: Mùa hè xanh; Áo ấm mùa đông; Trung thu cho em; Giáng sinh cho em;…
Và còn rất nhiều các hoạt động, chương trình nếu các bạn sinh viên sắp xếp được thời gian hợp lý giữa việc học học và việc hoạt động Đoàn – Hội nhé.!
Cách thức để tham gia:
Và để tham gia được các hoạt động, chương trình trên thì các bạn sinh viên có thể đăng ký tham gia làm thành viên của các Clb/đội/nhóm, mỗi Clb/đội/nhóm sẽ có đặc thù riêng và các bạn sinh viên cảm thấy bản thân mình phù hợp với clb/đội/nhóm nào thì đăng ký nhé, và các bạn sinh viên cũng có thể đăng ký tham gia các hoạt động, chương ngay tại Chi đoàn, Liên chi Đoàn của mình. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên có thể chủ động đăng ký tham gia theo yêu cầu của mỗi chương trình nhé.
Câu hỏi 21: Các đối tượng được miễn, giảm học phí khi nhập học?
Trả lời: Đối tượng được miễn, giảm học phí gồm các đối tượng sau:
1. Miễn học phí
– Con liệt sỹ
– Con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh
– Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
– Sinh viên mồ côi cả cha và mẹ không nơi nương tựa
– Sinh viên bị tàn tật, khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo
– Sinh viên hệ cử tuyển
– Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo
– Sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn (La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, BRâu, Ơ Đu).
2. Giảm học phí
– Giảm 70% học phí: Sinh viên là người dân tộc thiểu số (không phải là dân tộc rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
– Giảm 50% học phí: Sinh viên là con của cán bộ công nhân viên chức bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp.
Câu hỏi 22: Các đối tượng nào thì được hỗ trợ chi phí học tập?
Trả lời:
1. Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập: là sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo thi đỗ vào trường, với mức hưởng là 60% mức lương cơ sở x 5 tháng/ học kỳ (4.470.000đ/HK).
2. Đối tượng được trợ cấp xã hội:
* Mức cấp 140.000đ/tháng x 6 tháng/học kỳ cho đối tượng: Sinh viên là người dân tộc ít người ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
* Mức cấp 100.000đ/tháng x 6 tháng/học kỳ cho đối tượng:
– Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa
– Sinh viên tàn tật, khuyết tật
– Sinh viên thuộc hộ nghèo.
Câu hỏi 23: Trở thành sinh viên Luật, cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào?
Trả lời: Luật là một ngành mà cơ hội việc làm rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê, hàng năm có đến trên 90% sinh viên Trường Đại học Luật Huế tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau 1 năm ra trường. Do đó, cơ hội việc làm khi em ra trường còn rất rộng mở, em có thể làm việc tại các ví trí việc làm khác nhau như: Uỷ ban nhân dân các cấp, Toà án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Sở ban ngành ( Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ), Văn phòng Luật sư, Văn phòng Công chứng, Công ty Luật, Bộ phận pháp chế trong các Ngân hàng, doanh nghiệp,…
Câu hỏi 24: Khi học Luật, em có có hội phát triển Đảng không?
Trả lời: Trong quá trình học tập tại Nhà trường, em hoàn toàn có thể phấn đấu, rèn luyện để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hàng năm, Nhà trường rất chú trọng việc phát triển Đảng cho sinh viên, tỷ lệ hàng năm đạt từ 30 – 50 Đảng viên sinh viên/ năm học. Đảng bộ Trường có 02 chi bộ sinh viên: chi bộ sinh viên ngành Luật và chi bộ sinh viên ngành Luật kinh tế. Trường Đại học Luật, Đại học Huế thực hiện việc kết nạp cho các sinh viên ngay từ năm thứ nhất có kết quả học tập tốt và có thành tích hoạt động Đoàn, Hội, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng tốt từ học kỳ 2 của năm thứ nhất. Tiêu chí giới thiệu bao gồm: Đạt kết quả học tập tích lũy hoặc ở học kỳ gần nhất từ 2.8 điểm hệ 4 trở lên và đạt được nhiều thành tích nổi bật công tác Đoàn, phong trào thanh niên, các chương trình kỹ năng, các công tác khác của Trường.
Câu hỏi 25: Để rèn luyện kỹ năng của Sinh viên Luật, ngoài việc đi thực tế tại các cơ quan, em có thể rèn luyện trong Trường được không?
Trả lời: Ngoài việc đi thực tế tại các cơ quan, Nhà trường gia cho Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp làm đầu mối tổ chức các chương trình Thực hành luật để rèn luyện kỹ năng cho sinh viên: Chương trình phiên toà giả định, các chương trình kỹ năng mời các chuyên gia thực tiễn để chia sẻ với sinh viên kỹ năng thực hành luật, các khoá đào tạo, bồi dương cấp chứng chỉ về kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng lập luận – tranh luận,…
Câu hỏi 26: Em học Luật nhưng muốn khởi nghiệp có được không?
Trả lời: Nhà trường có các chương trình về Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên nên em có thể tham gia các chương trình này để rèn luyện kỹ năng và xây dựng dự án khởi nghiệp cho bản thân. Dự án khởi nghiệp em có thể tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp do nhà trường tổ chức.
Câu hỏi 27: Khi học xong tại trường, Nhà trường có hỗ trợ thông tin việc làm cho sinh viên không?
Trả lời: Nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo và tỉ lệ có việc làm của sinh viên. Do đó, hàng năm Nhà trường sẽ cập nhật thông tin tuyển dụng của các Nhà tuyển dụng đến với sinh viên. Các em có thể tham gia Ngày hội việc làm hoặc các thông tin việc làm được chia sẻ trên fanpage, các sàn giao dịch việc làm do Nhà trường phối hợp tổ chức để định hướng nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm ngày khi còn ngồi trên ghế nhà trường em nhé.
Câu hỏi 28: Đoàn trường Đại học Luật có bao nhiêu CLB, Đội nhóm? Làm thế nào để sinh viên năm 1 có thể biết các CLB, Đội, nhóm và tham gia vào đó?
Trả lời: Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường Đại học Luật có 11 CLB, Đội nhóm trực thuộc bao gồm:
– CLB Văn hóa Văn nghệ
– CLB Luật gia tương lai
– CLB Thể dục thể thao
– CLB Truyền thông
– CLB Cờ vua – Cờ tướng
– CLB Tiếng Anh Fly
– CLB Hiến máu nhân đạo
– CLB Hữu nghị Việt Lào
– CLB Võ Thuật
– Đội Công tác xã hội
– Đội Văn minh học Đường
Và 04 CLB trực thuộc Liên chi Đoàn gồm:
– CLB Sách và Hành động
– CLB Guitar
– CLB Bolero
– CLB Pháp ngữ
Trong năm thứ nhất khi sinh viên vào trường, sẽ có một buổi giới thiệu hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và hoạt động của các CLB Đội nhóm, sinh viên có thể đăng ký tham gia vào các CLB, Đội nhóm để rèn luyện nâng cao kỹ năng thông qua đăng ký trực tiếp qua phiếu đăng ký tại bàn hoặc đăng ký trực tuyến ở fanpage của các CLB, Đội nhóm.
PHẦN 2. HỎI – ĐÁP THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY NĂM 2021
Câu hỏi 1: Các trường hợp được xét tuyển thẳng vào Trường Đại học Luật, Đại học Huế năm 2021?
Trả lời:
1. Thí sinh là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic quốc tế; thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế;
2. Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia;
3. Thí sinh thuộc các trường THPT chuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 12;
4. Thí sinh thuộc các trường THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 11 và năm học lớp 12;
5. Thí sinh có học lực loại khá trong cả 3 năm học THPT trở lên và có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) đáp ứng điều kiện sau:
– Tiếng Anh: IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên.
– Tiếng Pháp: là học sinh lớp 12 chuyên Pháp của các trường THPT chuyên hoặc là học sinh lớp song ngữ có học tiếng Pháp của các trường THPT và điểm trung bình tiếng Pháp năm lớp 12 từ 7,5 điểm trở lên.
6. Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm 2019, 2020, 2021 ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp.
Câu hỏi 2: Các mức học bổng dành cho sinh viên trong mùa tuyển sinh năm 2021?
Trả lời: Thông tin học bổng tuyển sinh năm 2021
1. Học bổng dành cho thí sinh có kết quả cao trong Kỳ thi TN THPT năm 2021 nhập học:
+ Thủ khoa của ngành nhận học bổng khuyến khích học tập: 30.000.000 đồng (xét theo điểm thi TN THPT năm 2021).
+ Á khoa của ngành nhận học bổng khuyến khích học tập: 20.000.000 đồng (xét theo điểm thi TN THPT năm 2021).
(Trường hợp có số điểm ngang nhau thì xét học bổng căn cứ kết quả học tập trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh).
+ Thí sinh có điểm thi TN THPT năm 2021 từ 26 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên, không phân biệt phương thức nhập học): cấp học bổng tương đương học phí của năm học thứ 3 và năm học thứ 4 trong khóa học (tương đương 30.000.000 đồng), tuyển chọn đi học nước ngoài theo các chương trình trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Luật và các đại học khác trên thế giới, xét và cấp học bổng tài trợ của tổ chức, cá nhân tài trợ cho sinh viên,…
+ Thí sinh có điểm thi TN THPT năm 2021 từ 24 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên, không phân biệt phương thức nhập học): cấp học bổng tương đương học phí của năm học thứ 3 trong khóa học (tương đương 15.000.000 đồng), xét và cấp học bổng tài trợ của tổ chức, cá nhân tài trợ cho sinh viên,…
2. Học bổng dành cho thí sinh Xét tuyển thẳng; Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Nhà trường
1. Thí sinh là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic quốc tế; thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế;
2. Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia;
Học bổng dành cho thí sinh tuyển thẳng thuộc diện ở mục 1 hoặc 2 nói trên là 20.000.000 đồng (năm học thứ nhất nhận 10.000.000 đồng, năm học thứ hai nhận 10.000.000 đồng).
3. Thí sinh thuộc các trường THPT chuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 12;
Học bổng: học bổng tương đương học phí của năm học thứ 2 trong khóa học (tương đương 10.000.000đ).
4. Thí sinh thuộc các trường THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 11 và năm học lớp 12;
5. Thí sinh có học lực loại khá trong cả 3 năm học THPT trở lên và có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) đáp ứng điều kiện sau:
– Tiếng Anh: IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên.
– Tiếng Pháp: là học sinh lớp 12 chuyên Pháp của các trường THPT chuyên hoặc là học sinh lớp song ngữ có học tiếng Pháp của các trường THPT và điểm trung bình tiếng Pháp năm lớp 12 từ 7,5 điểm trở lên.
6. Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm 2019, 2020, 2021 ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp.
Học bổng dành cho thí sinh tuyển thẳng thuộc diện ở mục 4, mục 5 hoặc 6 nói trên là học bổng tương đương học phí của học kì 1 năm học thứ 2 trong khóa học (tương đương 5.000.000 đồng).
Câu hỏi 3: Chính sách ưu đãi dành cho sinh viên khi nhập học sớm năm 2021?
Trả lời: Sinh viên trúng tuyển năm 2021 khi nhập học sớm sẽ nhận được các ưu đãi sau:
Được bố trí ở KTX miễn phí trong 10 tháng (áp dụng cho 150 – 200 sinh viên nhập học sớm và có nhu cầu ở KTX)
Được hỗ trợ tìm trọ phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Được tặng 01 balo.
Nhận các phần quà dành cho 200 sinh viên nhập học đầu tiên: Phiếu ăn sáng miễn phí 04 tháng tại Căn tin Trường Đại học Luật; Phiếu ăn trưa miễn phí 04 tháng tại quán cơm 5.000 đồng Trường Đại học Luật; Học bổng khóa học Tiếng Anh ôn tập thi đầu vào ngoại ngữ không chuyên.
Câu hỏi 4: Thời gian xét tuyển học bạ đợt 2 và xét tuyển thẳng đợt 2 là khi nào?
Trả lời: Thời gian xét tuyển học bạ đợt 2 và xét tuyển thẳng đợt 2 từ ngày 15/6/2021 đến 31/7/2021.
Câu hỏi 5: Dự kiến thời gian nhập học cho thí sinh trúng tuyển đại học chính quy năm 2021 là khi nào?
Trả lời: Dự kiến thời gian nhập học cho thí sinh trúng tuyển đại học chính quy năm 2021 như sau:
Thí sinh trúng tuyển xét học bạ và xét tuyển thẳng đợt 1 nhập học ngày 04/08/2021
Thí sinh trúng tuyển xét học bạ và xét tuyển thẳng đợt 2 nhập học ngày 08/08/2021
Thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi TN THPT nhập học 04/9/2021
Chi tiết về thời gian nhập học thí sinh theo dõi tại tuyensinh.hul.edu.vn.
Câu hỏi 6: Một thí sinh có được đăng kí xét tuyển bằng nhiều phương thức vào Trường Đại học Luật hay không? Nếu trúng tuyển nhiều phương thức thì nhập học như thế nào?
Trả lời: Thí sinh được đăng kí xét tuyển vào Trường Đại học Luật bằng nhiều phương thức. Nếu trúng tuyển nhiều phương thức thì sinh viên chọn một phương thức để nhập học.
Câu hỏi 7: Thí sinh đã đạt kết quả sơ tuyển xét học bạ và tuyển thẳng, nếu không xác nhận nhập học theo thông báo của Nhà trường thì kết quả có bị hủy hay không?
Trả lời: Thí sinh đã đạt kết quả sơ tuyển xét học bạ và tuyển thẳng, nếu không xác nhận nhập học theo thông báo của Nhà trường thì xem như không có nhu cầu nhập học, Trường Đại học Luật sẽ để chi tiêu đó cho thí sinh xét tuyển đợt tiếp theo có nhu cầu.
Câu hỏi 8: Thí sinh đã trúng tuyển NV 1 vào một Ngành khác thuộc một Trường Đại học thuộc Đại học Huế, NV 2 đăng kí vào Trường Đại học Luật và đạt điểm chuẩn của Trường thì có thể nhập học vào Trường Đại học Luật không?
Trả lời: Không thể nhập học. Nếu muốn vào học tại Trường Đại học Luật thì thí sinh có thể đăng kí xét tuyển đợt 2 hoặc đăng kí xét tuyển bằng điểm thi Tốt nghiệp THPT năm 2021.
Câu hỏi 9: Có sự khác nhau giữa nhập học bằng học bạ, tuyển thẳng và điểm thi THPT 2021 không?
Trả lời: Không có sự khác nhau. Nhập học bằng bất kì phương thức nào sinh viên đều được hưởng mọi chế độ giống nhau, chương trình học giống nhau, cùng một mức học phí,…
Câu hỏi 10: Khi nhập học có bắt buộc phải có giấy báo trúng tuyển không?
Trả lời: Không bắt buộc. Thí sinh nếu chưa nhận được giấy báo thì vẫn đếp nhập học bình thường, Nhà trường sẽ cấp lại giấy báo nhập học cho thí sinh.
Câu hỏi 11: Em ghi sai thông tin cá nhận khi đăng kí xét tuyển thì phải xử lý thế nào?
Trả lời: Khi thí sinh đến nhập học sẽ được cập nhật và điều chỉnh thông tin bị sai.
Câu hỏi 12: Em có thể chuyển ngành sau khi đã nhập học hay không?
Trả lời: Không thể chuyển ngành sau khi đã nhập học.
Câu hỏi 13: Có phải chỉ cần đăng kí xét tuyển vào Trường Đại học Luật dù ở NV thứ mấy, chỉ cần đạt điểm chuẩn của Trường là có thể nhập học?
Trả lời: Không phải. Xét tuyển hiện nay thực hiện theo nguyên tắc xét tuyển từ nguyện vọng 1 trở xuống, trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì dừng xét tuyển ở nguyện vọng đó. Vì vậy, thí sinh đặt nguyện vọng 1 là Trường Đại học Luật để đảm bảo trúng tuyển.
Câu hỏi 14: Số điện thoại đường dây nóng tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Luật?
Trả lời: Thí sinh có thể liên lạc theo các số điện thoại sau để được tư vấn hỗ trợ 24/7: 0234.3946997 – 0934.757511 – 0932.343286 – 0794.521410.
Câu hỏi 15: Em đã trúng tuyển học bạ đợt 1 vậy em có được tiếp tục đăng kí xét tuyển học bạ đợt 2 hay không?
Trả lời: Nếu đã trúng tuyển học bạ đợt 1 thì thí sinh chỉ được phép đăng kí xét tuyển học bạ đợt 2 đối với Ngành khác Ngành trúng tuyển ở đợt 1.
Câu hỏi 16: Có thể vừa xét học bạ, vừa xét tuyển điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hay còn gọi là xét nguyện vọng) được hay không?
Trả lời: LÀ HOÀN TOÀN XÉT ĐƯỢC. Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển học bạ và điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hay còn gọi là xét nguyện vọng) được thực hiện độc lập với nhau không ảnh hưởng và không ràng buộc lẫn nhau. Nhiều bạn nhầm lẫn nếu xét học bạ rồi thì không được xét điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hay còn gọi là xét nguyện vọng), hiểu như vậy là hoàn toàn sai dẫn đến các bạn mất cơ hội trúng tuyển bằng xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, các bạn vừa có thể xét học bạ vừa có thể xét nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. (Với phương thức xét tuyển học bạ, mỗi trường sẽ có quy định về điều kiện và mốc thời gian xét tuyển khác nhau nên các bạn cần vào http://tuyensinh.hul.edu.vn/ để tìm hiểu kỹ thông tin trước lúc xét).
Câu hỏi 17: Em đã đăng ký xét học bạ đợt 2 của Trường Đại học Luật Huế rồi bây giờ em có nhu cầu điều chỉnh lại thông tin cá nhân và đổi lại ngành (tăng thêm ngành hoặc xóa bớt ngành) đã đăng ký được không?
Trả lời: Các em vẫn có thể điều chỉnh lại thông tin cá nhân và đổi lại ngành (tăng thêm ngành hoặc xóa bớt ngành) đã đăng ký, cách làm như sau:
– Truy cập vào đường link sau: http://dkxt.hueuni.edu.vn/index chọn mục Chỉnh sửa hồ sơ đăng kí xét tuyển, nhập tài khoản và mật khẩu là số CMND để vào chỉnh sửa hồ sơ.
– Bạn thực hiện điều chỉnh lại thông tin cá nhân hoặc đổi lại ngành (tăng thêm ngành hoặc xóa bớt ngành) đã đăng ký sau đó bạn phải bấm nút “LƯU” để hệ thống cập nhật lại.
– Lưu ý: phải dùng máy tính laptop hoặc để bàn để thực hiện trên điện thoại không thực hiện được.
Câu hỏi 18: Liên quan đến xét điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hay còn gọi là xét nguyện vọng) Liệu các trường sẽ ưu tiên thí sinh nguyện vọng 1 hơn so với thí sinh ở nguyện vọng 2,3,4… hay không?
Trả lời: Mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển nguyện vọng là không giới hạn, nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, Vì vậy, thí sinh nên ưu tiên sắp xếp các nguyện vọng theo đúng thứ tự yêu thích của mình, đặt các ngành hoặc trường yêu thích nhất ở những nguyện vọng đầu tiên.
– Các nguyện vọng được xét bình đẳng như nhau, không tăng điểm trúng tuyển ở các nguyện vọng 2,3,4… như các bạn nghĩ. Khi xét tuyển sẽ xét cùng một lúc tất cả các nguyện vọng của các bạn, nếu bạn đã trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì sẽ không xét đến nguyện vọng 2,3,4… (mặc dù điểm của bạn đủ để trúng tuyển ở nguyện vọng 2,3,4…), nếu bạn chưa chưa trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì được xét ở nguyện vọng tiếp theo (nguyện vọng 2,3,4…).
– Như vậy là nếu trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó sẽ không xét tiếp ở các nguyện vọng tiếp theo mặc dù ở các nguyện vọng tiếp theo các bạn vẫn đủ điểm.
Trả lời:
Câu hỏi 19: Liên quan đến xét điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hay còn gọi là xét nguyện vọng). Em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, vậy em có được trúng tuyển cùng một lúc nhiều trường, nhiều ngành không?
Trả lời: Không thể trúng tuyển cùng một lúc nhiều trường, nhiều ngành mà mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển được một ngành của một trường mà thôi.
Câu hỏi 20: Em có đăng ký nhiều phương thức tuyển sinh (Vừa xét học bạ, vừa xét vừa xét tuyển điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa xét tuyển thẳng theo quy định riêng của trường…) ở nhiều trường và nhiều ngành khác nhau vậy em có được trúng tuyển ở nhiều trường và nhiều ngành hay không?
Trả lời:
+ Nếu em xét điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hay còn gọi là xét nguyện vọng) thì chỉ được trúng tuyển được một ngành của một trường mà thôi, không thể trúng tuyển sở nhiều trường, nhiều ngành được. Bởi vì, ở phương thức tuyển sinh này do Bộ GD&ĐT quy định nên các Trường đại học đều phải thực hiện chung 1 quy trình, chung một mốc thời gian.
+ Nếu em xét các phương thức khác của các Trường (như xét kết quả tuyển thẳng, xét học bạ…được gọi là “Các phương thức khác”) thì em có thể trúng tuyển ở nhiều trường và nhiều ngành khác nhau. Bởi vì, ở “Các phương thức khác” được xét độc lập ở các Trường, mỗi Trường có một quy định riêng không ảnh hưởng lẫn nhau.
Câu hỏi 21: Em có đăng ký nhiều phương thức tuyển sinh ở nhiều trường và nhiều ngành khác nhau vậy nếu em trúng tuyển ở nhiều trường và nhiều ngành thì có được nhập học ở nhiều trường và nhiều ngành hay không?
Trả lời: Em có thể vừa trúng tuyển ở Trường đại học A bằng phương thức xét điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hay còn gọi là xét nguyện vọng) vừa trúng tuyển ở Trường đại học B bằng phương thức xét học bạ và vừa trúng tuyển ở Trường đại học C bằng phương thức xét điểm thi Đánh giá năng lực. Tuy nhiên, các em chỉ được nhập học ở một ngành của một trường mà thôi không thể nhập học cùng 1 lúc 2 Trường đại học được.
Câu hỏi 22: Em được làm thủ tục nhập học mấy lần? (ví dụ: em lỡ nhập học vào Trường đại học A bằng phương thức xét học bạ rồi, nhưng em lại đậu ở trường Đại học B bằng phương thức xét điểm thi THPT, vậy em có thể đến Trường đại học B để nhập học nữa nay không?)
Trả lời:
– Mỗi một thí sinh chỉ được nhập học 1 lần duy nhất
– Thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách chỉ gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kì thi THPT của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác;
– Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc chỉ nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kì thi THPT của năm tuyển sinh) vào cơ sở đào tạo theo quy định của Quy chế này, trong thời hạn do cơ sở đào tạo quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và cơ sở đào tạo được xét tuyển thí sinh khác; thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.”
– Do mỗi một thí sinh chỉ được nhập học 1 lần duy nhất, nên nếu trúng tuyển ở nhiều trường, nhiều ngành thì thí sinh phải cân nhắc, tính toán xem học ở Trường nào thì đến trường đó để nhập học, khi đến nhập học phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kì thi THPT của năm tuyển sinh) khi đã nộp ”Giấy chứng nhận kết quả thi” thì thí sinh không còn cơ hội để nhập học ở trường khác.
Câu hỏi 23: Lúc trước em không có đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Luật Huế bằng xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT (Xét nguyện vọng) vậy bây giờ làm cách nào để được đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Luật Huế bằng bằng xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT (Xét nguyện vọng) vậy ạ?
Trả lời: Sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, mỗi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 03 lần trong khoảng thời gian 10 ngày từ 7/8/2021 đến 17h ngày 17/8/2021. Như vậy, bạn có thể điều chỉnh để đăng ký về Trường Đại học Luật Huế trong khoảng thời gian này. Cách thực hiện điều chỉnh như sau:
• Nếu thí sinh điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh trực tuyến trên cổng http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn
• Nếu thí sinh điều chỉnh lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu hoặc điều chỉnh sai sót các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên phải khai chính xác thông tin này bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ (tại nơi mà thí sinh đã nộp hồ sơ ĐKDT tốt nghiệp THPT ban đầu) để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu. Sau đó sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp trên cổng http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn để thực hiện việc điều chỉnh sau khi cán bộ điểm tiếp nhận cập nhật thông tin bổ sung số nguyện vọng của thí sinh trên cổng thông tin tuyển sinh.