Trang trí nhà ngày tết

 

 

Làm đẹp, trang trí nhà là “thủ tục” không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về. Nhà nào cũng vậy, miền nào cũng vậy. Mỗi thời, mỗi nơi có cách thức, thói quen trang trí nhà cửa khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: địa lý, tập quán, văn hóa, kinh tế… nhưng nhìn chung có mẫu số chung nhất định. Đó là việc làm cho ngôi nhà sạch hơn, sang hơn, đẹp hơn. Đây là một dịp “tổng vệ sinh” nhà cửa và tân trang, ngoài việc tạo ra không gian mới mẻ, thẩm mỹ để tận hưởng, để đón khách thì còn có ý nghĩa cầu mong những điều tốt lành cho năm mới. Việc trang trí nhà ngày tết khá linh hoạt, tùy theo quan niệm và ý thích của gia chủ và bối cảnh cụ thể của ngôi nhà, nhưng thường có 3 nơi được tập trung, đầu tư nhiều nhất, đó là sân vườn (nếu có), phòng khách và nơi thờ cúng.

Làm đẹp sân vườn thì tất nhiên là cây cối, cụ thể là hoa. Hoa đào (miền Bắc) và hoa mai (miền Nam) là lựa chọn số một. Nhưng với nhiều nhà, trong thời kỳ khó khăn về kinh tế thì không phải ai cũng có điều kiện rước đào hay mai về làm cảnh trong sân vườn. Đặt trong sân vườn thì phải là cây trồng trong chậu, giá cả cao hơn nhiều so với cành hoa cắm lọ. Thế nên nhiều người có những lựa chọn phù hợp bằng những loại cây hoa khác rẻ hơn mà vẫn mang không khí tết, như hoa thược dược, hoa đồng tiền… (miền Bắc), hoa cúc, hoa giấy… (miền Nam). Ngày xưa, hẳn đã lâu lắm rồi, người dân còn có tục dựng cây nêu trong vườn để trừ tà và cầu may mắn. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp là ngày ông Táo chầu trời (lên nêu) và được hạ xuống ngày mồng 7 tết (hạ nêu). Trên đỉnh cây nêu (làm bằng cây tre) có treo phong linh và một số đồ mang tính biểu tượng, tùy dân tộc.  Tục dựng nêu đã thất truyền ở nhiều nơi, song những năm gần đây được khôi phục ở một số không gian cộng đồng như bảo tàng, các khu di tích, khu du lịch… Tương tự, đèn lồng là một vật dụng xưa khá quen thuộc được trang trí ở hiên nhà, sân vườn, cổng nay cũng xuất hiện trở lại ở nhiều miền, cả nông thôn và thành thị. Tất nhiên đèn lồng thời hiện đại dùng bóng điện chứ không đốt nến như xưa.

Phòng khách có lẽ là nơi được chú trọng nhất trong trang trí ngày tết. Bởi đây vừa là nơi sinh hoạt chung của gia đình, vừa là nơi đón tiếp khách – vốn rất ý nghĩa trong dịp tết. Ngày xưa, ở nông thôn cũng như thành thị, phòng khách thường được trang trí bằng câu đối tết, được các ông đồ viết trên giấy đỏ để cầu may mắn. Bên cạnh đó là các loại tranh dân gian các con giáp theo năm hay có nội dung sum vầy hạnh phúc. Giờ ít người treo câu đối tết, vì cấu trúc nhà đã khác xưa, khó có chỗ treo phù hợp, nhưng thú chơi thư họa và thư pháp đang phục hưng, nhiều người chọn chữ và đặt viết những chữ cầu may mắn hay tốt lành như chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, Minh, Trí… Tranh dân gian cũng đang hồi sinh, dù chưa nhiều nhưng cũng đã có những người chọn sản phẩm văn hóa này để làm đồ trang trí tết, ngay cả trong ngôi nhà có kiến trúc hiện đại.

 

Phòng khách cũng không thể thiếu hoa. Những nhà có phòng khách rộng thường trưng cả cây đào hay mai, hoặc cành cắm trong lọ; đặt một góc nào đó hay kế bên bộ bàn ghế tiếp khách. Vào những năm 80 ở miền Bắc, còn nhiều khó khăn về kinh tế, cùng với việc phòng khách nhiều nhà chật; nên không trưng hoa đào mà thường đặt một lọ hoa cắm ở bàn nước. Công thức hoa tết ở miền Bắc thời đó là: thược dược, đồng tiền, viloet và một vài loại khác. Ở miền Nam, nếu không có hoa mai thì cúc mâm xôi, cúc đại đóa hay mào gà được ưa chuộng. Cũng thời kỳ ấy, có lẽ bởi kiến trúc, nội thất nhà chưa đẹp nên gia chủ hay nệ vào việc trang trí cho nhà đẹp hơn. Nhiều nhà cắt những dây hoa bằng giấy màu chăng lên trần nhà, có thể ở giữa treo thêm quả cầu gấp bằng giấy màu đỏ để trang trí. Với những nhà có đào, mai, quất thì chăng dây đèn nhấp nháy, dây trang kim lấp lánh lên cây, lên cành,  cùng với rất nhiều đồ trang trí và thiệp tết để tăng sự thu hút cũng như độ “sang”. Bây giờ, lối trang trí rườm rà ấy dường như không còn nữa, người ta để cây, hoa như nguyên bản để phô bày vẻ đẹp vốn có. Đào, quất, hay mai vàng vẫn là những loại cây chủ đạo nhưng để chơi tết còn có nhiều loại khác cũng được đón nhận như địa lan, thủy tiên, trạng nguyên, mai trắng trồng trong chậu nhỏ, các loại cây bon sai… bày phòng khách. Một số người có điều kiện, thích “chơi” còn săn tìm những loại cây độc lạ bày tết như hoa nhiều loại màu, cây nhiều loại quả, cây có quả khắc chữ, quả hình dáng lạ… để làm đẹp cho không gian nhà mình. Ngoài cây, hoa trang trí cho phòng khách thì ở bàn tiếp khách, hộp hay các đĩa đựng bánh mứt kẹo cũng là một thứ trang trí được quan tâm, chú ý. Trước kia, quan niệm còn nặng về ăn uống nên người ta tham nhiều – bày nhiều thứ, nhiều đồ là oách; nhưng giờ thì trang trọng, lịch sự với đồ ăn chọn lọc, tiết chế mới là điều hướng tới.
Một sự đổi thay khác có thể thấy, ở góc độ xã hội. Đó là trước kia, việc trang trí tết chủ yếu diễn ra ở nội bộ các gia đình, với nhà ở đơn lẻ; còn chung cư (cũ) thì không có không gian và cả điều kiện kinh tế để trang trí ngày tết. Nay ở trong các chung cư mới, hiện đại, với diện tích rộng, sảnh rộng, có không gian cộng đồng; hầu hết các chung cư đều trang trí đón tết ở những khu vực này. Ngoài trưng bày đào, quất, mai (thường là cây to) còn có thể dựng tiểu cảnh để cho trẻ em vui chơi hay cho cư dân “check in” và chụp ảnh lưu niệm.

 

 

Nếu như phòng khách có tính đối ngoại và nghi thức thì không gian thờ cúng lại có ý nghĩa tinh thần quan trọng đối với gia chủ. Lau dọn, trang trí bàn thờ ngày tết là việc làm không thể bỏ qua. Phòng khách có thể được trang trí vào nhiều dịp khác như Noel, sinh nhật nhưng việc lau dọn, trang trí bàn thờ thường chỉ làm một năm một lần vào dịp tết nên các gia chủ rất coi trọng và được làm với sự thành kính. Theo lệ thường, việc này được làm trước ngày 23 tháng chạp (trước lễ cũng ông Công – ông Táo), trong đó có thủ tục quan trọng là bao sái bát hương, tức là tỉa chân hương, thêm tro vào bát và hóa chân hương. Sau các mục vệ sinh lau dọn là trang trí bàn thờ. Mâm ngũ quả là đồ không thể thiếu – vừa là đồ cúng, cũng là đồ trang trí cho bàn thờ trang trọng, đẹp hơn. Mâm ngũ quả là tâm điểm của bàn thờ. Ngoài Bắc, mâm ngũ quả thường là nải chuối, quả bưởi, xen với một số loại quả khác như quất, hồng, trứng gà (lekima)…; trong Nam hay dùng công thức “vừa – đủ – xài” (tức là 3 loại quả dừa, đu đủ, xoài) làm chủ đạo. Bên cạnh mâm ngũ quả, có thể có một số loại quả khác được bày ra đĩa. Cùng với đó là bánh chưng, các loại bánh mứt kẹo, chai rượu… Hai bên bàn thờ được trang trí hai lọ hoa, có thể là cành đào, mai nhỏ hoặc các loại hoa tết khác. Trước kia, khi chưa cấm pháo nhiều nhà còn trưng cả bánh pháo tết lên bàn thờ, tạo nên không khí rất phấn chấn, nhưng nay thì không còn thói quen đó nữa.
Vào các lễ cúng: cúng ông Công – ông Táo, cúng giao thừa, cúng mồng một, cúng hóa vàng… trên bàn thờ còn bày thêm con gà luộc, đĩa xôi, khoanh giò lụa và một vài món ăn khác tùy gia đình, tùy vùng miền. Nhìn chung, việc bày biện và trang trí bàn thờ xưa nay không thay đổi nhiều. Nếu có, thì đó là việc ngày xưa, đồ bày trên bàn thờ chủ yếu là hoa và quả, nay thì có nhiều loại đồ hộp bánh mứt kẹo, rồi cả chai rượu Tây, nước uống đóng lon… Các loại quả truyền thống quen thuộc vẫn có, nhưng xuất hiện cả những loại quả nhập khẩu như táo Envy (New Zealand), nho Mỹ, lê Hàn Quốc, dâu Tây, cherry, kiwi…
Những ngôi nhà truyền thống ở nông thôn, hay một số nhà cũ, nhà căn hộ chung cư mới; bàn thờ đặt gắn liền với không gian phòng khách, phòng sinh hoạt chung thì việc trang trí bàn thờ cũng là sự kết hợp trang trí không gian chung, làm tổng thể trở nên gần gũi, ấm áp và đậm không khí tết. Thời gian trôi và đã bao điều đổi thay, thì dẫu vậy, việc làm đẹp không gian, trang trí nhà ngày tết vẫn là một nét đẹp bình dị, là truyền thống tốt đẹp của mỗi nhà. Ở đó có sự gắn kết các thành viên trong gia đình, tưởng nhớ, ngưỡng vọng tổ tiên, lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong năm mới, trong tương lai…, là những giá trị chân – thiện – mỹ của cuộc sống.

 

 

Cho dù có nhiều những đổi thay theo thời gian thì tết cổ truyền vẫn thiêng liêng và có nhiều ý nghĩa trong đời sống xã hội. Dịp tết, cũng là lúc mọi nhà dù giàu hay nghèo đều dọn dẹp nhà cửa, bày biện trang trí cho ngôi nhà của mình sạch sẽ, trang trọng, vui tươi để đón năm mới và cùng hy vọng một năm mới an lành, sung túc

 

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 198