Trang tin điện tử Hội Khoa học & Công nghệ mỏ Việt Nam – VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ MỎ – LUYỆN KIM – 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ MỎ – LUYỆN KIM – 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH (03/03/2008)
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim trước đây là Viện Luyện kim màu được thành lập năm 1967. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Viện đã nhiều lần sáp nhập với các đơn vị thành viên. Năm 2006, thực hiện chủ trương của Nhà nước đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH và CN, Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số 3646/QĐ-BCN ngày 15 /12 / 2006 chuyển đổi Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim thành tổ chức KH và CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy điịnh tại Nghị điịnh 115/2005/NĐ-CP với tên gọi:
Viện Khoa hoc và Công nghệ Mỏ-Luyện kim; hoạt động theo mô hình “
Viện với các công ty thành viên”.
Chức năng nhiệm vụ được Nhà nước giao là Nghiên cứu KHCN và thiết kế các công trình trong lĩnh vực Mỏ và Luyện kim với 4 đối tượng công nghệ chính là: Khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim và gia công kim loại. Từ năm 1996 đến nay Viện được phép mở rộng thêm chức năng tới các lĩnh vực nghiên cứu bảo vệ môi trường, nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị, cơ điện, tư vấn đầu tư và tư vấn xây dựng, tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật, đào tạo công nhân và trực tiếp sản xuất một số sản phẩm chuyên ngành có hàm lượng khoa học cao.
1.
Công tác nghiên cứu và tư vấn – thiết kế:
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Viện đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học – công nghệ; trong đó có nhiều đề án thiết kế và đề tài nghiên cứu. Sự gắn bó giữa khoa học và sản xuất đã được thể hiện rất sớm và ngày càng sâu sắc. Những kết quả nghiên cứu các mẫu quặng thuộc vùng thiếc Cao Bằng, Tam Đảo, Quỳ Hợp … đã góp phần quan trọng phục vụ công tác thăm dò địa chất, quy hoạch và thiết kế các công trình mỏ, tuyển, luyện thiếc và quá trình Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Từ kết quả nghiên cứu thành công công nghệ luyện thiếc, năm 1973 – 1975 Viện đã thiết kế xây dựng công trình Xưởng luyện thiếc Thái Nguyên, là xưởng luyện thiếc đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, thi công và đưa vào sản xuất, là hạng mục công trình sản xuất đẩu tiên để hình thành Nhà máy luyện kim màu hiện nay.
Viện đã nghiên cứu thành công công nghệ, thiết kế và xây dựng Nhà máy tuyển graphit Cổ Phúc, Yên Bái, thiết kế và cung cấp thiết bị đồng bộ cho dây chuyền sản xuất của Nhà máy tuyển graphit Quảng Ngãi. Đối với các công trình mỏ, Viện đã nghiên cứu thành công công nghệ và thiết kế xây dựng mỏ graphit Mậu A, mỏ thiếc Sơn Dương, mỏ thiếc Bắc Lũng, mỏ antimon Đầm Hồng, Tuyên Quang bao gồm khai trường và xưởng tuyển cơ giới. Các đề án thiết kế của Viện đã góp phần tạo dựng cơ sở cho sản xuất và phát triển của các mỏ.
Viện đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu KHCN; trong đó có nhiều công trình thiết kế và đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước. Hàng chục đề tài nghiên cứu, công trình thiết kế đã được viện thực hiện thành công đưa vào áp dụng và chuyển giao công nghệ theo hình thức chìa khóa trao tay (từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, lắp đặt thiết bị, đào tạo công nhân và đưa công trình vào sản xuất) như: nghiên cứu công nghệ khai thác và xử lý quặng vàng sa khoáng Bồng Miêu, Quảng Nam; quặng vàng sa khoáng lưu vực sông Pôcô, sông Đakao; công nghệ tuyển quặng vàng gốc Trà Dương ( công nghệ này lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam về tuyển vàng gốc, sau đó được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi), nghiên cứu công nghệ và thiết kế xưởng tuyển quặng và thủy luyện vàng tại mỏ Pak Lạng, Bắc Kạn.
Các công trình Viện làm công tác tư vấn, thiết kế đã đưa vào xây dựng và vận hành sản xuất là: mỏ – luyện thiếc Tĩnh Túc; mỏ – tuyển graphit Yên Bái; mỏ – tuyển inmenit Hà Tĩnh; mỏ – tuyển chì kẽm Lang Hích; crômit Thanh Hóa, mỏ – luyện antimon Đầm Hồng, Tuyên Quang ; mỏ – tuyển apatit Lào Cai, mỏ – luyện vàng Bồng Miêu; mỏ đá quý Yên Bái; mỏ – tuyển quặng sắt Ngườm Cháng, Cao Bằng; mỏ tuyển than Bắc Làng Cẩm, Thái Nguyên; mỏ đá La Hiên, Thái Nguyên … Đặc biệt năm 1988 Viện đã nghiên cứu thành công công nghệ luyện thiếc trong lò điện hồ quang và ứng dụng vào sản xuất ngay trong Viện. Công nghệ này được chuyển giao cho nhiều cơ sở tại các tỉnh trong cả nước; góp phần đưa sản lượng thiếc kim loại xuất khẩu của toàn quốc tăng vọt gấp 5 ¸ 7 lần (từ mức 500 tấn/năm lên hơn 3.500 tấn/năm); tạo thành một ngành công nghiệp luyện kim màu; luyện thiếc xuất khẩu trong toàn quốc. Từ năm 2003 trở lại đây Viện đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công công nghệ điện phân thiếc loại I xuất khẩu ( ≥ 99,95 % Sn ); hiện nay công nghệ này đã được ứng dụng tại Xưởng điện phân thiếc Tam Hiệp của Viện và các cơ sở khác trong nước, với tổng sản lượng thiếc điện phân lên 2.000 tấn/năm.
Công trình nghiên cứu công nghệ khai thác và tuyển Titan sa khoáng ven biển được đưa vào ứng dụng, Viện đã thiết kế chuyển giao công nghệ, chế tạo cung cấp thiết bị và lắp đặt hàng trăm máy tuyển từ, máy tuyển điện, hàng trăm cụm vít xoắn cho các Tổng công ty, Công ty, các Xí nghiệp khai thác sa khoáng Titan ven biển theo hình thức chìa khoá trao tay, góp phần quan trọng hình thành một Ngành công nghiệp mới. Đồng thời Viện là một thành viên sáng lập và lãnh đạo chủ yếu của Hiệp hội Titan Việt Nam bao gồm hàng chục doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Titan Việt Nam. Đây cũng là sự đóng góp quan trọng của Viện cho sự phát triển ngành công nghiệp địa phương của các tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận…. Các doanh nghiệp khai thác titan sa khoáng này mỗi năm xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn sản phẩm, thu về hàng trăm triệu USD cho ngân sách các địa phương. Với sự đóng góp đó, năm 2005 Viện đã được Nhà nước tặng “Giải thưởng Nhà nước về KHCN” cho cụm công trình này.
Những chương trình đề tài nổi bật Viện đã chủ trì và tham gia thực hiện là : 20 Đề tài cấp Nhà nước thuộc 5 chương trình ( KC – 01; 24 C-02, KC-02, KHCN – 03 và chương trình vật liệu mới).
Viện đã chủ trì lập 05 quy hoạch và chiến lược phát triển ngành (Dự án lập quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan; Dự án lập quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit; Dự án quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng mangan, crômit; Dự án quy hoạch vàng, đồng, niken và môlipđen; Dự án quy hoạch khoáng chất công nghiệp).
2.
Về sản xuất
Viện đã triển khai có hiệu quả sản phẩm KHCN là những đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên ngành để ứng dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp Mỏ-Luyện kim. Ngoài ra Viện đã trực tiếp sản xuất các sản phẩm từ khoáng sản kim loại màu đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Hiện nay tại 5 cơ sở sản xuất thiếc của Viện (Thái Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh, Tam Hiệp, Nghệ An, Cao Bằng) đã sản xuất hơn 1.000 tấn thiếc xuất khẩu hàng năm đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho sản xuất của các ngành hữu quan ở cả Trung ương và địa phương, thu ngoại tệ mạnh về cho đất nước. Ngoài ra hàng năm Viện đã sản xuất hàng chục tấn hợp kim màu các loại phục vụ cho các ngành kinh tế quốc dân, thay thế nhập ngoại. Những đóng góp tích cực ấy vào sự phát triển toàn ngành đã khẳng định được vị trí, vai trò của một Viện nghiên cứu triển khai Khoa học-Công nghệ chuyên ngành từ nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất, từ đó nâng cao uy tín của Viện.
3.
Về Hợp tác quốc tế
4. Trong những năm qua Viện đã phối hợp liên kết với nhiều Viện và Trường Đại học các nước Liên Xô (cũ); Trung Quốc, CHLB Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Oxtraylia, Chilê, Malaysia … hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, thực tập sinh để học hỏi nâng cao trình độ cho CBCNV của Viện. Đặc biệt trong công tác tư vấn – thiết kế, Viện đã cùng Tập đoàn Chalco, Trung Quốc phối hợp lập Dự án đầu tư mỏ bauxit 1/5 Đắc Nông với công suất 1,9 triệu tấn alumin/năm. Hiện nay Viện đang liên doanh dự thầu Dự án đầu tư mỏ bôxit Tân Rai Lâm Đồng 600.000 tấn alumin/năm; mỏ bauxit Nhân Cơ – Đắc Nông 300.000 tấn alumin/năm. Viện đã phối hợp với tập đoàn BHP Billinton,Oxtraylia khảo sát thức địa vùng mỏ bauxit Đắc Nông và lập cơ hội đầu tư khai thác một số mỏ bauxit thuộc vùng Đắc Nông.
Trong năm 2006, Viện đã liên doanh với Viện Griproruda,CHLB Nga thắng thầu trong việc lập dự án đầu tư mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh với công suất khai thác 10 triệu tấn quặng nguyên khai.năm. Công trình đang triển khai và dự kiến cuối năm 2007 hoàn thành. Năm 2007 Viện cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Mỏ – Luyện kim Chilê đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý các loại quặng nghèo: đồng, vàng … ở Việt Nam trên tinh thần Nghị định thư về hợp tác KHCN giữa hai nước.
4. Về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và chăm lo đời sống CBCNV
Được sự quan tâm của Bộ Công nghiệp và các cơ quan chức năng, Viện đã được đầu tư xây dựng Nhà nghiên cứu khoa học 7 tầng, đây là cơ sở làm việc và nghiên cứu khang trang ổn định, tạo cho Viện một vị thế mới để phát triển trong tương lai. Đồng thời Viện đã đầu tư sửa chữa nâng cấp các phòng làm việc, phòng nghiên cứu của các đơn vị và đầu tư thiết bị, máy móc, phương tiện làm việc hiện đại đáp ứng yêu cầu của một Viện NCKH chuyên ngành. Đến nay Viện đã xây dựng được hệ thống các phòng thí nghiệm tương đối hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu KHCN về mỏ, tuyển khoáng, luyện kim màu, luyện kim quý hiếm, hợp kim, gia công kim loại và Trung tâm phân tích hoá đạt tiêu chuẩn VILAS.
Các cơ sở Nghiên cứu thực nghiệm tại Tp Hồ Chí Minh; Thái Nguyên và Tam Hiệp (Hà Nội) cũng được đầu tư nâng cấp để tăng cường năng lực nghiên cứu và sản xuất của Viện. Trong những năm qua Viện đã bám sát chức năng nhiệm vụ của Bộ giao, xây dựng biên chế về cơ cấu tổ chức tương đối hoàn chỉnh phù hợp với từng giai đoạn. Đồng thời xây dựng định hướng chiến lược của một Viện Nghiên cứu KHCN; triển khai và tập trung nghiên cứu các đề tài khoa học thiết thực phục vụ sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Song song với công tác chuyên môn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Viện đã tập trung chăm lo việc xây dựng cơ sở vật chất và quan tâm đến đời sống của CBCNV, đảm bảo công việc làm cho CBCNV. Doanh thu hàng năm tăng từ 16 – 20 %; doanh thu năm 2006 đạt 163 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên hàng năm được cải thiện và tăng dần, năm 2001 là 850.000 đ/người/tháng, năm 2006 là 4.100.000 đ/người/tháng; 6 tháng đầu năm 2007 là 4.600.000 đ/người/tháng.
5. Về công tác thi đua
Trong 40 năm qua Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim đã không ngừng phấn đấu, khắc phục vựơt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên. Đặc biệt là trong hơn 20 năm đổi mới Viện đã có những bước tiến và đổi mới quan trọng. Với những thành tích và những cống hiến đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Viện được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng III (1982),- Huân chương Lao động hạng II (1987), 2 Huân chương Lao động hạng I (1997 và 2002). Năm 2007 Viện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng III.
Năm 2005 Viện được nhận “Giải thưởng Nhà nước về KH-CN” cho cụm công trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về titan.
Đảng bộ viện, Công đoàn viện, Đoàn Thanh niên Viện, các đơn vị và cá nhân trong Viện còn nhận được nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý khác như 2 Huân chương Lao động hạng III cho 1 đơn vị và 1 cá nhân, nhiều Bằng khen và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…,05 cá nhân được nhận giải thưởng VIFOTEC…
6. Định hướng phát triển
a. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi Viện, tổ chức lại các đơn vị theo hướng chuyên sâu, tinh gọn nâng cao năng lực của cán bộ, giảm đầu mối quản lý.
b. Nghiên cứu mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển KHCN cho giai đoạn mới của Viện, bám sát phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN chủ yếu của đất nước trong giai đoạn 2006 – 2010; (theo Quyết định 67/2006/QĐ-TTg ngày 21/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là định hướng quan trọng, nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm KHCN, đồng thời giải quyết những đòi hỏi cấp thiết trong sản xuất đặt ra và tạo ra sự phát triển nhanh cho sản xuất.
– Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học theo chiều sâu để tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng có hàm lượng khoa học cao, mang thương hiệu của Viện.
– Đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu ứng dụng, tư vấn- thiết kế, đấu thầu xây dựng công trình chìa khóa trao tay để đa dạng hoá công việc trong Viện tạo ra những sản phẩm, vật liệu có hàm lượng khoa học và chất lượng cao, nhằm giải quyết khó khăn cho thực tiễn sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm dần và hạn chế thấp nhất việc nhập ngoại, tiết kiệm được ngoại tệ cho đất nước.
c. Tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn – thiết kế, khai thác và chế biến sâu các đối tượng khoáng sản thiếc, kẽm, chì, nhôm, đồng, crôm, đất hiếm, vàng, inmenit, titan, bauxit, sắt ….
d. Chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh:
– Triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản, kim loại màu và chế tạo thiết bị phục vụ cho ngành khai thác chế biến khoáng sản và các ngành công nghiệp. Để chủ động về nguyên liệu trong sản xuất và chế biến khoáng sản; Viện sẽ liên doanh với một công ty có mỏ đang khai thác hoặc thành lập một đơn vị trực thuộc có chức năng khai thác mỏ để khai thác mỏ và chế biến nguyên liệu cho sản xuất, chế biến các sản phẩm trong lĩnh vực khoáng sản kim loại màu như: thiếc, vàng, antimon, vonfram, crôm, đồng, chì, kẽm, molipđen, các khoáng chất công nghiệp và các hợp kim … phục vụ nhu cầu của các ngành công nghiệp và kinh doanh xuất khẩu.
– Tiếp tục sản xuất thiếc sạch loại I, bằng phương pháp điện phân đạt tiêu chuẩn 99,95 % trở lên phục vụ cho nhu cầu các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu.
– Sản xuất, gia công các sản phẩm hợp kim và hợp kim trung gian phục vụ cho các đơn vị và ngành công nghiệp có nhu cầu.
– Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại thiết bị thuộc thế hệ mới như: máy tuyển từ, máy tuyển điện, vít đứng, bàn đãi, lò sấy quay, máy tuyển nổi, máy đập trục, máy đập hàm, hệ thống thu bụi tĩnh điện. Đồng thời nghiên cứu áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đưa tự động hoá chế tạo các thiết bị phục vụ trong ngành công nghiệp khai thác và các ngành công nghiệp khác.
– Hoạt động tư vấn thiết kế, tư vấn đầu tư xây dựng – Công nghệ thuộc lĩnh vực Mỏ – Tuyển – Luyện kim và Môi trường công nghiệp.
– Thực hiện hợp tác KHCN, liên doanh, liên kết, đóng cổ phần trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm kim loại màu, tham gia đấu thầu tư vấn – thiết kế và nghiên cứu ứng dụng ươm tạo công nghệ mới với các đơn vị và tổ chức trong và ngoài nước;
– Triển khai ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất, bảo vệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
– Xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm, vật tư, thiết bị chuyên ngành mỏ – tuyển – luyện kim phục vụ cho nhu cầu các Dự án đầu tư phát triển của Viện và các cơ sở kinh tế trong nước.
7.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Kiện toàn đội ngũ cán bộ khoa học bằng các biện pháp khuyến khích và trọng dụng các chuyên gia giỏi, tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, bổ sung cán bộ chuyên môn, cán bộ trẻ cho các ngành chủ yếu. Đồng thời tiếp tục quan hệ và mở rộng với các Viện nghiên cứu của các nước trong khu vực, thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài./.
Hoàng văn Khanh
Viện trưởng
Viện Khoa học Công nghệ Mỏ-Luyện kim
[ Quay lại ] Các tin khác