Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng
Hơn thế nữa, bệnh do thực phẩm gây ra đang gia tăng trên toàn thế giới và những nỗ lực kiểm soát vẫn chưa thành công, Tổ chức y tế thế giới WHO cho rằng chiếu xạ là một biện pháp kiểm soát hữu ích, có vai trò quan trọng trong việc hướng tới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy ứng dụng công nghệ bức xạ trong bảo quản thực phẩm và tiệt trùng dụng cụ y tế là phương án hiệu quả và tối ưu mà các doanh nghiệp đang lựa chọn.
- Chiếu xạ là gì?
Chiếu xạ thực phẩm là công nghệ sử dụng năng lượng bức xạ ion hoá (chùm tia điện tử, tia X hoặc tia gamma) để xử lý thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Hình ảnh minh họa chiếu xạ thực phẩm
Khoai tây chưa chiếu xạ nảy mầm và khoai tây được chiếu xạ
Quá trình khử trùng bức xạ dụng cụ y tế là dựa vào khả năng tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh của bức xạ ion hóa. Khử trùng bức xạ có những ưu điểm về chất lượng và an toàn môi trường, dự tính trong tương lai sẽ phát triển và thay thế dần phương pháp khử trùng bằng etylen oxit (EtO) và nhiệt.
- Lợi ích của chiếu xạ thực phẩm
Chiếu xạ giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Nếu như đông lạnh chỉ có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật thì tia bức xạ có tác dụng gây tổn thương cơ chế di truyền (phân tử AND) làm bất hoạt khả năng sinh sản của vi sinh vật. Nhờ đó, sau khi chiếu xạ, các vi sinh vật gây bệnh cho người và các vi sinh vật gây hại cho thực phẩm bị bất hoạt. Nhờ các hiệu ứng đó thực phẩm chiếu xạ trở lên vệ sinh và an toàn hơn, chất lượng dinh dưỡng được ổn định, thời gian sử dụng của thực phẩm được kéo dài…. tạo thuận lợi cho khâu lưu trữ và phân phối thực phẩm tới các thị trường xa, trái thời vụ.
Chiếu xạ thực phẩm góp phần ngăn chặn sự lây lan nhiều dịch bệnh ngũ cốc, hoa quả, thịt, trứng, sữa, hải sản… là môi trường khu trú thích hợp cho nhiều vi khuẩn, côn trùng, kí sinh trùng gây bệnh (Salmonella, Shigella Escherichia coli 0157:H7…). Vì vậy, chiếu xạ trước khi thực phẩm được xuất đi tiêu thụ là một biện pháp kiểm dịch hữu hiệu góp phần ngăn chặn đáng kể sự lây lan, làm giảm sự thiệt hại về nhân mạng và kinh tế.
- Thực phẩm chiếu xạ có duy trì được chất lượng dinh dưỡng?
Các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh là các chất dinh dưỡng đa lượng như protein, gluxit và lipit tương đối ổn đinh khi xử lý thực phẩm tới liều 10 kGy. Các chất dinh dưỡng vi lượng, đặc biệt là các vitamin, tỏ ra khá nhạy cảm với các tác nhân xử lý, kể cả với bức xạ. Ví dụ, vitamin A, E, C và B có độ nhạy cảm cao với bức xạ song cũng chỉ tương đương với các tác nhân xử lý bằng nhiệt.
Hội đồng chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã thống nhất kết luận rằng quá trình chiếu xạ thực phẩm không làm tăng bất kỳ độc tố, vi sinh hoặc những rủi ro về dinh dưỡng nào ngoài những lợi ích mà nó mang lại như các kỹ thuật chế biên thực phẩm thông thường khác.
- Chiếu xạ có làm thực phẩm bị nhiễm xạ?
Chiếu xạ trong các điều kiện được kiểm soát không làm cho thực phẩm biến thành chất phóng xạ. Bất kể loại vật liệu nào trong môi trường sống của chúng ta, kể cả thực phẩm, đều chứa một lượng cực nhỏ các nguyên tố có hoạt tính phóng xạ được gọi là các nguyên tố phóng xạ tự nhiên. Thực phẩm chiếu xạ không trực tiếp tiếp xúc với nguồn phóng xạ, mức năng lượng tối đa của bức xạ ion hóa nhỏ hơn 5 MeV đối với tia gamma, tia X và nhỏ hơn 10 MeV đối với chùm tia điện tử. Các giới hạn năng lượng trên nhỏ hơn năng lượng liên kết hạt nhân vì vậy các bức xạ ion hóa này không có khả năng biến thực phẩm chiếu xạ thành chất phóng xạ.
- Thành tựu
Ngày nay kỹ thuật chiếu xạ thực phẩm đã được hơn 60 quốc gia nhìn nhận và cho phép thực hiện trên 40 loại mặt hàng khác nhau. Hơn nửa triệu tấn lương thực hiện đang được chiếu xạ trên toàn thế giới mỗi năm. Mặc dù số lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số thực phẩm tiêu thụ hàng năm, nhưng nó đang tăng trưởng ổn định do những lo ngại về bệnh gây ra do thực phẩm.
Ở nước ta Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ bức xạ. Đặc biệt vào năm 1991 đã thành lập cơ sở chiếu xạ đầu tiên tại Hà Nội và năm 1998 thành lập cơ sở chiếu xạ thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017, Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ Vinagamma đã xử lý khoảng 14.000 tấn thực phẩm và gần 3.000 m3 dụng cụ y tế các loại.
Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm có được, Viện NLNTVN đã xây dựng cơ sở chiếu xạ thứ ba tại thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Cơ sở được trang bị thiết bị chiếu xạ VINAGA1 sử dụng nguồn Cobalt-60 hoạt độ 200 kCi với công suất xử lý khoảng 40 tấn hàng/ngày. Viện NLNTVN đã bàn giao cơ sở cho Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ Vinagamma để vận hành, khai thác. Cơ sở chiếu xạ của Vinagamma tại Đà Nẵng sẽ là sự lựa chọn đáng tin cậy cho các doanh nghiệp có nhu cầu bảo quản thực phẩm và tiệt trùng dụng cụ y tế. Việc cơ sở đi vào hoạt động góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nông sản, thuỷ hải sản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng và các địa phương lân cận đồng thời đặt nền móng cho nghiên cứu vật lý hạt nhân và ứng dụng công nghệ bức xạ của toàn miền Trung và Tây Nguyên.
Võ Đức Anh