Trăn trở khi ra trường của sinh viên Y năm cuối

Tháng tới, Nguyễn Thị Hà Trang bước vào năm thứ 6 chuyên ngành bác sĩ đa khoa, với vô vàn câu hỏi về tương lai. 

Giữa hàng loạt kỳ thi của năm cuối, những điều mà cô gái 24 tuổi phải suy nghĩ và sớm quyết định là: có nên học bác sĩ nội trú, chọn chuyên ngành gì, vào viện công hay tư…

Năm 2014, Hà Trang đỗ chuyên ngành Bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội với điểm số 28. Trong hai năm đầu, cô được đào tạo các môn khoa học, đại cương cơ bản. Đến năm thứ ba, Trang đều đặn sáng đi viện, chiều đi học, tối lên giảng đường rồi lại chong đèn ôn tập ở nhà đến gần một giờ sáng hôm sau.

“Học ngành y chớp mắt đã thấy hết ngày nên lúc nào cũng như chạy đua với thời gian”, Trang nói.

Ngành bác sĩ đa khoa phải học 6 năm, sau đó sinh viên y khoa sẽ phải lựa chọn tương lai mình sẽ làm gì tiếp theo, bởi tốt nghiệp đại học xong không có nghĩa họ trở thành bác sĩ điều trị cho bệnh nhân ngay. Đây là thời gian sinh viên tiếp tục học các phác đồ điều trị và tự lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân cụ thể dưới hướng dẫn của giảng viên. Vừa ôn tập để bổ sung kiến thức, Hà Trang còn phải đắn đo, suy nghĩ cho những dự định tương lai.

Ngoài công việc trực, Trang dành thời gian chơi đùa với các em nhỏ tại viện Nhi trung ương. Ảnh: Nguyễn Trang

Ngoài công việc trực, Trang dành thời gian chơi đùa với các em nhỏ tại Viện Nhi Trung ương. Ảnh: Nguyễn Trang

Bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo đặc biệt dành cho bác sĩ mới ra trường. Sau 6 năm học đại học y khoa, các bác sĩ mới ra trường, dưới 27 tuổi, tốt nghiệp loại khá trở lên mới đủ điều kiện thi. Ngoài ra, chỉ có sinh viên y khoa chính quy mới được dự thi bác sĩ nội trú và chỉ được thi duy nhất một lần trong đời. Do đó, hầu hết sinh viên năm cuối đều suy nghĩ đến con đường thi nội trú để có thêm cơ hội thực hành. Song, đây là cột mốc khó mà không phải ai cũng vượt qua được. Tỷ lệ chọi một số chuyên ngành cao hơn thi đại học như chuyên ngành sản, ngoại là 1/20.

Hoàn tất chương trình học nội trú kéo dài 3 năm, bác sĩ nội trú được cấp 3 bằng: Bằng bác sĩ chuyên khoa 1, bằng thạc sĩ y khoa và bằng bác sĩ nội trú. Lượng học viên đăng ký đào tạo bác sĩ nội trú đông nên cạnh tranh gay gắt, cơ hội được ở lại các viện lớn để làm việc cũng hẹp dần.

Nguyễn Văn Đức, sinh viên năm thứ năm, Đại học Y Hà Nội, cho rằng hiếm có ngành nghề nào mà áp lực học tập lại lớn như ngành y. Sáu năm học y, ba năm học nội trú, cộng lại gần chục năm tuổi trẻ khiến nhiều người đắn đo khi lựa chọn. Những học viên không học nội trú cần phải thực hành tại cơ sở y tế ít nhất 18 tháng thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Sinh viên Đại học Y Hà Nội học lâm sàng tại bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Giang Huy

Sinh viên Đại học Y Hà Nội học lâm sàng tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Giang Huy

Khó khăn thứ hai của sinh viên chuyên ngành đa khoa là chọn chuyên ngành để theo đuổi. Thông thường, sinh viên đa khoa được học đa số chuyên ngành như nội ngoại, sản, nhi và chuyên ngành lẻ nhỏ như da liễu, ung thư, truyền nhiễm, tâm thần… Ưu điểm là có thể thăm khám tổng quát người bệnh và điều trị xử lý bệnh lý cơ bản nhất nhưng khi ra trường bắt buộc phải chọn một chuyên ngành cụ thể để theo đuổi lâu dài.

“Phải dựa vào khả năng của bản thân và đam mê với chuyên ngành thì mới có quyết định sáng suốt”, Trang kể.

Bên cạnh đó, lương cơ bản bác sĩ mới ra trường khá thấp, chỉ vài triệu đồng một tháng. Đây là nguyên nhân chảy máu chất xám khiến nhiều bác sĩ viện công ồ ạt chuyển sang viện tư. Ở nhiều nước, bác sĩ là nghề nghiệp mang lại thu nhập cao hàng đầu. Tại Mỹ, thu nhập trung bình mỗi năm của bác sĩ phẫu thuật là 230.000 USD, bác sĩ đa khoa khoảng 160.000 USD, cao nhất trong các ngành nghề. Thu nhập của bác sĩ Anh chừng 150.000 USD. Nước thuộc khối ASEAN như Singapore, thu nhập bác sĩ khoảng 30.000 USD.

Tại Việt Nam, hầu hết ở các bệnh viện công, mỗi ngày bác sĩ phải điều trị khoảng 100-150 bệnh nhân, từ 7h sáng đến 17h chiều. Khi làm viện tư, số lượng bệnh nhân mỗi ngày chỉ trên dưới 10 người mà mức thu nhập gấp đôi hoặc gấp ba. Cuộc sống eo hẹp khiến nhiều bác sĩ phải tìm hướng đi khác cho mình.

“Kết thúc 6 năm đèn sách y khoa là một niềm vui lớn với những bác sĩ tương lai, tuy nhiên phía trước còn cả một tương lai khó khăn đang chờ”, Trang chia sẻ.

Thùy An