Trần Bằng Việt: Đừng nóng vội khi khởi tạo Doanh nghiệp – Phần mềm Getfly CRM

Cập nhật 9:04 sáng 07/07/2022

1034 lượt xem

Phần mềm Getfly CRM – Là một thành viên nòng cốt của CLB Quản trị và Khởi nghiệp, đã trực tiếp tham gia giảng dạy, đào tạo nhiều lớp CEO Khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, ông Trần Bằng Việt – Tổng Thư kí CLB – đã chia sẻ cùng tạp chí HTV những sai lầm, va vấp mà giới start-up Việt hiện nay thường vấp phải khi bắt đầu khởi tạo doanh nghiệp.

PV: Đã gặp gỡ và trao đổi, giảng dạy cho khá nhiều người ấp ủ mong muốn khởi nghiệp hoặc đã khởi nghiệp tại Việt Nam, ông nhận định như thế nào về các vấn đề mà giới khởi nghiệp hiện nay hay mắc phải?

1001 vấn đề khi khởi nghiệp thường mắc phải

Ông Trần Bằng Việt: Tôi thấy ở đây có một vài vấn đề khi bắt đầu khởi sự doanh nghiệp. Thứ nhất, các bạn khởi nghiệp thường hay yêu sản phẩm, dịch vụ hay ý tưởng của mình quá và lấy điều đó làm trung tâm. Đôi khi để thỏa mãn đam mê của mình. Các bạn quên rằng chinh phục khách hàng mới là điều quan trọng hơn. Khởi nghiệp tức là mình đi sau, yếu hơn người khác, thì mình phải thấy được những nhu cầu đặc biệt của khách hàng để tìm thị trường ngách, để khác biệt và sống sót được. Còn quá say mê với ý tưởng của mình thì rất dễ thất bại.

bắt đầu khởi tạo doanh nghiệp, giới khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn

Thứ hai, hầu hết các bạn khi khởi tạo doanh nghiệp đều thích làm cái gì đó “lớn” hay “hoành tráng”. Một sản phẩm khởi nghiệp phải đủ hoàn chỉnh để khách hàng tìm mua, nhưng cũng phải được sản xuất một cách hết sức tinh gọn, chi phí thấp. Phải vượt qua được bước này thì mới nên nghĩ đến bước hai, ba,… Nhưng nhiều người hay nghĩ kiểu “Tôi phải có vài ba trăm ngàn hay một triệu đô để mà tôi làm chuyện này, chuyện khác”, trong khi hoàn toàn chưa có gì trong tay ngoài ý tưởng!

Thứ ba, các bạn thường bị vướng sai lầm vì thiếu những trải nghiệm nhất định trong vai trò quản lý, sản xuất kỹ thuật, làm việc với con người hay thấu hiểu về ngành. Đó là những sự chuẩn bị thực sự cần thiết để khởi nghiệp. Do đó nếu thiếu những kỹ năng quản lý, điều hành, thúc đẩy nhân viên, hiểu biết về ngành chưa đủ sâu,… thì cho dù sản phẩm của mình có tốt, gần như chắc chắn 100% việc khởi nghiệp của các bạn sẽ thất bại.

Thứ tư là những vấn đề liên quan đến đối tác khi khởi tạo doanh nghiệp. Ở đây có 2 dạng sai lầm. Một số bạn cho rằng mình đủ giỏi để làm tất cả mọi thứ, không cần ai khác hỗ trợ, chỉ cần người đổ tiền vào. Kiểu này dĩ nhiên dễ thất bại. Một số bạn khác muốn khởi đầu với những người bạn của mình, nhưng khi lựa chọn đối tác lại chọn những người quá giống mình về sở trường, tính cách, kiến thức, kinh nghiệm,… hay “know-how” có thể tạo ra giá trị cộng thêm cho doanh nghiệp. Cách này dễ phát sinh việc rầy rà, vướng mắc lẫn nhau. Tôi đã gặp những bạn khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên, sau đó 5-7 năm đã đưa doanh nghiệp lên tốp đầu ngành, nhưng sau đó vẫn tan vỡ vì đơn giản là… thế mạnh của 2 người giống nhau quá!

Thứ năm, theo Trần Bằng Việt thì người khởi nghiệp nước mình thường chỉ mới có ý tưởng chứ chưa có sản phẩm cụ thể. Qua kinh nghiệm khảo sát về start-up ở Singapore hay Israel, tôi nhận thấy những người khởi nghiệp ở đây đa phần đều thực sự giỏi trong ngành mà họ chọn để mở công ty, và phải có ít nhất là sản phẩm mẫu (prototype) để chào hàng ý tưởng. Tất nhiên đó có thể bản tinh gọn, nhưng từ đó có thể thương mại hóa. Ở Việt Nam, rất nhiều bạn chỉ khởi nghiệp và khởi tạo doanh nghiệp của mình với đúng một ý tưởng hay một sự quan sát nào đó. Tôi nghĩ điều này khiến xác suất các bạn dễ thất bại là rất lớn khi khởi tạo doanh nghiệp của mình.

Điều thứ sáu, tôi nhận thấy nhiều người lại nghĩ ra cách khởi nghiệp rất lạ, đó là copy nguyên mẫu những điều mà người khác đã làm thành công. Kiểu này ở Việt Nam rất nhiều: thấy người ta mở quán, mình cũng mở quán, thấy mở chuỗi, mình cũng mở chuỗi,… Không có sự khác biệt, không có tính mới, thì cũng rất dễ thua.

Ở đây cũng nói thêm, start-up Việt Nam phần lớn còn chưa đủ mạnh để có khả năng tăng tốc nhanh như định nghĩa về start-up ở các nước tiên tiến. Một start-up tiêu chuẩn phải có khả năng phát triển rất nhanh ở mức toàn cầu hóa và có thể hủy diệt các sản phẩm khác vì những tính năng vượt trội của mình. Điều này cũng là một nhược điểm chung về mặt sáng tạo mà chúng ta cần nhìn nhận.

PV: Vậy, để khắc phục các vấn đề trên, giới khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu thưa ông?

Ông Trần Bằng Việt: Trong mọi trường hợp, đầu tiên mình phải nhận biết được vấn đề của khách hàng, đó sẽ là nhu cầu của thị trường đối với người khởi nghiệp. Thứ hai, chúng ta đo kích cỡ thị trường, xem thị trường có đủ lớn để mình nên khởi tạo doanh nghiệp không. Kế tiếp, phải xem xem mình có khả năng đáp ứng nhu cầu mới này không? Cách đáp ứng ấy liệu có bền vững không? Nếu có một “ông lớn” nào gia nhập ngành, các lợi thế của mình còn giúp mình trụ được không?…

giới khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu

Các lợi thế bền vững của doanh nghiệp phải dựa trên những năng lực cốt lõi – core competencies. Nếu như mình không có được những năng lực cốt lõi, vượt trội nào đó, mình sẽ đối diện với các rủi ro rất lớn. Khi đó, mình buộc phải khởi đầu nhanh để đạt được thành công nhanh hoặc thất bại nhanh rồi dừng lại, đừng tiếp tục. Ví dụ như khi mở một quán café, nếu qua 2 – 3 tháng mà quán này chưa đạt điểm hòa vốn, mình cũng chưa hiểu được lí do vì sao, thì nên dẹp tiệm sớm.

Bước thứ tư, sau khi đã có những sản phẩm, giải pháp tương đối phù hợp với thị trường, hãy đi tìm cho mình những đối tác phù hợp. Khi tìm người đi cùng, có thể miếng bánh mình có được sẽ ít hơn nhưng thành công sẽ đến một cách nhanh và vững chắc hơn. Quan hệ giữa các đối tác phải mang tính cùng thắng (win – win) và công bằng.

Tôi nghĩ các bước trên nếu được thực hiện đầy đủ thì dự án cũng đã khá ổn rồi. Bước thứ năm, chúng ta cần triển khai từng phần của dự án một cách tỉ mỉ, chi tiết, với những giai đoạn phải có các chỉ số để đo lường xem đạt hay chưa đạt… Khâu này, các bạn khởi nghiệp lại cũng hay bị rắc rối, vì các bạn thường chưa có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp, hoặc kinh nghiệm quản lý chưa sâu, nên dễ “tặc lưỡi cho qua” các vấn đề chứ không có phương án điều chỉnh ngay lập tức, vì vậy dễ chết vì các “lỗ chân trâu”. Học hỏi liên tục vẫn luôn là điều cần thiết…

Trần Bằng Việt: Đừng nóng vội khi khởi tạo Doanh nghiệp

PV: Ông thường nhấn mạnh về sự học hỏi đối với giới khởi nghiệp. Các start up có nên đi học một khóa MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) hay học như thế nào theo ông là hợp lý?

Ông Trần Bằng Việt: Theo tôi, các bạn khởi nghiệp rất… không nên học MBA. Thứ nhất, vì chương trình này rất hàn lâm đối với đa số. Tất nhiên so với các khóa học chuyên sâu về Kinh tế học, MBA vẫn gắn với thực tế hơn nhiều, song đó vẫn là một góc nhìn đậm chất lý thuyết về thị trường hay doanh nghiệp.

Trần Bằng Việt: Đừng nóng vội khi khởi tạo Doanh nghiệp

Thứ hai, MBA được thiết kế một cách tổng quát cho nhiều loại hình doanh nghiệp, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp lớn (corporate), nên có nhiều thứ không thể áp dụng tại Việt Nam và lại còn cho start-up. Tôi thấy nhiều người học MBA khởi nghiệp thất bại vì họ quá tự tin, tạo ra một bộ máy công ty quá cồng kềnh, do đó không thành công.

Cứ hãy học hỏi từ thực tế một cách kiên nhẫn, không nóng vội khi khởi tạo doanh nghiệp, rồi hẵng học MBA sau cũng không có gì muộn. Như chủ tịch KIDO Trần Kim Thành, ông khởi nghiệp với nghề kinh doanh bánh từ đầu thập niên 90, tới hơn 10 năm sau ông mới học MBA. Học trong kinh doanh là sự hệ thống lại những vấn đề trong thực tế để củng cố doanh nghiệp phát triển hơn. Đừng nóng vội khi khởi tạo doanh nghiệp, hãy cứ đi những bước chậm mà chắc.

PV: Ông có muốn nói thêm điều gì về những thị trường mà ông cho rằng còn tiềm năng tại Việt Nam đối với giới khởi nghiệp?

Ông Trần Bằng Việt: Lấy ví dụ, nếu so sánh việc khởi nghiệp ở Việt Nam với ở Nhật Bản chẳng hạn, sẽ thấy kinh doanh ở nước ngoài khó hơn nhiều. Ở Nhật, các nhu cầu đã được đáp ứng một cách cực kì tốt. Sang Nhật, tôi thấy có những sản phẩm ở thị trường ngách được làm tốt đến mức… ngỡ ngàng. Từ bồn cầu vệ sinh, khăn giấy, khay cơm ăn trưa,… đều được các doanh nghiệp Nhật làm thành hàng trăm sản phẩm khác nhau. Họ rất quan tâm đến nhu cầu của khách hàng.

Trong khi đó, phải thẳng thắn thừa nhận rằng tại Việt Nam, chúng ta khi khởi nghiệp chỉ mới tạo ra những sản phẩm phục vụ cho những nhu cầu cơ bản mà thôi. Ngoài ra, phải thấy rằng các sản phẩm từ nước ngoài không phải lúc nào cũng phù hợp với nhu cầu của người Việt.

Do vậy, ở đâu mình cũng có thể nhìn thấy những việc có vẻ “không đúng”, đó chính là những nhu cầu cần được quan tâm và thỏa mãn bằng sản phẩm khởi nghiệp. Sau đó lại quay lại những câu hỏi như: vấn đề có thực sự cần được khắc phục không? Có đủ lớn để khách hàng trả tiền không? Mình có thể đáp ứng được đến đâu?… Có rất nhiều vấn đề, đừng nghĩ quá xa, đến các vấn đề quá tốn kém chi phí đầu tư khi khởi tạo doanh nghiệp, mà hãy bắt đầu từ các thứ gần gũi, ít tốn kém, như cải thiện một ổ cắm điện sao cho tiện lợi hơn dành cho gia đình có trẻ nhỏ chẳng hạn.

PV: Xin cám ơn ông

Anh Tú.

>> Bắt đầu khởi sự Doanh nghiệp, đâu là giá trị cốt lõi?

Tags: khởi nghiệp, khởi tạo doanh nghiệp, Trần Bằng Việt