Trầm cảm mức độ nào nên gặp Chuyên gia Tâm lý?

Trầm cảm mức độ nào nên gặp Chuyên gia Tâm lýTrầm cảm mức độ nào nên gặp Chuyên gia Tâm lý – Ảnh: BookingCare

Thực tế, nhiều người mắc chứng trầm cảm thắc mắc rằng liệu với tình trạng của mình có nên gặp Chuyên gia Tâm lý hay không? Chỉ cần tư vấn tâm lý là được hay còn cần khám với bác sĩ tâm thần? Vậy thì, trầm cảm ở mức độ nào nên tư vấn tâm lý, Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng sẽ chia sẻ và cung cấp các thông tin trong nội dung dưới đây.

THÔNG TIN CHUYÊN GIA TÂM LÝ TRẦN THỊ TUYẾT HỒNG

  • Chuyên gia Tâm lý sàng trẻ em & vị thành niên
  • Chuyên viên tham vấn & trị liệu tâm lý, 

    Chuyên viên tham vấn hướng nghiệp, 

    Công ty TNHH Phát triển Tâm lý, Giáo dục và Truyền thông ứng dụng Việt Nam (VECAB) (2019 – nay)

  • Chuyên viên tham vấn tâm lý học đường,  Trường THCS &THPT Lương Thế Vinh – HN (2018 – 2019)

Phân biệt mức độ của bệnh trầm cảm

Thông thường trầm cảm sẽ diễn tiến theo 4 mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Mỗi mức độ sẽ có những biểu hiện, dấu hiệu nhận biết đặc trưng.

1. Trầm cảm mức độ nhẹ (cấp độ 1)

Trầm cảm nhẹ thường xuất hiện với cảm giác buồn bã tạm thời. Các triệu chứng có thể mới xuất hiện lần đầu từ 2 tuần đến mấy tháng gần đây và không có kế hoạch tự tử nhưng đôi khi chợt có suy nghĩ về cái chết và đủ để làm ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường, nhưng chưa ảnh hưởng rõ rệt trong chức năng sống như các mối quan hệ, công việc/học tập. Người bệnh có thể gặp một số trong các triệu chứng dưới đây:

  • Khó chịu hoặc tức giận
  • Cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng
  • Tự ti
  • Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
  • Khó tập trung tại nơi làm việc
  • Thiếu động lực
  • Không muốn giao tiếp với người khác
  • Buồn ngủ ban ngày hoặc mất ngủ
  • Mệt mỏi
  • Có khi thèm ăn có lúc lại chán ăn hoặc có cả hai
  • Tăng cân hoặc giảm cân

dau hieu tram cam nheMột số dấu hiệu trầm cảm nhẹ – Ảnh: BookingCare

Những triệu chứng về mặt tâm lý ở giai đoạn này thường nhẹ và ít được để ý. Đặc biệt, có thể cảm thấy những triệu chứng về mặt thực thể như các cơn đau nhức khắp cơ thể, đau khớp, hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở…. Điều này khiến người bệnh nghĩ rằng mình đang mắc phải bệnh gì đó về thể chất và đi thăm khám bác sĩ nhiều lần nhưng không tìm ra nguyên nhân. Thực ra, đó là những biểu hiện của chứng trầm cảm.

Trầm cảm nhẹ có thể được kiểm soát được mà không cần dùng thuốc, nhờ việc điều chỉnh lối sống, biện pháp đối thoại qua việc tham vấn tâm lý hoặc tự nhận ra vấn đề gây căng thẳng cho bản thân và biết cách đối diện vượt qua nó hoặc các sản phẩm hỗ trợ như thảo dược…. Tuy nhiên, nếu không can thiệp thì trầm cảm nhẹ sẽ không tự biến mất và có thể tiến triển sang các dạng nặng hơn.

2. Trầm cảm mức độ vừa (cấp độ 2)

Trầm cảm vừa có những triệu chứng tương tự như trầm cảm nhẹ nhưng mức độ nặng hơn: xuất hiện nhiều suy nghĩ tiêu cực về bản thân, dành nhiều thời gian nghiền ngẫm vấn đề, đã suy nghĩ về kế hoạch tự tử. Bắt đầu khó tập trung cho công việc/ học tập và năng suất giảm sút hoặc việc học có dấu hiệu tụt hùi. Ngoài ra, trầm cảm mức độ vừa có thể khiến người bệnh có một số dấu hiệu sau:

  • Dễ bị tổn thương lòng tự trọng
  • Giảm khả năng làm việc
  • Cảm thấy bản thân vô giá trị
  • Nhạy cảm
  • Lo lắng thái quá

Sự khác biệt lớn nhất so với trầm cảm nhẹ là ở giai đoạn vừa, các triệu chứng của trầm cảm đủ nghiêm trọng để gây ra các vấn đề trong công việc, khả năng chăm sóc gia đình và giao tiếp xã hội. Vì vậy trầm cảm mức độ vừa cũng dễ chẩn đoán hơn. 

Ở giai đoạn này, các liệu pháp tâm lý hoặc thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng để điều trị. Nếu bản thân duy trì được sự nỗ lực thay đổi bản thân theo sự hướng dẫn người có chuyên môn và đáp ứng tốt với trị liệu tâm lý thì có thể không cần đến liệu pháp hóa dược vẫn có thể vượt qua được giai đoạn này.

3. Trầm cảm mức độ nặng không kèm theo loạn thần (cấp độ 3)

Trầm cảm nặng thường bắt đầu thấy dấu hiệu khác thường trong vòng 2 năm, có các triệu chứng nghiêm trọng và đáng chú ý, thậm chí người thân của bệnh nhân cũng có thể phát hiện ra. Người bệnh ở giai đoạn này thường có biểu hiện:

  • Buồn bã kéo dài
  • Hoạt động ì ạch, người ngoài thường tưởng là lười biếng, ỷ lại
  • Luôn mất tự tin
  • Cảm thấy mình vô dụng hoặc thấy tội lỗi
  • Tự làm tổn thương bản thân hoặc người xung quanh, có suy nghĩ làm hại những người đã từng gây tổn thương cho mình
  • Trầm trọng hơn, người bệnh có thể có suy nghĩ muốn tự tử hoặc hành vi tự tử, đã chuẩn bị kế hoạch tự tử hoặc tự tử hụt.

Triệu chứng cơ thể xuất hiện hầu như thường xuyên ở giai đoạn này. Người bị bệnh trầm cảm ở giai đoạn này thường có 3 triệu chứng điển hình của giai đoạn trầm cảm nhẹ hoặc vừa, cộng thêm 2 triệu chứng khác đặc biệt có 1 trong 2 triệu chứng tâm trạng chán nản hoặc mất hứng thú. Thời gian có các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 2 tuần, nếu có triệu chứng đặc biệt không cần đến 2 tuần; ít có khả năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp và công việc gia đình.

dau hieu tram cam nangTrầm cảm nặng bao gồm các dấu hiệu của trầm cảm nhẹ và các triệu chứng nặng khác – Ảnh: BookingCare

4. Trầm cảm mức độ nặng kèm theo loạn thần (cấp độ 4)

Ở giai đoạn này, người bệnh trầm cảm có kèm theo triệu chứng hoang tưởng, xuất hiện ảo giác chẳng hạn như nghe thấy tiếng nói, âm thanh lạ, tưởng tượng có tai họa sắp xảy ra…

Trầm cảm nặng hoặc trầm cảm kèm theo loạn thần đòi hỏi phải có sự can thiệp y tế càng sớm càng tốt. Khi có những biểu hiện loạn thần hoặc hành vi tự làm tổn thương, ý nghĩ tự sát người bệnh cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần ngay lập tức. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng thuốc hoặc phối hợp với tâm lý trị liệu, sốc điện để giúp cho bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Trầm cảm mức độ nào nên gặp Chuyên gia Tâm lý?

Tâm lý trị liệu là gì?

Tâm lý trị liệu là các phương pháp, kỹ thuật mà nhà tâm lý trị liệu sử dụng thông qua cách thức giao tiếp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ các vấn đề trong cảm xúc và hành vi của người bệnh. 

Tâm lý Trị liệu điều trị trầm cảm như thế nào?

Nhà tham vấn tâm lý sẽ giúp người bệnh tháo gỡ nhưng điều mà họ không thể nhận ra, xác định những tiêu cực đang xoay quanh người bệnh từ đó để người bệnh hiểu nơi những cảm xúc đến từ đâu, và hướng dẫn họ làm thế nào để đối phó với những cảm xúc này.

Thực tế cho thấy rằng, dù trầm cảm ở mức độ nào cũng nên gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Một chuyên gia tâm lý rất cần thiết để hỗ trợ bệnh nhân mắc trầm cảm giải tỏa căng thẳng, giải quyết vấn đề, giảm lo âu. Nếu ngay từ giai đoạn trầm cảm nhẹ, nếu người bệnh được thăm khám và hỗ trợ thì bệnh sẽ được nhanh chóng đẩy lùi, thậm chí có nhiều bệnh nhân không cần dùng đến thuốc điều trị ở giai đoạn này.

Với những giai đoạn sau, trầm cảm tác động càng mạnh mẽ đến não bộ và khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi vào một số ngày, lúc này chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ để giảm những tác động tiêu cực của trầm cảm đến người bệnh.

Tác dụng của tâm lý trị liệu trong điều trị trầm cảm:

  • Biết cách thức giải tỏa hiệu quả thay vì dồn nén hoặc lờ/quên đi.
  • Cung cấp cho người bệnh một góc nhìn mới về các vấn đề.
  • Giúp người bệnh chấp nhận sự thật dễ dàng hơn.
  • Tâm lý trị liệu giúp người bệnh dễ dàng đối phó với các tác dụng phụ từ việc  sử dụng thuốc.
  • Chấp nhận bản thân của hiện tại đã thay đổi, đón nhận sự bất trắc, không như ý có thể đến và cởi mở giao tiếp với người xung quanh.Học các kỹ năng cải thiện cách thiết lập mối quan hệ.
  • Phòng ngừa phát triển lên nhiều rối loạn khác đi kèm.
  • Cân bằng cảm xúc để cảm nhận được trạng thái bình yên và có hành vi thích nghi được với môi trường

Chuyên gia Tâm lý giống như một người bạn đồng hàng đáng tin cậy trong quá trình người bệnh vượt qua giai đoạn trầm cảm.

Tuy nhiên, không có nghĩa rằng chỉ cần tham vấn tâm lý là đủ, người bệnh trầm cảm vẫn cần đồng thời gặp một bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần. Một điều lưu ý đặc biệt quan trọng đó là, người bệnh trầm cảm nên được xác định mức độ bệnh với một bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần trước khi có bất kì cuộc tư vấn với Chuyên gia Tâm lý.

Ở mức độ nhẹ có thể chưa cần điều trị đồng thời với cả hai nhóm chuyên gia, nhưng từ mức độ vừa, người bệnh nên cân nhắc và ưu tiên việc khám và điều trị cùng lúc với cả bác sĩ Tâm thần và Chuyên gia Tâm lý. 

Thời gian trị liệu tâm lý sẽ phụ thuộc vào mức độ trầm cảm, kinh nghiệm của chuyên gia và sự đáp ứng trị liệu của người bệnh. Bạn nên thảo luận với chuyên gia của mình về vấn đề này để được làm rõ.

Hy vọng những thông tin BookingCare tổng hợp trên đây sẽ làm rõ cho bạn đọc về việc trầm cảm mức độ nào nên gặp Chuyên gia Tâm lý. Chúc bạn luôn vững tin để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nội dung chuyên môn của bài viết trên đây được chia sẻ bởi Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng.