Trái vả Huế và những món ngon đặc biệt | EMT Homestay

Trái vả và các món ăn chế biến từ trái vả đã khẳng định được thương hiệu của nó trong lòng người dân Huế và nhiều du khách khi đến đây.

Giới thiệu về cây vả xứ Huế

Có nhiều bạn không biết trái vả là trái gì? Nhất là các bạn ở các vùng địa phương không trồng được loại cây này. Cây vả cùng họ với cây sung được trồng nhiều ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, quả vả khi còn non có vỏ màu xanh, lông mịn. Ở Huế, trái vả được chế biến thành nhiều món ngon như: vả trộn hến, vả trộn tôm xúc bánh đa, những món ngon dân dã này được nhiều du khách ưa chuộng.

trái vả

Cây vả là giống cây dễ trồng, ít cần phân bón và công chăm sóc. Gốc vả rất lớn, cành tỏa rộng che bóng mát cả một khoảng vườn. Lá vả to như lá sen, tán rộng, trái vả mọc theo thân, cành cây, mọc thành từng chùm, mỗi chùm có hơn cả chục trái xanh tươi, mỗi trái to bằng nắm tay, trái vả tròn dẹt, vỏ màu xanh lục có lông tơ mịn màng. Quả vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá. Mùa vả kéo dài từ tháng 12 tới tháng 7 năm sau, các thời gian khác trong năm cây vả vẫn cho trái rải rác.

Các món ăn ngon được chế biến từ trái vả Huế

Món vả trộn được xem là một trong những món ăn đặc sản của Huế. Cách chế biến trái vả, người chế biến chọn những trái vả không quá chín, dầm với nước pha một ít muối, vài giọt chanh cho bớt vị chát. Sau đó khứa trái vả từng lát mỏng theo hình tròn.

Vào ngày Tết, ở Huế ngoài những món sang trọng như nem, chả, tré… còn có những món ăn dân dã như món vả hầm sườn non hoặc giò lợn hoặc sườn là những món ăn lợi sữa cho phụ nữ… Hay đơn giản là trái vả chấm mắm ruốc thôi cũng có thể thành món ăn nhâm nhi của người Huế. Sau đây khách sạn EMT Homestay xin giới thiệu danh sách các món ăn ngon được làm từ trái vả Huế:

Vả trộn xúc bánh tráng

Hãy lựa chọn những trái vả thật tươi, vỏ xanh biếc, ruột đỏ hồng. Đun nước thật sôi rồi mới cho vả vào luộc đến khi mềm thì vớt ra cho vào nồi nước lạnh để nguội rồi đem gọt vỏ. Lấy dao cắt lát mỏng hình chữ C, dùng tay trực tiếp hoặc cho vào vải màn vắt mạnh cho kiệt nước.

QUẢ VẢ HUẾ

Mè rang đến khi chín vàng, thịt nạc và da heo cắt thành hột lựu. Cuối cùng cho vả bóp tơi và thịt, da heo, tôm, mè vào xoong rồi trộn đều với mật mía, bột ngọt, tiêu, ớt… sao cho vừa miệng. Khi cho ra dĩa ăn, bạn hãy trang trí trên bề mặt ít rau thơm, rau ngò sao cho bắt mắt.

Cách ăn vả trộn ngon nhất là người dùng không cần đũa, chén mà thường bẻ bánh tráng nướng xúc. Cầm miếng bánh tráng mè đã nướng chín vàng, giòn để xúc vả trộn, cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị là lạ vừa mặn vừa ngọt, béo bùi… Vị bùi ngọt thơm của vả trộn, bánh tráng, gia vị ở đầu lưỡi tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn đối với thực khách. Món ăn dân dã làm từ trái vả đã chinh phục được sở thích của nhiều người và đã tạo được phong vị riêng cho đất Huế.

Sườn hầm trái vả

Các món ăn ngon từ trái vả

Sườn non rửa sạch, chặt miếng nhỏ. Vả gọt vỏ, bổ múi cau mỏng. Phi hành tím và cho sườn vào xào săn. Cho vả vào đảo đều, nêm gia vị vừa ăn. Châm nước dùng vào, hầm khoảng 15 phút cho đến khi sườn mềm thì tắt bếp, múc ra tô, rắc tiêu, dùng nóng với cơm trắng.

Vả chua ngọt

Chọn những trái vả không quá già, dầm với nước pha một ít muối, thêm vài giọt chanh cho bớt vị chát. Sau đó khứa từng lát mỏng theo hình tròn của trái vả cho đẹp mắt. Sắp vả vào lọ thủy tinh và đổ hỗn hợp dấm đường đã đun sôi để nguội, thêm ít ớt tươi, một vài múi tỏi để có vị cay, lưu ý là phải có gừng để món vả chua ngọt có được mùi thơm và giúp bụng ấm hơn.

Công dụng chữa bệnh của trái vả

Gỏi vả

Lấy dao bào gọt mặt ngoài trái vả ngâm. Sau đó bào mỏng trái vả thả vào thau nước có vắt vài múi chanh để giữ độ trắng. Khi nào chuẩn bị món thì vớt ra, vắt ráo nước trước khi trộn. Thịt luộc xắt sợi nhỏ, riêng tôm thì cắt nhỏ cỡ đầu ngón tay út. Phi ít hành rưới vào gỏi để tạo vị thơm cho món ăn, pha nước mắm tỏi, ớt.

Cách chế biến trái vả

Dùng bao tay trộn tất cả nguyên liệu bao gồm cả mè và đậu phộng (rau húng quăn cũng trộn vào, chỉ chừa vài nhánh để trang trí cho đẹp) cùng chung với phần nước mắm đã chuẩn bị trước. Sau đó trình bày ra đĩa, rải ớt và rau húng quăn lên.

Ngoài ra, vả còn là món ăn kèm cùng với rau sống, để ăn bánh khoái, nem lụi, tôm chua thịt phay… Cách chế biến trái vả đơn giản nhất là gọt vỏ cắt miếng vừa phải chấm mắm ruốc ăn kèm thịt heo luộc.

Không chỉ chế biến trái vả thành đặc sản ẩm thực với nhiều món ăn hấp dẫn du khách bốn phương, ở Huế còn có một số cơ sở chế biến trái vả thành loại trà độc đáo. Trà vả không dùng hương liệu, chất phụ gia, chất bảo quản (có thể uống kèm với đường phèn, đường cát).

Các lợi ích của trái vả cho sức khỏe

Các nghiên cứu cho thấy trái vả rất tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ (9,8 gr) và ít năng lượng (100gr khô cho 250kcal). Trong 100gr trái vả sấy khô có chứa các thành phần dinh dưỡng: protein 3,3gr, chất béo 0,93gr, đường 47,92gr, các vitamin thuộc nhóm B như B1 0,085mg, B2 0,082mg, B3 0,619mg, B5 0,434mg, B6 0,106mg, B9 9µg, PP 0,3mg và C 1,2mg. Tổng lượng vitamin chiếm khoảng 37% trọng lượng trái vả khô. Một số lượng lớn các chất khoáng và vi lượng chiếm hơn 70%, cao nhất là calcium là 162mg (16%), magnesium 68mg (9%), phosphor (16%), sodium (14%), sắt (8%), kẽm (6%), đồng, mangan… Ngoài ra trái vả còn cung cấp nhiều chất ở dạng hợp chất flavonoit và polyphenol, chất nhầy và pectin.

trái vả huế

Theo đông y, quả vả có vị ngọt, có công dụng chữa được các bệnh như táo bón, kiết lỵ, trĩ, điều hòa ruột, lợi tiểu… Sau đây là tổng hợp những công dụng chữa bệnh của trái vả:

  1. Ngừa táo bón: mỗi ngày ăn 5gr chất xơ (tương ứng ba trái) sẽ chống bệnh táo bón, đặc biệt ở người già.
  2. Giúp giảm cân: với hàm lượng chất xơ cao, ít năng lượng rất thích hợp cho người tạng béo phì.
  3. Giảm cholesterol: nhờ pectin hòa tan một lượng lớn cholesterol và được bài tiết ra ngoài.
  4. Ngừa bệnh tim mạch: trong trái vả có các acid béo thuộc loại omega-3 và omega-6 giúp hạ thấp nguy cơ gây bệnh tim mạch.
  5. Ngừa ung thư: hàm lượng cao các chất flavonoid có trong trái vả giúp ngăn ngừa bệnh ung thư, ngăn ngừa sự tổn thương tế bào. Đặc biệt ngừa ung thư vú đối với phụ nữ sau giai đoạn tiền mãn kinh.
  6. Ổn định đường huyết: trái và lá vả chứa nhiều potassium (K) giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
  7. Ngừa huyết áp cao: trái vả chứa nhiều potassium nhưng ít sodium giúp tránh được bệnh huyết áp cao.
  8. Bảo vệ khung xương: hàm lượng can-xi rất cao trong trái vả có tác dụng kéo dài tuổi thọ của xương và bảo vệ khung xương. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho những người bị loãng xương.
  9. Ngừa sự thoái hóa da: người lớn tuổi da thường bị nhăn và sạm, không còn tươi sáng và săn chắc, ăn nhiều trái cây cũng như trái vả giúp cho làn da không bị thoái hóa và giữ vẻ thanh xuân.
  10. Ngăn ngừa mụn nhọt, ghẻ lở ngoài da nhờ các chất nhầy trong trái vả có tác dụng mau lên da non.
  11. Chữa các bệnh đường hô hấp như ho gà, hen suyễn.

Hàm lượng đường cao nên trái vả được chế biến dạng bánh ngọt, thạch, mứt, vì thế trẻ em dùng nhiều có thể gây sâu răng và bị tiêu chảy.