Trái phiếu doanh nghiệp: đặc điểm, lợi ích và lưu ý khi đầu tư | ZaloPay
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Nguồn: kafefi.vn
Trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm tài chính được phát hành bởi các doanh nghiệp dưới dạng chứng chỉ, bút toán ghi nợ hoặc dữ liệu điện tử. Đối với loại trái phiếu này, doanh nghiệp phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán cả gốc lẫn lãi cho người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp (trái chủ) khi đến kỳ hạn. Cụ thể, khi sở hữu trái phiếu của một doanh nghiệp nào đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó là người nợ còn bạn là chủ nợ.
Trái phiếu doanh nghiệp được chia làm 02 loại gồm: Trái phiếu niêm yết và Trái phiếu OTC.
-
Trái phiếu niêm yết: luôn được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD). Bên cạnh đó, trái phiếu niêm yết được phép giao dịch trên các sàn lớn như HNX và HSX. Ngoài ra, toàn bộ quá trình trong khi giao dịch phải dựa trên những quy định mà Sở Giao dịch Chứng khoán đề ra.
-
Trái phiếu phi tập trung (OTC): loại trái phiếu này chỉ giao dịch trên
thị trường OTC
và không cần tuân thủ các quy định dành cho trái phiếu niêm yết. Thay vào đó là giao dịch dựa vào những thỏa thuận riêng trong quá trình mua/bán giữa các nhà đầu tư với nhau.
Xem thêm: Đầu tư tài chính là gì? Các hình thức đầu tư an toàn, sinh lời
Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 163 năm 2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp được quy định như sau:
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp
Nguồn: luatduonggia.vn
-
Có thể xác định theo 1 trong 3 phương thức sau: lãi suất thả nổi, lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu; hoặc kết hợp giữa lãi suất thả nổi và cố định.
-
Doanh nghiệp quyết định lãi suất trái phiếu cho từng đợt phát hành phù hợp khả năng thanh toán nợ và tình hình tài chính. Ngoài ra còn phải tuân thủ theo quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Kỳ hạn trái phiếu và khối lượng phát hành
-
Kỳ hạn trái phiếu do doanh nghiệp phát hành trái phiếu quyết định đối với từng đợt phát hành. Kỳ hạn trái phiếu được căn cứ theo nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng như tình hình thị trường.
-
Khối lượng phát hành do doanh nghiệp phát hành trái phiếu quyết định đối với từng đợt phát hành. Khối lượng phát hành căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn cũng như khả năng huy động của thị trường trong từng thời kỳ.
Mệnh giá và hình thức
-
Về mệnh giá, đối với trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước sẽ có mệnh giá là 100.000 đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 đồng Việt Nam. Đối với trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế thì mệnh giá được quyết định theo quy định của thị trường phát hành.
-
Về hình thức, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Doanh nghiệp phát hành sẽ quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với từng đợt phát hành theo quy định tại thị trường phát hành.
Các loại trái phiếu doanh nghiệp hiện có trên thị trường
Nguồn: vnbusiness.vn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp nhằm mục đích phát triển sản xuất kinh doanh. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo 02 hình thức, gồm phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ
-
Mục đích phát hành: doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư cho những chương trình, dự án, tăng quy mô vốn hoạt động hoặc tái cơ cấu nợ.
-
Phương thức phát hành: trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành theo 1 trong 3 phương thức: bán lẻ (đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng), đấu thầu và bảo lãnh.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng
Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng thì điều kiện chào bán, hồ sơ đăng ký chào bán sẽ được thực hiện theo Điều 19 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng Khoán và Luật chứng khoán 2019.
Quy định của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 16/09/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trong đó, Nghị định này đã bổ sung các nguyên tắc phát hành trái phiếu như sau:
– Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện và điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định 65/2022/NĐ-CP chỉ khi đáp ứng các quy định sau:
-
“Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua”.
-
“Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận”.
So sánh trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu Chính phủ còn được gọi là công trái hoặc công khố phiếu, là trái phiếu do Chính phủ phát hành nhằm mục đích kêu gọi nguồn vốn (tín dụng nhà nước) để phục vụ cho các mục tiêu công như y tế, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông,… Tương tự trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ cũng cam kết thanh toán lãi suất định kỳ và hoàn lại tiền gốc cho các nhà đầu tư khi hết hạn.
So với trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ có những điểm giống và khác nhau sau đây.
Điểm giống
Trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ đều có các đặc điểm như sau:
-
Đều là chứng chỉ nợ quy định nghĩa vụ thanh toán nợ của phía phát hành trái phiếu;
-
Nhà đầu tư đóng vai trò là người cho vay và thu nhập dựa trên lãi suất định kỳ;
-
Có khả năng mua đi bán lại, chuyển nhượng hoặc tặng;
-
Mức lãi suất nhận được cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm;
-
Kỳ hạn tối thiểu là 01 năm.
Điểm khác
Về điểm khác biệt giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, bảng so sánh sau đây sẽ cho bạn cái nhìn rõ ràng và tổng quan nhất:
Trái phiếu doanh nghiệpTrái phiếu chính phủĐơn vị phát hànhDoanh nghiệp tư nhânNhà nước (Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính, Kho bạc,…)Mục đích phát hànhPhục vụ mục tiêu phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc giải quyết các vấn đề tài chínhLàm cân bằng thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn và phục vụ cho các mục đích công. Lãi suấtCố định, thả nổi hoặc kết hợp cả hai tùy vào doanh nghiệp phát hànhThường giữ ở mức cố địnhKỳ hạnThường ngắn hạn (khoảng 1 – 3 năm)Thường kéo dài trong trung hạn (khoảng 5 – 12 năm) hoặc dài hạn (khoảng 12 – 30 năm) Khả năng bảo toàn vốnTương đốiRất cao, gần như tuyệt đốiRủi roRủi ro ở mức trung bình và chủ yếu đến từ khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phát hànhRủi ro cực thấp và chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoáiKhả năng chuyển đổi sang
cổ phiếu
CóKhông
Có nên mua trái phiếu doanh nghiệp không?
Về cơ bản, khi “rót tiền” vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ nhận về những lợi ích thực tiễn như sau:
-
Nhận số tiền lãi hàng tháng cao hơn so với lãi tiết kiệm;
-
Ít rủi ro hơn so với sở hữu cổ phiếu vì trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán nợ trước cổ đông khi doanh nghiệp đi đến giải thể hoặc phá sản;
-
Trao đổi qua lại dễ dàng về mức lãi suất thực nhận trong thời gian đầu tư;
-
“Lời sinh lời” vì có thể sử dụng lãi suất định kỳ để tái đầu tư.
Xem thêm: Các quỹ đầu tư uy tín tại Việt Nam
Tiêu chí lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư
Nếu định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần ghi nhớ các lưu ý sau đây:
-
Lựa chọn thời điểm “vàng”: chọn đúng thời điểm để mua trái phiếu dựa theo chu kỳ chứng khoán. Khi chu kỳ này bùng nổ thì cổ phiếu là sản phẩm đáng để đầu tư hơn. Ngược lại, trong chu kỳ suy thoái thì bạn có thể mạnh tay đầu tư trái phiếu, vì bản chất của nó là mức độ rủi ro thấp, các nhà đầu tư sẽ xem trái phiếu như một chỗ trú ẩn an toàn.
-
Đánh giá rủi ro từ phía doanh nghiệp phát hành: nhà đầu tư nên xem xét các yếu tố khả năng tài chính, uy tín của ban quản trị cũng như vị thế trong ngành của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
-
Cân bằng giữa rủi ro và lãi suất: đừng vội tin vào những trái phiếu có lãi suất ngất ngưởng vì đó có thể là “mồi nhử” mà các doanh nghiệp đang gặp vấn đề tung ra để thu hút vốn vay.
-
Cân nhắc thời hạn của trái phiếu: xác định xem bạn dự định đầu tư trái phiếu trong bao lâu, ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, mục tiêu đầu tư là lợi nhuận hay thu nhập để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Xem thêm: Các kênh đầu tư tài chính online hiệu quả hiện nay
Những lưu ý cho nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho rằng: “Rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay là rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp”. Theo đó, với các nhà đầu tư cá nhân có dự định tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần lưu ý các nội dung sau:
-
Trái phiếu doanh nghiệp được các doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua loại trái phiếu này là có thể có rủi ro, nếu doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
-
Pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu bạn không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.
-
Các công ty chứng khoán, công ty tín dụng phân phối “chào mời” mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhận phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu và sẽ không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp đó.
-
Bảo lãnh phát hành trái phiếu không có nghĩa là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Cụ thể, bảo lãnh phát hành là tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp để phân phối số trái phiếu cần phát hành, nên sẽ không có trách nhiệm nào với nhà đầu tư. Còn đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ về phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán toàn bộ gốc, lãi hay chỉ bảo lãnh thanh toán một phần gốc, lãi và nhà đầu tư phải chịu rủi ro với phần còn lại).
-
Tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hoặc các khoản vay tín dụng có nhiều hình thức như: cổ phần, cổ phiếu, nhà đất, các chương trình, dự án đầu tư,…
Qua bài viết trên, ZaloPay đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về khái niệm trái phiếu doanh nghiệp là gì và các lưu ý khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó có thể trau dồi kiến thức và có kế hoạch đầu tư tối ưu cho bản thân. Chúc bạn đầu tư thành công!