Trái phiếu doanh nghiệp: Khi nào ngân hàng chịu trách nhiệm?

TP – Theo các chuyên gia, nếu trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng phát hành hoặc bảo lãnh có ghi trong hợp đồng thì ngân hàng đó sẽ chịu trách nhiệm, khách hàng không phải lo mất tiền.

Ngày 30/11, tại hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” tổ chức ở TPHCM, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, có rất nhiều nhà đầu tư trái phiếu (TP) do nghe tin đồn thổi, tin hành lang và tiến hành đầu tư dẫn đến rủi ro.

Theo ông Hưng, nhà đầu tư mất niềm tin vào TP doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo của TP hạn chế, không có tài sản đảm bảo…

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có phương án phát hành TP được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán.

Trái phiếu doanh nghiệp: Khi nào ngân hàng chịu trách nhiệm? ảnh 1

“Nhiều đơn vị hoạt động môi giới đầu tư TP khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Các công ty chào bán không tuân thủ quy định, chưa xác nhận minh bạch thông tin đơn vị phát hành TP. Thậm chí, các đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia mua TP doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để thu hút dòng tiền”, ông Hưng lưu ý.

Theo một số chuyên gia, nhà đầu tư Việt Nam khi mua TP không phải vì ham lãi suất cao. Họ muốn tìm một kênh đầu tư ổn định tại một định chế tài chính vững chắc nhưng lãi suất cao hơn so với tiền gửi ngân hàng.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, TS kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, chỉ 10% nhà đầu tư TP là cá nhân, hơn 70% là ngân hàng và các công ty chứng khoán, phần còn lại là các quỹ đầu tư. Thành ra, người mất niềm tin là nhà đầu tư cá nhân. Họ cho rằng, TP là sản phẩm liên kết giữa công ty và ngân hàng, có sự bảo đảm của ngân hàng nên mới mạnh dạn bung tiền đầu tư.

“Nếu TP doanh nghiệp do ngân hàng phát hành hoặc bảo lãnh có ghi trong hợp đồng thì nhà băng đó sẽ chịu trách nhiệm, khách hàng không lo mất tiền. Hoặc TP của những công ty lớn, đang làm ăn ổn định thì nhà đầu tư cũng không quá lo lắng. Tuy nhiên nếu những TP không thuộc hai dạng trên thì nhà đầu tư đang gặp rủi ro lớn”, ông Hiển nói.

Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, hiện nay không có hành lang pháp lý để cấm tư vấn viên tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân mua TP, chỉ có quy định riêng của từng ngân hàng. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB, mặc dù có nhân viên tư vấn nhưng đó là trách nhiệm cá nhân chứ không phải của ngân hàng. Ngay cả khi nhân viên ngân hàng tư vấn nhưng trong hợp đồng không có cam kết SCB trả nợ thì người mua TP cũng không thể bắt buộc ngân hàng chịu trách nhiệm.

“Trong bán hàng, nếu người bán thông tin sai sự thật, gây nguy hiểm hoặc thiệt hại cho khách hàng thì họ phải chịu trách nhiệm” – ông Hiển phân tích.

Các chuyên gia tài chính nhận định, một trong những dấu hiệu để nhận định TP doanh nghiệp an toàn là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay của ngân hàng. Những công ty phát hành là công ty cổ phần đại chúng niêm yết hoặc được tổ chức xếp hạng uy tín đánh giá AAA.

Nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành TP với mức lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4% (tính đến thời điểm hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống). Như vậy, mức lãi suất này cho thấy tính ổn định và tương đối an toàn, giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

Uyên Phương