Trái dừa nước là gì? Archives – ADC Foods
Mỗi vùng có những loại đặc sản riêng, và miền Tây cũng vậy, khi nhắc đến trái dừa nước thì người ta nghĩ ngay đến loại quả mọc đầy những kênh rạch ở miền Tây. Loại quả có hoa thơm cực kỳ thu hút, vị ngọt mát mặc dù nơi sống là những vùng nước mặn. Nếu bạn nghĩ dừa nước cũng giống như dừa trên cạn thì bạn sẽ phải bất ngờ khi tận mắt thấy nó, vì nó hoàn toàn khác biệt.
Nội Dung Chính
1. Giới thiệu về trái dừa nước
1.1 Theo Wekipedia
Dừa nước hay còn gọi dừa lá (danh pháp hai phần: Nypa fruticans), trong các ngôn ngữ khác còn có các tên Attap palm (Singapore), Nipa palm (Philippines), Mangrove palm hoặc Nipah palm (Malaysia), là loài duy nhất trong họ Cau (Arecaceae) sinh sống trong đầm lầy. Loài dừa nước, duy nhất trong chi Nypa, sinh trưởng tại miền nam châu Á và bắc Úc. Hoá thạch của phấn hoa dừa nước đã được xác định niên đại đến 70 triệu năm về trước.
1.2 Theo dân gian Việt Nam
Dừa nước là loại cây đặc trưng ở miền Tây Nam Bộ. Thịt dừa nước có màu trắng, mềm, vị ngọt thơm, tính mát và thường được dùng để chế biến thành món ăn giúp thanh nhiệt và giải khát. Ngoài ra theo Đông Y, dừa nước còn có tác dụng nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu và bồi bổ sức khỏe.
Dừa nước sinh sống thành dãy ở ven sông, kênh rạch nước lợ. Cây có hệ thống rễ chằng chịt, thân ngầm và lá to. Thân và rễ cây mọc ở dưới lòng đất, chỉ có phần cuống hoa và lá nổi bên trên. Lá dừa nước có hình lược như lá dừa, kích thước từ 5 – 8m, lá chét thuôn dài, nhỏ, cuống lá to, tròn, cứng chắc và bẹ lá phình to.
Hoa mọc thành cụm có hình cầu, dài khoảng 60 – 90cm. Khi thụ phấn, các trái nhỏ mọc ép vào nhau tạo thành buồng lớn, mỗi buồng (quày) có từ 40 – 60 quả, cân nặng từ 15-30 kg, trái dừa nước bé hơn dừa cạn, chỉ bằng quả trứng, màu nâu sẫm như màu đất. Quả dừa nước có cơm màu trắng, mềm thơm và ăn được khi quả vừa ăn và cứng khi già. Cây sinh sôi bằng cách rụng hạt khô và phân tán theo dòng thủy triều.
Cây dừa nước từ 10 năm tuổi trở lên mới nở hoa và kết quả. Quả dừa nước mọc quanh năm nên về miền Tây mùa nào bạn cũng có thể ăn được quả dừa nước.
2. Công dụng của cây dừa nước?
2.1 Lá dừa nước dùng để lợp nhà
Ngày xưa khi tôn lợp chưa phổ biến như bây giờ thì lá dừa nước là vật liệu để lợp nhà. Nhà được lợp bằng lá dừa nước ở rất mát mẻ vào mùa hè. Tuy nhiên nếu lợp không kỹ sẽ bị dột vào mùa mưa và phải thay định kỳ mỗi 3-4 mùa mưa do lá mục.
Lá dừa nước ngày xưa cũng đem lại một nguồn lợi kinh tế cho người dân, lá dừa nước thường được bán với giá khoảng 300-500k/ trăm lá. Ngày nay chỉ ở một số khu du lịch mới sử dụng lá dừa nước, lá dừa nước không còn được dùng phổ biến người ngày xưa nữa.
Lá dừa non thường được người dân miền Tây dùng để gói bánh ít trần. Một số người dân ở Philipine còn dùng lá dừa non để quấn thuốc lá.
2.2 Lá dừa nước dùng trang trí cổng hoa đám cưới
Về miền Tây ăn đám cưới bạn sẽ phải ngỡ ngàng và kinh ngạc vì những chiếc cổng hoa đám cưới được làm bằng lá dừa nước đẹp lung linh. Những tàu dừa nước non sẽ được xé ra làm những bông hoa, đan thành các khung cho rạp cưới.
2.3 Cây dừa nước để chống sạt lở, giữ nước cho kênh rạch
Dừa nước đa phần là mọc tự nhiên từ trái dừa nước, cũng có một số được người dân trồng để chống sạt lở. Dừa nước là loại cây chứa nhiều nước, loại cây này giúp hạn chế sự bốc hơi của nước ở các kênh rạch giúp những kênh rạch không bị khô nước. Đồng thời, nhờ có dừa nước mà tôm cá có nơi trú ẩn, tạo nên sự đa dạng sinh vật cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu ở vùng đồi núi, cây cối giúp hạn chế sạt lở khi mưa lũ thì ở vùng đồng bằng, dừa nước chính là loại cây bảo vệ những con đê trước như con sóng lớn, chóng sạt lở của triều cường.
2.4 Nhựa dừa nước dùng làm mật dừa nước
Hiện nay, một số nơi người ta đã bắt đầu có cách khai thác nhựa dừa nước để làm mật để xuất khẩu. Khi cuống hoa dừa nước (còn gọi là quài dừa) chưa nở, người ta sẽ đập nhẹ quanh cuốn, sau đó cắt quài dừa bỏ đi, lấy bọc nilong bọc phần bị cách lại để cho mật dừa nước chảy ra.
Do có hàm lượng đường cao nên mật dừa nước được dùng để chế biến nhiều loại sản phẩm khác nhau như rượu dừa nước, si rô dừa nước, nước màu dừa nước, giấm dừa nước.
Ngoài ra, cánh hoa nở của dừa nước có thể được dùng như trà, phần thịt non và nước dừa cũng được thưởng thức như đồ uống giải khát.
2.5 Trái dừa nước để ăn
Trái dừa nước có vị ngọt, thơm, tính mát và không có độc. Quy vào kinh Can và Bàng Quang. Trái dừa nước có tác dụng giải nhiệt, tăng cường khí lực, cầm máu, nhuận nhan sắc. Chủ trị thổ huyết, chảy máu cam, cảm nắng, trị nóng trong người và tiểu tiện kém.
Một số quốc gia khác trên thế giới cũng sử dụng dừa nước:
Người Philippines còn biết làm dấm nguyên chất hoặc rượu tuba từ nhựa được trích từ cuống hoa dừa nước, dùng cánh hoa nở hãm trà uống. Người Malaysia biết cách làm đường dừa nước thơm ngon để xuất khẩu. Thậm chí người dân đảo Roti và Savu còn đem dừa nước làm thức ăn cho lợn để thịt ngọt hơn.
3. Những công dụng của trái dừa nước
Theo Y học hiện đại, trái dừa nước có một số tác dụng sau:
3.1 Hỗ trợ điều trị tiểu đường type 2
Hàm lượng axit amino và chất xơ trong dừa nước làm tăng độ nhạy cảm với insulin và ngăn chặn quá trình hấp thu đường, từ đó giúp hạ đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường.
3.2 Tác dụng hạ áp
Với hàm lượng kali và acid lauric dồi dào, dừa lá còn có thể tác dụng giãn mạch và điều hòa huyết áp.
3.3 Ngăn ngừa táo bón
Dừa lá chứa nhiều chất lỏng, vitamin, chất xơ và khoáng chất. Những thành phần này có tác dụng tăng cường nhu động ruột, duy trì lượng chất lỏng trong ruột kết và giảm nguy cơ táo bón.
3.4 Điều hòa kinh nguyệt
Với tác dụng làm mát, bổ sung dừa nước thường xuyên có thể điều hòa kinh nguyệt và trị các vấn đề liên quan như bế kinh, thống kinh, máu kinh ra ít,…
3.5 Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
Axit lauric trong dừa lá sau khi được dung nạp sẽ chuyển thành monolaurin – thành phần có tác dụng ức chế ký sinh trùng và vi khuẩn gây hại ở đường ruột, từ đó làm giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
3.6 Nuôi dưỡng làn da
Ăn dừa nước thường xuyên có thể duy trì độ ẩm cho da và ngăn ngừa lão hóa.
4. Các món ăn chế biến từ quả dừa nước
Do dừa nước không có độc nên có thể sử dụng thường xuyên để giải khát và thanh nhiệt. Mỗi ngày bạn có thể sử dụng từ 100-300g cơm dừa nước.
4.1 Ăn trực tiếp
Không cần chế biến nhiều công đoạn, quả dừa nước khi dày cơm mới ăn được, không đốn buồng dừa nước quá già hoặc quá non ăn sẽ không được.
Quả dừa nước khi mới dày cơm dùng dao bổ ra làm đôi theo chiều dọc là ăn được ngay, các bạn nên ăn những buồng dừa nước mới chặt từ cây để thưởng thức được hương vị tươi ngon của loại quả này.
4.2 Trái dừa nước dầm đá
Những ngày hè oi bức mà có một ly dừa nước dầm đá thì tuyệt vời biết mấy. Nếu bạn thấy bán dừa nước ngoài đường thì hãy thử mua về là món dừa nước dầm đá nhé.
Cách làm dừa nước đá đường cũng không tốn nhiều thời gian. Đầu tiên, bạn chỉ cần đun sôi nước lọc cùng với đường phèn, lá dứa và gừng thái lát. Sau đó, để hỗn hợp nguội và cho vào phần cơm dừa nước ngâm khoảng 30 – 60 phút. Cuối cùng, bạn thêm đá hoặc mang đi ướp lạnh trước khi dùng.
4.3 Cách làm mứt dừa nước
– Chuẩn bị: Cơm dừa nước 1kg và đường cát trắng 500g.
– Thực hiện: Để dừa nước cho thật ráo sau đó thêm đường trắng vào trộn đều và để trong vòng 10 phút. Cho hỗn hợp vào nồi và sên với lửa nhỏ cho đến khi đường hơi sền sệt, thêm vào 1 ít nước cốt chanh rồi sên cho đến khi mứt khô hoàn toàn. Tắt bếp, để nguội rồi trút mứt vào lọ thủy tinh để ăn dần.
4.4 Cách nấu chè dừa nước
– Chuẩn bị: dừa nước 500g, hạt sen, đậu xanh và nhãn nhục mỗi thứ 100g, dừa lá 300g, nấm tuyết 1 tai và đường cát trắng 300g.
– Thực hiện: Đem dừa nước ướp với đường và đậy kín. Sau đó rửa sạch nhãn nhục rồi chần sơ với nước sôi, hạt sen và đậu xanh nấu cho chín mềm. Nấm tuyết ngâm cho nở rồi chần qua nước sôi, cắt nhỏ vừa ăn. Khi ăn, cho nguyên liệu vào ly rồi thêm đá vào.
4.5 Dừa nước rim đường
Với món dừa nước rim đường, bạn có thể thưởng thức kèm với sữa tươi không đường và đá bào, thậm chí có thể dùng nó để làm ra món chè Thái.
Cách làm dừa nước rim đường cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần lấy phần thịt dừa nước và trộn đều với đường thốt nốt (được giã nhuyễn), rồi để hỗn hợp thấm khoảng 1 tiếng. Sau đó, bạn trút hỗn hợp vào chảo và rim trên ngọn lửa nhỏ cho đến khi gần cạn thì bạn mới vắt một ít nước chanh. Cuối cùng, nhanh tay đảo đều và tắt bếp.
5. Cách chọn trái dừa nước ngon
Trái dừa nước ngon là phải mềm dẻo, cùi chứa lượng nước vừa phải, vị ngọt nhẹ, bùi bùi, thanh mát. Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn quài dừa nước là biết đã thu hoạch được chưa. Quài dừa cúi xuống nghĩa là cơm dừa đã hình thành, đến độ vừa ăn, người ta thường dùng dao thử 1 trái dừa nước để xem cả quài dừa nước đã thu hoạch được chưa. Dừa còn non thì cùi mỏng, nhão, nhiều nước, ăn không “sướng” miệng. Dừa già thì cùi cứng, nhai bã miệng mà không có vị gì.
6. Mua dừa nước ở đâu?
Trái dừa nước đã thu hoạch phải được sử dụng trong 1-2 ngày, không được để lâu. Do để lâu quả sẽ mất đi vị ngọt ngọt nhiên và quả cũng già thêm. Buồng dừa nước thì to, cồng kềnh nên dừa nước không được bán phổ biến.
Nếu bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, có thể mua dừa nước ở các con đường gần cầu Điện Biên Phủ, cầu Sài Gòn.
Khi về miền Tây, bạn sẽ thấy dừa nước được bán dọc 2 bên đường ở một vài đoạn và cũng không phổ biến lắm. Điển hình là ở chân cầu Mỹ Lợi hướng từ Tiền Giang về Sài Gòn.
7. Giá bán dừa nước có đắt không?
Đối với người dân miền Tây, dừa nước là khá rẻ, 1 quài dừa nước từ 20-30 kg có giá khoảng 10.000 đồng. Mỗi quài chỉ lấy được từ 0,5-0,8 kg cơm. Cơm dừa nước có giá khoảng 100.000-160.000đ/kg. Ngoài ra, bạn có thể ăn ngay 1 ly dừa nước dầm đá với giá dao động chỉ từ 15k-25k tuỳ nơi.
8. Một số lưu ý khi dùng dừa nước để đảm bảo sức khoẻ
Theo Y học cổ truyền, không nên dùng dừa lá cho người có tạng âm (da xanh tái, ăn uống chậm tiêu, hay bị tiêu chảy, ít khát nước, bắp thịt mềm, chậm chạp).
Ngoài ra, cũng không nên dùng quá nhiều dừa nước vì có thể gây ớn lạnh, đầy bụng, khó chịu và buồn nôn. Tránh ăn dừa lá trước khi chơi thể thao nhằm hạn chế tình trạng chân tay yếu và thiếu độ dẻo dai.
Trên đây là một số thông tin về trái dừa nước, trái dừa nước với thành phần dinh dưỡng đa dạng được coi là một loại dược liệu chữa bệnh. Tuy nhiên không nên lạm dụng sử dụng dừa nước quá nhiều gây mất cân bằng dinh dưỡng, cần bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bằng việc đa dạng hoá các loại thực phẩm hàng ngày.