Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Ảnh mình họa: KHỀU

(TBKTSG) – Hội nghị Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp châu Á 2008 (CSR Asia Summit 2008) vừa được tổ chức ở Thái Lan, với hơn 300 khách tham dự đại diện các doanh nghiệp hoạt động tại châu Á, các tổ chức phi chính phủ (NGO) vì sự phát triển bền vững, các viện nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR Institutes).

Ngoài hai người Việt Nam làm việc cho hai tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có bài báo cáo tại đây, giới doanh nghiệp Việt Nam đếm trên đầu ngón tay và chỉ từ các tập đoàn đa quốc gia như Holcim, Talisman… Ba bài học lớn từ hội nghị này khiến tôi suy nghĩ mãi về hiện trạng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ở Việt Nam. Vấn đề không phải chỉ từ phía doanh nghiệp.

CSR cần sự gắn kết của các bên hữu quan

Các bên hữu quan (stakeholder) của một doanh nghiệp theo mô hình lý thuyết của CSR là các cá nhân và tổ chức có quyền lợi, trách nhiệm, có ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động của doanh nghiệp. Họ là các cổ đông, nhân viên, nhà cung cấp, nhà phân phối, đối tác, cộng đồng dân cư, chính quyền, các sở/ban/ngành và các tổ chức đoàn thể địa phương, các cơ quan lập pháp của nhà nước, thậm chí cả các đối thủ cạnh tranh…

Thành phần cụ thể của các bên hữu quan có thể thay đổi tùy đặc điểm của từng ngành. Tuy nhiên, hội nghị lần này còn đề cập đến một nhóm stakeholder có tác động quan trọng đến việc thực hành CSR ở một quốc gia: các chuyên gia nghiên cứu và tư vấn từ các NGO về phát triển bền vững, các công ty CSR chuyên nghiệp (như CSR Asia Ltd. – đơn vị tổ chức hội nghị này), các viện nghiên cứu và các trường đại học. Chúng ta có thể liên hệ ngay đến vai trò của nhóm này ở Việt Nam như thế nào từ vụ việc Vedan vừa qua. Các nhà khoa học môi trường đã có báo cáo cảnh báo từ 10 năm trước, nhưng tiếng nói của họ không được quan tâm đúng mức.

Quá trình gắn kết các bên hữu quan là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tương tác giữa các bên. Mỗi stakeholder có mối quan tâm riêng, có sự lựa chọn giải pháp riêng và có mức độ giao tiếp với doanh nghiệp khác nhau. Các nhà khoa học có thể chủ động cảnh báo trước. Còn cộng đồng dân cư có thể nộp đơn kiện hoặc biểu tình chống đối… 10 năm sau đó. Còn chính quyền địa phương thì sao? Mỗi vụ việc Vedan thôi mà phải “đẩy” mãi lên đến Thủ tướng Chính phủ mới quyết định xử lý dứt khoát được.

Do đó, tôi muốn dùng thuật ngữ “hữu quan” để nhấn mạnh mối liên hệ hữu cơ giữa các stakeholder với nhau trong cộng đồng chung. Quá trình tương tác ở đây không chỉ là sự tương tác trong bối cảnh chủ động của doanh nghiệp mà còn là quá trình tương tác giữa các stakeholders khác nhau để cân bằng lại các đòi hỏi của mình cho phù hợp với quan điểm “tất cả cùng phát triển”.

Một mình giới doanh nghiệp đơn độc với ý thức CSR thì sẽ lực bất tòng tâm. Sự ý thức vì cộng đồng phát triển bền vững phải đến từ tất cả các bên hữu quan.

Báo cáo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Tại hội nghị, một số tập đoàn đa quốc gia đã được mời đến chia sẻ cách thức mà họ quan tâm, thực hiện, và báo cáo về CSR cho cộng đồng hữu quan. Mỗi doanh nghiệp sẽ có trọng tâm riêng để quan tâm và hành động. Coca-Cola thì đặt trọng tâm vào vấn đề “nước”. Còn HP thì chú trọng nhiều đến vấn đề “năng lượng”.

Nhưng chung quy, họ đều căn cứ vào cách tiếp cận khá phổ biến hiện nay về báo cáo CSR là ba trụ cột cho phát triển bền vững (3 Ps) hay còn gọi là bộ ba cốt lõi bền vững. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải thực hiện được cả ba mục tiêu: kinh tế (Economic success/Profit), xã hội (Social success/People), và môi trường (Environmental success/Planet). Ba điều này phải được báo cáo đầy đủ cho các bên hữu quan. Ở thị trường chứng khoán Bangkok, tất cả các công ty niêm yết, trong cáo bạch của họ, đều phải có báo cáo CSR.

Ở Việt Nam chúng ta, ngoài những tập đoàn đa quốc gia (vì đây là chính sách chung toàn cầu của họ), có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam có báo cáo CSR thường niên? Trong thực tế, việc thực hiện CSR đã được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn, từ tư nhân đến nhà nước, thông qua các chương trình độc lập hoặc hợp tác hỗ trợ cộng đồng địa phương, cứu trợ lũ lụt, tài trợ giáo dục, bảo vệ con người và môi trường… Tuy nhiên, các hoạt động này còn đơn lẻ, manh mún, tự phát, chưa phải là một trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Chiến lược CSR trong con mắt của doanh nhân

Các doanh nghiệp tham dự hội nghị, có báo cáo CSR thường niên, đều đồng ý rằng giới kinh doanh nên nhìn CSR từ ít nhất một trong hai khía cạnh cho giải pháp kinh doanh của họ: để giảm thiểu rủi ro, hoặc/và để tạo lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn Coca-Cola giảm thiểu rủi ro từ việc khai thác nguồn nước sạch. Unilever giải quyết vấn đề về dầu cọ.

Trong một khảo sát của sinh viên khoa Quản lý Công nghiệp (Đại học Bách khoa) năm 2006 đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong hai khu công nghiệp lớn phía Nam cho thấy mức độ ý thức CSR của doanh nghiệp về tầm quan trọng của CSR còn ở mức trung bình, và việc thực hiện CSR cũng không thường xuyên. Quan điểm của các doanh nghiệp cũng khác biệt nhau rất nhiều. Doanh nghiệp vẫn xem việc thực hiện CSR là cách để ứng phó với các yêu cầu bức xúc hoặc bất chợt của các stakeholders của mình, chứ chưa xem CSR như là một phần của chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Một chiến lược đón đầu xu hướng phát triển bền vững lại càng không.

Trong báo cáo khảo sát thực hiện CSR ở 80 doanh nghiệp châu Á của CSR Asia có điểm khá thú vị là một tập đoàn xi măng (Siam Cement Group) xếp thứ 6, và một doanh nghiệp lớn về thuốc lá (BAT) xếp thứ 9 trong Top Ten CSR Practices. Ban đầu người nghe có phần ngạc nhiên: một bên thì làm mất núi đá, một bên thì làm lủng phổi, vậy mà lại dẫn đầu về thực thi CSR (!). Suy nghĩ tiếp, chúng ta sẽ thấy, họ bắt buộc phải đi đầu. Không thể không bị cám dỗ bởi những ngành công nghiệp giàu lợi nhuận, nhưng hơn hẳn các doanh nghiệp khác, họ phải bảo đảm sự phát triển bền vững của chính mình bằng sự bền vững của xã hội và môi trường. Đây phải là chiến lược giảm thiểu rủi ro của họ. Còn các ngành công nghiệp “không khói” thì sao? Một doanh nghiệp ngành cung cấp điện (CLP – Hồng Kông) và một doanh nghiệp ngành ngân hàng (HSBC – Hồng Kông) đứng thứ 1 và 2 trong danh sách trên. Đây là chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh của họ.

Cuối cùng, việc quy định thực hiện CSR, hướng dẫn thực hành, và tạo điều kiện phát triển chiến lược CSR cho một xã hội bền vững là điều mà ở Việt Nam đang thiếu. Nếu chúng ta không đánh động từ bây giờ, trong tương lai không xa, sẽ không chỉ có những doanh nghiệp xâm hại môi trường lẻ tẻ như Vedan, Hào Dương… mà là cả khu công nghiệp hành xử kiểu như Vedan.

TRƯƠNG THỊ LAN ANH – Đại học Bách khoa TPHCM