Trách nhiệm của người trẻ trên mạng xã hội
Bên cạnh những người trẻ sử dụng mạng xã hội vào những mục đích hữu ích như kết nối bạn bè, chia sẻ thông tin, bổ sung kiến thức, tham gia các dự án giúp đỡ cộng đồng thì vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người trẻ sử dụng mạng theo cách vô bổ, bộc lộ một thứ văn hóa rất đáng lo ngại.
Việt Nam có dân số xấp xỉ 95 triệu người, trong đó, tỷ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Việt Nam cũng là nước có số lượng người dùng Facebook lớn thứ 7 trên thế giới, với 58 triệu người dùng.
Tỷ lệ những người trẻ nằm trong độ tuổi 15-34 đang sử dụng mạng xã hội này chiếm tới 71%. Những con số cho thấy, các trào lưu, các làn sóng, các xu hướng văn hóa mạng đều chủ yếu do những người trẻ tuổi tạo ra vì họ chiếm một lực lượng đông đảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những người trẻ sử dụng mạng xã hội vào những mục đích hữu ích như kết nối bạn bè, chia sẻ thông tin, bổ sung kiến thức, tham gia các dự án giúp đỡ cộng đồng thì vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người trẻ sử dụng mạng theo cách vô bổ, bộc lộ một thứ văn hóa rất đáng lo ngại.
Những hiện tượng mạng như Lệ Rơi, Bà Tưng, Khá Bảnh hay Bà Tân Vlog chính là những từ khóa nóng nhất trên các công cụ tìm kiếm, trên các diễn đàn, và cả trên truyền thông, báo chí thời gian qua. Chúng ta đã nói nhiều về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, nhà cung cấp nền tảng mạng trong việc hạn chế, tháo dỡ kịp thời những thông tin có nội dung độc hại, có ảnh hưởng xấu đến nhận thức của người xem, đặc biệt là giới trẻ.
Theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin – Truyền thông) trong hai năm qua, Google đã tích cực hợp tác và gỡ bỏ gần 8.000 clip xấu độc theo yêu cầu, tỷ lệ đáp ứng của Google trong 6 tháng đầu năm 2019 lên đến 95%. Tuy nhiên, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng cho hay, hiện vẫn đang còn tới 55.000 video độc hại được phát hiện trên kênh YouTube đang tiếp tục yêu cầu phía Google xử lý.
Luật An ninh mạng ra đời và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 là cơ sở pháp lý để điều chỉnh hành vi của người tham gia mạng xã hội, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của Bộ Thông tin – Truyền thông, là những nhân tố giúp cho môi trường mạng từng bước được làm sạch, nhiều thông tin lệch lạc được ngăn chặn nhanh hơn, kịp thời hơn.
Nhưng mọi giải pháp của cơ quan hữu quan vẫn luôn là yếu tố khách quan và khó có thể triệt để nếu chúng ta không đề cập đến vai trò chủ quan của những người tham gia trực tiếp trên mạng xã hội. Họ là những người hàng ngày tiếp cận mọi thông tin từ khắp các ngả trong thế giới ảo, những người sẽ nhấn nút theo dõi vào các kênh thông tin, “like” hay không “like” các thông tin đó thông qua bộ lọc của chính mình.
Giới trẻ là đối tượng tham gia mạng xã hội nhiều nhất.
Trong mọi không gian của đời sống, chiếm đại đa số và có khả năng tạo ra các trào lưu, xu hướng luôn là giới trẻ. Trên không gian mạng, nếu người trẻ nhận thức được vai trò của mình một cách đúng đắn, like và share có trách nhiệm, có suy nghĩ, có chính kiến thì chắc chắn những thông tin hay clip độc hại, vô bổ, thiếu thẩm mỹ sẽ không còn nhiều đất để tồn tại.
Tuy nhiên thực tế diễn ra đang có những điều không thể không lo ngại. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang sử dụng thời gian trên mạng xã hội cho việc cổ vũ những thứ gọi là “văn hóa quẩy”, “văn hóa giang hồ”, “văn hóa tả pí lù”. Chính sự dễ dãi của họ đã tạo ra làn sóng tôn vinh, hâm mộ những Lệ Rơi, Bà Tưng mấy năm trước và gần đây là Khá Bảnh…, tạo cơ hội cho những người này dẫn đầu xu hướng nghe, xem cũng như kiếm tiền trên các nền tảng kỹ thuật số.
Kênh youtube của Khá Bảnh trước khi bị gỡ có tới hơn 2 triệu người theo dõi, hay hiện nay Bà Tân Vlog đang đứng đầu hệ thống các kênh youtube Việt đang là những ví dụ khiến cho không chỉ giới làm nội dung youtube mà cả xã hội phải suy nghĩ, đặt dấu hỏi: Vì sao giới trẻ lại cổ xúy cho những thông tin kiểu đó, những nhân vật kiểu đó?
Trong không ít diễn đàn mở trên mạng, cắt nghĩa về việc like hay share và theo dõi các hiện tượng mạng kiểu như Khá Bảnh, Lệ Rơi, Bà Tưng, Bà Tân Vlog, không ít bạn trẻ chung quan điểm họ chỉ xem những kênh đó vì tò mò, giải trí, “xem cho vui thôi chẳng có gì phải lo lắng cả”.
Đành rằng sự nổi loạn của một vài nhân vật “giang hồ online” như Khá Bảnh, hay những món ăn siêu khổng lồ được chế biến trong điều kiện không mấy an toàn vệ sinh thực phẩm của bà nông dân Nguyễn Thị Tân, giọng hát “không thể dở hơn” của Lệ Rơi… có thể đánh trúng tâm lý tò mò của giới trẻ, nhưng nếu không có điểm dừng, nó sẽ trở thành một nét văn hóa mới trong đời sống của giới trẻ.
Chỉ có điều đó là thứ văn hóa không mang lại giá trị bổ ích, không truyền tải thông điệp tích cực trong nhận thức của người trẻ. Tạo ra một thần tượng xấu xí, đó là tất cả những gì nó có thể. Và như thế, ai có thể đảm bảo rằng, mầm mống của bạo lực học đường, cư xử thiếu chuẩn mực, hành vi lệch lạc…và những sự suy đồi đạo đức khác trong một bộ phận giới trẻ hiện nay không bắt đầu từ việc hâm mộ những thần tượng như vậy?
Kênh youtube của Khá Bảnh đã bị xóa sổ, nhưng hình ảnh hâm mộ Khá bảnh như thế này khiến nhiều người băn khoăn về thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay.
Những hệ lụy nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra, làm hỏng nhận thức của giới trẻ, nhất là khi tỷ lệ người tham gia mạng xã hội không ngừng được trẻ hóa. Theo số liệu mới nhất của facebook, Việt Nam là nước có số lượng người sử dụng dịch vụ mạng xã hội tăng nhanh nhất thế giới. Thế hệ Y (những người sinh trong khoảng thời gian từ 1980-2000) chính là nhóm người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn so với các nhóm khác. Họ cũng chính là nhóm người rất thích theo dõi các video trên các nền tảng mạng. 92% số người ở độ tuổi 18-34 có nhu cầu xem các video trên các nền tảng như youtube, facebook hàng ngày.
Như vậy, mọi tác động từ các nguồn thông tin dù là tiêu cực hay tích cực trên mạng có ảnh hưởng mạnh nhất đến giới trẻ, những người chủ thực sự của tương lai đất nước. Khi mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ, thì vấn đề chọn lựa thông tin một cách có trách nhiệm của họ đã trở thành một vấn đề có thể thay đổi cuộc sống, không chỉ của riêng họ, mà của cả cộng đồng.
Mạng xã hội sẽ là phương tiện vô cùng hữu ích nếu mỗi người trong chúng ta biết cách sử dụng mạng xã hội cho những mục đích tốt đẹp. Tính tương tác và lan tỏa của mạng xã hội có thể giúp tạo ra những điều kỳ diệu để mọi người có thể đến gần nhau, chia sẻ những rủi ro, kết nối những tấm lòng, nỗ lực tạo ra những thay đổi lớn lao về môi trường sống, bảo vệ chủ quyền quốc gia…
Vai trò của người trẻ trên mạng xã hội đang được nhiều quốc gia nhấn mạnh để tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến các vấn đề liên quan đến phát triển và bảo vệ đất nước. Tiếc thay, rất nhiều người trẻ sử dụng mạng xã hội hiện nay lại đang có một thái độ thờ ơ vô cảm với những vấn đề quan trọng của đất nước, chẳng hạn như vấn đề chủ quyền biển đảo, vấn đề môi trường… Họ sử dụng mạng xã hội để “khoe” quần áo đẹp, tán gẫu, mua sắm, theo dõi những kênh online có nội dung nhảm nhí theo trào lưu.
Nhiều người trẻ tuổi sẵn sàng bỏ thời gian theo dõi, hâm mộ những nhân vật như Khá Bảnh, Bà Tân Vlog, nhưng lại rất thờ ơ với các vấn đề liên quan đến các vấn đề thời sự của đất nước (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Intenet luôn chứa đầy ắp thông tin trong đó có cả thông tin thật và thông tin giả, thông tin có ích và thông tin độc hại. Việc chọn lựa thông tin cũng giống như chọn thực phẩm để ăn, chọn sách để đọc, người sử dụng mạng phải có một bộ lọc tốt. Bộ lọc tốt phải bắt nguồn từ kiến thức và sự hiểu biết, từ văn hóa nền tảng cá nhân của mỗi người. Với người trẻ, khả năng chọn lọc thông tin còn nhiều hạn chế, bởi vậy họ luôn cần đến vai trò giáo dục, định hướng của gia đình và nhà trường.
Theo đó, để giúp cho người trẻ vững vàng về bản lĩnh, chọn lựa nghe gì xem gì, cất tiếng nói phù hợp, có ích trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chỉ bảo cho con em mình những kỹ năng ứng xử cần thiết trên mạng xã hội. Nhà trường cần thường xuyên có những giờ sinh hoạt ngoại khóa, mời các chuyên gia nói chuyện với các bạn trẻ về cách chọn lựa thông tin, kiến thức bổ ích trên mạng xã hội.
Những hoạt động đó sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người trẻ trong môi trường mạng, giúp họ biết “like” và “share” những gì thực sự bổ ích cho mình và có tác động tích cực tới cộng đồng, để họ ngừng tôn vinh những nhân vật kiểu như Khá Bảnh, Lệ Rơi.