Trả lời trực tuyến – Rối loạn trầm cảm – Trang chủ

 

 

Thời gian gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về sự phổ biến bệnh lý trầm cảm ở con người. Tỷ lệ này vào khoảng 4%, tức có khoảng 250 triệu người trên trái đất mắc phải.

 

Bạn có bao giờ lâm vào trạng thái luôn cảm thấy mệt mỏi, ủ rũ và căng thẳng? Lo lắng, bất an, rất dễ tức giận và nổi nóng? Chán nản, không có hứng thú làm bất cứ chuyện gì? Luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân và người khác?

 

Nếu câu trả lời là “có”, thì có thể bạn đã mắc chứng trầm cảm…

 

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Trước hết chúng tôi muốn độc giả hiểu được thế nào là trầm cảm; phản ánh tính thường gặp của trầm cảm; các hình loại của trầm cảm; nguyên nhân gây ra trầm cảm (các yếu tố liên quan và những biến cố bất lợi); những biểu hiện của trầm cảm; cách điều trị, dự phòng trầm cảm. Thứ nhất, nói đến trầm cảm, tức là nói đến một loại bệnh lý về rối loạn cảm xúc, biểu hiện đặc trưng khí sắc trầm buồn, mất quan tâm thích thú, giảm sinh lực dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động kéo dài trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần.

 

Người ta thường gặp trầm cảm điển hình từ 5-10%; có thể gặp từ 25-30% rối loạn trầm cảm trong các phòng khám nội khoa chung. Trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi; nữ nhiều hơn nam.

 

Các hình loại trầm cảm điển hình và trầm cảm không điển hình: Trầm cảm điển hình phản ánh sự ức chế các mặt của tâm lý: cảm xúc, tư duy, hoạt động, chú ý, trí nhớ, trí tuệ…; trầm cảm không điển hình: cảm xúc buồn không rõ ràng, kín đáo nổi bật các triệu chứng cơ thể, các triệu chứng thần kinh thực vật – nội tạng nổi trội chiếm ưu thế. Trong  thực hành nội khoa có 2 loại trầm cảm thường gặp: trầm cảm thực thể (là trầm cảm phát sinh sau một bệnh lý cơ thể mãn tính; rối loạn trầm cảm xuất hiện và tiến triển liên quan chặt chẽ đến hội chứng đau và suy nhược); trầm cảm cơ thể (còn gọi là trầm cảm ẩn, hoặc trầm cảm che đậy. Là rối loạn trầm cảm ở mức đô nhẹ, mờ nhạt, ẩn dưới diện mạo của những rối loạn cơ thể, thần kinh thực vật nội tạng đa dạng nổi trội chiếm ưu thế).

 

Những biểu hiện của trầm cảm: Một giai đoạn trầm cảm điển hình có 3 triệu chứng chủ yếu: Một, khí sắc trầm buồn; Hai, giảm hoặc mất quan tâm thích thú mọi ham muốn; Ba, giảm sinh lực dẫn đến dễ mệt mỏi và giảm hoạt động sau một cố gắng nhỏ.

 

7 triệu chứng phổ biến: giảm tập trung chú ý; giảm tính tự trọng và lòng tự tin; ý nghĩ có tội hoặc thấy mình không xứng đáng; nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan; ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ; giảm hoặc tăng thèm muốn ăn uống, thay đổi trọng lượng cơ thể.

 

Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, có các loại triệu chứng để chẩn đoán: triệu chứng về cảm xúc gồm buồn rầu, mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày, mất hy vọng; triệu chứng cơ thể: gồm rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác ăn uống, sút cân, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, mệt mỏi, giảm sinh lực; triệu chứng vận động tâm thần như chậm chạp, bồn chồn; triệu chứng về tâm lý cảm thấy mình vô dụng, cho mình có tội, giảm tập trung chú ý, tính do dự không quả quyết, bận tâm suy nghĩ nhiều đến cái chết hoặc tự sát.

 

Nguyên nhân: Những biểu hiện rối loạn trầm cảm là do sự tác động qua lại không ngừng giữa các yếu tố bên ngoài: văn hoá, tình huống xã hội, hiện tại, các mối quan hệ của con người với những yếu tố bên trong: thái độ, chức năng não bị thay đổi, những tổn thương, di truyền.

 

Cách điều trị và dự phòng bệnh trầm cảm:

 

–         Điều trị rối loạn trầm cảm bằng liệu pháp hoá dược chọn lựa các thuốc chống trầm cảm do các bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định: Thường chọn lựa các thuốc chống trầm cảm mới như Remeron, liều trung bình 30mg một ngày (tối).

 

Trong những trường hợp trầm cảm nặng có loạn thần (hoang tưởng bị tội) thì phải kết hợp các thuốc chống trầm cảm với các thuốc an thần kinh chọn lựa (Risperdal, liều trung bình 2-3mg/ngày), thường phối hợp với các thuốc chỉnh khí sắc (Depamide, liều từ 300-600mg/ngày).

 

–         Sử dụng liệu pháp tâm lý, nhận thức hành vi trong những trường hợp trầm cảm có liên quan đến các yếu tố tâm lý xã hội.

 

Đối với những rối loạn “trầm cảm cơ thể” thường gặp trong nội khoa thì phải phối hợp điều trị giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần và bác sĩ nội khoa, nhằm giải quyết các rối loạn trầm cảm và các rối loạn nổi bật thuộc bệnh lý cơ thể. Chọn lựa các loại thuốc chữa nguyên nhân, chữa triệu chứng bệnh nội khoa (thực thể hoặc chức năng) với các thuốc chống trầm cảm hợp lý.

 

Thời gian điều trị: Thường từ 4-6 tháng.

 

** Xin chào PGS-TS Trần Hũu Bình. Cháu tên Nguyễn Đình Toàn 32t. Cháu bị chứng trầm cảm từ lúc học phổ thông đến nay cũng khoảng 15 năm rồi Triệu chứng là: Mỗi khi cháu đứng trước đám đông để làm một việc gì đó là cháu bị đổ mồ hôi khắp cả người ,lúc này cháu rất căng thẳng,tim đập nhanh,lo sợ,hồi hộp và lần nào đứng trước đám đông cháu củng bị tóat mồ hôi hột như thế. Đến nay cháu 32t rồi nhưng vẩn bị như thế, nhiều lúc cháu không tự tin bản thân mình nữa. Cháu rất mong PGS-TS Trần Hũu Bình cho lời khuyên cho cháu phải điều trị như thế nào để hết căn bịnh này. Cháu nhờ PGS-TS chỉ giúp cháu liệu pháp chữa bịnh về tâm lý để tinh thần cháu được vững chắc hơn. Cháu rất mong đợi câu trả lời của PGS-TS Trần Hũu Bình để giúp cháu có cuộc sống được tốt hơn. Kính chúc PGS-TS cùng Ban Biên Tập được dồi dào sức khỏe. – (nguyễn văn toàn, 32 tuổi, Nam , [email protected])

 

 

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Các hiện tượng cháu kể không phải là trầm cảm mà nó liên quan đến rối loạn lo âu, hoặc lo sợ trước đám đông.

 

Bệnh của cháu đã từ 15 năm nay, bởi vậy khuyên cháu đến khám chuyên khoa tâm thần và được chữa trị một cách nghiêm túc. Tại đó, cháu được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần hướng dẫn về trị liệu tâm lý và thư giãn luyện tập.

 

 

** Xin chào bác sĩ, em có một câu hỏi về chứng trầm cảm, em nghĩ mình đang mắc phải căn bệnh này nhưng không biết có nên đi khám và đi khám ở đâu để xác định được bệnh. Trước đây, em không có thói quen nhận xét so sánh hay bình luận mọi thứ. Bây giờ em cảm thấy rất khó có thể đưa ra ý kiến của mình một cách rành mạch và rõ ràng. Em luôn cảm thất mơ hồ về mọi thứ và cảm thấy mất tự tin trong giao tiếp và hầu như hạn chế giao tiếp. Em luôn thấy sợ hãi khi một mình và không thể nhớ được mọi thứ một cách rõ ràng. Mọi việc không được nhớ một cách logic và em rất sợ hãi khi mình không giống như mọi người bình thường. Em ngủ rất nhiều và luôn cảm thấy mệt mỏi, không hứng thú với bất cứ việc gì, hoặc chỉ tỏ ra là hứng thú thôi, em xin lời khuyên của bác sỹ. (Xin được giấu tên, 21 tuổi, Nữ , khu tập thể Ngân hàng)

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Lời khuyên chân thành cho bạn là cần phải mạnh dạn đến phòng khám chuyên khoa tâm thần ở gần nhất hoặc có thể để Viện Sức khoẻ Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai để được tư vấn và điều trị.

 

** Thời gian gần đây chồng tôi hay bị mất ngủ, tính tình dễ rất nổi nóng, hễ mẹ tôi nói câu gì nhỡ lời là ông đập phá đồ đạc trong gia đình. Tôi muốn hỏi đây có phải là triệu chứng của bệnh trầm cảm hay không? (Thành Anh, 28 tuổi, ngõ 1 Văn Hương, Hà Nội) – (Anh, 28 tuổi, Nam , hanoi)

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Đây không phải là trệu chứng của bệnh trầm cảm mà là biểu hiện của một phản ứng tâm lý trong đời sống công việc của chồng bạn, mà bản thân không thể giải quyết được.

 

** Thưa bác sĩ, có phải phụ nữ sau khi sinh có dễ bị trầm cảm không? (Lan Bích, 30 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Ở một số phụ nữ sau khi sinhcó thể bị trầm cảm, bởi vì sinh đẻ là một nhân tố thuận lợi để phát sinh trầm cảm. Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào sau khi sinh cũng bị trầm cảm.

 

** Chào quý bác sĩ, xin hỏi tôi có những biểu hiện và lối sống như sau có bị gọi là trầm cảm không? – Nỗ lực cố gắng vì một mục tiêu, day dứt, và luôn lo lắng cho nó trong suốt 9 năm qua – Động não suy nghĩ những vấn đề khó lập tức bị cảm thấy bứt rứt căng thẳng tột độ, đánh trống ngực rất to, khó thở (tôi có nghi bị tim mạch nhưng đi khám bác sĩ chỉ nói hở van ba lá rất nhẹ, coi như k có gì, mặt khác tôi chơi thể thao khá đều đặn)

 

 Nhiều khi tôi căng thẳng quá đau nặng nề vùng ngực trái, và cánh tay trái, đến khi thư giãn, chơi thể thao thì k có gì. Tôi gầy 1m67 nặng 50 kg, tự đánh giá thể tạng mình rất yếu. Kính mong quý bác sĩ cho tôi một lời khuyên để cải thiện sức khỏe. Tôi có nên tìm đến với phật giáo, tĩnh tâm thiền định không? – (Đinh Đỗ Đạt, 28 tuổi, Nam , Hà Nội)

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Hiện tượng bạn trình bày hướng nhiều tới rối loạn “trầm cảm cơ thể”. Đây là loại hình trầm cảm thường gặp nhưng khó hoặc ít phát hiện chữa trị trong cộng đồng và các phòng khám đa khoa. Bởi vậy bạn cần đến khám để được bác sĩ chuyên khoa tâm thần tư vấn, chữa trị đúng.

 

** Con trai tôi 25 tuổi bị bệnh đã 4 năm nay, cháu có biểu hiện như chán nản, tự ti, luôn mệt mỏi và ủ rũ, đôi khi tỏ ra lì lợm, cáu bẳn, khám ở bệnh viện tâm thần bác sĩ cho uống thuốc an thần nên cháu ngủ li bì từ 9 giờ tối đến 12 giờ trưa hôm sau, ngủ dậy tinh thần uể oải, ăn uống không nhiều, tôi muốn nhờ bác sỹ tư vấn cách chăm sóc cháu, cháu chẳng chịu làm việc gì giúp gia đình, thậm chí không tự lo cho bản thân được như giặt giũ áo quần, việc gì cũng đòi có người nhắc nhở mới làm – (Hồ Đắc Dung, 56 tuổi, Nam, Tam kỳ Quảng nam )

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Con trai của ông bị bệnh lý tâm thần mãn tính, có nhiều triệu chứng âm tính, suy giảm nhận thức. Bởi vậy, cần phải được chọn lựa điều trị bằng các thuốc an thần kinh mới từ các bác sĩ chuyên khoa tâm thần có kinh nghiệm.

 

** Tôi muốn được tư vấn về vấn đề sức khoẻ. Hiện nay tôi đang bị đau vùng đầu phía sau nhưng khi đi khám chụp x-quang, CT và siêu âm thì bác sĩ bảo tôi vẫn bình thường vậy thì tôi đang mắc bệnh gì – (Trần Thanh Tuấn, 30 tuổi, Nam, Đà Nẵng)

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Những thông tin bạn trình bày chưa đủ để hướng tới một bệnh nào. Vậy khuyên bạn đến chuyên khoa về thần kinh và tâm thần để được hướng dẫn chữa trị.

 

** Tôi thường xuyên lâm vào tình trạng u buồn nhưng không đến mức trầm cảm. Rất yêu cuộc sống nhưng hay nhớ về quá khứ. Rất căng thẳng và thi thoảng nghĩ tiêu cực nhưng rất ít. Nói tóm lại là chỉ rất hay buồn , hay suy nghĩ nhiều và đôi lúc phải cố gắng để vượt qua nó. Vậy bác sỹ có lời khuyên nào có thể giúp tôi giảm đi điều này không? – (Nguyễn Hải Phi, 24 tuổi, Nam , Số 14 – Ngõ 196 – Cầu Giấy – Hà Nội)

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Bạn nên đến Phòng Tư vấn trị liệu tâm lý cá nhân của Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, bạn có thể được tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc của bạn.

 

** Làm sao để phát hiện sớm bệnh trầm cảm và chữa trị nhanh nhất? lam sao để chữa trị triệt để hẳn? – (Đa, 20 tuổi, Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu)

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Khi bản thân cảm giác thấy mình mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon,giảm hoặc mất hứng thú với những ham thích trước đây diễn ra trong thời gian từ 2 tuần thì phải đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để xin lời khuyên về điều trị.

 

** Thưa bác sĩ cháu đã có đợt rơi vào tình trạng chán lản đó là lúc cháu đi thi đại học về do không làm được bài và khi cháu thấy tủi thân trước những đối xử của người khác trong gia đình với cháu liệu đó có phải chứng bệnh trầm cảm không ạ – (hương bg, 19 tuổi, Nữ , từ liêm-hà nội)

 

PGS-TS Trần Hữu Bình: Hiện tượng của cháu như vậy không phả là trầm cảm mà đó là những phản ứng tâm lý bình thường của con người trong cuộc sống.

 

 

** Chứng trầm cảm có nguy hiểm không? Tại sao nước ta, hiện có rất nhiều người bị bệnh trầm cảm? (Nam Hương, 27 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm

 

: Bệnh trầm cảm là một bệnh hay gặp và có thể điều trị được nếu được phát  hiện và điều trị thích hợp. Bệnh này, nếu không được điều trị, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc. Bệnh này, chỉ nguy hiểm khi ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát).

 

Theo xu thế chung của xã hội, các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, trầm cảm, đái tháo đường) ngày càng thường gặp hơn ở các xã hội phát triển.

 

Hiện tại ở Việt Nam theo số liệu mới nhất, có khoảng 2 đến 3% dân số bị trầm cảm.

 

** Biểu hiện của bệnh trầm cảm? (Thu Hồng, 40 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm:  Có 2 nhóm triệu chứng cơ bản. Nhóm thứ 1 là nhóm triệu chứng về tâm thần. Ví dụ như cảm xúc buồn, chán, khí sắc giảm hoặc mất quan tâm thích thú trước đây, rất dễ mệt mỏi, dù đó là một hoạt động nhẹ nhàng, kèm theo giảm sự tập trung chú ý, thiếu tự tin khó khăn trong việc ra quyết định. Nặng hơn nữa, bệnh nhân có biểu hiện bi quan, nhìn mọi việc xung quanh một cách ảm đạm mà có thể dẫn đến tự sát. Nhóm triệu chứng thứ 2, biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi trọng lượng cơ thể, ăn không ngon miệng, có thể có các triệu chứng như:

 

– Triệu chứng tim mạch: mạch nhanh, đau tức ngực…

 

– Triệu chứng hệ tiêu hoá: khó chịu trong dạ dày, đau đại tràng kích thích, đôi khi có thể biểu hiện ở một số cơ quan khác như: sinh dục tiết niệu, cơ xương khớp…

 

– Các triệu chứng trên phải xuất hiện và kéo dài liên tục trên 2 tuần.

 

– Những người có biểu hiện như trên thì hãy đến khám và điều trị tại Bệnh viện chuyên khoa tâm thần gần nhất.

 

** Tôi xin hỏi: Trầm cảm và tự kỷ có giống nhau không? Liệu trẻ tự kỷ khi lớn lên có bị trầm cảm hay không? – (Nguyễn Thị Hiền, 40 tuổi, Nữ , Nam Định)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Trầm cảm và tự kỷ là hai rối loạn khác nhau hoàn toàn. Trầm cảm biểu hiện chủ yếu bằng hiện tượng ức chế cảm xúc, tư duy và hoạt động. Trong khi đó, tự kỷ thường xuất hiện vào tuổi sớm hơn và thể hiện chủ yếu bằng sự lệch lạc về tư duy và thiếu hòa hợp. Tự kỷ là một trong những yếu tố thuận lợi dẫn đến trầm cảm.

 

** Cháu nhà tôi năm nay học lớp 7. Trong giờ học cháu không tập trung, chú ý bài giảng, khi nói về một vấn đề gì, cháu cứ hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần. Ngoài ra, tính của cháu rất hiếu động và ngịch ngợm. Vậy thưa bác sĩ cháu nhà tôi bị bệnh gì? Chúng tôi nên đưa cháu khám ở đâu?/ chi phí điều trị ra sao? Xin cảm ơn bác sĩ. (Khu đo đạc bản đồ, TPHCM) – (Hưng Hương, 45 tuổi, Nam , TP HCM)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm

 

: Với nội dung câu hỏi cung cấp thì triệu chứng nổi trội của cháu bé là giảm sự tập trung chú ý kèm theo có hiện tượng tăng động. Đây là một trong những biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Rối loạn này thường gặp ở các trẻ thiếu niên, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập và vui chơi của trẻ rất nhiều. Việc điều trị hiện tại cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi y tế chuyên sâu. Chính vì vậy, chị cần đưa cháu đến Bệnh viện tâm thần TP HCM để được tư vấn và giúp đỡ.

 

** Cách chữa trị bệnh trầm cảm có tốn kém không thưa bác sĩ? (Đào Thị Thảo, khu tập thể X26, Hà Nội)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Để điều trị được trầm cảm chúng ta cần phải: thứ nhất là chẩn đoán; thứ hai là điều trị bằng thuốc kết hợp các liệu pháp tâm lý. Chi phí điều trị thực sự không tốn kém bằng hậu quả của trầm cảm làm giảm khả năng lao động.

 

** Tôi thường xuyên hoa mắt, giảm trí nhớ, mệt mỏi, cáu kỉnh, dễ bị kích thích. Tôi đã khám, bác sĩ nói rối loạn trầm cảm. Hãy cho tôi lời khuyên, tôi nên dùng thuốc gì để điều trị tốt nhất? – (Hương, 30 tuổi, Nữ , Nam Định)

 

 

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Theo như bạn mô tả thì đây là một trong những biểu  hiện mà một người trầm cảm, lo âu hay mắc phải. Để giải quyết được tận gốc vấn đề, bạn cần phải được chẩn đoán xác định là có trầm cảm hay không. Việc điều trị cần phải có kế hoạch cụ thể theo từng cá thể bệnh. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên không phải loại thuốc nào cũng phù hợp với bạn vì vậy, bạn cần phải khám và điều trị theo kế hoạch của bác sĩ đưa ra.

 

Tuy nhiên, những triệu chứng bạn mô tả cũng gặp ở một số biểu hiện không phải trầm cảm (ví dụ ở lứa tuổi tiền mãn kinh…).

 

 

** Con gái tôi năm nay 9 tuổi, thời gian này cứ ở lỳ trong phòng, cửa chốt trong, rèm kéo kính. Bé ngủ rất nhiều, ít chơi đùa với bạn bè và khi mẹ hỏi chuyện gì đã xảy ra, bé chỉ lầm bầm không nói năng gì. Có phải bé bị bệnh trầm cảm? – (Minh Quân, 45 tuổi, Nam, Hà Nội)

 

 

 

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm: Đây là những biểu hiện rất trầm trọng đối với một cháu bé 9 tuổi. Bạn cần phải tìm hiểu bằng được nguyên nhân như: xem ở trường, lớp cháu có gặp phải trở ngại hoặc khúc mắc gì không?. Trong gia đình, cháu có gặp phải sang chấn (tổn thương) tâm lý hoặc có điều gì khó nói… Trước khi nghĩ đến con mình bị trầm cảm…

 

Trầm cảm ít khi xuất hiện một cách nặng nề cấp như bạn mô tả. Tuy nhiên, để biết chắc chắn liệu con của bạn có bị trầm cảm hay không bạn nên đưa cháu đến Khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi TW.

 

** Làm thế nào để biết được một người bị bệnh trầm cảm chứ không phải buồn rầu? – (Phương Hoa, 24 tuổi, Nữ , Nam Hà)

 

 

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Biểu hiện nổi trội của trầm cảm là nỗi buồn và nhiều triệu chứng khác kèm theo. Nhưng khác hoàn toàn với sự buồn rầu ở mấy điểm sau: Thứ nhất, buồn rầu thường có lý do; Thứ hai, buồn rầu tồn tại trong thời gian ngắn, thường không quá hai tuần, sau khi nguyên nhân gây buồn rầu đã được giải quyết.

 

Ngược lại, các triệu chứng trầm cảm cần phải thời gian kéo dài liên tục trên hai tuần mới được chẩn đoán là trầm cảm. Và rất nhiều trường hợp không tìm được lý do phù hợp. Ví dụ  như câu thơ của Xuân Diệu là một trường hợp trầm cảm điển hình: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.

 

** Làm sao tránh được bệnh trầm cảm? – (Tiến Bình, 52 tuổi, Nam, Thạch Hoá- Tuyên Hoá- Quảng Bình)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Có 3 nguyên nhân chính gây trầm cảm: Thứ nhất, stress về tâm lý. Thứ hai, do tổn thương não hoặc bệnh cơ thể ảnh hưởng đến não. Thứ ba, nguyên nhân nội sinh. Sẽ thật khó tránh được trầm cảm nếu một trong 3 nguyên nhân trên rơi vào bạn.

 

** Thưa bác sĩ em có cảm giác dạo này mình hay có tính cách thất thường lúc vui lúc buồn, luôn cảm thấy mệt mỏi, dễ giận dữ với người khác, đôi lúc cảm thấy thất vọng về bản thân mình lắm, trước khi ngủ thường rất khó ngủ và ngủ rất it, khoảng 6h mỗi ngày. Đó có phải hiên tượng mắc trầm cảm không – (Lê Đức Thịnh, 25 tuổi, Nam, Cần Thơ)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Đây là những biểu hiện rất điển hình và thường gặp của một bệnh nhân trầm cảm. Bạn cần đi khám và điều trị sớm để khỏi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc.

 

** Đôi lúc em có cảm giác chán tất cả mọi thứ cảm giác như tuyệt vọng, cũng có thể là có lúc em đã quá tích cực để đến lúc lại quá tiêu cực nhưng những lúc đó em khó có thể làm chủ được tình huống dễ nổi nóng. – (Nguyễn Kim Anh, 22 tuổi, Nữ , Nam Sách, Hải Dương)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Bạn đã mô tả hai thái cực trái ngược nhau mà bạn đã từng trải qua. Rất tiếc là bạn không cung cấp được một cách rõ ràng rằng hai trạng thái đó xuất hiện cùng trong một thời điểm hay là hai trạng thái xuất hiện ở hai thời điểm hoàn toàn khác nhau; và mỗi thời điểm thường tồn tại trong bao lâu? Vì trên thực tế, có một rối loạn có tên gọi là Rối loạn cảm xúc lưỡng cực (khi thì biểu hiện là hưng cảm, ở giai đoạn khác lại biểu hiện là trầm cảm…).

 

Chính vì vậy, để được tư vấn một cách cụ thể hơn bạn cần cung cấp thông tin rõ hơn, mô tả từng giai đoạn bạn trải qua, các khó chịu bạn đã trải nghiệm…

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm

** Tôi năm nay 37 tuổi ,thời gian gần đây không hiểu tại sao lúc nào trong đầu cứ suy nghĩ toàn là những chuyện đâu đâu,ai hỏi đến có nhiều khi cũng không hay biết ,đến mức họ hỏi rất nhiều lần thì mới giật mình, xin hỏi bác sĩ đó là bệnh gì? cách phòng ngừa và điều trị như thế nào? địa chỉ ở đâu? có kiêng cữ ăn uống gì không? chế độ dinh dưỡng ra sao? xin cám ơn bác sĩ – (Cao Hữu Trọng Bắc, 37 tuổi, Nam , [email protected])

 

 

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Theo như bạn mô tả những triệu chứng trên là biểu hiện hay gặp ở người bị trầm cảm. Bạn cần phải đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần gần nhất hoặc Viện Sức khoẻ Tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai để được khám, tư vấn và điều trị.

 

Về chế độ dinh dưỡng: bạn cần phải kiêng bia, rượu và đồ uống có cồn.

 

** Nguyên nhân gây ra bệnh? Những đối tượng nào thường gặp bệnh nhất? Cảm ơn – (Nguyễn Thị Yến Dân, 19 tuổi, Nữ , Bình Thuận)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Về nguyên nhân bạn tham khảo những nội dung đã trả lời ở trên. Về các đối tượng thường gặp: có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nữ giới nhiều hơn nam giới (thường gấp 2 lần). Tuy nhiên, lứa tuổi thanh niên và lứa tuổi trước về hưu đến về hưu là hay bị trầm cảm hơn cả. Ví dụ một số đối tượng hay gặp: những người thường xuyên làm việc trong môi trường căng thẳng, ức chế; phụ nữ sau sinh; sinh viên nước ngoài; trầm cảm sau một bệnh cơ thể…

 

** Bệnh trầm cảm chữa bằng thuốc gì? Có những cách nào ngoài thuốc không? Bản thân người bệnh phải làm gì – (Võ Hồng Quang, 35 tuổi, Nam , Bắc Ninh)

 

 

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Để chữa được bệnh trầm cảm cần phối hợp giữa điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý. Hiện tại có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm nhưng không phải thuốc nào cũng phù hợp với bạn. Ví dụ: thuốc A có thể hợp bệnh nhân A nhưng chưa chắc đã có tác dụng với bệnh nhân B.

 

Liệu pháp tâm lý thường áp dụng một số liệu pháp sau: liệu pháp giải thích hợp lý; liệu pháp giao tiếp; liệu pháp phân tâm; liệu pháp tâm lý nhóm…

 

Trong một số trường hợp trầm cảm nhẹ chúng ta có thể chỉ cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý mà không cần sử dụng thuốc chữa trầm cảm.

 

** Em bị nghi là có mắc bệnh trầm cảm. Thỉnh thoảng em nghĩ ra chuyện gì đó vui vui em lại cười bộc phát ra miệng, đầu em hay bị đau, và làm việc rất mất tập trung. Xin bác sĩ cho em biết em có phải mắc bệnh trầm cảm không, và cách chữa trị của nó như thế nào ạ. – (Hương Giang, 30 tuổi, Nữ , Hà Nội)

 

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm: Trên đây bạn mới chỉ cung cấp cho chúng tôi 2 triệu chứng mà bạn đã trải qua đó là đau đầu và mất tập trung. 2 triệu chứng này chưa đủ điều kiện để khẳng định là bạn có bị trầm cảm hay không? Để chẩn đoán được bạn cần tham khảo các thông tin đang trao đổi trên diễn đàn để cung cấp thông tin cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ giúp đỡ bạn một cách chính xác hơn. Còn việc bạn nói thỉnh thoảng nghĩ là chuyện để cười mà người bình thường cũng có.

 

** Những người có tính cách như thế nào thì thường mắc bệnh trầm cảm. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có yếu tố di truyền không? nguyên nhân và cách điều trị? – (Nguyễn Mạnh Thảo, 38 tuổi, Nam, Nà Nội)

 

 

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Những người có tính cách sau đây là điều kiện thuận lợi dẫn đến mắc bệnh trầm cảm:

 

–         Tính cách khép kín

 

–         Nhân cách yếu (hay còn gọi là nhân cách nghệ sĩ)

 

Với trình độ y học hiện tại chưa xác định được yếu tố di truyền của trầm cảm (gene), nhưng bằng thống kê y học thì thấy trầm cảm có yếu tố gia đình rất lớn. Nguyên nhân và phương pháp điều trị bạn tham khảo các nội dung đã nói ở trên.

 

** Cứ nghĩ đến vấn đề nào đó tôi lại thấy khó chịu, đau đầu và cảm thấy chán nản. Đôi lúc tôi rất khó ngủ. Vậy có phải tôi bị trầm cảm không? (hong, Praha, CH Czech) – (Mạnh Hùng, 30 tuổi, Nam , Thanh Hoá)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Bạn đang có 4 trong 10 triệu chứng trầm cảm. Nếu các triệu chứng này đã tồn tại liên tục và kéo dài trên 2 tuần là cơ sở rất giá trị để nghĩ đến bạn bị trầm cảm. Bạn cần phải được tư vấn và điều trị sớm để trầm cảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc.

 

 

** Tôi đang lao động bên Hàn Quốc, còn vài tháng nữa là hết hợp đồng phải về nước. Dạo này tôi hay buồn chán và lo nghĩ nhiều, hay bực tức với vợ, kể cả những chuyện nhỏ nhặt vì nghĩ rằng lúc về nước với số tiên ít ỏi chẳng biết dầu tư vào làm gì, còn di lái xe thuê được tầm hai triệu một tháng làm sao nuôi đủ bốn miệng ăn, lại còn hai đứa con đang học cấp hai nữa và bao viêc chi tiêu phải cần đến tiền mà chỉ có mình tôi lo. Vậy tôi phải làm thế nào để bớt lo nghĩ, xin bác sỹ cho tôi một lời khuyên – (Nguyễn Văn Đức, 45 tuổi, Nam , [email protected])

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Những biểu hiện của bạn không phải là những triệu chứng của trầm cảm mà là những biểu hiện của lo lắng (khác với lo âu). Để bạn lấy lại được cân bằng bạn cần phải nhận thức và xác định đối mặt với thực tế nhu cầu mà mình có. Chúc bạn kiếm được những cơ hội tốt hơn để cải thiện cuộc sống gia đình.

 

** Tôi thường có cảm giác hay lắng, bực mình, không thích giao lưu. Có cách nào? – (Toan, 35 tuổi, Nam, Thanh Hoá)

 

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm: Thứ nhất, những biểu hiện của bạn là những biểu hiện cũng thường có ở bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể xuất hiện một số bệnh tâm thần khác. Chính vì vậy, bạn cần cung cùng tham khảo những câu hỏi và trả lời trên để cung cấp thêm thông tin những khó chịu mà bạn đã trải qua để chúng tôi giúp bạn một cách chính xác hơn hoặc bạn đến khám và tư vấn tại các bệnh viện tâm thần gần nhất. Nếu ở Hà Nội, bạn đến Bệnh viện Tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai.

 

** Tôi làm việc phải trực theo ca kíp nên rất bận rộn. Những khi thấy mệt mỏi, tôi hay ăn vặt và thích tụ tập bạn bè ăn uống, nên cân nặng hơi béo (nặng 53kg, trong khi chiều cao chỉ là 1m50). Vậy có phải tôi cũng có biểu hiện của trầm cảm hay không? Và làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Xin cảm ơn bác sĩ – (Võ Thị Hồng, 42 tuổi, Nữ , Thanh Hóa)

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm: Một triệu chứng tăng cân chưa thể khẳng định là bạn có bị trầm cảm hay không. Để giảm cân thì bạn có thể tham khảo nhiều phương pháp làm giảm trọng lượng cơ thể./.

 

(nguồn VOVNEWS.VN)