Trà Sữa: Lịch Sử, Các Loại Trà Sữa & Cách Làm | Danh Trà

Trà sữa không chỉ là ‘cơn sốt’ ở Đài Loan – nơi khai sinh ra loại trà này. Mà còn lạ hiện tượng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bạn có thể mua trà sữa ở bất kỳ góc đường nào ở các thành phố lớn ở nước ta.

Thế nhưng bạn có biết là trà sữa thật sự đã ra đời từ hàng trăm năm trước ở nhiều nền văn hoá khác nhau. Bài viết sau sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan nhất về loại trà này.

1. TRÀ SỮA LÀ GÌ?

Trà sữa là loại trà được kết hợp giữa trà và sữa. Khi nhắc đến trà sữa thì người Việt chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những ly trà sữa mát lạnh với những hạt trân châu dẻo ngọt. Tuy nhiên đây là dạng trà sữa mới được phát minh ra gần đây ở Đài Loan. Hay nói một cách thân thuộc là ‘trà sữa Đài Loan’.

Trước trà sữa Đài Loan thì cũng đã có những loại trà sữa nổi tiếng khác. Ra đời sớm hơn chính là trà sữa của Anh Quốc. Trà sữa ra đời ở Anh vào khoảng thế kỷ thứ 17 hoặc 18. Vào thời gian này thì uống trà được xem là thú vui của tầng lớp quý tộc và thương nhân giàu có.

trà anh quốc

Nhưng có một vấn đề là nước trà nóng khiến những tách trà sứ dễ bị vỡ do sức nóng. Nên lưu ý là đồ sứ vào thời gian này cực kỳ quý vì phải nhập từ Trung Quốc xa xôi. Thế nên người Anh đã nghĩ ra một cách. Đó chính là cho một ít sữa vào tách trà trước, rồi mới rót trà vào sau. Như vậy nước trà sẽ nguội hơn, còn trà cũng sẽ thơm ngon hơn do kết hợp cùng với sữa.

Trà sữa từ Anh Quốc được xem tạo nên nền tảng cho các loại trà sữa nổi tiếng sau này. Từ trà sữa Đài Loan cho đến trà sữa Thái hay trà sữa Hong Kong. Thế nhưng bạn có biết rằng trà sữa đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước khi trà xuất hiện ở Anh. Ở những đồng cỏ mênh mông của Mông Cổ.

2. CÁC LOẠI TRÀ SỮA NỔI TIẾNG

Trà sữa Đài Loan

Trà Sữa: Lịch Sử, Các Loại Trà Sữa & Cách Làm 4

Đây là loại trà sữa nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Thế nên tất nhiên chúng ta sẽ bắt đầu bằng loại trà sữa này.

Trà sữa Đài Loan về cơ bản cũng chỉ có trà và sữa. Thế nhưng có một điểm khác biệt hoàn toàn so với những loại trà sữa khác. Đó là trà sữa Đài Loan có hạt trân châu (boba), thế nên loại trà này còn được gọi là trà sữa trân châu.

Về nguồn gốc ra đời của trà sữa Đài Loan cũng rất mơ hồ. Vì một số tiệm trà nước này nhận chính họ là người đã sáng chế ra trà sữa kiểu Đài Loan. Tuy nhiên có một tiệm trà được công nhận rộng rãi nhất, đó chính là trà quán Chun Shui Tang ở Đài Trung. Và theo lời ông chủ của trà quán này thì kiểu trà sữa Đài Loan mà ông nghĩ ra cũng ra đời rất tình cờ.

Vào những năm 80 thế kỷ trước thì kinh tế của Nhật Bản phát triển cực nhanh. Kinh tế người dân cũng tốt hơn rất nhiều nên nhu cầu du lịch nước ngoài của người Nhật cũng tăng cao. Và Đài Loan là một trong những điểm đến ưa thích của họ.

Trà quán Chun Shui Tang như bao trà quán ở Đài Loan khác phục vụ kiểu uống trà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Về cơ bản thì trà là phải uống nóng. Thế nhưng vào những ngày hè nóng bức thì việc uống trà nóng đối với những du khách Nhật Bản là việc khá khó khăn. Thế nên thức uống ưa thích của những du khách này là cà phê lạnh.

Chính vì vậy nên ông chủ trà quán Chun Shui Tang mới nghĩ ra cách để hút khách. Đó chính là cho thêm đá vào trà. Chính việc thay đổi menu này đã khiến trà quán thành nơi cực thu hút khách du lịch. Giúp cho trà quán mở thêm một số chi nhánh khác trong thành phố.

Thế còn trân châu thì sao? Ông chủ Chun Shui Tang quả quyết rằng chính ông là người đã nghĩ ra vệc thêm hạt trân châu vào năm 1988. Thế nhưng có một giả thuyết cũng rất phổ biến đó là việc thêm hạt trân châu là phát minh của tiệm trà khác. Có tên gọi là Hanlin.

Chẳng ai biết được nguồn gốc rõ ràng của trà sữa Đài Loan. Thế nhưng có một điều chắc chắn là loại trà sữa này không chỉ đơn thuần là một phong trào. Mà đây có thể gọi nôm na là ‘hiện tượng toàn cầu’. Vì những tiệm trà sữa xuất hiện với tốc độ chóng mặt. Từ những góc đường Sài Gòn, cho đến những con phố ở New York hay Luân Đôn.

Trà sữa Thái

trà sữa thái, trà thái đỏ

Ở Việt Nam thì trà sữa Thái có lẽ chỉ đứng sau trà sữa Đài Loan về mức độ nổi tiếng. Có rất nhiều món ăn Thái du nhập vào Việt Nam. Việc này nhờ vào lượng khách người Việt đến thăm thú xứ sở chùa Vàng hàng năm rất đông. Nhu cầu đối với ẩm thực Thái ở Việt Nam cũng nhờ đó mà tăng mạnh. Và trà sữa Thái cũng nhờ vậy mà xuất hiện trong nhiều menu nhà hàng Thái ở Việt Nam.

Không ai rõ trà sữa Thái ra đời bằng cách nào. Có một giả thuyết là loại trà sữa này được phát minh bở những người hầu ở hoàng cung. Việc uống trà bắt đầu xuất hiện trong giới hoàng gia Thái Lan vào khoảng cuối thế kỷ 19. Lúc này Thái Lan đã và đang đón nhận văn hoá phương Tây một cách cởi mở.

Khi thấy những người Anh đến Thái Lan có thói quen uống trà sữa kiểu Anh. Và biết được rằng uống trà là một thói quen quý tộc ở Anh. Thì giới hoàng gia Thái Lan cũng bắt đầu làm quen với uống trà lạ lẫm này.

Sau khi phục vụ trà, thì những người hầu ở chốn hoàng cung thay vì bỏ bã trà đi, thì họ lại dùng chính những bã trà ấy để pha tự mình uống. Tuy nhiên trà sau khi đã pha một nước thì hương vị chẳng còn bao nhiêu. Thế nên những người hầu này nghĩ ra cách là thêm vào các loại gia vị và thảo mộc khác. Và thế là trà sữa Thái ra đời.

Mặc dù vậy thì chẳng có ghi chép chính thức nào cho việc này cả. Nhưng có một điều chắc chắn là trà sữa Thái ra đời khi sữa đặc bắt đầu xuất hiện ở đất nước này. Và việc thêm các loại gia vị và thảo mộc có lẽ là do ảnh hưởng của những người gốc Ấn Độ sống ở Thái Lan.

Trà sữa Hồng Kông

trà sữa hồng kông

Một trong những nét nổi bật nhất trong văn hoá ẩm thực đường phố của Hong Kong đó chính là trà sữa (yeet lai cha). Loại trà đen hay hồng trà đậm đà kết hợp với sữa đặc không đường là một phần không thể thiếu của rất nhiều người Hong Kong từ hơn 6 thập kỷ qua.

Trà sữa Hong Kong được ra đời khi thành phố cảng này là thuộc địa của Anh. Vào thời gian này thì trà Anh quốc chỉ được phục vụ ở những nhà hàng và khách sạn hạng sang. Và tất nhiên là đa phần người Hong Kong không có điều kiện để thưởng thức.

Nhưng sau Thế Chiến thứ 2 kết thúc thì món trà đen kết hợp với sữa lại được ‘bình dân’ hóa và trở thành thức uống của mọi tầng lớp. Để phù hợp hơn cho túi tiền của mọi người. Thì loại trà đen có giá rẻ (có vị rất đậm) được sử dụng, còn sữa tươi thì thay thế bằng sữa đặc không đường.

Vào thập kỷ 40 thì phần lớn khách hàng của cha chaan teng (quán ăn kết hợp ẩm thực Âu và Hong Kong) là công nhân. Thế nên họ cần có một loại thức uống giúp họ tràn trề nhiều năng lượng. Và trà sữa Hong Kong chính là loại thức uống hoàn hảo. Vì loại trà này có rất nhiều caffeine giúp tỉnh táo, lại nhiều đường và chất béo nên nhiều năng lượng.

Hiện nay thì trà sữa Hong Kong là thức uống của mọi giới và mọi lứa tuổi. Loại trà sữa truyền thống là sự kết hợp giữa trà đen và sữa đặc không đường. Người uống sẽ tự thêm đường tuỳ theo sở thích. Còn một loại nữa là kết hợp giữa trà và sữa đặc có đường.

Trà sữa Chai

trà sữa ấn độ, masala chai

Trà sữa Chai hay masala chai là loại trà nổi tiếng của đất nước Ấn Độ. Nền ẩm thực của Ấn Độ luôn gắn liền với việc sử dụng các loại gia vị khác nhau. Và trà sữa Chai cũng không là ngoại lệ. Loại trà này trà sự kết hợp của loại trà đen trứ danh Assam hoặc Darjeeling của đất nước này, cùng với sữa tươi và các loại thảo mộc khác nhau.

Truyền thuyết kể rằng masala chai đã ra đời từ hơn 5.000 năm trước ở trong hoàng cung. Phiên bản Chai lúc này chỉ có sữa và thảo mộc, chưa có trà đen vì mãi đến đầu thế kỷ 19 thì cây trà mới bắt đầu được trồng rộng rãi ở Ấn Độ.

Vào năm 1835 thì thực dân Anh mới cho xây dựng đồn điền trồng trà đầu tiên ở Ấn Độ. Và loại trà đen sản xuất ở địa phương này bắt đầu được thêm vào công thức trà Chai truyền thống. Tuy nhiên, do trà đen quá đắt đỏ nên thức uống này không được đón nhận rộng rãi.

Do sản lượng trà sản xuất ra quá lớn, nên các công ty trà bắt đầu thúc đẩy nhiều hơn việc văn hoá uống trà đen ở Ấn Độ vào những năm đầu thế kỷ 20. Do giá trà vẫn còn cao nên các tiệm trà Chai phải hạ giá thành bằng cách sử dụng ít trà đen. Và kết hợp với nhiều loại gia vị khác nhau để tăng hương vị. Và thế là loại thức uống này dần trở nên phổ biến.

Vào khoảng những năm 1960s thì công nghệ sản suất trà đen CTC ra đời. Công nghệ sản xuất này được thực hiện bởi máy móc. Trà sản xuất theo mô hình này có giá thành rẻ hơn, đồng thời có hương vị đậm đà hơn. Chính vì vậy nên trà sữa Chai không chỉ rẻ đi, mà còn hợp gu hơn với người Ấn Độ. Và Chai trở thành thức uống không thể thiếu hàng ngày đối với nhiều người.

Các loại trà sữa nổi tiếng khác

Đa phần những loại trà sữa nổi tiếng nhất hiện nay đều chịu ảnh hưởng của văn hoá trà của Anh. Nhưng có một loại trà sữa ra đời từ trước khi người Anh bắt đầu làm quen với trà. Đó là trà sữa Mông Cổ hay còn gọi là suutei tsai.

Trà sữa mông Cổ là sự kết hợp của trà xanh, nước, sữa và muối. Trong văn hoá xưa của Mông Cổ thì nước là thứ linh thiêng. Nên họ hạn chế uống nước trực tiếp. Mà thay vào đó là sữa hay các chế phẩm từ sữa như trà sữa hay rượu sữa.

Ấn Độ là quốc gia có nhiều người nhập cư đến nhiều nước láng giềng. Và những người nhập cư này còn mang theo văn hoá ẩm thực của họ. Và trà sữa kiểu Ấn Độ cũng xuất hiện ở nhiều nơi.

Các nước sát với Ấn Độ như Nepal và Pakistan thì có doodh pati chai. Trà đen được nấu cùng với sữa và đường chứ không được pha như cách bình thường.

Singapore và Malaysia cũng có công đồng người gốc Ấn lớn nên có món teh tarik. Một dạng trà sữa kết hợp giữa trà đen và sữa đặc.

CÁCH LÀM TRÀ SỮA

Sau đây sẽ là hướng dẫn giúp bạn làm các loại trà sữa nêu ở trên. Lưu ý đây chỉ là cách làm cơ bản cho từng loại. Như trà sữa Đài Loan có đến hàng nghìn chủng loại thì có đến bấy nhiêu công thức. Không thể nào cho hết vào một bài viết được.

Cách làm trà sữa Đài Loan

Chuẩn bị:

  • 30g hạt trận châu
  • 10g lá trà đen
  • 300ml sữa (sữa bò hay đậu nành )
  • 2 muỗng canh siro đường

Cách làm:

  1. LÀM HẠT TRÂN CHÂU: Ngâm hạt trân châu qua đêm. Đun hỗn hợp nước và hạt trân châu. Khi nước sôi thì đợi từ 2-3 phút để hạt mềm ra rồi tắt bếp. Và để nguội.
  2. PHA TRÀ SỮA: Đun sôi 300ml nước bằng nồi. Cho trà đen vào nồi trong lúc nước đang sôi. Đun trong vòng 1 phút thì cho sữa vào. Đun hỗn hợp cho đến khi sôi lại thì tắt bếp. Và để nguội.
  3. Cho một ít hạt trân châu. Thêm 2 muỗng canh siro đường. Cho hỗn hợp trà sữa vào nửa ly. Thêm đá vào đầy ly và thưởng thức.

Cách làm trà sữa Thái

Chuẩn bị:

  • 3 muỗng canh trà Thái đỏ (hoặc trà Thái xanh)
  • 300ml nước sôi
  • 2 muỗng canh sữa đặc có đường
  • 2 muỗng canh sữa đặc không đường
  • 2 muỗng cà phê đường

Cách làm:

  1. PHA TRÀ: sử dụng vợt lọc trà cà phê để pha trà vì trà Thái thường nhiều vụn. Cho trà Thái đỏ vào vợt. Và nhúng vợt này vào ly có chứa 300ml nước sôi. Ngâm trong vòng 5 phút.
  2. LÀM TRÀ SỮA: Cho sữa đặc và đường vào trà vừa pha và khuấy đều. Cho thêm một tí xíu muối nếu bạn muốn tăng thêm hương vị. Rồi khuấy đều để tất cả các thành phần rộn lẫn với nhau. Để nước trà nguội.
  3. TRÌNH BÀY: cho đá vào đầy một chiếc ly sạch. Đổ hỗn hợo trà sữa gần đầy ly. Cho 2 muỗng canh sữa đặc không đường lên trên để vừa trang trí vừa tăng thêm hương vị.

Cách làm trà sữa Hong Kong

Chuẩn bị:

  • 3 muỗng canh trà đen
  • 500ml nước
  • 4 muỗng canh sữa đặc không đường
  • 1 muỗng canh đường

Cách làm:

  1. PHA TRÀ: cho 500ml nước vào nồi và đun sôi. Cho trà đen vào vợt lọc trà cà phê. Nhúng vợt có trà vào nồi và đun trong vòng 10 phút.
  2. LÀM TRÀ SỮA: cho sữa đặc không đường vào nước trà và khuấy đều.
  3. TRÌNH BÀY: rót trà ra ly kèm với đường để người uống tự thêm vào. Trà sữa Hong Kong thường được uống nóng. Nếu muốn uống lạnh thì bạn có thể ùng với nước đá.

Cách làm trà sữa Chai

Chuẩn bị

  • 4 muỗng canh trà đen (nếu dùng trà Ấn Độ thì càng tốt)
  • 6 hạt bạch đậu khấu
  • 10 hạt tiêu đen
  • 4 nhánh đinh hương
  • 1 nhánh quế
  • 1 nhánh gừng nhỏ
  • 1 nhúm lá bạc hà
  • 200ml sữa tươi không đường
  • 4 muỗng canh đường

Cách làm

  1. PHA TRÀ: cho hạt bạch đậu khấu, tiêu đen, đinh hương và quế vào cối để giã nhỏ vừa tới. Lấy một nhánh gừng nhỏ dài khoảng 2cm, gọt vỏ và xắt mỏng. Cho các loại gia vị này vào vợt lọc trà cà phê cùng với trà và bạc hà. Cho 500ml nước sôi vào nồi và đun sôi. Nhúng vợt vào nước sôi trong vòng 5 phút.
  2. LÀM TRÀ SỮA: cho 200ml sữa tươi và đường vào nào và đun cho đến khi nước sôi lại.
  3. TRÌNH BÀY: rót nước trà và uống nóng.