Top 32 câu hỏi phỏng vấn hay nhất cho nhà tuyển dụng | ITD Vietnam
Nội Dung Chính
Câu hỏi phỏng vấn về quá trình chuyển đổi công việc
1. Bạn biết về vị trí này bằng cách nào?
Tuy nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, câu hỏi này thực tế phục vụ một mục đích rất quan trọng. Doanh nghiệp của bạn có thể đang chi một khoản ngân sách đáng kể hàng năm cho công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và thu hút ứng viên. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ hiệu quả của quá trình này!
Bạn cần biết liệu thông điệp mà công ty đang đầu tư có gây được tiếng vang với những ứng viên phù hợp hay không. Hãy ghi chú lại câu trả lời để xem liệu chiến lược hiện tại có cần thay đổi gì không. Ví dụ: nếu phần lớn ứng viên chất lượng đều biết đến bạn qua LinkedIn, bạn nên cân nhắc đầu tư nhiều hơn vào kênh truyền thông này.
2. Tại sao bạn lại rời bỏ công việc hiện tại?
Một trong những câu hỏi phỏng vấn hay nhất giúp bạn đánh giá nhân cách ứng viên. Đối với những người là “nạn nhân” của hoàn cảnh, mọi vấn đề đều do lỗi của người khác. Quản lý trước đây không thích họ. Công ty cũ không quan tâm đến họ. Họ không được cân nhắc tiến cử, v.v…
Bạn cũng nên chú ý đến những ứng viên muốn rời bỏ công ty trước vì “không còn gì để học”. Mặc dù đây có thể là một lý do chính đáng, thường thì đó sẽ là tín hiệu không tốt. Trong mọi môi trường, luôn có nhiều điều để học hỏi. Dù quy mô công ty như thế nào, và dù công việc có nhàm chán đến đâu, cơ hội để học hỏi và cải thiện không bao giờ thiếu. Nếu bạn thấy ứng viên không làm được gì ngoài việc phàn nàn, hãy tự hỏi bản thân xem liệu họ sẽ cảm thấy hạnh phúc như thế nào khi ở công ty của bạn.
Là người phụ trách phỏng vấn tuyển dụng, bạn hãy yêu cầu ứng viên cho biết về sự chuyển đổi giữa các công việc, thay vì về từng công việc chi tiết. Làm như vậy sẽ giúp bạn hình dung tốt hơn về những giá trị của ứng viên và cách họ đưa ra quyết định.
3. Bạn muốn làm gì khác biệt trong vai trò tiếp theo của mình?
Khi đặt câu hỏi này, Max Mullen – đồng sáng lập Instacart – nhận thấy có hai hướng trả lời chính. “Tôi thấy rằng những câu trả lời hay nhất nêu bật được những gì ứng viên đang hướng tới, hơn là những gì họ đang làm trong công việc hiện tại. Nếu ứng viên chia sẻ những điều họ không thích về sếp hoặc công ty hiện tại, điều đó cho bạn biết rất nhiều điều. Câu hỏi này giúp bạn kiểm tra xem họ có biết tư duy tích cực hay không, cũng như cách họ đối phó với nghịch cảnh như thế nào”.
“Bên cạnh đó, tôi cũng tìm hiểu được cụ thể những gì ứng viên quan tâm về công ty, họ đã nghiên cứu về chúng tôi như thế nào. Cuối cùng, câu hỏi này giúp bạn khám phá động lực ứng viên – nếu họ đề cập đến việc đang tìm kiếm một cơ hội thử thách hơn, bạn có thể thăm dò xem họ muốn mang lại tác động như thế nào, cũng như các loại công việc mà họ muốn giải quyết”.
Đọc thêm: Tư duy cầu tiến – Khởi đầu của thành công
4. Bạn hình dung 30/60/ 90 ngày đầu tiên của bạn trong vai trò này sẽ diễn ra như thế nào?
Thành công luôn là mục tiêu của mỗi lần tuyển dụng mới. Trong 30 ngày đầu tiên, nhân viên mới sẽ cần tự làm quen với quy trình của doanh nghiệp, ngồi lại với các vị trí chủ chốt và thích ứng với môi trường mới. 60-90 ngày là thời gian đủ để họ thực hiện những đóng góp quan trọng vào một số lĩnh vực khác nhau – cũng như đưa ít nhất một sáng kiến lớn thành hiện thực.
5. Bạn hình dung bản thân sẽ như thế nào trong 5 năm nữa?
Để thành công, công ty của bạn cần đến những nhân viên mới đầy tham vọng – những người muốn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển – và câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định những ứng viên ‘hạng A’ có thể hỗ trợ hiện thực hóa sứ mệnh này.
Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn hay nhất – giúp bạn dễ dàng phân biệt những ứng viên đã có suy nghĩ nghiêm túc trong sự nghiệp tại công ty của bạn với người khác. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để ứng viên phác thảo vai trò mà họ thực sự muốn trong công ty của bạn – rằng họ đang thực sự hướng tới điều gì.
“Yêu cầu ứng viên mô tả định hướng phát triển bản thân trong những năm tới giúp tôi hiểu được tham vọng của họ, cũng như cách ứng viên xác định mục tiêu và phản ánh bản thân.”
Julie Zhuo
Câu hỏi phỏng vấn về thái độ làm việc
6. Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
Đơn giản nhưng hiệu quả, câu hỏi này là cơ sở để bạn đánh giá ứng viên đã thực hiện bao nhiêu nghiên cứu về doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh lý tưởng, bạn chỉ muốn thuê những ứng viên thực sự hào hứng với công việc tại công ty của bạn, chứ không chỉ là một công việc nói chung.
Đừng quá chăm chú vào câu trả lời. Mục đích đơn giản là để tìm hiểu xem ứng viên có chịu khó bỏ một ít thời gian vào trang web của bạn và xem qua các tài liệu trực tuyến hay không. Nếu câu trả lời là “có”, hãy tiếp tục buổi phỏng vấn như bình thường.
7. Tại sao bạn lại ứng tuyển?
Lương thưởng luôn là một yếu tố quan trọng, nhưng bạn phải kiểm tra xem đây có phải là động lực duy nhất của ứng viên. Họ có thể trở thành một nhân viên làm việc hiệu quả và hạnh phúc hơn nếu họ lựa chọn công ty của bạn vì một lý do khác. Đó có thể là những dự án doanh nghiệp đang thực hiện, hoặc định hướng mà bạn đang hướng tới. Có thể là vì doanh nghiệp startup chỉ gồm 2 người, và họ muốn được gánh vác trách nhiệm.
Những câu hỏi phỏng vấn về lý do tại sao ứng viên muốn làm việc ở đây/ đảm nhận vai trò cụ thể có vẻ như đơn giản, nhưng lại cực kỳ quan trọng. Trong phần lớn trường hợp, ứng viên chỉ đơn thuần đang “chạy trốn” một vấn đề nào đó và chưa suy nghĩ sâu sắc về những gì họ mong muốn tiếp theo.
Với tư cách Giám đốc Truyền thông Doanh nghiệp tại Looker – một công ty luôn quan tâm sâu sắc đến việc đưa những nhân viên mới vào hội đồng quản trị – Tamara Ford John cũng khuyên bạn nên tìm hiểu điều gì khiến ứng viên say mê với cơ hội cụ thể trước mặt họ. “Tôi luôn hỏi các ứng viên: Tại sao bạn muốn làm việc ở đây? Tại sao bạn cảm thấy mình sẽ phát huy năng lực ở vị trí này?”
“Tôi nhận thấy rằng chi tiết cụ thể về lý do tại sao ứng viên bị thu hút bởi công ty của bạn và tin rằng họ sẽ thành công trong một vai trò nhất định thường bị bỏ qua. Thật không thể tin được là đã bao nhiêu lần tôi thấy ứng viên thất bại khi trả lời những câu hỏi phỏng vấn như thế này.”
8. Động lực làm việc của bạn là gì?
Varun Srinivasan, cựu Giám đốc thiết kế cấp cao tại Coinbase cho biết: “Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn hay nhất. Các ứng viên xuất sắc sẽ có thể nêu rõ động cơ bên trong của họ, lý do tại sao họ đã làm việc tại các công ty khởi nghiệp trước đây – hoặc giải đáp lý do tại sao họ muốn gia nhập. Các ứng viên kém xuất sắc hơn sẽ không tham gia vào cuộc tự vấn đó. Họ sẽ đưa ra những câu trả lời ở cấp độ bề mặt, chẳng hạn như: Tôi thích thử thách bản thân trong lĩnh vực công nghệ.”
Porter Braswell, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Jopwell, cũng thích thú với một câu hỏi mở tương tự: Thành công đối với bạn có ý nghĩa gì?
“Tôi thấy rằng việc đặt những câu hỏi như thế này khiến ứng viên phải dừng lại và suy nghĩ. Điều này giúp thúc đẩy một cuộc trò chuyện thoải mái và tự nhiên hơn – nhờ đó tôi dễ dàng làm quen với ứng viên, hiểu được điều gì thúc đẩy hành động của họ, hơn là chỉ xem qua sơ yếu lý lịch.”
Đọc thêm: 12 bí quyết thành công – Thay đổi cuộc đời ngay hôm nay
9. Ai là người thông minh nhất mà bạn biết? Vì sao bạn tôn trọng họ?
Đây là cách tuyệt vời để xem ứng viên coi trọng và khao khát điều gì. Bằng cách buộc họ nghĩ về một người nào đó mà họ biết, bạn sẽ tránh được những câu trả lời đại loại như “Steve Jobs” – kèm theo lý do họ muốn được giống như ông ấy như thế nào. Thay vào đó, bạn sẽ nhận được các câu trả lời ca ngợi những đặc điểm cụ thể mà bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp cũ của ứng viên đã thể hiện.
Không có câu trả lời nào là hoàn hảo, nhưng tốt nhất nên tập trung vào một đặc điểm cụ thể. Ứng viên có thể khen ngợi tinh thần ham học hỏi hoặc khả năng kết nối của một người bạn.
Jules Walter – nhà đầu tư, trưởng nhóm sản phẩm của Slack và đồng sáng lập của CodePath.org – luôn bận rộn theo đuổi những mục tiêu ông quan tâm, và ông luôn muốn tìm hiểu thêm về các giá trị thúc đẩy một người muốn tham gia đội nhóm của mình.
“Tôi muốn khám phá các giá trị của ứng viên, nhưng tôi nhận thấy rằng việc hỏi trực tiếp về vấn đề này không hiệu quả”, ông cho biết. “Câu hỏi trên đây giúp tôi khám phá động lực của ứng viên một cách tinh tế, nhưng trung thực hơn. Những gì họ ngưỡng mộ ở người khác cho bạn biết rất nhiều điều về những gì họ xem là quan trọng trong cuộc sống.”
Bạn sẽ tìm hiểu được nhiều điều về giá trị của ứng viên bằng cách hỏi rằng họ ngưỡng mộ ai. Đây là cách giúp bạn đánh giá tổng quan về những phẩm chất mà ứng viên đang phấn đấu đạt được trên hành trình trau dồi bản thân.
10. Quyết định lớn nhất của bạn trong năm qua là gì?
Mục đích của những câu hỏi phỏng vấn như thế này là để cho thấy cách ứng viên tiếp cận quá trình ra quyết định. Họ đưa ra lựa chọn một cách bốc đồng, hay họ tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ? Họ có lập kế hoạch hay trao đổi với bạn bè không?
Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ cho thấy liệu phong cách ra quyết định và quy trình suy nghĩ của ứng viên có phù hợp với cách làm công việc tại công ty của bạn không.
Xác định xem một ứng viên có các kỹ năng và kinh nghiệm liên quan hay không mới chỉ là một nửa câu chuyện. Bạn cần đảm bảo rằng họ là người phù hợp với văn hóa của công ty.
“Tôi nhận thấy rằng những người giỏi nhất trong nhóm luôn giữ tinh thần chủ động, ngay cả khi không được yêu cầu”, Brian Rothenberg, cựu Phó Giám đốc Tăng trưởng Eventbrite cho biết. “Nhưng sau khi họ đưa ra một ví dụ về sáng kiến trong hành động, điều quan trọng là phải tiếp tục bằng cách yêu cầu họ nêu một ví dụ khác. Tôi muốn nhận thấy quy tắc hành động của họ”.
11. Nhìn lại 5 năm vừa qua, bạn nhận thấy sự nghiệp có điểm gì nổi bật?
Michael Vaughan, cựu COO của Venmo đánh giá đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn hay nhất. “Nó cho tôi biết ứng viên là người như thế nào, điều gì quan trọng đối với họ, cũng như cách thức họ suy nghĩ ra sao.”
“Lấy ví dụ, nếu họ chia sẻ với tôi về một thành tích cá nhân, thì tôi biết rằng phát triển sự nghiệp cá nhân là mối quan tâm của họ. Nếu họ nói với tôi về thành tích của một nhân viên dưới quyền hoặc đội nhóm, tôi sẽ biết họ quan tâm đến việc phát triển con người. Nếu họ kể cho tôi nghe về kỳ tích của công ty, thì tôi sẽ biết rằng họ gắn kết thành công của chính họ với thành công của doanh nghiệp – đây là yêu cầu rất quan trọng để vượt qua giai đoạn đầu của một công ty khởi nghiệp (startup).”
12. Điều gì khiến bạn hào hứng thức dậy và đi làm ở công ty gần nhất của mình?
Đúng là nhiều người không thích công việc của họ. Tuy nhiên, đối với các công ty muốn xây dựng văn hóa và thương hiệu nhà tuyển dụng, điều quan trọng là nhân viên phải được đầu tư về mặt tinh thần khi đến làm việc. Nếu nhân viên của bạn là những người như vậy, mục tiêu hàng đầu là phải tăng chức cho họ!
Khám phá lý do tại sao ứng viên thấy vai trò cuối cùng của họ thú vị, điều gì thúc đẩy họ tiếp tục nỗ lực khi tình hình trở nên khó khăn. Nếu họ không thấy vui thích với công việc gần đây, hãy tìm hiểu nguyên nhân.
Họ có thấy thú vị khi làm việc tại công ty của bạn không? Điều này quan trọng hơn bạn nghĩ. Nó có thể là một động lực tuyệt vời cho những dự án kéo dài.
Bethanye McKinney Blount, đồng sáng lập kiêm CEO của Compaas cho biết: “Câu hỏi này giúp tôi nhận biết hai điều khác nhau. Đầu tiên, tôi biết được ứng viên yêu quý và coi trọng điều gì – điều gì quan trọng đối với họ. Trong khi chia sẻ, họ thường sẽ nói những câu đại loại như ‘Nhưng điều đó không bù đắp được…’ – và từ đó tôi nhận ra điều gì họ không yêu thích. Nó giúp tôi hiểu điều gì khiến họ cảm thấy không thoải mái, không được hỗ trợ – nói chung là không hạnh phúc.”
Câu hỏi phỏng vấn về sự phù hợp của ứng viên với công việc
13. Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?
Bạn có những tố chất gì? Tuyển dụng cuối cùng sẽ chỉ là trò chơi đơn phương – nếu ứng viên không làm tăng thêm giá trị thì bạn không nên lựa chọn họ. Đây có thể là một câu hỏi hơi đáng sợ đối với ứng viên, vì vậy hãy thận trọng khi nêu ra. Tốt nhất bạn nên đặt câu hỏi này vào cuối cuộc phỏng vấn, khi bạn đã chắc chắn rằng ứng viên cảm thấy hoàn toàn thoải mái.
Nếu được thực hiện chính xác, đây có thể là phương pháp tuyệt vời để phân loại năng lực ứng viên. Các câu trả lời tốt nhất sẽ bao gồm 3 cơ sở chính. Ứng viên cần nói rõ rằng họ không chỉ có thể hoàn thành công việc – mà còn có thể mang lại kết quả đột phá, phù hợp với đội ngũ và văn hóa công ty.
14. Thế mạnh chuyên môn chính của bạn là gì?
Bạn cần phải biết những điểm mà ứng viên làm tốt nhất để đánh giá xem họ có phù hợp với tổ chức không. Sự kiêu ngạo không bao giờ được khuyến khích, nhưng những ứng viên tự tin vào khả năng của mình và biết cách tác động đến đội nhóm chính xác là đối tượng mà bạn muốn tuyển dụng.
Các câu trả lời hay nhất thường sẽ tập trung vào một hoặc hai kỹ năng cụ thể – kèm ví dụ trực tiếp về những lần ứng viên thể hiện những kỹ năng này, ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc ra sao.
15. Những yêu cầu quan trọng nhất đối với vị trí này là gì? Bạn xếp hạng bản thân như thế nào so với những yêu cầu đó?
Khi Jack Krawczyk tuyển dụng nhân viên cho nhóm sản phẩm của WeWork, ông tập trung “săn lùng” những ứng viên có hiểu biết sâu sắc về chức năng của họ, cũng như đánh giá cao những điểm mà họ vẫn cần phát triển. “Đây là một trong những những câu hỏi phỏng vấn hay nhất mà tôi thường sử dụng khi tuyển vị trí quản lý sản phẩm (Product owner), nhưng nó cũng có thể được sử dụng hiệu quả cho các vị trí khác,” ông nói. “Tôi nhận thấy rằng đặt câu hỏi như vậy buộc ứng viên phải xem xét nội tâm của mình, đồng thời đưa ra ví dụ về cách họ học hỏi trong công việc.”
16. Hãy cho tôi biêt vị trí mong muốn tiếp theo trong sự nghiệp của bạn là gì?
Ở vị trí trưởng bộ phận kinh doanh và nhà phát triển của Square, Alyssa Henry nắm trong tay rất nhiều trọng trách – vì vậy, cô nhận thấy tầm quan trọng của khả năng nhanh chóng phát hiện ra sự đồng nhất (hoặc sai lệch) trong quá trình tuyển dụng. Thay vì hỏi trực tiếp về mối quan tâm của ứng viên đối với một vai trò cụ thể, cô thường yêu cầu họ chia sẻ vị trí mong muốn trong tương lai.
“Câu hỏi này giúp tôi xác định xem có sự phù hợp về kỳ vọng của ứng viên cho vị trí hay không. Khi lắng nghe câu trả lời của ứng viên, đôi khi bạn sẽ nhận ra rằng họ thực sự phù hợp hơn cho một vai trò khác, ”cô nói. “Nhưng điều khiến tôi yêu thích nhất là câu hỏi này giúp bạn nhận ra những điểm mấu chốt để thu hút ứng viên nhận lời. Bạn biết những gì là quan trọng với họ – đây sẽ là cơ sở giúp bạn thu phục họ dễ dàng hơn”.
17. Bạn định nghĩa làm việc chăm chỉ là như thế nào?
Các công ty phát triển với tốc độ rất khác nhau – nếu một dự án cần đến một tuần để thực hiện tại một công ty lớn, thì có thể chỉ mất vài ngày tại một startup đang trên đà phát triển. Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn hay nhất để xác định liệu ứng viên có thể bắt kịp với đội nhóm không – cũng như họ có phù hợp với định nghĩa của công ty bạn về sự chăm chỉ hay không.
Đừng quên đánh giá “tiềm năng ẩn giấu” của ứng viên. Trong một số trường hợp, ứng viên của bạn hiện chỉ đang hoạt động với một nửa công suất tại công ty hiện tại – và họ rất mong muốn (hoặc ít nhất là có khả năng) phát triển với tốc độ nhanh hơn nữa.
18. Điều gì bạn thực sự giỏi, nhưng không bao giờ muốn làm nữa?
Bryan Mason, Giám đốc Kinh doanh tại VSCO, rất yêu thích câu hỏi này – vì nó giúp ứng viên làm được ba điều sau:
- Suy ngẫm về những gì họ đã học được về bản thân.
- Kiểm tra tính khiêm tốn của họ khi chia sẻ về điểm mạnh của mình.
- Nhận biết những điểm bạn có thể thấy giá trị trong hồ sơ của họ – nhưng thực tế là họ không còn muốn làm nữa.
“Thật đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người trả lời rằng họ không bao giờ muốn làm chính xác những gì tôi đang tuyển họ cho vai trò này,” Bryan chia sẻ.
Có những ứng viên cực kỳ xuất chúng – tài năng của họ hoàn toàn phù hợp với những gì bạn đang tìm kiếm. Vấn đề là họ không còn muốn làm công việc đó nữa.
19. Bạn đặt mục tiêu như thế nào?
Hầu hết nhân viên tài năng nhất của bạn sẽ có định hướng mục tiêu cao và tập trung vào kết quả đạt được – và chắc chắn các nhà quản lý tuyển dụng cũng mong muốn điều tương tự!
Câu hỏi phỏng vấn này giúp đảm bảo rằng ứng viên được lựa chọn phù hợp với các mục tiêu mà bạn đặt ra, đồng thời cho thấy liệu họ có đủ chủ động để đặt ra mục tiêu của riêng mình hay không.
Những ứng viên tài năng nhất sẽ trình bày rõ ràng quá trình thiết lập mục tiêu của họ – bao gồm: cách họ chọn mục tiêu, chia những mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn, họ lên kế hoạch giải quyết nhiệm vụ, cuối cùng là đo lường hiệu quả mang lại.
Câu hỏi phỏng vấn về kỹ năng làm việc nhóm
20. Phong cách quản lý của bạn là gì?
Lẽ đương nhiên, câu hỏi này chỉ áp dụng cho trường hợp bạn đang phỏng vấn cho các vị trí cấp cao hoặc quản lý. Kỹ năng lãnh đạo kém có thể “giết chết” văn hóa công ty và hạnh phúc của nhân viên trong nháy mắt – do đó, bạn cần xác định chính xác liệu ứng viên của bạn có thể phá hoại môi trường làm việc không.
Hãy yêu cầu ứng viên đưa ra ví dụ cụ thể về những thời điểm họ cảm thấy mình thể hiện phong cách quản lý tích cực, cũng như những khi họ mắc sai lầm. Những đặc điểm tốt cần chú ý bao gồm tinh thần sẵn sàng lắng nghe phản hồi (feedback) và dành thời gian cho nhân viên, thường xuyên tổ chức họp mặt hàng tuần/ tháng với đội nhóm…
21. Hãy chia sẻ về một mối quan hệ nghề nghiệp tồi tệ mà bạn từng trải qua. Nguyên nhân vì sao lại như vậy?
Tất cả chúng ta đều từng ít nhất một lần làm việc với một người sếp khiến bạn cảm thấy lo lắng – hoặc một đồng nghiệp khó chịu. Công sở là môi trường áp lực cao, khiến ta dễ dàng có những cảm xúc tiêu cực.
Mục đích của câu hỏi này là tìm hiểu nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ đồng nghiệp. Nguyên nhân ảnh hưởng tới quan hệ với đồng nghiệp là gì? Ứng viên có làm gì để điều chỉnh và khôi phục mối quan hệ hay không?
Hầu hết ứng viên đều do dự khi nói xấu sếp và đồng nghiệp của họ, vì vậy câu hỏi này luôn khơi gợi một vài câu trả lời rất thú vị.
Hãy chú ý những ứng viên yếu kém hơn – họ thường sẽ viện dẫn những vấn đề như không được thăng chức, hoặc đổ lỗi cho thất bại của dự án là lý do dẫn đến mối quan hệ tồi tệ. Loại “văn hóa đổ lỗi” này là điều bạn hoàn toàn không muốn tồn tại trong doanh nghiệp.
22. Đã bao giờ bạn bất đồng quan điểm với quản lý của mình? Bạn đã làm gì để thuyết phục cấp trên rằng bạn đúng?
Câu hỏi này sẽ hé lộ cho thấy ứng viên sẵn sàng giữ vững lập trường của mình như thế nào – cũng như cách họ thuyết phục người khác khi đối mặt vớ trở ngại. Họ có sử dụng dữ liệu thực tế không? Họ có nhận được sự hỗ trợ từ người khác không?
“Tôi luôn tìm cách đánh giá khả năng giải quyết xung đột trong môi trường làm việc của ứng viên như thế nào”, Erica Galos Alioto chia sẻ. “Họ có cởi mở giải quyết vấn đề, coi sự khác biệt về quan điểm của họ như một thế mạnh không? Hay họ không thể nhìn thấy góc nhìn của người khác? Họ cố gắng giải quyết vấn đề, hay im lặng để nó làm phiền họ? Điều này cho tôi biết rất nhiều về kỹ năng giao tiếp của ứng viên, cách họ xử lý bất đồng với người khác trong công việc.”
Câu hỏi phỏng vấn về khả năng học hỏi từ sai lầm
23. Kể về một lần bạn phạm sai lầm trong quá khứ
Đây là một trong những những câu hỏi phỏng vấn hay nhất, giúp bạn kiểm tra sự khiêm tốn và tự nhận thức (self-awareness) của ứng viên.
“Nhân vô thập toàn” – ai cũng từng mắc sai lầm. Điều quan trọng là hành động của bạn sau đó. Liệu ứng viên có học được một bài học quý giá và lấy đó làm động lực cải thiện bản thân – hay họ chỉ phủ tay đổ lỗi cho đồng nghiệp/ hoàn cảnh?
Câu trả lời của ứng viên sẽ cho thấy liệu họ có sẵn sàng làm chủ công việc của mình, hay sẽ nhanh chóng trốn tránh trách nhiệm khi tình thế trở nên khó khăn.
24. Lần cuối cùng bạn thay đổi ý định về một điều quan trọng là khi nào?
Đối với Sarah Fetter, Giám đốc điều hành East Rock Capital, trọng tâm của câu hỏi này là kiểm tra khả năng tự phát triển và thích ứng của ứng viên. “Nó cho phép bạn tìm hiểu sự thay đổi trong hệ thống niềm tin hoặc bộ giá trị cốt lõi của ứng viên. Làm thế nào mà một kinh nghiệm đáng nhớ, hoặc một cá nhân có tác động thay đổi thế giới quan của ứng viên?” cô chia sẻ. “Bạn hãy đặt thêm một số câu hỏi sau đó để tìm hiểu cảm giác của ứng viên trước, trong và sau khi trải qua thử thách.”
Câu hỏi phỏng vấn về nhận thức bản thân
25. Đồng nghiệp cũ sẽ nói gì về bạn nếu bạn không có mặt?
Hy vọng họ sẽ nói những điều tốt đẹp! Mọi người đều muốn được đánh giá cao bởi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp – nhưng nếu một ứng viên có động lực và tham vọng thì không phải ai cũng sẽ thích họ.
Hầu hết ứng viên sẽ lúng túng khi trả lời câu hỏi này. Những câu trả lời tốt nhất sẽ đảm bảo được tính cân bằng. Ví dụ: “Đồng nghiệp có thể nói rằng tôi rất đam mê công việc, nhưng đôi khi lại bỏ qua một số chi tiết nhỏ”.
Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, ứng viên được lựa chọn sẽ ở lại công ty của bạn trong nhiều năm tới. Với suy nghĩ đó, bạn nên đặt một số câu hỏi nhằm cung cấp cho bạn ý tưởng về cách ứng viên hình dung quá trình phát triển sự nghiệp, cũng như cách họ xử lý các quyết định chiến lược.
26. Thành tích lớn nhất trong công việc của bạn cho đến giờ là gì? Hãy cho tôi biết cách bạn lập kế hoạch, quản lý, đo lường hiệu quả và những sai lầm lớn nhất mà bạn mắc phải
Lou Adler, một trong những nhà tư tưởng tuyển dụng hàng đầu thế giới, đã nỗ lực tìm kiếm câu hỏi phỏng vấn hoàn hảo trong suốt 10 năm ròng. Sau rất nhiều nghiên cứu, đây là câu hỏi mà ông đã tìm được. Ông tin rằng câu trả lời của ứng viên sẽ là dấu hiệu hoàn hảo nhất về việc bạn có nên thuê họ hay không.
Thông qua câu hỏi này, ứng viên sẽ có cơ hội cho bạn “tham quan hậu trường” về thành tích nghề nghiệp mà họ tự hào nhất. Bạn sẽ được lắng nghe thông tin chi tiết về cách họ lập kế hoạch và điều hành các dự án, cũng như việc họ đặt ra tiêu chuẩn để thành công như thế nào.
Câu hỏi phỏng vấn về năng lực xử lý tình huống
27. Trong vòng 5 phút, bạn có thể giải thích cho tôi về một khái niệm phức tạp mà bạn biết rõ không?
Đây là một trong những bài kiểm tra trí thông minh tốt nhất – và là phương thức tuyệt vời để đánh giá niềm đam mê của ứng viên. Ứng viên không nhất thiết phải trình bày về một vấn đề trong công việc. Điều quan trọng cần chú ý là cách họ phân tích một ý tưởng phức tạp và trình bày ý tưởng đó với người mới.
28. Nếu bạn thức dậy và nhận thấy có 2000 email chưa đọc – mà bạn chỉ có thể trả lời 300 mail trong số đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?
Trên thực tế, câu hỏi này không nhất thiết phải về chủ đề email. Mục đích chính là đánh giá cách ứng viên quản lý thời gian, xử lý công việc và ưu tiên các nhiệm vụ cần làm ra sao. Bạn muốn hiểu rõ cách tiếp cận của họ khi cần xử lý một dự án tưởng như không thể hoàn thành được.
Họ sẽ chia nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ phụ nhỏ hơn, dễ quản lý hơn như thế nào? Họ sẽ ưu tiên những email nào cần trả lời? Họ sẽ quyết định câu trả lời ra làm sao? Điều quan trọng ở đây là cách lý luận và quá trình suy nghĩ của ứng viên – chứ không phải những gì họ nói.
Tham khảo một số chủ đề phỏng vấn tại đây
29. Bạn có muốn thay đổi điều gì trong quy trình phỏng vấn không?
Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn hay nhất mà ứng viên không thể chuẩn bị trước được. Thông qua đó, bạn sẽ biết được ứng viên đang cảm thấy như thế nào về buổi trao đổi, cũng như buộc họ phải suy nghĩ và ứng biến nhanh nhạy nhất.
Nếu đang tuyển dụng một vị trí quản lý, đặt câu hỏi như vậy cũng sẽ cho bạn thấy ứng viên nghĩ như thế nào về hiệu quả quy trình, phong cách tư duy mà họ có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để chính bạn nhận được những lời phê bình mang tính xây dựng – từ đó cải thiện quy trình phỏng vấn và nâng cao trải nghiệm của ứng viên.
30. Đặt trường hợp tôi là một người khách hàng. Bạn hãy đóng vai giới thiệu sản phẩm – dịch vụ của công ty cho tôi
Đây là một phiên bản khác – thách thức hơn – cho câu hỏi “Bạn biết gì về công ty?”. Không chỉ yêu cầu ứng viên trình bày thông tin từ nghiên cứu của họ, đây còn là cơ hội để bạn kiểm tra năng lực của họ khi cần đưa ra một thông điệp đủ sức thu hút ngay lập tức.
Các ứng viên ứng tuyển cho vị trí bán hàng (sales) và tiếp thị (marketing) thường sẽ có lợi thế nhờ tính chất công việc trước đây của họ. Chìa khóa để đưa ra câu trả lời tốt là nghiên cứu kỹ lưỡng và trình bày rõ ràng về doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp đang tuyển dụng một vị trí làm việc trực tiếp với khách hàng, đây cũng là một trong những câu hỏi phỏng vấn hay nhất để đánh giá cách ứng viên đối phó với những khó khăn thường xảy ra khi giao dịch với khách hàng.
31. Bạn sẽ làm gì nếu hiện tại có trong tay 50.000 đô-la để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình?
Mục đích của câu hỏi phỏng vấn này là kiểm tra mức độ nhạy bén và sáng tạo trong kinh doanh của ứng viên. Các ứng viên cần suy nghĩ cẩn thận về cách họ sẽ chi tiêu số tiền này, những vị trí cần tuyển hoặc quyết định kinh doanh nào sẽ mang lại cho họ tỷ suất lợi nhuận (ROI) tốt nhất.
Câu trả lời càng cụ thể bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu. Ứng viên có thể sẽ lên kế hoạch về hậu cần, tuyển dụng, sản phẩm và dịch vụ. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên về năng lực sáng tạo của nhiều ứng viên khi thử thách họ với câu hỏi này.
Câu hỏi phỏng vấn về niềm đam mê
32. Bạn thích làm gì trong thời gian rảnh rỗi?
Điều quan trọng là luôn cố gắng tìm hiểu ứng viên là người như thế nào, họ thích gì trong cuộc sống. Dù không liên quan đến công việc, câu trả lời sẽ giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn tích cách của họ. Những câu hỏi phỏng vấn như thế này cũng góp phần khiến ứng viên thư giãn, khuyến khích họ cởi mở hơn về cuộc sống. Biết đâu – bạn sẽ tìm được một người có cùng đam mê với mình!
Đọc thêm: Kịch bản phỏng vấn tuyển dụng – 7 bước không thể thiếu
Lời kết
Quy trình tuyển dụng hiệu quả luôn bắt đầu từ việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho khâu phỏng vấn. Một phần của quá trình chuẩn bị này là tìm hiểu và lên danh sách câu hỏi cho ứng viên. Trên đây là tổng hợp những câu hỏi phỏng vấn hay nhất mà cấp quản lý – nhân sự có thể tham khảo để đánh giá chính xác hơn năng lực ứng viên – nhờ đó tuyển đúng người đúng việc, tối ưu nguồn lực và lợi nhuận doanh nghiệp.
Tham khảo
The 25 Best Interview Questions. https://beamery.com/blog/best-interview-questions. Truy cập ngày 18/03/2021.
40 Favorite Interview Questions from Some of the Sharpest Folks We Know. https://review.firstround.com/40-favorite-interview-questions-from-some-of-the-sharpest-folks-we-know. Truy cập ngày 18/03/2021.
16 of the Best Job Interview Questions to Ask Candidates (And What to Look for in Their Answers). https://blog.hubspot.com/marketing/great-interview-questions. Truy cập ngày 18/03/2021.
The Top 15 Interview Questions to Ask Job Candidates. https://www.roberthalf.com/blog/how-to-interview-candidates/6-winning-interview-questions-you-should-ask-job-candidates. Truy cập ngày 18/03/2021.
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email [email protected]/ [email protected], hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.