Top 20+ câu hỏi phỏng vấn thường gặp kèm kịch bản trả lời | CakeResume

câu hỏi phỏng vấn thường gặpĐược tạo bởi CakeResume

Phỏng vấn xin việc là cột mốc quan trọng khi khởi nghiệp mà chỉ khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn mới “săn job” thành công. Muốn vậy, bạn không chỉ chuẩn bị sẵn bộ câu hỏi theo chủ đề phỏng vấn mà còn cần luyện tâp trả lời cho những câu hỏi phỏng vấn. Việc này giúp bạn không bị bỡ ngỡ và tự tin hơn khi bước vào phòng phỏng vấn thực thụ, cũng như biết cách trả lời đúng trọng tâm hạn chế sai lầm khi phỏng vấn. 

Bên cạnh đó, bạn không nên trả lời các câu hỏi phỏng vấn một cách rời rạc mà nên sắp xếp thành kịch bản phỏng vấn. Bằng cách này, bạn sẽ hiểu hơn tiến trình của một buổi phỏng vấn và có thời gian cân nhắc chọn lọc nội dung giúp bạn nổi bật giữa vô số ứng viên. 

Để giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất, bài viết sẽ cung cấp cho bạn những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn. Từ đó, bạn có thể soạn thảo trước các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời sao cho súc tích và khoa học nhất. Ngoài ra, hãy tham khảo thêm các bài viết riêng về những câu hỏi phỏng vấn bằng tiếng Anh nữa nhé! 

Những câu hỏi phỏng vấn thường gặp thuộc chủ đề chính nào?

1. Thông tin khái quát về ứng viên

Dù cầm trên tay hồ sơ xin việc của bạn, nhà tuyển dụng sẽ vẫn yêu cầu bạn giới thiệu bản thân khi phỏng vấn. Qua đó, họ có cái nhìn khái quát về chuyên môn, tích cách, cũng như kỹ năng của bạn và lựa chọn các câu hỏi phỏng vấn tiếp theo nhằm khai thác sâu hơn. 

Ví dụ về những câu hỏi nhà tuyển dụng hay hỏi về thông tin tổng quát của bạn:

  • Hãy giới thiệu một chút về bản thân bạn. 
  • 3 từ mô tả về bạn.
  • Bạn đặt mục tiêu gì trong 3 năm tới và kế hoạch hành động của bạn là gì?
  • Bạn đã làm gì để khắc phục nhược điểm của bản thân? 

Kinh nghiệm phỏng vấn quý giá cho bạn là gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng trước khi bắt đầu trả lời cho câu hỏi tuyển dụng đầu tiên nhé!

2. Chuyên môn

Điều nhà tuyển dụng quan tâm nhất chắc chắn là kinh nghiệm làm việc của bạn, các thành tựu bạn đạt được cùng với những kỹ năng cứng và mềm giúp ích cho vị trí ứng tuyển. Bởi đây là những minh chứng cho giá trị bạn sẽ mang lại cho doanh nghiệp.

Ví dụ những câu hỏi phỏng vấn về chuyên môn:

  • Thành tích khiến bạn tự hào nhất là gì? 
  • Bạn hãy chia sẻ cho chúng tôi biết kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ABC của bạn?
  • Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ? 
  • Theo bạn, yếu tố nào giúp bạn thành công trong nghề này?
  • Hãy kể cho chúng tôi về một thất bại mà bạn luôn nuối tiếc. 

3. Vị trí ứng tuyển & Môi trường làm việc

Đặc biệt với chủ đề phỏng vấn này, bạn cần thể hiện thật rõ điều gì khiến bạn khác biệt với các ứng viên còn lại. Nhà tuyển dụng mong muốn biết được mức độ bạn phù hợp với công việc và deal lương khi phỏng vấn sao cho hợp lý.

Ví dụ những câu hỏi phỏng vấn về vị trí và công ty ứng tuyển:

  • Theo bạn, thử thách lớn nhất khi làm công việc này là gì?
  • Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi?
  • Bạn cần những trang thiết bị gì để làm việc?
  • Mức lương kỳ vọng của bạn là bao nhiêu?
  • Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?

Đặc biệt, khi đối mặt với các câu hỏi phỏng vấn hay và khó như lương bổng hay chế độ phúc lợi, bạn nên bình tĩnh và trả lời khôn khéo. 

4. Các câu hỏi tình huống khi phỏng vấn 

Ngoài các câu hỏi tuyển dụng về chuyên môn của ứng viên, phía công ty sẽ đánh giá kỹ năng mềm và chuyên môn của bạn qua các tình huống giả định. Bạn nên đặt mình dưới góc nhìn đa chiều để đề xuất cách xử lý vẹn toàn nhất có thể cho các câu hỏi tình huống khi phỏng vấn.

Ví dụ những câu hỏi phỏng vấn tình huống:

  • Nếu sếp cần bạn cùng đi gặp đối tác bàn về hợp tác dự án mới, bạn sẽ chuẩn bị những gì cho buổi gặp mặt?
  • Nếu khách hàng phàn nàn dù không phải trách nhiệm của bạn, bạn sẽ trả lời họ thế nào?
  • Bạn sẽ làm gì nếu phát hiện đồng nghiệp mắc lỗi?
  • Nếu bạn không đồng ý với cách quản lý của cấp trên, bạn sẽ làm gì?
  • Bạn thường làm gì để cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp?

Đọc thêm:  Bí quyết trả lời câu hỏi tình huống khi phỏng vấn trơn tru

5. Quan điểm

Đối với các câu hỏi phỏng vấn về thái độ, quan điểm, bạn nên định hình được cá tính và lập trường riêng của bản thân. Đồng thời, bạn nên tránh khiến nhà tuyển dụng thấy bạn không có chính kiến.

Ví dụ những câu hỏi phỏng vấn về quan điểm:

  • Theo bạn, thời lượng làm việc bao nhiêu giờ một ngày là hợp lý? 
  • Bạn nghĩ mỗi người nên đảm nhận chuyên trách 1 mảng công việc hay đa nhiệm thì tốt hơn? 
  • Hãy chia sẻ về cách bạn đối mặt với những áp lực trong cuộc sống.
  • Theo bạn điều gì giúp duy trì sự tín nhiệm của khách hàng đối với công ty?
  • Bạn hãy đánh giá những yếu tố quyết định sự thành bại của dự án kể trên. 

Câu hỏi về quan điểm luôn là các câu hỏi phỏng vấn hay và khó nên bạn hãy chuẩn bị chúng thật kỹ nhé!

Những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng

Nhiều ứng viên tập trung nhiều vào những câu trả lời phỏng vấn hay, mà quên việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng là kỹ năng xin việc rất quan trọng. Các câu hỏi tương tác giúp bạn thể hiện sự tự tin và định hướng lâu dài của bạn với công ty và vị trí ứng tuyển. Theo chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn từ chuyên gia, câu hỏi cho nhà tuyển dụng về cơ hội phát triển nghề nghiệp và hợp tác lâu dài của bạn với doanh nghiệp sẽ được đánh giá cao. 

Đọc thêm: Những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng

Kịch bản phỏng vấn mẫu

Phần sau đây sẽ gợi ý cho bạn những câu trả lời phỏng vấn hay cho từng chủ đề đã nói trên. 

NTD: Hãy giới thiệu một chút về bản thân bạn.

UV: Xin chào các anh chị phỏng vấn viên. Trước hết, tôi xin cảm ơn quý công ty đã cho tôi cơ hội được buổi phỏng vấn hôm nay. 

Tôi tên là Nguyễn Thị Thùy Dung, là kỹ sư phần mềm với 3 năm kinh nghiệm thiết kế website, ứng dụng và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp bán lẻ. Tôi mong muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực IT helpdesk nên bản thân thường xuyên cập nhật công nghệ tiên tiến và nâng cao kỹ năng giao tiếp của mình. 

NTD: Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

UV: Tôi rất trân trọng những trải nghiệm tôi có tại công ty cũ. Sau 3 năm làm việc, tôi muốn tìm kiếm cơ hội thử thách phát triển bản thân nhiều hơn ở môi trường quốc tế hóa với độ cạnh tranh cao hơn. 

NTD: Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?

UV: Công việc IT Helpdesk đòi hỏi sự nhẫn nại và kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng. Tôi tự tin đây là điểm mạnh nổi bật của mình. Là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp khác, tôi cần cân bằng được nhu cầu của cả hai bên bằng khả năng đàm phán thương lượng khéo léo và tinh tế. Bằng chứng là tôi đã thành công thương thảo được hơn 20 hợp đồng hợp tác cho các doanh nghiệp lớn nhỏ. Ngoài ra, tôi nắm vững kiến thức chuyên môn giúp khắc phục các sự cố kỹ thuật nhanh chóng, hiệu quả. 

NTD: Nếu khách hàng phàn nàn dù không phải trách nhiệm của bạn, bạn sẽ trả lời họ thế nào?

UV: Trước hết tôi cần xin lỗi khách hàng và nhận trách nhiệm với tư cách là một thành viên của công ty. Tôi sẽ xin thông tin liên lạc của khách hàng, nếu chưa có và hứa liên lạc với họ sớm nhất có thể về phương án giải quyết vấn đề. Bởi tôi nghĩ đối với khách hàng, họ không quan tâm trách nhiệm thuộc bộ phận nào của nội bộ công ty chúng ta mà chỉ cần công ty khắc phục vấn đề cho họ. Sau đó, về phía công ty, tôi sẽ báo cáo với cấp trên để bộ phận chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên quan xử lý. 

NTD: Với một dự án IT Helpdesk, bạn thích làm việc độc lập hay theo nhóm?

UV: Vì mỗi bộ phận của công ty chuyên trách một mảng nên để dự án IT Helpdesk thành công, tất nhiên việc phối hợp cộng tác cần được đề cao. Bản thân tôi cũng có sở trưởng, sở đoản riêng nên tôi tin rằng làm việc nhóm sẽ giúp chúng tôi bổ khuyết cho nhau, tối ưu hiệu quả công việc và nguồn lực của công ty. 

NTD: Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn của chúng ta, bạn có thắc mắc gì không?

UV: Tôi xin phép có câu hỏi cho nhà tuyển dụng được không ạ?

NTD: Tất nhiên là được. 

UV: Tôi quan tâm đến các khóa bồi dưỡng cho nhân viên tại công ty mình nhằm phát triển nghề nghiệp của tôi xa hơn. Anh chị có thể vui lòng chia sẻ thêm điều này giúp tôi không ạ?

NTD: (Trả lời) 

UV: Rất cảm ơn thông tin quý giá từ anh/chị. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn quý công ty đã dành thời gian phỏng vấn tôi. Tôi rất mong đợi nhận được kết quả phỏng vấn trong thời gian sớm nhất. Chúc anh/chị sức khỏe và niềm vui. 

Kinh nghiệm phỏng vấn ghi điểm với nhà tuyển dụng

  • Chào hỏi và cảm ơn nhà tuyển dụng trước khi trả lời phỏng vấn
  • Tránh hỏi gì trả lời nấy 
  • Trả lời các câu hỏi phỏng vấn một cách trung thực
  • Luyện tập kiểm soát ngôn ngữ cơ thể 
  • Khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, tinh ý quan sát thái độ của họ

Đối với những bạn còn thiếu kinh nghiệm chinh chiến vòng phỏng vấn, hãy đọc thêm bài viết chia sẻ tuyệt chiêu cho lần đầu đi phỏng vấn xin việc nhé!

Với CakeResume, bạn có thể tham khảo nhiều mẫu CV đẹp và dễ dàng tạo CV miễn phí. Hãy thu hút nhà tuyển dụng và chinh phục công việc mơ ước với bản CV xịn sò ngay hôm nay! 

Tạo CV

— Tác giả bài viết: Lana Nguyen —