Top 20 bài Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em | Văn mẫu lớp 9 – Trường THCS Võ Thị Sáu

Tổng hợp Top 20 bài Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9
trên cả nước giúp học sinh lớp 9 có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em dễ dàng hơn.

Dàn ý Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em

1. Mở bài

   – Giới thiệu về cảnh đẹp quê hương: khu du lịch Tràng An

   – Đưa ra một vài nhận xét chung về cảnh đẹp đó: nơi hội tụ vẻ đẹp của sông núi, hang động; là một điểm du lịch hấp dẫn.

2. Thân bài

a, Giới thiệu về vị trí của cảnh đẹp

   – Tràng An nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km về hướng Tây.

   – Cách di chuyển: gia đình em và các đoàn du lịch hay tới đây bằng xe ô tô, có nhiều cô chú, anh chị đi phượt bằng xe máy.

b, Những nét đặc sắc ở nơi đây

   – Về thiên nhiên:

   + Quần thể Tràng An – Tam Cốc rất rộng: hơn 6000 héc-ta.

   + Có hệ thống núi đá vôi lâu đời, khoảng 250 triệu năm, núi bao quanh hồ.

   + Có nhiều thung lũng, hồ, hang động: 31 hồ đầm, 48 hang động, trong đó có nhiều hang dài đẹp như Địa Linh, hang Mây… Bên trong hang, những nhũ đá vôi chảy xuống tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt: hình con rùa, hình bầu sữa mẹ… Và còn rất nhiều hang khác với những tên gọi gắn liền với truyền thuyết như hang Nấu Rượu, hang Cơm…

   + Điểm đặc biệt: hệ thống hang động thông nhau, có thể đi tham quan Tràng An theo đường thủy thành một vòng khép kín.

   + Ngoài đầm hồ, còn có nhiều rừng ngập mặn, rừng núi đá vôi: có thể đi tham quan bằng đường bộ, leo núi.

   – Về con người: con người nơi đây thật thà, mến khách; những người chèo thuyền đưa khách đi tham quan chính là những hướng dẫn viên du lịch am hiểu lịch sử địa phương.

c, Giá trị văn hóa, lịch sử

   – Quá khứ: khi Đinh Bộ Lĩnh lập lên nhà Đinh, đóng đô ở Hoa Lư, Tràng An chính là Thành Nam của kinh đô, với núi rừng, ao hồ trùng điệp tạo thành lá chắn che chở cho kinh đô.

   – Hiện nay:

   + Được UNESCO công nhận là di sản thế giới: niềm tự hào của đất nước.

   + Là nơi bảo tồn thiên nhiên; là một trong những nơi phật giáo phát triển (chùa Bái Đính), được chọn làm nơi diễn ra nhiều lễ hội Phật pháp của quốc gia và khu vực.

   + Là một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch, giúp phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa quê hương.

3. Kết bài

   – Nêu cảm nghĩ: rất vui, tự hào về cảnh đẹp của Tràng An; thêm yêu mến quê hương đất nước; sẽ nỗ lực gìn giữ và đưa hình ảnh Tràng An ra giới thiệu với nhiều bạn bè trong nước và quốc tế.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 1

Sử sách ghi nhận danh xưng Nghệ An, vùng đất sông Lam núi Hồng, sơn thủy hữu tình, con người cần kiệm, anh hùng, giỏi giang, tình nghĩa… Miền đất ấy có danh xưng tính đến nay đã gần tròn 1000 năm, với biết bao thăng trầm.

Sử cũ chép lại rằng, thời Hồng Bàng (2879 – 258 tr.CN), nước ta gọi là Văn Lang và được chia thành 15 bộ. Vùng đất Nghệ An thời bấy giờ là một trong 15 bộ đó, có tên gọi là Hoài Hoan (vùng đất Hà Tĩnh cạnh đó gọi là bộ Cửu Đức)… Sau nhiều lần thay đổi tên gọi hành chính, năm 1030 (năm Thiên Thành thứ 3 đời Lý Thái Tông), vùng đất này bắt đầu có tên gọi Châu Nghệ An với việc đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An Châu trại. Danh xưng Nghệ An chính thức bắt đầu từ đó.

Từ miền đất thân thương này, không rõ có từ bao giờ mà câu dân ca xứ Nghệ ăm ắp ân tình vẫn vọng mãi đến tận ngày nay:

“À ơi… Ai biết nước sông Lam răng là trong là đụcThì biết cuộc đời răng là nhục là vinhThuyền em lên thác xuống ghềnhNước non là nghĩa là tình ai ơi…”.

Trong sâu thẳm lời ca ấy là con người Nghệ An, là “non xanh nước biếc” Nghệ An, đã hòa quyện để tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp của miền quê thấm đẫm nghĩa đất tình người. Người Nghệ An từ bao đời nay có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, hiếu học và yêu nước, văn hóa và cách mạng. Điều đáng trân trọng nhất ấy đã trở thành “tài sản” tinh thần vô giá của người xứ Nghệ; dù cho vật đổi sao dời, phẩm chất ấy vẫn trường tồn.

Cũng từ cuộc sống có phần lam lũ của con người mà mảnh đất “gió Lào cát trắng” này đã là cái nôi của những điệu hò, câu ví được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; càng làm cho văn hóa nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng trường tồn, phát triển bền vững trong lòng dân tộc và nhân loại. Xưa nay, người Nghệ An hiếu học, tôn sư trọng đạo, biết tôn vinh người có công với làng với nước, biết quý trọng người hiền tài… Đó là những giá trị nhân văn cao đẹp.

Nhưng không chỉ có vậy, người Nghệ An còn có những phẩm chất đặc trưng khác nữa; như GS. Phong Lê – nguyên Viện trưởng Viện Văn học, người lớn lên từ mảnh đất xứ Nghệ, có nhận xét rất mạnh bạo rằng: “Đặc trưng nhất của người Nghệ là hiếu học, là gàn, là ngông, dựa trên nền tảng tài năng và sự tử tế” – Sự tử tế làm nên tính cách bao trùm của người Nghệ An; Còn cái ngông, cái gàn của người đất Nghệ là cái ngông, cái gàn của kẻ sĩ, của người có học!

Có phải cũng nhờ “sự tử tế, cái ngông, cái gàn” ấy mà từ bao đời nay, người Nghệ An đã vun đắp cho mình một nền văn hóa bản địa độc đáo, đủ sức đề kháng với các yếu tố văn hóa bị xem là xa lạ, ngoại lai, độc hại? Trong suy nghĩ của riêng tôi, không có chỗ để phủ nhận điều đáng trân trọng ấy. Thế nên người đời thường nói, Nghệ An là nơi Đất học sinh hào kiệt, Thiên nhiên tôi cốt cách là vậy.

Người Nghệ An, dù ở miền đất nào trong số 21 đơn vị hành chính của tỉnh cũng đều mang phẩm chất của người xứ Nghệ bên cạnh cái riêng có của mỗi vùng, miền. Đó là Nam Đàn- một miền “địa linh nhân kiệt”; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh –Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; nơi có Làng Sen quê nội của Bác, tên chữ là Kim Liên (sen vàng), và Làng Chùa (tên chữ là Hoàng Trù) – quê ngoại của Bác Hồ, và cũng là nơi Người cất tiếng khóc chào đời.

Hay như huyện Thanh Chương, cũng là miền quê có nhiều dòng họ nổi danh trong việc học hành, với 25 vị đỗ đại khoa thời phong kiến (trên tổng số 150 người cả tỉnh)… Hoặc quê lúa Yên Thành lại nổi tiếng về văn chương khoa bảng đứng đầu một phủ: Trạng nguyên Bạch Liêu – người mở đầu cho truyền thống khoa bảng huyện Yên Thành và cả xứ Nghệ vào khoảng giữa thế kỷ XIII, đời vua Trần Thánh Tông….

Trở ra nơi địa đầu xứ Nghệ – Quỳnh Lưu, nơi có làng Quỳnh Đôi nổi tiếng trong ngoài về truyền thống hiếu học, học giỏi. Thế nên mới có ông Hồ Sĩ Dương, nhà nghèo lắm, bữa ăn bữa nhịn… nhưng vẫn quyết chí học hành và ông đã đỗ đầu khoa thi Hương (1651), lại đỗ đầu khoa Đông Các (1659), trở thành một trong 2 người Việt Nam đỗ lưỡng quốc Trạng nguyên (người còn lại là Mạc Đĩnh Chi).

Gần 1000 năm qua trên Đất và Người Nghệ An – đó là một hành trình lịch sử dài lâu với biết bao thăng – trầm, biết bao sự kiện đã diễn ra với vùng đất và con người Nghệ An, để các thế hệ hôm nay được đón nhận, được tiếp nối và vô cùng tự hào về truyền thống quê hương, về đặc sắc văn hóa và về đặc trưng tính cách con người xứ Nghệ.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 2

Bạc Liêu ở cực Nam đất nước, liền kề với Cà Mau.Từ Thành phố Hồ Chí Minh, vượt sông Tiền Giang, qua sông Hậu Giang, du khách đi thẳng tới Bạc Liêu, một hành trình dài 280km. Đó là một miền đất thoáng đãng, trù mật, với bao cảnh vật đáng yêu, với những con người tuyệt đẹp, chất phác, siêng năng, thẳng thắn và phòng khoáng, cởi mở.

Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2520,6 km2 .Dân số khoảng 800.000 người, có 20 dân tộc, đông nhất là người Kinh. Các thế hệ người Kinh, người Hoa, người Khơ-me … đã chung vai sát cánh qua nhiều thế kỉ, lấn biển, đào kênh, bắt sấu, khai phá ruộng đồng, đánh giặc giữ làng mới có một Bạc Liêu giàu đẹp như ngày nay.

Ai đã từng đến thăm thú Bạc Liêu đôi lần chắc sẽ không bao giờ quên cảnh sắc hương vị nơi đây. Chùa Xiêm Cán ở Vĩnh Trạch Đông, chùa Cái Giá ở xã Hưng Hội, Huyện Vĩnh Lợi … lộng lẫy, uy nghi, với mái chùa uốn cong, gác chuông cao vút giữa trời xanh, với hàng trăm pho tượng thếp vàng tráng lệ.

Những ruộng muối vùng Kinh Tư bao la, muối trắng lấp lánh trong nắng chiều, những đụn muối trắng chạy dài như muôn ngàn gò đống nhấp nhô. Vườn chim Lập Điền có nhiều loài chim quý, hiếm, được nhắc đến trong sách Đỏ. Khu du lịch Phật Bà Nam Hải nổi tiếng kinh thiêng…

Nếu như nhãn lồng Hưng Yên là đặc sản của miền Bắc thì ở miền Nam tổ quốc thân yêu nổi tiếng với vườn nhãn Bạc Liêu, trái tròn to, cùi dày trắng phau, ngọt ngào và thơm ngát. Đến thăm vườn nhãn, du khách còn được thưởng thức bánh xèo A Mật và nghe các ca sĩ tài tư đổ câu vọng nổi tiếng “Từ là từ phu tướng…” của cố nhạc sĩ Văn Cao Lầu. Ta hãy đến Phước Long và Hồng Dân thăm các làng nghề thủ công đan lát, dệt chiếu, làm nón…và đừng quên thưởng thức món bánh tầm bì hay bún bì ở Ngạn Dừa, Hồng Dân.

Cảnh sắc và con người Bạc Liê thật đáng yêu và đáng nhớ. Tiếng hát, tiếng hò của ai đó cất lên trên dòng kênh giữa màu xanh của rừng chàm, rừng đước như giăng mắc hồn du khách, lơ lửng đến mọi chân trời xa:

“Bớ chiếc ghe sau chào mau anh đợiQua khúc sông này bờ bụi tối tăm”…

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 3

Chưa đi chưa biết Sa PaĐi rồi mới thấy mây ba bốn tầngNắng viền thác Bạc một vầngTình yêu xối xả trắng ngần bay bay

Sa Pa thành phố mờ hơi sương, với biết bao thắng cảnh đẹp đẽ làm say mê lòng người. Ta biết đến một Phanxiphang hùng vĩ, nóc nhà của Đông Dương, những triền đồi vàng óng khi đến mùa lúa được thu hoạch và cũng không thể không nhắc đến khu du lịch Hàm Rồng nổi tiếng vừa hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ, trữ tình.

Núi Hàm Rồng nằm ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, điểm thấp nhất của núi lên đến 1450m, và cao nhất là 1850 m so với mực nước biển. Núi Hàm Rồng rất hùng vĩ, đan xen nó là các kiểu núi khác nhau, với màu xanh bạt ngàn của cây cối phủ kín bốn phương. Vì là địa hình núi cao, nên mỗi khi mùa đông về, nhiệt độ xuống thấp sẽ xuất hiện hiện tượng băng giá, thậm chí là tuyết gây hứng thú và tò mò với người dân cả nước.

Khu du lịch Hàm Rồng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Sa Pa. Nó được khởi công xây dựng vào năm 1996, với diện tích 148ha. Khu du lịch này khai thác chính những yếu tố thiên nhiên hoang sơ để tạo nên sự thu hút riêng cho mình. Đi từ chân núi lên đến đỉnh núi là những khung cảnh thiên nhiên khác nhau, vừa hùng vĩ lại vô cùng thơ mộng. Là những vườn lan rộng lớn với hơn 6000 giò lan của 194 loại phong lan khác nhau. Hoa thơm nở bốn mùa, ong bướm vây lượn ngày đêm.

Bên cạnh vườn lan là những vườn hoa hết sức đa dạng, màu sắc rực rỡ: hoa cánh bướm, thược dược, cẩm tú cầu, hoa bất tử,… cùng hàng chục giống hoa lạ, độc đáo được đưa từ Nga, Pháp, Nhật về trồng thử nghiệm. Đường đi lên Hàm Rồng quanh co, uốn lượn, trước đây chưa được lát gạch quả là một thử thách với du khách, nhưng trong những năm gần đây đã được lát đá thành các bậc thềm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người chinh phục đỉnh núi này.

Trước khi lên đến đỉnh, chúng ta sẽ phải đi qua một con đường hẹp, dẫn vào hang Tam Môn. Con đường này chỉ vừa cho một người đi qua, và khi đã đi qua đó là cả một khoảng trời mênh mông mở ra trước mặt, với vườn cây ăn trái hết sức đa dạng: đào, lê, mận,…

Lên đến sân mây, tức đỉnh của Hàm Rồng một khung cảnh thiên nhiên kì vĩ mở ra trước mắt chúng ta. Ở độ cao 1800m chúng ta cảm nhận được cái lạnh thấu xương khi vừa mới dưới kia thôi nắng vàng vẫn trải rực rỡ, ta cảm nhận được mây trắng bồng bềnh vườn qua tóc. Một khung cảnh vô cùng lãng mạn.

Núi Hàm Rồng là một trong những tiềm năng du lịch lớn của thành phố Lào Cai. Đến với Sa Pa nếu ta chưa lên đến núi Hàm Rồng ấy là chưa đến Sa Pa vậy. Khu du lịch này có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của mảnh đất Lào Cai giàu có, phong phú về tài nguyên.

Sa Pa thơ mộng, hùng vĩ càng trở nên đẹp đẽ hơn khi có khu du lịch Hàm Rồng. Khu du lịch này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế lớn mà hơn thế còn cho con người không gian nghỉ dưỡng thoải mái, sảng khoái, bỏ lại sau lưng những khói bụi ồn ào của thành phố. Để con người được hòa mình trọn vẹn vào khung cảnh thiên nhiên.

Không chỉ vậy, Sa Pa nói chung và Hàm Rồng nói riêng còn khơi nguồn cảm hứng sáng tác, sáng tạo cho biết bao thế hệ nghệ sĩ:

Chiều Sa Pa – Huyền ThanhHàm Rồng cổng đá chơ vơVườn Lam khói tỏa trăng mờ cheo leoHút heo vương ánh tà chiềuThôn nghèo cô tịch liêu xiêu mẹ già..

Cùng vô vàn những vần thơ hay và đặc sắc khác.

Một lần đến với Sa Pa ta sẽ còn nhớ mãi về hình ảnh những em bé H-mong đáng yêu, nụ cười giòn tan hòa trong cái nắng rực rỡ. Nhớ về một Hàm Rồng hùng vĩ, nhưng bên cạnh đó là nét nguyên sơ, tinh tế, mơ mộng. Sa Pa là thế đấy, cái lạnh thấu xương cũng không thể làm phai nhạt vẻ đẹp của thiên nhiên, sự nồng ấm của tình người.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 4

Vào đến với dải đất miền Trung, chúng ta sẽ được lắng nghe những khúc Nam Ai, Nam Bình, những bản đờn ca ngọt ngào như đã ngấm vào sông núi. Những câu hát dẫn ta buộc sẽ phải tìm đến với nơi xuất phát của những giọng ca ấy- mảnh đất của cố đô- Huế. Huế- thành phố đẹp: đẹp của thiên nhiên cây cỏ, đẹp của kiến trúc nghệ thuật và đẹp cả ở con người xứ này.

Huế hay con gọi là Thừa Thiên Huế nằm ở miền Trung đất nước ta. Phía bắc giáp với Quảng Trị, phía Nam giáp với Đà Nẵng, phía Tây dựa vào núi Trường Sơn và nhìn ra ngoài biển về hướng Tây. Từ thủ đô Hà Nội đến đây, khoảng 66 km.

Có tên Huế ngày nay, là bao lần lịch sử sang trang và những kiếp đời đổi dời. Tên gọi ban đầu của Huế là Thuận Hóa. Đến đầu thế kỉ XVI, Thuận Hóa trở thành vùng đất trù phú. Trong đó, Phú Xuân là một làng của Thuận Hóa, được Nguyễn Hoàng chọn làm thủ phủ đầu tiên năm 1687. Một trăm năm sau, Phú Xuân chính thức trở thành kinh đô của nhà nước dưới thời vua Minh Mạng.

Huế là sự kết hợp hài hòa của núi, sông và biển. Đến với Huế, ta có thể đến thăm núi Bạch Mã để đón gió biển; từ đèo Hải Vân mây phú để lắng nghe tiếng sóng biển rì rào. Nơi đây, buổi sáng có thể lên núi Trường Sơn, buổi chiều xuống biển Thuận An và đêm đến, ngủ trên chiếc thuyền xuôi trên sông Hương.

Đặc biệt, đến với Huế, du khách không thể bỏ qua những công trình tiêu biểu nơi này. Đó là kinh thành Huế- một hệ thống gồm ba vòng thành từ ngoài vào trong: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành hay còn gọi là Đại Nội. Trong Tử Cấm thành có điện Cần Chánh, là nơi vua làm việc hằng ngày. Còn điện Cần Thành là nơi vua ở và nghỉ ngơi. Kinh thành Huế là một công trình kiến trúc có sự kết hợp đông- tây, được gọi với cái tên đầy ngưỡng mộ: Thành phố thành lũy, thành phố ngôi sao.

Là một người có hứng thú với di tích lịch sử, bạn không thể bỏ qua Lăng Minh Mạng. Lăng được khởi công xây dựng từ năm 1840- trước khi vua Minh Mạng mất một năm. Nơi đây có nét quyến rũ bởi phong cảnh thiên nhiên với cửa vùng núi Cẩm Khê tả ngạn sông Hương, cách thành phố Huế 12 km. Du khách đến với Huế, nhất định phải thử trải nghiệm dạo chơi bằng thuyền trên sông Hương. Nói đến sông Hương là nói đến Huế, vì không có sông Hương thì đâu còn là Huế mộng, Huế mơ…

“Đi đâu cũng nhớ quê mìnhNhớ sông Hương gió mát, nhớ Ngự Bình trăng treo”(Ca dao)

Gọi là sông Hương vì theo truyền thuyết, dòng sông này chảy qua những rừng cây có hương thơm nên nước sông cũng đượm mùi thơm. Sông Hương bắt đầu từ núi phía Đông Trường Sơn, chảy qua kinh thành Huế với dòng nước trong xanh, hiền dịu. Bắc qua con sông có cầu Tràng Tiền nổi tiếng. Ở đầu phía Bắc có chợ Đông Ba- trung tâm thương mại của thành phố. Sông Hương còn là nơi diễn ra các lễ hội như thả đèn hoa đăng, đua thuyền hay ca Huế trên thuyền Rồng.

Có sông Hương mà không có núi Ngự Bình thì chưa trọn vẹn, chưa gọi là Huế được. Núi Ngự Bình còn có tên gọi khác là Băng Sơn, cách kinh thành Huế khoảng 3km về phía Nam. Nhìn từ xa, Ngự Bình có hình thang, đỉnh tương đối bằng phẳng, độ cao khoảng 104m; uy nghi, cân đối như chiếc yên ngựa nổi bật trên nền trời xanh của Huế. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình quả là quà tặng vô giá của tạo hóa, làm nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình rất đặc trưng của Huế.

Huế không chỉ được biết đến là mảnh đất của thiên nhiên thơ mộng mà còn là thành phố của những mảnh vườn, vườn hoa và chè xanh mướt. Có thể nhắc đến Kim Long- mảnh đất tụ họp của bao loài hoa thơm trái ngọt từ Bắc vào Nam. Ta hiểu vì sao Hàn Mặc Tử lại có thể viết những câu thơ đẹp như thế, bởi cảnh vật nó vốn như vậy:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lênVườn ai mướt quá xanh như ngọcLá trúc che ngang mặt chữ điền”

Trên những con đường làng quê nơi cố đô là sự xuất hiện của những chiếc nón Huế và những tà áo dài bay trong gió. Đã từ lâu, những chiếc nón bài thơ Huế đã được biết đến với sự độc đáo trong cách trang trí những bài thơ và bức tranh mang đậm phong vị Huế. Ở đó, có cái nghĩa tình nhưng cũng trầm buồn, như đã ăn sâu vào nếp ăn, nếp nghĩ và nếp sống của từng người.

Huế nổi tiếng với văn hóa ẩm thực phong phú và tuyệt vời. Từ những món ăn cung đình cầu kì, tinh tế đến những món chè Huế, món ăn đường phố, … sẵn sàng làm mê đắm tâm hồn người thưởng thức. Huế không chỉ đẹp cái đẹp mộng mơ, thơ mộng mà còn là một thành phố anh hùng, thành phố của lịch sử và văn hiến.

Huế là nơi triều đại cuối cùng của Việt Nam thịnh trị. Huế cùng với nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh vì độc lập dân tộc. Cũng chính mảnh đất ấy chứng kiến bao người con nằm xuống mãi mãi, bao ước mơ chưa được gọi tên, bao vết thương chẳng thể xóa nhòa.

Có thể ví Huế là một người con gái đẹp, là người phụ nữ hết mực và cũng là người mẹ anh hùng vĩ đại. Chính những giá trị ấy, những tên gọi ấy sẽ làm cho mảnh đất này bất tử cùng thời gian để sống trong lòng người.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 5

        Quê tôi miền đảo Lý

        Giữa bốn bề gió lộng

        Vẫn sừng sững hiên ngang

        Dẫu ngàn đời sóng vỗ

    Lý Sơn huyện đảo với vô vàn những cảnh đẹp, con người bình dị và thân thiện. Có lẽ chỉ mới vài năm gần đây Lý Sơn mới được nhiều người biết đến khi ngành du lịch phát triển. Nhưng trước đó Lý Sơn đã có cả một lịch sử phát triển lâu đời với những khung cảnh đẹp, những con người đầy hiên ngang, khí phách.

    Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quãng Ngãi và đây cũng là huyện đảo duy nhất của tỉnh. Lý Sơn cách đất liền 15 hải lí. Trước khi có tên gọi là Lý Sơn, huyện đảo này có tên là cù lao Ré, cái tên được đặt dựa trên đặc điểm riêng của đảo là trồng rất nhiều cây Ré. Đảo Lý Sơn được hình thành từ miệng núi lửa cách đây từ 25 đến 30 triệu năm. Chính sự phun trào của các ngọn núi lửa này đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kì thù, lạ thường trên đảo. Đặc biệt lớp đất để lại sau đợt phun trao thích hợp cho nhiều loại cây trồng.

    Với những kết quả nghiên cứu, thì có thể thấy rằng đảo Lý Sơn đã có người sinh sống từ thời văn hóa Sa Huỳnh. Và đến khoảng cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII cư dân Việt bắt đầu khai khẩn vùng đất này để sinh sống. Lý Sơn nằm cách biệt ngoài đảo, nên ít chịu ảnh hưởng của chiến tranh, nên văn hóa cổ truyền được thiết lập ở đây mang dấu ấn đậm, và được lưu giữ lại rất tốt.

    Đảo Lý Sơn chỉ có diện tích khoảng 9,97 km2, với hơn 20 nghìn người sinh sống trên đảo. Đảo gồm có hai đảo chính là đảo Lớn và đảo Bé và một hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Đảo gồm có ba xã chính, đi theo hai đảo và một hòn là: An Vĩnh, Anh Hải và An Bình.

    Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng đánh bắt hải sản, ngoài ra cũng có nông nghiệp. Nghề nông ở đây khá khó phát triển, vì đảo nhỏ, nguồn nước không quá dồi dào, bởi vậy nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Trên đảo chủ yếu trồng cây lương thực khác, ngoại trừ lúa, lúa phải nhập từ đất liền. Nghề trồng tỏi là thịnh hành nhất trên đảo. Chủ lực của Lý Sơn chính là đánh bắt hải sản, cao gấp năm lần cho với nông nghiệp. Ngoài ra, những năm gần đây, Lý Sơn còn phát triển thêm ngành du lịch, hàng năm số lượng người đến du lịch lớn, đem lại công ăn việc làm và nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho người dân nơi đây khi kinh doanh các dịch vụ.

    Lý Sơn tuy chỉ là một huyện đảo nhỏ nhưng lại có ý nghĩa nhiều mặt. Trước hết về văn hóa, Lý Sơn đã lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu. Trong các cuộc khai quật, người ta đã tìm thấy cư dân Sa Huỳnh – chủ nhân văn hóa hệ biển đảo, tiếp đến là văn hóa Chăm Pa, để lại những giá trị di sản văn hóa đặc sắc. Trên đảo cũng có rất nhiều lễ hội văn hóa: lễ hội đua thuyền, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa,… Ngôi chùa Hang kì vĩ, được mệnh danh là chùa trời sinh và còn rất nhiều di sản văn hóa khác, đã làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa nơi đây.

    Lý Sơn là biển đảo thơ mộng, hoang sơ bởi vậy hàng năm thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước lớn. Cổng tò vò với chiều hoàng hôn ráng đỏ đã làm say lòng biết bao bạn trẻ, rồi đến những bài biển dài, cát trắng xóa mềm mịn, nước trong xanh, thấu đến tận đáy. Làm ta đi một lần là nhớ mãi. Đến Lý Sơn đi bất cứ đâu bạn cũng có thể tìm thấy cảnh đẹp cho riêng mình. Du lịch tại Lý Sơn đã góp phần thúc đẩu kinh tế xã hội phát triển. Bên cạnh đó ta cũng không thể không nhắc đến nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực, với món gỏi tỏi chứ danh, gỏi cá cơm, và các món hải sản thơm ngon, hấp dẫn,…

    Ngoài ra, Lý Sơn với cảnh đẹp nên thơ, hữu tình cũng đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác từ bao đời nay:

        Trực nhìn ngó thấy Bàn Thang

        Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kì

   (Ca dao)

    Hay bài thơ của những người con xa quê hương, nhớ thương gửi qua từng câu chữ:

        Thuở nhỏ sinh ra tại Lý Sơn

        Lớn khôn phiêu bạt bởi nguồn cơn

        Nhà nghèo nên phải đành xa xứ

        Phú quý có đâu chịu lạ chơn

        Nhớ lắm quê hương khi quạnh quẽ

        Thương nhiều xứ sở lúc cô đơn

        Quyết lòng phấn đầu cho thành đạt

        Trở lại quê nhà trả nghĩa nhơn.

    Lý Sơn – trái tim của biển đông, nơi hội tụ biết bao vẻ đẹp của quê hương. Với những thế mạnh vốn có của mình Lý Sơn không chỉ lưu giữ vốn văn hóa ngàn đời của dân tộc, mà còn có cơ hội phát triển hơn nữa, đưa cuộc sống của con người nơi đây ngày càng đủ đầy, ấm no hơn.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 9 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

viet-bai-tap-lam-van-so-1.jsp

Các loạt bài lớp 9 khác