Top 15 bài thuyết minh về một đồ dùng mà em yêu thích – Bài viết số 5 lớp 8 đề 1
Nội Dung Chính
Top 15 bài thuyết minh về một đồ dùng mà em yêu thích
Bài viết số 5 lớp 8 đề 1
Thuyết minh về một đồ dùng mà em yêu thích là dạng đề thuộc bài viết số 5 lớp 8 đề 1 môn Ngữ văn. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý thuyết minh về một đồ dùng mà em yêu thích cùng với các bài văn mẫu giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ nội dung yêu cầu của đề bài sẽ giúp các bạn học sinh nắm được cách làm bài viết số 5 lớp 8 đề 1 sao cho đúng.
Thuyết minh về một đồ dùng mà em yêu thích lớp 8 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết này bao gồm các mẫu dàn ý thuyết minh về đồ dùng sinh hoạt trong gia đình cùng với tổng hợp bài văn mẫu giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt như thuyết minh về cái kéo, thuyết minh về chiếc cặp sách, thuyết minh về cái bàn của em, thuyết minh về cái phích nước… sẽ giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng khi làm bài viết số 5 lớp 8 đề 1.
1. Dàn ý Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
a) Mở bài. Giới thiệu khái quát về đồ dùng hay vật dụng đó.
b) Thân bài.
– Miêu tả hình dáng, màu sắc
– Giới thiệu các bộ phận của đồ dùng hay vật dụng đó
– Công dụng của đồ vật
– Cách sử dụng đồ dùng hay vật dụng đó
c) Kết bài. Mối quan hệ của đồ dùng hay vật dụng đó với người học sinh hay với con người nói chung.
2. Thuyết minh cái khẩu trang
Trải qua 2 năm đại dịch Covid, chắc hẳn chiếc khẩu trang y tế hiện giờ đã trở thành người bạn thân thiết đối với mỗi cá nhân trong việc bảo về cơ thể và phòng tránh bệnh tật. Ngày nay, khẩu trang y tế đã được sử dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong các bệnh viện.
Như các bạn đã biết, chiếc khẩu trang giúp che kín vùng mũi và miệng của con người nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh.
Hiện tại, có khá nhiều loại khẩu trang đang lưu hành khắp thế giới, từ loại kháng virus, kháng khuẩn, kháng bụi đến loại kháng bụi mịn và thậm chí kháng cả bụi phóng xạ, hầu hết được làm từ vải không dệt. Trong những ngày mà cả thế giới đang quay cuồng vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra thì khẩu trang là mặt hàng bán chạy nhất.
Tùy vào từng loại khẩu trang mà có những thành phần khác nhau. Phổ biến đều có 1 lớp vải chính, một lớp lọc bụi ca cấp, một lớp vải thấm mồ hôi,..Lớp ngoài có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt-xì, ho, thở mạnh… Mặt ngoài thường có màu xanh blue nhạt để dễ phân biệt. Lớp trong luôn có màu trắng rất dễ phân biệt với lớp ngoài. Mặt vải quay vào trong, sát với da mặt nên phải tinh khiết mịn màng, không xơ sợi sùi lông gây khó chịu. Ngoài ra phải có tính thấm nước nhằm hút mồ hôi tạo sự thoải mái cho người sử dụng. Lớp giữa có tác dụng ngăn các hạt dịch văng bắn và phải lọc được bụi, vi khuẩn. Đây chính là lớp quyết định chất lượng khẩu trang. Một lớp lọc “đúng chuẩn” phải để không khí dễ đi qua, tạo sự thoáng khí cho người dùng, nhưng lại phải có kết cấu đủ để lọc được các hạt bụi, vi khuẩn có kích thước cực nhỏ.
Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh, chỉ sử dụng một lần.
Khẩu trang y tế được sử dụng để bịt vùng mặt (thường là mũi, miệng) để ngăn ngừa bảo vệ người đeo khỏi bị lây nhiễm các loại vi khuẩn, dịch bệnh, bụi bặm thông qua đường hô hấp. Khẩu trang y tế được sử dụng nhiều trong các cơ sở y tế, cung cấp cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, giám định pháp y… đặc biệt là những người làm công việc phẫu thuật.
Khẩu trang y tế thực sự có tác dụng trong phòng chống dịch bệnh, vì vậy hãy sử dụng đúng cách để phòng ngừa giúp bản thân và xã hội.
3. Giới thiệu về chiếc bút bi
Trong cuộc sống hiện đại hiện nay, việc sử dụng các loại viết để học tập và làm việc là không thể thiếu nhưng để lựa chọn loại viết phù hợp với thời đại công nghệ thông tin sao cho vừa nhanh, tiện lợi và ít tốn kém cũng là điều vô cùng quan trọng và sự ra đời của bút bi đáp ứng nhu cầu đó.
Từ những năm bắt đầu việc học người ta đã biết sử dụng các công cụ để có thể viết chữ. Thô sơ nhất là sử dụng lông vịt, lông ngỗng chấm vào mực, mực được bào chế từ các loại lá, quả, hoa có màu sắc giã nát ra. Nhưng đó là trong những năm còn lạc hậu. Việc sử dụng viết lông ngỗng để viết rất bất tiện vì lúc nào cũng phải mang theo lọ mực, sử dụng xong lại phải lau sạch và việc cứ phải liên tục chấm đầu lông ngỗng vào mực cũng rất mất thời gian.
Và sau đó một nhà báo người Hungari đã chế tạo ra cây viết mực Lazso Biro. Việc sử dụng bút mực để rèn chữ là một điều rất tốt vì nét chữ sẽ đẹp song giá thành một cây bút máy khá đắt, nặng và khi viết khá chậm. Cho đến những năm gần đây người ta mới phát minh ra bút bi. Nó vừa đáp ứng nhu cầu rẻ, tiện lợi và nhẹ nữa phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên.
Cấu tạo bên trong của bút cũng khá là đơn giản: vỏ bút được làm bằng nhựa hoặc bằng các kim loại dẻo trong suốt. Bên trong là ruột bút, ống dẫn mực, ngòi bút, lò xo. Ngòi bút có đường kính từ 0,25mm đến 0,7mm tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Còn về việc sử dụng bút cũng khá là dễ dàng, khi cần thiết chỉ cần ấn vào đầu bút ngòi bút sẽ tự động lộ ra để chúng ta có thể sử dụng.
Khi không sử dụng nữa ta chỉ cần ấn lại đầu bút, ngòi bút sẽ tự động thụt lại, lúc đó bạn có thể mang bút đi khắp mọi nơi mà vẫn yên tâm tránh được các tác nhân bên ngoài va chạm vào ngòi bút. Hiện nay người ta còn tìm ra cách để chế tạo những bút lạ hơn như bút nhũ, bút nước, bút dạ quang… phù hợp với người tiêu dùng, vừa phù hợp với túi tiền vừa có thể theo học sinh đến trường, theo các nhân viên văn phòng đến cơ quan,…
Ngoài ra còn có các phát minh về một số loại viết có thể viết được dưới nước, ở những nơi có áp suất khí quyển thấp. Nói gì thì nói, ta cũng không thể phủ nhận những khuyết điểm còn có ở bút bi là rất khó rèn chữ vì ngòi bút nhỏ, trơn và rất cứng không phù hợp với những học sinh cấp Một đang luyện chữ vì khi nào nét chữ đã cứng và đẹp ta hãy sử dụng, ngoài ra bút còn rất dễ bị tắc nghẽn mực trong khi sử dụng có thể là do lỗi của các nhà sản xuất hoặc cũng có thể do chúng ta làm rơi viết xuống đất và làm ngòi bút va chạm vào các vật cứng.
Do vậy, sử dụng bút tuy là đơn giản nhưng chúng ta cũng nên biết cách bảo quản bút sao cho bút có thể sử dụng được lâu và bền hơn như: sau khi sử dụng bút xong thì nên bấm đầu bút thụt lại để không bị rớt xuống đất, khô mực hoặc va chạm vào các vật cứng sẽ dễ làm vỡ vỏ bút hoặc làm bể đầu bi.
Một đặc điểm nhỏ mà ít ai nghĩ đến là có thể biến những cây bút bi thành những món quà nhỏ, xinh xắn, dễ thương và vô cùng ý nghĩa để làm món quà tặng người thân, bạn bè, thầy cô. Bút còn là người bạn đồng hành với những anh chiến sĩ ngoài mặt trận, để các anh có thể viết nhật kí, viết thư về cho gia đình. Viết xong, các anh có thể giắt cây bút vào túi áo không sợ rơi mất, khi cần thiết có thể lấy ra dễ dàng và sử dụng ngay.
Bút là người bạn nhỏ, luôn sát cánh đồng hành trong công việc, học tập của mọi người, không tốn kém nhiều chi phí lại có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện ở mọi lúc mọi nơi. Chúng ta hãy biết ơn những người đã chế tạo ra cây bút để nhờ đó chúng ta có sự hỗ trợ đắc lực trong học tập và trong công việc hiện nay vẫn đáp ứng được theo xu hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
4. Giới thiệu về chiếc nón lá
Nón lá từ xưa đến nay đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, chiếc nón lá có sự gắn bó với người lao động Việt Nam, hình ảnh những thiếu nữ đôi mươi mặc áo dài, đội nón lá đã trở thành biểu tượng của người Việt. Hình ảnh có sức lay động và truyền cảm hứng với bạn bè về văn hóa, con người.
Nón lá thân thương với hình ảnh người con gái Việt mặc áo dài, tay cầm nón lá chính là biểu tượng du lịch. Tà áo dài là trang phục truyền thống nón lá vật dụng không thể thiếu bởi đất nước ta nguồn gốc từ một nước nông nghiệp, thường xuyên làm việc ngoài trời thời tiết nhiệt đới nắng nóng nên cần có một vật dụng để che nắng khi làm việc từ đó nón lá ra đời. Hình ảnh những chiếc nón trắng giữa đồng luôn là hình tượng quen thuộc với mỗi người chúng ta.
Nón lá công dụng cũng như các loại mũ khác. Nón lá dạng hình chóp, đáy tròn trịa thường có đường kính khoảng từ 50 cm đến 60 cm. Nón lá dùng làm vật trang trí đường kính nhỏ hơn hoặc lớn hơn. Nón lá thường được làm bằng lá cọ hoặc lá dừa, người ta thường chọn các loại lá này bởi tính chất dai, không thấm nước. Tên gọi chiếc nón lá cũng xuất phát từ hình dáng cũng như nguyên liệu chính để làm ra nón.
Nguyên liêu làm nón còn có nan tre, kim chỉ, hình ảnh trang trí. Khi làm nón lá lá dừa hoặc lá cọ sẽ được chọn lựa kĩ càng thường người ta hay chọn lá cọ. Lá làm nón phải đạt tiêu chuẩn xanh, nổi gân, bóng bẩy. Lá sau khi được chọn phơi héo từ 2 đến 4 tiếng, khi lá mềm chuẩn bị để làm thành nón. Chuẩn bị nguyên liệu nan tre. Nan tre từ thân cây tre, độ mềm dẻo dễ uốn nắn. Nan tre được vót tròn đường kính khoảng 1 đến 2 cm. Nguyên liệu sau cùng mà người làm cần có đó là kim chỉ màu và hình ảnh trang trí, sơn dầu.
Những chiếc nón lá ngày nay trang trí đa dạng, đảm bảo yêu cầu thẩm mĩ người tiêu dùng. Sau khi trang trí xong, họ sẽ phết một lớp sơn dầu lên bên trên để tạo độ bóng bề mặt ngoài nón và giúp chiếc nón lá có độ bền màu khi sử dụng sẽ lâu hơn. Người dùng chỉ cần chọn quai nón theo sở thích, dây quai nón người ta hay chọn các dải lụa hoặc vải tổng hợp, chiều dài thường từ 70 đến 80 cm. Dây quai nón giữ chắc nón trên đầu hoặc công dụng để treo nón lên cao, khi đó thì việc bảo quản chiếc nón lá sẽ lâu dài hơn.
Chiếc nón lá Việt Nam thể hiện truyền thống văn hóa và là sản phẩm của người Việt Nam làm tôn lên vẻ đẹp, duyên dáng và gợi của của người phụ nữ Việt Nam.
5. Giới thiệu về chiếc áo dài
Chiếc áo dài là thứ trang phục đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo khoác ngoài màu thầm, bên trong là chiếc áo cánh sen, áo mỡ gà,… làm cho người phụ nữ quê ta trở nên duyên dáng, xinh đẹp và trang trọng.
Áo dài của các bà, các mẹ ngày xưa thường là áo tứ thân hoặc áo năm thân. Áo tứ thân được kết bằng bốn mảnh vải, hai thân trước và hai thân sau. Áo năm thân, vạt áo trái phía trước được ghép thành hai thân vải, rộng gấp đôi vạt áo phía phải. Mặc áo tứ thân thường mặc bỏ buông; mặc áo năm thân thường buộc thắt vào nhau, làm cho dải thắt lưng thiên lí hiện ra lấp ló. Các cụ bà lên chùa lề Phật vào ngày mồng một, ngày rằm thì mặc áo dài tứ thân màu nâu, màu đà bằng vải hay lụa tơ tằm. Ngày xưa, con gái Kinh Bắc đi hội chùa Dâu, đi hát Quan họ hay mặc áo dài tứ thân màu thẫm.
Chiếc áo dài tân thời ngày nay vốn là chiếc áo dài tứ thân được cải tiến. Ống tay dài thon, cổ áo hoặc được dựng cao, hoặc ôm tròn viền quanh cổ người mặc được cách điệu. Có nhiều cúc bấm chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo phía trước. Lưng áo được may thắt lại tạo nên ‘eo”, làm hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều của thiếu nữ. Áo dài tân thời được may bằng lụa đủ màu sắc: trắng, hồng, xanh lơ, tím,… lụa điểm hoa, điểm một số loài chim đủ màu sắc rực rỡ, lộng lẫy.
Trong lễ hội, hình ảnh các thiếu nữ xuất hiện trong chiếc áo dài tân thời, người đi xem cảm thấy như đàn bướm sặc sỡ đang bay lượn giữa vườn hoa xuân.
Thứ hai hằng tuần, trường em quy định giáo viên nữ mặc áo dài trắng, các giáo viên nam mặc vét, thắt ca-vát, đi giầy. Lễ chào cờ hàng tuần trở nên long trọng; sân trường như sáng bừng lên.
Chiếc áo dài màu trắng điểm hoa, chiếc áo dài màu xanh da trời, màu tím Huế đã làm tôn vẻ đẹp thiếu nữ Việt Nam trang nhã, trinh trắng hơn, mềm mại, tươi đẹp hơn.
6. Giới thiệu về cái quạt
Quạt là đồ dùng vô cùng gần gũi với người dân. Chiếc quạt đã tạo ra gió làm dịu đi cái nóng của mùa hè đối với con người. Không những thế, nó còn giúp con người ngủ ngon hơn, thoải mái hơn.
Quạt bây giờ có quạt điện và quạt thủ công. Tuy chúng có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng đều có công dụng là làm mát. Ngoài ra quạt thủ công còn là đồ vật trang trí trong nhà, biểu diễn nghệ thuật.
Quạt thủ công đã xuất hiện từ rất lâu đời. Bà la sát đã dùng chiếc quạt ba tiêu của mình để quạt Tôn Ngộ Không bay xa tới mười nghìn dặm chỉ một cái vung tay. Tác giả Ngô Thừa Ân đã nói quá sức mạnh của chiếc quạt. Nhưng thật sự quạt thủ công đã có vai trò rất lớn trong xã hội cũ. Từ vua chúa sử dụng những chiếc quạt làm bằng lông vũ xinh đẹp để tạo sự thoải mái trong giấc ngủ trưa đến các sĩ tử dùng quạt giấy để biểu thị sự nho nhã, có học của mình trước mọi người. Bây giờ, theo tôi được biết, quạt thủ công chủ yếu là quạt giấy và quạt nan. Theo đúng tên gọi của nó, nguyên liệu làm quạt là giấy và nan tre nhỏ, mảnh. Người ta làm quạt theo một hình mẫu nhưng bây giờ có rất nhiều mẫu đẹp như hình rồng, hình phượng…
Hồi nhỏ, tôi đã hỏi bà:
– Bà ơi, tại sao cái quạt nhà mình lại tự quay được thế?
– Tại trong đó có tay thần cháu ạ – Bà tôi cười.
Bây giờ, tôi đã biết tại sao quạt điện lại tự chạy được. Trong quạt có bộ phận được gọi là roto và stato. Khi ta cắm phích điện vào ổ thì có một luồng điện truyền vào roto làm roto quay. Roto gắn với thanh sắt nối với cánh quạt. Vì vậy khi roto quay thì cánh quạt quay và tạo ra gió. Bộ phận chính của quạt là phần quay và phần điều chỉnh. Phần quay chính là stato, roto và cánh quạt. Còn phần điều chỉnh là các nút bấm. Ngoài ra, vỏ và lồng bảo vệ cánh quạt cũng là bộ phận không thể thiếu để làm nên chiếc quạt hoàn chỉnh. Chiếc quạt cóc gắn liền với nhân dân ta nửa cuối thế kỷ XX đã bị đào thải trên thị trường. Giờ đây có vô cùng những sản phẩm quạt điện từ rẻ tiền đến đắt giá. Từ chiếc “để bàn MD” đến “điều khiểu Euro”. Từ “Quạt cây ASIA” đến “quạt trần nhỏ xíu mắc màn”. Tất cả đều là số ít trong hàng loạt sản phẩm quạt điện ngày nay. Tuy chỉ biết công đoạn dây chuyền để sản xuất quạt điện nhưng tôi vẫn công nhận rằng người phát minh ra động cơ điện là thiên tài.
Giờ đây, công nghệ làm mát hiện đại như máy điều hoà, máy lạnh đã quen thuộc trên thị trường, nhưng những chiếc quạt có lẽ sẽ luôn có “đất dụng võ”.
7. Giới thiệu về cái phích nước
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, có rất nhiều các loại đồ dùng, vật dụng được con người sử dụng trong gia đình. Đó là những vật dụng hữu ích, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người. Có công dụng như một loại bình để chứa nước, đặc biệt là giữ cho nước luôn ấm để mọi người trong gia đình có thể sử dụng bất kì lúc nào, mà không cần tốn công hâm nóng hay đi đun lại nước. Vật dụng thần kì này mang lại cho con người rất nhiều tiện ích. Đó là chiếc phích nước.
Phích nước là một trong những vật dụng được sử dụng phổ biến trong các gia đình. Công dụng lớn nhất của chiếc phích nước chính là giữ nước nóng ở nhiệt độ ổn định. Phục vụ kịp thời nhu cầu sử dụng nước của con người mà không mất thêm nhiều công sức đun nóng. Với thiết kế đặc biệt, chiếc phích nước có thể duy trì độ nóng của nước trong một thời gian khá dài, khoảng bảy đến mười ngày. Chiếc phích nước được cấu tạo bởi các bộ phận chính như: vỏ phích- đây là bộ phận bảo vệ ruột phích, thường được làm bằng nhựa. Vỏ phích cũng là bộ phận cách nhiệt với ruột phích, người sử dụng có thể thoải mái sử dụng, va chạm với lớp vỏ bày mà không sợ bị phỏng, nóng. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng đi kèm với nhu cầu thẩm mĩ nên con người nên những chiếc phích được trang trí bởi họa tiết hoa văn, những hình vẽ ở vỏ phích vô cùng độc đáo và đa dạng.
Bộ phận thứ hai của chiếc phích mà ta có thể kể đến, đó chính là ruột phích. Trong cấu tạo của phích, ruột phích được xem là bộ phận quan trọng nhất, nó có vai trò giữ nhiệt độ của nước nóng. Do ruột phích được làm bằng một lớp thủy tinh mỏng, sau đó được tráng trên bề mặt một lớp bạc nên phích nước có thể duy trì nhiệt độ của nước trong một thời gian dài. Bộ phận thứ ba của chiếc phích nước là chiếc lắp phích, bộ phận này cũng vô cùng quan trọng bởi nó là bộ phận dùng để che kín miệng phích, cách li được nước nóng trong phích tiếp xúc với không khí bên ngoài. Chiếc lắp phích thường được làm bằng nhựa, gồm hai lớp. Lớp ở trong có những đường xoáy để tạo độ khít với phích nước, lớp bên ngoài có hình dạng như một chiếc cốc nhỏ, đậy ở trên cùng.
Phích nước thường có dạng hình trụ dài, kích thước ở thân đều nhau, miệng tương đối nhỏ. Với kích thước này chỉ thích hợp dùng siêu đổ nước trực tiếp hoặc dùng những chiếc ca có miệng để rót nước vào phích. Màu sắc, hình dạng, kích thước của những chiếc phích cũng khá đa dạng. Ngày nay, người ta sản xuất phích nước với rất nhiều mẫu mã, màu sắc khác nhau, đáp ứng được nhu cầu sử dụng cũng như sở thích của mỗi người, mỗi gia đình. Nếu như hình dáng bên ngoài của chiếc phích có hình trụ dài thì ruột phích lại có hình trứng, thon tròn ở dưới đáy, thuôn dài ở phần thân.
Về kích thước của những chiếc phích phụ thuộc hoàn toàn vào dung lượng nước mà nó có thể chứa. Thể tích thông thường nhất của những chiếc phích là khoảng 300ml, nhưng cũng có những loại phích có kích thước lớn hơn 500ml để phục vụ cho những gia đình đông người, cho những gia đình có nhu cầu sử dụng nước nóng nhiều. Phích nước có công dụng có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người, song giá thành của nó cũng rất rẻ, giá dao động từ một trăm nghìn đồng đến hai trăm năm mươi nghìn đồng, tùy thuộc vào thể tích, mẫu mã, nhãn hiệu… nhờ những chiếc phích nước mà con người luôn có nước nóng để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt như: pha trà, pha mì tôm, hòa cà phê….
Những chiếc phích mang lại nhiều tiện ích cho con người, trong đó quan trọng nhất là tiết kiệm được thời gian, công sức. Con người có thể sử dụng nước nóng bất kì lúc nào, nhiệt độ trong phích luôn được đảm bảo, nhu cầu sử dụng cũng được đáp ứng tốt hơn. Như vậy, phích nước là một vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt của mỗi người, mỗi gia đình.
8. Thuyết minh về cái quạt giấy
Ngày xưa, khi cuộc sống còn dân dã, chưa phát triển văn minh đầy đủ tiện nghi như ngày nay thì những chiếc quạt giấy là công cụ hữu ích cho đồng bào ta những ngày hè oi nóng. Vậy thì để hiểu thêm về chiếc quạt giấy của dân tộc, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Chiếc quạt giấy xuất hiện từ thế kỉ mười. Xưa kia, những chiếc quạt giấy bản to đã từng xuất hiện trong cung của vua chúa để làm quạt đi với lọng phục vụ vua chúa hoặc là đồ vật cầm tay của những bậc tao nhân mặc khách, những phi tần làm thêm vẻ duyên dáng, mĩ miều. Chiếc quạt giấy là một vật dẹp và nhẹ để người cầm trên tay mà phe phẩy, đưa đẩy hơi gió. Trải qua thời kì phát triển chiếc quạt còn được cách tân và thêm phần đẹp hơn, với những họa tiết hoa văn phong phú, đặc sắc mẫu mã đa dạng. Chiếc quạt giấy có hai phần chính. Phần cán quạt được làm bằng gỗ dẹt chuốt mỏng và đều tay, xếp đan cài lên nhau để có thể xê dịch thu vào hoặc kéo ra. Cán quạt là sự gộp lại của những nan quạt được nối bằng một chiếc đinh nhỏ. Phần tà quạt được làm bằng tấm giấy mỏng nhưng bền và chắc, trên đó có in họa tiết những bông hoa, cảnh sông nước hay địa danh nổi tiếng. Những bài thơ hay những câu đối và chữ nho cũng là chi tiết tạo điểm nhấn cho chiếc quạt. Chiếc quạt giấy là linh hồn của dân tộc ta. Bởi sự đơn sơ, mộc mạc và giản dị của nó cũng giống như tâm hồn bình dị, mộc mạc của người dân Việt Nam. Chiếc quạt giấy gần gũi với người dân ta, đi cùng với các triều đại lịch sử.
Nếu giờ đây cuộc sống của nhân dân ta ngày càng phát triển, văn minh tiến bộ. Mùa hè nóng có quạt điện, quạt hơi nước, điều hòa máy lạnh thì xưa kia các cụ quang năm gắn bó với ruộng đồng những chiếc quạt giấy chính là vật dụng hữu ích để họ quạt mát những trưa hè oi nóng. Hơn thế nữa, trong xa xưa chiếc quạt giấy cỡ to hơn có thẻ dùng để trang trí cung tẩm, làm đồ vật theo kiệu các vua chúa. Ngoài tác dụng thực tế, quạt xếp cũng là món hàng lưu niệm để đề thơ, vẽ cảnh. Thời hiện đại quạt xếp cũng như quạt phiến còn dùng làm vật quảng cáo, cổ vũ, quà tặng để phổ biến tên hiệu trên thương trường bằng cách in logo trên mặt quạt. Vì sẵn có mặt rộng để minh họa, cây quạt đã biến thành vật mỹ thuật dùng trang trí trong nhà, có thể treo lên vách như tranh hoặc gác trên giá gỗ đặt trên bàn. Một số vũ điệu cũng dùng quạt xếp như vũ điệu tamia tadik của người Chàm. Trong thi ca Việt Nam cũng nhắc đến cây quạt như bài thơ ngắn trào phúng vịnh chiếc quạt xếp của Bà Chú thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nhà thơ Vương Trọng có bài thơ “Gió từ tay mẹ” sáng tác năm 1974 gắn liền cây quạt với tình mẹ. Ca dao, đồng dao thì vẫn lưu truyền “Thằng Bờm có cái quạt mo, Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…”. Chiếc quạt giấy cũng là vật dụng gắn liền với những điệu múa duyên dáng. Chưa bao giờ dù là xưa hay nay chiếc quạt giấy vẫn gắn bó, gần gũi với người dân Việt Nam.
Chiếc quạt giấy được làm khá đơn giản, bởi ngày xưa nhân dân ta còn nguyên sơ, thuần phác chưa có những thiết bị hỗ trợ như bây giờ. Vật liệu cần tre và giấy dai, bền. Tre khoảng 5 năm không quá non. Chặt xuống cưa khúc tùy theo kích thước nan tre. Đem ngâm trong ao hồ khoảng 6 tháng đến 1 năm để cho chất protein trong tế bào bị thẩm thấu hết ra nước, khi đó sẽ không bị mọt. Sau đó vớt lên luộc bằng nước vôi loãng khoảng 12 tiếng, cho vào máy chẻ nan và tuốt nan cho hết xơ. Chốt nhôm được gắn vào sau khi xếp nan và khoan lỗ nhài. Có thể dùng đinh tán, ốc vít hay chốt nhựa. Phải dùng mũi khoan nhỏ sắc khoan mở trước sau đó dùng mũi khoan to dần tới khi bằng kích thước chốt, gắn chốt xong tán chốt. Dùng máy mài để mài đuôi hình trái xoan hay tròn theo yêu cầu. Giấy cắt theo hình vòng cung bán nguyệt, trước khi cắt thường in nội dung hay phong cảnh lên đó. Sau đó xòe nan để kiểm tra đô chắc chắn là ổn rồi.
Nhưng để chiếc quạt được bền thì cần phải gìn giữ và không đem quăng, quật lung tung vì chiếc quạt rất dễ rách. Hi vọng rằng chiếc quạt giấy sẽ luôn đồng hành cùng ta trong nay và mai sau dù đất nước có phát triển hơn, bởi chiếc quạt vẫn có chút gì đó là hồn cốt dân tộc.
9. Thuyết minh về cây bút máy
Cây bút máy là sản phẩm công nghiệp.
Các thầy đồ, thư sinh ngày xưa thích dùng bút lông, mực tàu. Đầu thế kỉ XX, các thầy thông, thầy kí trong công sở của Pháp mới có cà vạt, giấy da, bút máy giắt túi áo, phì phèo thuốc lá, “Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” (Thơ Tú Xương). Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ai có xe đạp Phượng Hoàng để đi, có đài bán dẫn để nghe tin tức, ca nhạc, có bút máy Kim Tinh để xài, thế là sang, là oách. Gần đây, lại thấy một số ông bà Việt Kiều về thăm quê mặc váy, áo màu tha thướt, xức nước hoa thơm “điếc” mũi, tay xách túi ngoại, cổ và tai lấp lánh ngọc vàng, viết bằng bút máy ngoại trăm đô, nghìn đô ai nhìn thấy cũng phải “lóa mắt”.
Cây bút máy dùng để học tập, để ghi chép, viết lách rất thông dụng, tiện lợi. Nhưng có lúc, có thời, có người, cây bút máy còn là thứ để “khoe”, để tỏ rõ sự sang trọng, hơn người!
Cây bút máy có các bộ phận sau: thân bút, nắp bút, ngòi bút, lưỡi gà, ống đựng mực (ruột bút). Thân bút, nắp bút thường bằng nhựa, có in rõ nhãn hiệu. Cặp bút được đính vào nắp bút, thường bằng kim loại màu vàng vừa để trang trí vừa để cặp vào túi áo cho tiện lợi. Ngòi bút máy hình lưỡi giáo nổi bật dòng chữ nhãn hiệu rất xinh, bằng thứ kim loại màu hoặc bạc, đầu mũi bút là “hạt gạo” trong, bé tí. Ngòi bút máy đính vào lưỡi gà ở cổ bút đều bằng nhựa cứng, màu đen. Ống đựng mực của bút máy có thể bằng cao su hoặc bằng nhựa.
Cây bút máy dài độ 15 cm, to bằng ngón tay út, bằng nhựa màu, cứng, có dáng hình khá đẹp. Mực bút máy (màu xanh, màu đen, màu tím) là thứ mực chuyên dụng; không thể dùng lẫn lộn vì dễ làm tắc nghẽn mực viết. Thỉnh thoảng phải lau chùi ngòi, phải “tắm rửa” bút máy thì bút máy mới hữu dụng, tiện lợi.
Có thể nói, cây bút máy là người bạn thân thiết, quý mến của mỗi chúng ta thời cặp sách. Bút mực tím, bút hoa sim của nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà được học sinh ưa dùng, có tác dụng lớn trong việc luyện chữ, thi Vở sạch chữ đẹp của học sinh Tiểu học hiện nay.
10. Thuyết minh về chiếc đồng hồ báo thức
“Thời gian quý hơn vàng”. Ý thức được điều đó, từ xưa con người đã trân trọng và có nhiều cách thức để đo đếm thời gian. Trong đó, đồng hồ là một phát minh đầy sáng tạo và ý nghĩa. Chiếc đồng hồ vẫn luôn là người bạn thân thiết, gắn bó với mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Với tôi, chiếc đồng hồ báo thức lại càng đặc biệt hơn bởi nó là món quà sinh nhật tôi được tặng từ người bạn thân thiết nhất.
Chiếc đồng hồ của tôi có xuất xứ từ Hong Kong và thuộc loại đồng hồ Analog. Gọi như thế để phân biệt với đồng hồ số, tức đồng hồ điện tử và đồng hồ kĩ thuật số, hiển thị được cả ngày, tháng, năm bằng chữ rất thông dụng hiện nay.
Chiếc đồng hồ không có kích cỡ to lớn, không có cấu tạo quá phức tạp hay cũng không quá sang trọng, cầu kì. vẻ ngoài của nó khá giản dị và xinh xắn. Bao phủ toàn bộ lớp vỏ nhựa bên ngoài chiếc đồng hồ là một màu xanh dương, bóng và đẹp rất phù hợp với sở thích của tôi. Dưới cùng có hai chân bằng kim loại để đồng hồ có thể đủng thẳng một cách tiện lợi mà không cần phải treo hay dựa vào vật gì khác. Trên cùng có trang trí hai quả chuông bằng sắt và một cần kim loại có thể di chuyển sang hai bên. Hai cái chuông này vừa khiến cho đồng hồ trông sinh động hơn, vừa là bộ phận âm thanh quan trọng. Khi báo thức, chiếc cần này di chuyển va vào hai quả chuông tạo ra tiếng chuông báo thức vô cùng hiệu quả. Trên hai quả chuông còn đính thêm tay cầm để chiếc đồng hồ có thể treo được trên tường tùy theo ý muốn của người sử dụng.
Về cấu tạo, chiếc đồng hồ báo thức bao gồm thần hộp, mặt số, tổ hợp kim, trục, hệ thống truyền động, nguồn năng lượng và chuông báo. Thân hộp có nhiệm vụ bảo vệ bộ máy đồng hồ, gồm thân chính, vành tròn, mặt kính và nắp phía sau. Hộp đựng được làm bằng nhựa nên trọng lượng của đồng hồ được giảm nhẹ rất nhiều. Mặt hiển thị ở mặt trước của hộp, có in hình logo của nhà sản xuất. Mặt trước đồng hồ có hệ thống các số chỉ giờ, chỉ phút và các vạch nhỏ được phần cầm rất tỉ mỉ giữa các số để có thể xác định chính xác thời gian.
Tổ hợp kim gồm kim giờ, kim phút, kim giây và kim báo thức. Cả ba chiếc kim đều màu đen nhưng khác nhau về chức năng, kích thước và độ dài. Kim giờ to và ngắn nhất, kim phút nhỏ hơn và dài hơn kim chỉ giờ, kim giây dài nhưng mảnh. Ngoài ra còn có chiếc kim nhỏ xinh màu ghi thực hiện chức năng hẹn giờ. Tổ hợp kim được gắn vào các trục đồng tâm. Các trục này được gắn với các bánh răng tương ứng của bộ máy truyền động.
Bộ máy truyền động gồm bộ động lực, bộ chuyển động, bộ chỉnh động và bộ điều hòa. Nguồn năng lượng của đồng hồ là hai viên pin tích điện duy trì hoạt động của máy. Chiếc đồng hồ này thường sử dụng pin con thỏ, một loại pin rất thông dụng và dễ mua, dễ tìm. Bộ phận quan trọng còn lại là chuông báo thức. Đây cũng là bộ phận tôi yêu thích nhất ở chiếc đồng hồ. Dù gọi là đồng hồ báo thức nhưng chiếc đồng hồ có thể nhắc nhở chúng ta rất nhiều công việc. Từ việc thức dậy mỗi ngày, hẹn giờ học bài, hẹn giờ nấu ăn… Muốn cài đặt thời gian, ta chỉ việc xoay núm kim hẹn giờ ở thân sau của hộp máy sau đó gạt phím bật báo thức về phía chữ “On”, muốn tắt ta chỉ việc gạt sang phía chữ “Off”.
Rất đơn giản và tiện lợi cho người dùng nhưng nguyên lí hoạt động của đồng hồ báo thức lại không hề đơn giản chút nào. Năng lượng được nạp vào từ pin sẽ truyền qua ổ cót tới các bánh răng. Các bánh răng quay và truyền động cho nhau, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của bộ thoát để các bánh răng không bị hỗn loạn. Trục của các bánh răng nối với các kim chỉ thời gian. Khi kim chỉ giờ trùng với kim hẹn giờ, móc khóa cần gạt bên trên được mở, kích hoạt cần gạt phía trên chuyển động về hai bên, chạm vào hai quả chuông và phát ra âm thanh báo thức.
Chiếc đồng hồ xinh xắn, tiện lợi giống như vị thần canh giữ thời gian, đảm bảo cho tôi tránh những bất cẩn để không bị lãng phí thời giờ và là một người bạn thân thiết ở bên tôi mỗi ngày. Không chỉ là một vật dụng hữu ích, chiếc đồng hồ báo thức còn là một vật trang trí trên bàn học và là vật kỉ niệm hạnh phúc trong sinh nhật dạ,qua của tôi. Nó mãi mãi gợi nhắc về người bạn thân thiết suốt thời thơ ấu của tôi.
Cũng vì ý nghĩa đó, tôi luôn sử dụng và bảo quản món quà của mình rất cẩn thận. Đồng hồ lúc nào cũng được đặt trên bàn học gọn gàng, ngăn nắp, thoáng mát. Không bao giờ tôi để đồng hồ ở nơi ẩm thấp, nơi có nhiệt độ cao hoặc bụi bẩn vì sẽ làm cho đồng hồ nhanh bị hư hỏng. Khi đồng hồ bị hỏng, tôi luôn tìm cách sữa hợp lí, tốt nhất là nhờ đến bác thợ sửa đồng hồ. Để đồng hồ được bền lâu, cũng cần thường xuyên lau bụi bẩn, bôi dầu và bảo quản cẩn thận.
Đã hơn một nghìn năm, kể từ khi tu sĩ Gerbert sáng chế ra chiếc đồng hồ bằng máy, chiếc đồng hồ đã có nhiều cải tiến, biến đổi, ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của đông đảo mọi người. Công nghệ hiện đại phát triển, các chức năng của điện thoại dần thay thế đồng hồ nhưng ý nghĩa báo hiệu thời gian của đồng hồ vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí mọi người. Đối với tôi, chiếc đồng hồ không chỉ nhắc nhở chúng ta về thời gian mà còn trở thành vật kỉ niệm đáng nhớ của tình bạn chân thành.
11. Giới thiệu về chiếc bút chì
Trong suốt quãng thời gian cắp sách, mỗi học sinh chúng ta đều tung tăng đến trường với những người bạn vô cùng quen thuộc và thân thiết: Hộp bút, thước kẻ, bút bi. Trong số những dụng cụ học tập đầy hữu ích đó, người học sinh không thể không nhớ đến những chiếc bút chì đáng yêu, xinh đẹp ngày ngày vẫn cùng chúng ta đến trường, đến lớp để bay trong biển trời tri thức bao la.
Tôi cứ luôn nghĩ rằng bút chì mới được người ta phát minh ra cách đây không lâu, nhưng đến khi tìm hiểu thật kĩ lưỡng cho bài viết văn trên lớp, tôi mới “sáng mắt ra”.
Thời cổ La Mã, các học giả tôn giáo chuyên nghiệp viết trên giấy papyrus với một thanh kim loại có tên là stylus. Sau đó những cây stylus được làm bằng chì. Ngày nay ta gọi là bút “chì” cũng từ cây stylus bằng chì này. Vào năm 1564, Borrowdale Anh quốc có một người tình cờ thấy ở rễ một cây bị nằm tróc gốc có than graphite. Sau khi khai thác mỏ than chì này, việc dùng graphite (than chì) được phổ biến sâu rộng. Graphite để lại dấu đậm hơn nhưng quá mềm và dễ gãy nên nó cần phải có vật để giữ. Đầu tiên những cây graphite được bao bằng dây. Sau đó graphite được đút trong thanh gỗ và khi dùng thì đẩy thanh graphite ra bằng tay. Bút chì được ra đời.
Bước vào năm học mới, các nhà sản xuất bút bi như Bến Nghé, Hồng Hà, Thiên Long, … đã lần lượt cho ra đời hàng loạt mẫu mã từ đơn giản cho đến cầu kỳ như bút bấm, bút xoay … đủ chủng loại khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Các cậu nam sinh thì chỉ cần giắt bút lên túi áo đến trường nhưng nhiều bạn gái lại thích “trang điểm” cho bút các hình vẽ, hình dáng xinh xắn lên thân hay đầu bút còn được đính thêm con thú đáng yêu. Thế là những chiếc bút bi lại theo chân trò nhỏ đến trường, giúp các cô, cậu lưu giữ những thông tin, kiến thức vô giá được thầy cô truyền đạt lại với cả tấm lòng!
Con người thường ít nghĩ đến những gì quen thuộc, thân hữu bên mình. Họ cố công tính toán xem trung bình một đời người đi được bao nhiêu km hay một người có thể nhịn thở tối đa bao nhiêu phút nhưng chắc chưa có thống kê nào về số lượng bút họ dùng trong đời! Một cây bút cũng giống như cơ thể con người vậy, ruột bút là phần bên trong cơ thể, đầu bi chính là trái tim. Còn vỏ bút giống như đầu, mình, tứ chi vậy chúng phải cứng cáp thì bút mới bền, hoạt động tốt cũng như tạo cho người sử dụng cảm giác thoải mái. Màu sắc và hình dáng bên ngoài giống như quần áo, làm tăng thêm vẽ đẹp cho bút. Các chi tiết của bút dù quan trọng hay thứ yếu đều góp phần tạo nên một cây bút. Như một kiếp tằm rút ruột nhả tơ, âm thầm giúp ích cho đời để rồi khi không còn cần thiết nữa, chúng bị vứt bỏ một cách lạnh lùng. Mấy ai nhớ đến công lao của chúng!
Cùng với sách, vở bút chì là dụng cụ học tập quan trọng của người học sinh, vì vậy chúng ta cần phải bảo quản bút cho tốt. Dùng xong cần phải cất cẩn thận vào hộp để tránh thất lạc. Đặc biệt là đối với những chiếc bút chì bấm, ta cần hết sức lưu ý để ngòi không bị gãy, không bị ảnh hưởng đến bộ phận quan trọng nhất của bút.
Thời gian cứ thế mà lặng lẽ trôi, không chờ ai một ai cả. Các cô cậu học trò đã lớn dần theo năm tháng, chỉ còn mỗi bút chì là vẫn thế. Nó vẫn mải miết, vẫn miệt mài vẫn luôn đồng hành cùng các tà áo trắng. Bút chì đối với mỗi chúng ta vẫn luôn là người bạn bé nhỏ, thân thiết, gắn bó, đáng yêu, đáng quý. Không ai là không trải qua quãng đời học trò mà không có cậu bút chì tung tăng, gần gũi bên cạnh. Vì vậy, bút chì luôn luôn có trong kí ức và tâm hồn mỗi người mỗi khi nhắc đến thời hoa nắng. Hãy luôn trân trọng và gìn giữ người bạn nhỏ đáng yêu của mỗi chúng ta, các bạn nhé.
12. Thuyết minh về chiếc nồi cơm điện
Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, cuộc sống của con người cũng ngày càng hiện đại hơn. Với sự bao phủ của các thiết bị điện tử thông minh, đời sống được cải thiện bởi những phát minh mới. Một trong những phát minh hữu ích cho đời sống sinh hoạt là chiếc nồi cơm điện.
Nồi cơm điện đến với loài người từ đất nước công nghệ phát triển vượt bậc – Nhật Bản. Ý tưởng về việc dùng điện để nấu cơm xuất hiện lần đầu tiên vào những năm giữa thập niên 1920. Khoảng 20 năm sau, một công ty điện tử cho ra đời thành công loại nồi cơm điện làm chín cơm nhờ chuyển năng lượng điện thành năng lượng hơi. Tuy nhiên, chiếc nồi này yêu cầu người dùng phải chú ý theo dõi từ khi bật công tắc nấu cho đến lúc cơm được nấu xong, khá bất tiện. Năm 1956, công ty Toshiba (Nhật Bản) cải tiến và khắc phục nhược điểm đó, cho ra đời một chiếc nồi thuận tiện sử dụng hơn. Theo đó, hơn 700 chiếc nồi cơm điện được đưa ra thị trường và có mặt trong nhà bếp của các bà nội trợ trên toàn thế giới.
Nồi cơm điện bao gồm dây dẫn nguồn nhiệt, vỏ chứa, ruột nồi nấu và thiết bị cảm ứng nhiệt. Dây dẫn dùng để dẫn điện từ nguồn vào nồi. Vỏ nồi cơm điện thường làm bằng nhựa chịu sức nóng tốt, thường có nắp để đậy lại. Trên nắp nồi có một lỗ nhỏ để thoát hơi ra ngoài. Ruột nồi nằm bên trong, thường làm từ kim loại bền, chống dính cao. Trên ruột có các mức nước được kẻ thành vạch, dựa vào đó mà chọn lượng nước phù hợp với gạo để cơm ngon hơn. Thiết bị cảm ứng là thiết bị điện tử, đo nhiệt độ của nồi và kiểm soát nhiệt lượng, báo hiệu tình trạng nồi cơm. Một chiếc nồi hoàn chỉnh sẽ có thêm nhiều phụ kiện khác.
Theo sự phát triển và nhu cầu của từng thời đại mà nồi cơm điện lại được thiết kế theo kiểu mã, chức năng khác nhau. Hiện nay, nhiều loại nồi cơm điện phức tạp được phát minh có nhiều cảm biến hơn và đa chức năng hơn. Những chiếc nồi đơn giản thì có nút bật, chỉ để nấu cơm. Hiện đại hơn, sẽ có cả bảng chức năng cảm ứng, muốn dùng chức năng nào thì chọn nút đó.
Nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện khá đơn giản. Để nấu cơm, cho gạo và nước sạch vào ruột nồi trước, chọn nấc cảm ứng nhiệt về vị trí nấu. Trong thời gian nấu, nước và gạo được làm nóng với toàn bộ công suất nhờ một dây dẫn điện tạo ra. Khi đạt đến nhiệt độ 100 °C, nước sẽ chuyển từ lỏng sang dạng hơi, thoát ra theo lỗ thông của vỏ nồi. Nhiệt độ cao tạo ra sẽ nấu chín gạo, đèn báo chuyển chế độ thì kết thúc nấu. Thông thường, sau đó nồi cơm điện sẽ chuyển sang chế độ “hâm nóng” để tiết kiệm năng lượng, giữ cơm đã chín ở nhiệt độ an toàn, tự động ngắt nguồn điện.
Nồi cơm điện đã trở thành vật dụng quen thuộc không thế thiếu trong mỗi gia đình. Nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian đun nấu mà lại có những bát cơm dẻo ngon. Không những thế, nồi cơm điện còn có nhiều chức năng như hấp, nấu cháo, làm bánh, hầm. Chỉ với một chiếc nồi, chúng ta có thể làm bất cứ món gì mình muốn. Nó giống như cầu nối gắn kết cả gia đình với những bữa cơm đầm ấm sum họp.
Trong quá trình sử dụng, cần biết cách để giữ cho nồi bền. Ngay khi đi chọn mua, bạn nên cắm điện thử ngay tại nơi bán, kiểm tra các nút nấu có hoạt động chính xác hay không. Kiểm tra cả trong lẫn ngoài đảm báo nồi không bị trầy xước bên ngoài và ruột men bên trong tráng chống dính không bị bong tróc. Trước khi cho ruột vào nấu, nên lau khô mặt ngoài của ruột nồi. Thường xuyên lau chùi, giữ cho lỗ thông hơi trên vỏ sạch sẽ, thoáng. Không mở nắp quá nhiều khi nồi đang nấu để tiết kiệm điện. Ngoài ra, không nên để cơm chín quá 12 giờ mà không dùng, không rút điện gây hại cho nguồn điện. Thường xuyên lau chùi vỏ nồi và vệ sinh ruột nồi đúng cách để bảo vệ lớp men chống dính. Sử dụng đúng chức năng có ở nồi. Nếu nồi chỉ dùng để nấu cơm, không xào nấu để giữ tuổi thọ của nồi. Chiếc nồi cơm điện có sử dụng tốt được lâu hay không là nhờ vào cách bảo quản của người dùng.
Với sự phát triển tốc độ của kỹ thuật số, giống như nhiều thiết bị, vật dụng khác, nồi cơm điện cũng được cải tiến từng ngày. Nồi cơm điện đi vào đời sống sinh hoạt, có mặt ở khắp thế giới và trở thành một phần trong cuộc sống của con người.
13. Thuyết minh về chiếc xe đạp
Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn. Những cuộc cách mạng khoa học đã từng bước nâng đời sống con người lên tầm cao mới. Một trong những phát minh vĩ đại không thể không nhắc tới của toàn nhân loại là xe đạp. Đó là phương tiện quen thuộc trong giao thông.
Chiếc xe đạp đầu tiên ra mắt năm 1817 bởi Baron von. Chiếc xe này phải dùng đến lực của hai bàn chân chứ không có bánh như ngày nay. Bánh xe ở đằng trước rất to có tác dụng giúp việc dừng lại dễ dàng hơn. Đến năm 1879, một người nước Anh đã sáng tạo ra xích để truyền lực cho bánh sau giúp xe lăn bánh. Năm 1885, J.K.Sartley cải tiến hai bánh xe cùng kích cỡ và thêm khung xe thép. Năm 1887 John Boyd Dunlop tiếp tục cải tiến bánh xe bằng cách thêm ống hơi cho cao su vào bánh để xe chạy êm hơn. Sau đó, người ta còn khiến cho bánh xe có thể tháo lắp linh hoạt. Năm 1920 xe đạp sử dụng hợp kim nhẹ, xe nhẹ đi đáng kể. Qua thời gian, người ta dần cải tiến xe đạp và cho ra nhiều chức năng, lợi thế hơn. Hiện nay xe đạp có mặt trên thị trường với đa dạng mẫu mã, mục đích sử dụng và kích thước như: xe thiết kế cho phụ nữ, đàn ông, trẻ con, xe đua, xe leo núi.
Xe đạp được cấu tạo bởi nhiều bộ phận. Quan trọng là hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển và hệ thống chuyên chở. Hệ thống truyền động gồm khung xe, bàn đạp, trục giữa, ổ bi giữa, dây xích, đĩa, ổ líp, hai trục, ổ bi và hai bánh trước sau. Khi đi, ta ngồi lên xe, chân đạp bàn đạp làm trục xe chuyển động, đĩa chuyển động theo kéo dây xích làm ổ líp và bánh sau chuyển động, tạo lực đẩy để xe tiến về phía trước. Đĩa răng cưa có đường kính lớn và nhiều răng cưa. Ổ líp chuyển động 2 vòng thì đĩa mới chuyển động một vòng. Bánh xe hình tròn, có nhiều thanh sắt được ghép chụm lại ở tâm bánh gọi là vành. Đường kính bánh xe được thiết kế tùy theo đối tượng, mục đích sử dụng nhưng lớn gấp nhiều lần ổ líp. Ban đầu, bánh xe chỉ làm bằng gỗ, khi chạy xe bị xóc. Dần dần người ta dùng cao su, lốp ở ngoài, săm ở trong, khi bơm đủ hơi, có lực đàn hồi, xe giảm xóc.
Hệ thống điều khiển gồm ghi đông có hai tay cầm xoay đủ 180 độ trái phái, có ổ bi, nhờ vậy xe được lái đi theo ý muốn dễ dàng. Phanh xe gồm tay phanh, dây phanh lắp ở hai đầu tay cầm, điều khiển tốc độ nhanh chậm. Ghi đông vừa là tay lái, vừa giúp người lái giữ thăng bằng.
Hệ thống chuyên chở gồm yên xe và dàn đèo hàng hoặc giỏ đựng. Yên xe lắp ở trên khung xe thường bọc da, là chỗ ngồi của người đi xe. Dàn đèo hàng lắp ở phía sau yên, dựa trên trục bánh xe sau, kích thước đa dạng. Cũng có chiếc xe lắp bộ phận này ở phía trước, dựa trên trục bánh xe trước.
Ngoài các bộ phận chính như trên, xe đạp còn có cái chắn xích và hai chắn bùn, chuông báo ở tay cầm để xin đường, đèn lắp ở bánh xe. Khi trời tối, đạp xe tạo ra nhiệt, nhiệt chuyển hóa thành điện năng làm đèn sáng có tác dụng soi đường. Xe đạp có thể lắp giỏi hoặc không. Giỏ xe được làm bằng nhiều chất liệu, màu sắc phong phú dùng đựng hoặc tăng vẻ đẹp cho xe.
Xe đạp là phương tiện giao thông quen thuộc mà mọi người ưa chuộng. Xe đạp dễ sử dụng , giá thành không đắt đỏ, chỉ cần vài lần tập luyện là có thể điều khiển được. Tốc độ không cao nhưng an toàn, lại sử dụng sức người nên vừa có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường vừa giúp con người rèn luyện sức khỏe. Trong thi đấu thể thao, đua xe đạp là bộ môn nhận được đông đảo sự quan tâm. Xe đạp cũng là sự lựa chọn lý tưởng khi đến các công viên, ta có thể vừa cùng nhau đạp xe vừa hít thở không khí trong lành. Đối với Việt Nam, xe đạp còn có ý nghĩa trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đó là phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực chính của chúng ta, góp phần không nhỏ vào chiến thắng dân tộc. Ngày nay chiếc xe đạp đã trở thành phương tiện thuận lợi cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Khoa học kỹ thuật phát triển cho ra đời nhiều phương tiện hiện đại hơn. Nhưng xe đạp vẫn là sự lựa chọn quen thuộc của nhiều người. Đó thực sự là một phát minh vĩ đại trong lịch sử nhân loại.
14. Thuyết minh về chiếc cặp sách
Suốt quãng đời đi học, người học sinh luôn có rất nhiều người bạn đồng hành như sách, vở, bút, thước. Đó là những người bạn tuy nhỏ bé nhưng lại không thể vắng mặt. Trong số những dụng cụ học tập thì chiếc cặp cũng là một vật dụng vô cùng gần gũi, gắn bó với người học sinh trong những năm tháng cắp sách đến trường.
Cặp sách chắc chắn là một trong những phát minh hữu ích nhất của loài người. Nước Mỹ là nước đầu tiên sản xuất ra chiếc cặp sách vào năm 1988. Từ đó, cặp sách đã được sử dụng phổ biến ở Mỹ và lan rộng ra toàn thế giới.
Chiếc cặp sách có cấu tạo rất đơn giản. Phía ngoài chỉ có mặt cặp, nắp mở, quai xách để cầm tay hoặc quai đeo để đeo trên lưng. Phía trong cặp được cấu tạo thành nhiều ngăn to nhỏ khác nhau để đựng sách vở, bút thước. Một số cặp còn có ngăn đựng áo mưa hoặc chai nước.
Để làm ra một chiếc cặp bao gồm những công đoạn chính như: lựa chọn chất liệu, xử lí chất liệu, khâu may, ghép nối. Chất liệu cặp cũng vô cùng phong phú, đa dạng, tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích của người dùng. Cặp có thể làm từ vải nỉ, vải bố hoặc da… Dù làm bằng chất liệu gì thì yêu cầu quan trọng nhất là cặp phải chắc chắn vì nó dùng để chứa nhiều sách vở. Khâu xử lí để tái chế lại chất liệu, bớt mùi nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chất liệu đó. Hiện nay, thông thường các xí nghiệp thường sử dụng máy may để may các phần của cặp lại với nhau theo thiết kế. Cuối cùng, các phần được ghép nối lại thành chiếc cặp hoàn chỉnh rồi tung ra thị trường. Các loại cặp hiện nay cũng vô cùng đa dạng với nhiều mẫu mã và giá tiền khác nhau phù hợp với người tiêu dùng. Có cặp táp, cặp da, balô. Một số thương hiệu nổi tiếng như Hồng Hà, Thủ đô vàng, cặp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Giá một chiếc cặp sách dao động khoảng vài trăm nghìn.
Mỗi đối tượng sẽ có cách sử dụng cặp khác nhau. Đối với học sinh nữ sẽ dùng tay xách cặp hoặc ôm cặp vào người để thể hiện sự dịu dàng, thùy mị, nữ tính. Còn học sinh nam có xu hướng đeo chéo cặp sang một bên trông rất tự tin, năng động. Học sinh tiểu học thì thường đeo cặp trên lưng để dễ chạy nhảy, chơi đùa cùng bạn bè.
Cặp sách dù tốt, dù bền như thế nào cũng sẽ hỏng nếu chúng ta không biết cách bảo quản và sử dụng. Như ông cha ta đã nói: “Của bền tại người”, để chiếc cặp sách được bền lâu, chúng ta cần thường xuyên lau chùi, vệ sinh để giữ độ mới của cặp. Không nên quăng cặp quá mạnh để tránh cặp bị rách. Khi trời mưa cần tránh để cặp không bị dính nước. Nếu để cặp ở những không gian hẹp như hộc tủ, hộc bàn sẽ gây chèn ép, làm cặp bị cong và vênh. Bên cạnh đó, một điểm cần lưu ý khác là không nên đựng khối lượng quá nặng so với sức chứa của cặp.
Một số lời khuyên để sử dụng cặp đúng cách: chiếc cặp khi đeo không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Nên xếp những đồ vật nặng nhất ở phần tiếp giáp với lưng, sách vở và đồ dùng xếp sao cho không bị xô lệch. Để tránh bị cong vẹo người, hai quai nên được đeo một cách ngay ngắn, đối với loại cặp chỉ có một quai thì cần thay đổi vai đeo cho đỡ mỏi.
Chiếc cặp là một vật dụng rất hữu ích và cần thiết trong quá trình học tập và làm việc của con người. Hiện tại hay mai sau, chiếc cặp vẫn sẽ giữ nguyên vai trò và giá trị của nó, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.
15. Thuyết minh về chiếc bàn học
Chiếc bàn học là một đồ dùng học tập và sinh hoạt rất thân thiết với mỗi chúng ta thời cắp sách tới trường. Chiếc bàn học là người bạn gần gũi, thân thuộc của mỗi lứa tuổi học sinh lúc ở trường cũng như lúc ở nhà.
Chiếc bàn học xuất hiện từ thời xa xưa, khi con người có kiến thức thì chiếc bàn học được ra đời, theo thời gian qua nhiều giai đoạn nhiều quá trình con người đã thiết kế ra một sản phẩm đa dạng – chiếc bàn học phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh để phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của con người.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bàn học đa dạng phong phú với nhiều hãng khác nhau, chiếc liệu phù hợp với túi tiền của người mua. Mỗi học sinh ngoài học ở trường ban ngày còn phải tự học ở nhà nên ngày nay, cho ra đời hai loại bàn phổ biến bàn học trên lớp và bàn học ở nhà. Đặc biệt khi viết muốn nét chữ được đẹp, mềm mại, việc học trở nên dễ dàng hơn thì chiếc bàn học nào cũng vậy, phải có mặt bàn phẳng, nhẵn. Nếu mặt bàn gồ ghề thì chắc hẳn mỗi học sinh đều thấy chán nản với việc học của mình, không thích góc học tập của mình. Vật liệu để làm chiếc bàn học thường bằng gỗ, nhưng phần lớn bằng gỗ thường, bàn học thường gồm: mặt bàn, ngăn bàn và chân bàn, thuyết minh về chiếc bàn học của em
Ở trường học hiện nay, chiếc bàn học thường gắn liền với ghế ngồi để tránh những trường hợp ghế bị đổ. Mặt bàn phẳng, hình chữ nhật, có chiều dài độ 110-120 cm, chiều rộng khoảng 50-60 cm. Bốn chân bàn được đóng bằng gỗ chắc chắn, vững chãi. Bàn có ngăn bàn thụt lại, được đóng cố định để đựng sách vở. Ghế cách bàn khoảng 15 cm giúp học sinh giữ đúng tư thế khi ngồi, không bị vẹo cột sống. Một số ghế có lưng tựa giúp học sinh không bị mỏi lưng, giúp cho việc học trở nên thoải mái.
Ở nhà, trong góc học tập của mỗi người học trò đều có một cái bàn. Tùy theo kích thước của phòng học, sở thích của mỗi người mà cái bàn học có dài, rộng, hẹp khác nhau. Đời sống kinh tế ngày càng phát triển nhu cầu của con người càng cao đã khiến cho nhiều hãng sản xuất bàn ghế ra đời. Tuy nhiên, hãng sản xuất bàn ghế có uy tín trên cả nước hiện nay được người dùng tin tưởng là bàn ghế Xuân Hòa, loại bàn được sử dụng rộng rãi thường là loại có mặt bàn bằng gỗ tấm bào nhẵn hoặc gỗ dán phẳng lì được sơn màu bóng nhoáng trông rất đẹp. Tuy vậy loại bàn này rất dễ hỏng. Thông thường, bàn học ở nhà cũng có bốn chân để nâng đỡ mặt bàn để chiếc bàn ở tư thế vững chắc. Tùy theo loại bàn, con người thiết kế chân bàn khác nhau như hình vuông, hình chữ nhật. Để tạo nên vẻ thẩm mĩ, người ta thiết kế chân bàn bằng các con tiện.
Cái bàn nào cũng cần chiếc ngăn kéo vì nó là nơi làm ngăn bàn đựng đồ dùng, sách vở.Góc học của một học sinh, trên chiếc bàn học còn có giá để sách giúp đựng được nhiều sách vở hơn, làm bàn học trở nên ngăn nắp hơn.
Chiếc bàn học là người bạn thân thiết của ta, ta phải biết yêu quý, trân trọng và bảo vệ. Để chiếc bàn học không bị hỏng thì không được xô đẩy bàn ghế, không được trèo lên bàn ghế, không vẽ bậy nên bàn, giữ bàn luôn ngay ngắn. Nên sắp xếp sách vở gọn gàng sau khi học xong. Chỉ nhìn qua những thứ xếp đặt, bày biện trên mặt bàn là có thể hiểu được phần nào đạo đức, nếp sống, nếp sinh hoạt và tinh thần học tập của cô, cậu học trò – chủ nhân của chiếc bàn học ấy. Vì vậy, ta cần có ý thức giữ gìn bàn học ở lớp cũng như ở nhà, nên trang trí học tiết vào bàn học ở nhà để nơi học tập thêm sinh động và đa dạng.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.