Top 13 Xem Nhiều Nhất Văn Khấn Cúng Bà Cậu / 2023 Mới Nhất 11/2022 Top Like – HTNC

Rate this post

Tín ngưỡng thờ Bà Cậu có nguồn gốc ở miền Trung, được các ngư dân mang vào Nam Bộ từ khoảng xuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là tín ngưỡng xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là thần Nước, Mẫu Thủy, Mẫu Thoải. Trong dân gian, Mẫu Thoải là hóa thân lần thứ ba của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được gọi là Mẫu Đệ Tam. Mẫu Đệ Tam cai quản vùng sông nước, biển cả và luôn luôn cứu độ cho dân cư khu vực này. Binh tướng của bà là các thần dưới dạng rắn, thuồng luồng- có sức mạnh dẹp yên sóng gió, có khả năng làm mưa, chống lũ lụt, hồng thủy… Ngư dân tin rằng khi đi biển, nếu gặp bão thì Bà sẽ cứu giúp. Tín ngưỡng Mẫu Thoải rất phổ biến ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và khi vào đến Nam Bộ thì việc phối thờ Thiên Y A Na Bà Chúa Ngọc cùng hai người con (Cậu Trài (Tài)- Cậu Quí) tạo thành tục thờ đặc trưng của cư dân biển đảo là thờ Bà Cậu.1

Nghi thức hạ thủy bè thủy lục tại Lễ Tống ôn ở Miếu bà Xóm Chài (Cái Răng- Cần Thơ). Ảnh: DUY KHÔI

Người đi ghe xuồng mỗi buổi sáng đều thắp nhang cầu mong Bà Cậu phù hộ những điều tốt lành. Ảnh: DUY KHÔI

Sở dĩ dân miền sông nước thường cúng Bà Cậu bằng vịt vì quan niệm, với nghề nghiệp và cuộc sống của họ, hạnh phúc và thành đạt là ghe, tàu đi đến nơi về đến chốn. Ngược lại, điều luôn làm họ lo lắng là tai họa, không may phương tiện bị rủi ro va chạm, đụng chìm… đồng nghĩa với thất bại, phá sản, giải nghệ. Chính vì vậy phương tiện nổi đi nhanh an toàn trong mọi điều kiện luôn là yêu cầu số một đối với người mưu sinh trên sông nước. Trong khi đó, con vịt luôn luôn nổi và bơi lướt nhanh trên mặt nước. Thế là họ thường dâng cúng Bà cặp vịt. Mặc dù đối với nhà Phật, đức Bồ Tát không dùng đồ mặn, nhưng người dâng cúng “lý sự” rằng, Bà không ăn vịt mà dùng vịt để cưỡi đi giúp các ghe, tàu mỗi khi gặp sóng to, gió lớn, vượt qua các chướng ngại trên luồng để đi đến nơi về đến chốn an toàn.2

Trong khi đó, Bà Cậu được Huỳnh Tịnh Paulus Của ghi nhận trong Đại Nam Quấc âm tự vị trong mục từ Bảy bà ba cậu là: Bà chúa Tiên, bà chúa Ngọc, bà chúa Xứ, bà chúa Động, bà Cố Hỉ, bà Thủy, bà Hỏa; cậu Trày, cậu Quí đều là con bà chúa Ngọc, làm bạn với một vị thái tử mà sinh ra; còn có cậu Lý, cậu Thông, nói theo vần kể có ba cậu. Về hai người sau không rõ sự tích.3

Lại có quan niệm cho rằng, đánh bắt cá vốn là nghề kiếm sống của những người hạ bạc (hiểu là nghèo khổ cùng cực nhất trong xã hội thời xưa, nên được xếp đứng đầu trong tứ nghệ khổ: ngư, tiều, canh, mục), bởi thế có câu: Cùng nghề đi tát, mạt nghề đi câu. Nói cách khác, ngư dân là những người bạc phận nhất, cực chẳng đã mới làm cái nghề đi vào ngõ cụt: Nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá. Chính vì vậy ngư dân phải tự tìm cho mình sự che chở của một thế lực siêu hình mà theo họ là đầy quyền năng: Bà Cậu, xem như Thủy thần- chỗ dựa tâm linh, để cầu xin được phù hộ độ trì. Thế mới được an lòng!

Thủy thần là vị thần bảo hộ cho những người sống nghề sông nước, là một đối tượng được nghĩ ra trên cơ sở phối hợp pha lẫn các truyền thuyết sẵn có từ thuở xa xưa đem từ miền ngoài vào, rồi tự tâm thức, bà con đặt định một danh hiệu rất chung chung: Bà Cậu. Không ít người đã cố gắng lý giải về nguồn gốc, danh tánh, nhưng dân gian kể cả những người sống nghề hạ bạc cũng không mấy ai quan tâm đến thần tích tuy luôn rất thành kính, sợ hãi. Với họ, có hai loại thủy thần: tốt, thân thiện thì Bà Cậu; còn xấu, gây tai họa cho người là… Hà Bá và Bà Thủy.4

Ở Cần Thơ, Bà Cậu không chỉ được thờ trong khoang ghe, tàu mà còn được xây miếu thờ. Ngôi miếu này hiện tọa lạc tại khu vực Xóm Chài, thuộc khu vực 3, phương Hưng Phú, quận Cái Răng. Đây là ngôi miếu được xây dựng từ rất lâu đời, cách đây khoảng 120 năm. Trước đây, cư dân khu vực này sống bằng nghề chài lưới, đánh cá… mà công việc này hằng ngày phải đối với diện với bao hiểm nguy của sông sâu nước chảy, sóng to gió lớn… nên cần có sự che chở của một vị thần để vững tâm trong công cuộc mưu sinh. Và Bà Cậu- với tư cách là vị thần cai quản vùng sông nước, có thể đem đến cho họ sự bình an trong tâm tưởng nên dân làng chung tay xây miếu thờ Bà, mong Bà phù hộ cho sóng yên gió lặng, mọi người được bình yên, tôm cá đầy thuyền. Miếu Bà Xóm Chài lúc đầu được xây dựng đơn giản bằng cột gỗ, lợp lá. Sau một thời gian dài, ngôi miếu xuống cấp, hư hỏng, dân làng mới góp tiền xây lại ngôi miếu khang trang như hiện nay. Trong miếu, ngoài việc thờ Bà Cậu, dân làng ở đây còn thờ Bà Chúa Xứ, Tả Ban, Hữu Ban, Thành Hoàng và Phật Di Lặc. Nhìn chung, việc thờ cúng ở miếu Bà Xóm Chài không khác mấy so với cơ cấu thờ cúng ở đình làng. Ngay cả lễ cúng Bà hằng năm cũng là mô phỏng lễ hội Kỳ Yên ở đình làng.

Hằng năm, miếu Bà có hai kỳ cúng lớn, đó là ngày 13, 14 tháng Giêng âm lịch và ngày 23, 24 tháng 4 âm lịch. Trong đó, lễ cúng vào tháng Giêng là lớn nhất, có học trò lễ, có thuyền tống ôn, thu hút hàng trăm lượt người đến tham dự. Phẩm vật cúng Bà trong các ngày này gồm có: heo trắng làm sẵn, gà, cháo ám, trái cây… Trong đó, heo gà dùng cúng Bà Cậu, còn cháo ám dùng để cúng binh.

Mặc dù người dân nơi đây không biết Bà Cậu là ai nhưng niềm tin của họ đối với Bà Cậu là tuyệt đối. Họ tin rằng, mọi bất trắc trên sông nước mà quá trình làm nghề họ gặp phải đều có Bà Cậu che chở. Vì lẽ đó, tín ngưỡng thờ Bà Cậu của người dân Cần Thơ là thể hiện sự tri ân của dân làng đối với đấng bề trên, cho họ một cuộc sống ấm no đủ đầy, bình an, hạnh phúc. Đồng thời qua đó còn thể hiện lòng ước mong mỗi cuộc hải trình ra khơi được đi đến nơi về đến chốn, sóng yên gió lặng, tôm cá đầy thuyền.

Trần Phỏng Diều