Top 12 thuốc trị mụn trứng cá dạng bôi và uống tốt nhất hiện nay
Mụn trứng cá thường bắt đầu ở tuổi dậy thì, ảnh hưởng đến nhiều thanh thiếu niên, thanh niên và có thể tiếp tục ở độ tuổi trưởng thành đến 30 – 40 tuổi. Khoảng 85% người trong độ tuổi từ 12 – 24 bị mụn trứng cá nhẹ. Có nhiều loại thuốc trị mụn trứng cá, sau đây là top 12 thuốc trị mụn trứng cá dạng bôi và uống phổ biến hiện nay.
Nội Dung Chính
Thuốc trị mụn trứng cá hoạt động như thế nào?
Thuốc trị mụn hoạt động bằng cách giảm sản xuất dầu, giảm sưng tấy hoặc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Các loại thuốc trị mụn theo toa, có thể không thấy kết quả trong vòng 4 – 8 tuần mà phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để loại bỏ hoàn toàn mụn trứng cá. (1)
Các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp tùy thuộc vào độ tuổi, loại mụn, tình trạng mụn trứng cá của người bệnh. Bác sĩ có thể cho người bệnh rửa, bôi thuốc lên vùng da bị ảnh hưởng 2 lần/ngày trong vài tuần. Hoặc có thể kết hợp thuốc bôi và thuốc uống, thường được sử dụng kết hợp.
Các lựa chọn điều trị cho phù hợp cho phụ nữ mang thai để tránh gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Người bệnh cần tái khám cho đến khi da được cải thiện.
Những tiêu chí lựa chọn thuốc chữa mụn trứng cá
Người bệnh có thể mua nhiều loại thuốc trị mụn tại nhà thuốc để điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình như: sữa rửa mặt, gel, bọt, khăn lau…
Trước khi quyết định mua thuốc trị mụn, người bệnh cần lưu ý những tiêu chí lựa chọn thuốc chữa mụn trứng cá như: (2)
Các sản phẩm trị mụn tốt nhất cho bạn tùy thuộc vào loại da, loại mụn và sở thích chăm sóc da.
Sản phẩm có chứa benzoyl peroxide, adapalene: người bệnh có thể bắt đầu trị mụn với sản phẩm có chứa benzoyl peroxide, adapalene hoặc cả hai. Nếu mụn nhẹ sẽ có kết quả sau vài ngày.
Bắt đầu với các sản phẩm trị mụn có độ mạnh thấp giúp giảm thiểu tình trạng da bị viêm, khô, kích ứng…. Sau đó, tăng dần độ mạnh của sản phẩm hoặc tần suất sử dụng sản phẩm đó.
Sử dụng nhiều sản phẩm, mỗi sản phẩm có một hoạt chất hoặc sự kết hợp các thành phần khác nhau. Người bệnh có thể thoa sản phẩm này vào buổi sáng, thoa sản phẩm khác vào buổi tối.
Chọn hình thức điều trị mụn phù hợp: hạn chế xà phòng, kem, gel hoặc thuốc mỡ. Kem ít gây kích ứng hơn gel hoặc thuốc mỡ (gel có thể khiến da cảm giác bị châm chích, khô da, thuốc mỡ có thể bóng dầu, dễ dính bẩn). Nhưng gel, thuốc mỡ bôi vào da tốt hơn. Khi điều trị mụn, người bệnh có thể thử các sản phẩm khác nhau để tìm được sản phẩm phù hợp.
Cần kiên nhẫn trong quá trình điều trị mụn trứng cá bằng các sản phẩm bôi ngoài da vì có thể mất 2 – 3 tháng sử dụng mới có kết quả. Đôi khi, mụn trứng cá có thể trở nên nhiều hơn trước khi thuyên giảm.
Danh sách các loại thuốc trị mụn trứng cá tốt nhất hiện nay
Có nhiều loại thuốc trị mụn trứng cá, tùy vào mức độ mụn, tình trạng da mà có những phương pháp điều trị mụn khác nhau. Dưới đây là các loại thuốc trị mụn trứng cá thường sử dụng hiện nay:
1. Thuốc bôi trị mụn trứng cá
Đối với mụn trứng cá mới khởi đầu hoặc mụn trứng cá nhẹ, thường chỉ cần dùng thuốc bôi cũng có thể chữa lành bệnh mụn. ( 3
Thuốc bôi đặc trị mụn trứng cá có dạng nước, dạng gel hoặc kem dùng để thoa lên da vào buổi sáng và trước khi đi ngủ sau khi rửa mặt. Có một số loại thuốc bôi có bán tại nhà thuốc và một số loại thuốc khác cần được bác sĩ kê toa.
Các sản phẩm trị mụn không cần kê toa (OTC) thường chứa hoạt chất axit salicylic hoặc benzoyl peroxide khiến da giảm sản xuất dầu, chống viêm, điều trị và ngăn các vết thâm xuất hiện.
Nếu các sản phẩm OTC không đủ mạnh, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc bôi theo toa. Các loại gel hoặc kem trị mụn này có chứa tretinoin (một loại thuốc retinoid có nguồn gốc từ vitamin A), một dạng mạnh hơn của benzoyl peroxide hoặc kháng sinh clindamycin để tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả hơn khi mụn trứng cá ở mức độ trung bình đến nặng.
1.1 Axit salicylic
Axit salicylic giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa hình thành mụn mới. Người bệnh có thể dùng các sản phẩm axit salicylic không cần kê toa với nồng độ từ 0,5% – 2% ở những sản phẩm tẩy rửa, tẩy trang. Các tác dụng phụ có thể xảy ra như: hơi châm chích, đổi màu da, kích ứng da nhẹ.
1.2 Benzoyl peroxide
Benzoyl peroxide tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá, giúp loại bỏ dầu thừa và các tế bào da chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Các sản phẩm benzoyl peroxide có thể mua không cần toa có nồng độ từ 2,5% – 10%.
Người bệnh nên bắt đầu với sản phẩm dạng nước có nồng độ thấp hơn 2,5% để giảm nguy cơ ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc như: khô da, đóng vảy, kích ứng, nóng rát, châm chích… Hãy cẩn thận khi sử dụng benzoyl peroxide, vì có thể tẩy trắng tóc và quần áo.
1.3 Retinoids
Retinoids loại bỏ các tế bào da chết khỏi bề mặt da (tẩy tế bào chết), giúp ngăn sự tích tụ trong nang lông.
Tretinoin, adapalene là retinoids có dạng gel hoặc kem, thường được bôi mỗi ngày 1 lần trước khi đi ngủ để điều trị mụn trứng cá. Người bệnh có thể bôi lên mụn trứng cá 20 phút sau khi rửa mặt với lượng vừa phải, tránh tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, tia cực tím. Các tác dụng phụ thường gặp của retinoids bao gồm: kích ứng nhẹ, châm chích trên da.
Retinoids không phù hợp để sử dụng trong thời kỳ mang thai, vì có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh.
1.4 Kem kháng sinh
Thuốc kháng sinh có dạng kem dưỡng da hoặc gel được bôi 1 hoặc 2 lần/ngày giúp tiêu diệt vi khuẩn trên da gây nhiễm trùng nang lông. Nếu đã dùng thuốc kháng sinh bôi từ 6 – 8 tuần mà tình trạng mụn không cải thiện hoặc nặng hơn thì nên dừng lại và đi gặp bác sĩ da liễu. Bởi vì vi khuẩn trên mặt có thể kháng thuốc kháng sinh, làm cho mụn trứng cá nặng hơn hoặc nhiễm trùng.
Tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng sinh như: da kích ứng nhẹ (đỏ, rát), lột da.
1.5 Axit azelaic
Axit azelaic giúp ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc, kháng khuẩn nhẹ. Các sản phẩm axit azelaic không kê đơn có nồng độ 10%, giúp cải thiện các vết thâm do mụn gây ra (tăng sắc tố sau viêm).
Nếu tác dụng phụ của benzoyl peroxide hoặc retinoids gây khó chịu, đau đớn, người bệnh sẽ phải dùng axit azelaic để điều trị mụn trứng cá.
Axit azelaic có sẵn ở dạng kem hoặc gel, thường được bôi 2 lần/ngày (hoặc 1 lần/ngày nếu da nhạy cảm), hoạt động bằng cách loại bỏ da chết, tiêu diệt vi khuẩn.
Người bệnh sẽ cần sử dụng axit azelaic trong 1 tháng trước khi mụn được cải thiện. Các tác dụng phụ của axit azelaic thường nhẹ như: da bị bỏng hoặc châm chích, ngứa ngáy, khô da, đỏ da.
2. Thuốc uống trị mụn trứng cá
Thuốc uống trị mụn trứng cá là phương pháp điều trị toàn thân vì chúng được hấp thụ khắp cơ thể. Những loại thuốc này thường được bác sĩ kê đơn để người bệnh sử dụng điều trị mụn trứng cá vừa đến nặng do không đáp ứng với các thuốc bôi. Các loại thuốc trị trứng cá thường dùng bao gồm:
2.1 Thuốc kháng sinh
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh dùng để trị mụn như: doxycycline, clarithromycin…. giúp chống lại vi khuẩn, nhiễm trùng đồng thời có tác dụng làm giảm việc tiết bã nhờn. Nếu mụn nhẹ, mụn mới khởi đầu thì sẽ dùng kháng sinh bôi, nếu mụn không cải thiện sẽ dùng kháng sinh uống.
2.2 Thuốc tránh thai
Chỉ dùng thuốc tránh thai để trị mụn khi thuốc kháng sinh không hiệu quả và mụn trở nên nặng hơn. Thuốc tránh thai đường uống có tác dụng điều trị mụn thông qua việc điều chỉnh nồng độ nội tiết tố androgen, ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn trong cơ thể.
Androgen là nội tiết tố nam, kích thích da sản xuất bã nhờn. Buồng trứng, tuyến thượng thận ở phụ nữ thường sản xuất ra lượng androgen thấp, nhưng nếu androgen sản xuất quá nhiều sẽ làm bã nhờn dư thừa gây ra mụn trứng cá.
Có 3 loại thuốc tránh thai đường uống giúp trị mụn được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng trong điều trị mụn trứng cá bao gồm:
Ortho Tri-Cyclen: kết hợp norgestimate và ethinyl estradiol.
Estrostep: kết hợp norethindrone acetate và ethinyl estradiol.
Yaz: kết hợp drospirenone và ethinyl estradiol.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai thường gặp như: buồn nôn, nhức đầu, đau bụng, đau ngực, giảm ham muốn tình dục. Trường hợp nặng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng hơn: huyết áp cao, hình thành các cục máu đông, đau tim…
Do đó, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc tránh thai để trị mụn hoặc lạm dụng thuốc tránh thai để tránh ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc. Việc điều trị mụn bằng thuốc tránh thai cần được bác sĩ chỉ định tùy vào tình trạng mụn của người bệnh.
Thuốc tránh thai điều chỉnh nồng độ hormone giúp cải thiện mụn với một số phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ không nên sử dụng thuốc tránh thai khi mang thai để trị mụn vì có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
Ngoài ra còn có một số thuốc khác trị mụn trứng cá nhưng cần được bác sĩ ra toa và theo dõi trong quá trình dùng thuốc.
3. Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Phương pháp điều trị phù hợp tùy thuộc vào tình trạng mụn của từng người bệnh. Nếu mụn nhẹ đến trung bình như: mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen, việc điều trị sẽ nhanh chóng, dễ hơn. Tuy nhiên, nếu mụn nang (có 1 hoặc nhiều nang lớn, đau, màu đỏ nằm dưới bề mặt da) hoặc mụn viêm, việc điều trị có thể khó hơn. Bác sĩ da liễu sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng loại mụn.
Ngoài việc dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi mụn trứng cá, một số thủ thuật y tế cũng có thể được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nặng. Các thủ thuật này thường được bác sĩ thực hiện tại phòng khám (có thể gây đau, 1 số trường hợp để lại sẹo). Các phương pháp điều trị mụn trứng các không dùng thuốc bao gồm:
3.1 Trị liệu bằng ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng là dùng ánh sáng laser, IPL hoặc ánh sáng xanh để giúp giảm lượng vi khuẩn trên da gây ra mụn trứng cá, cải thiện tình trạng nhiễm trùng.
3.2 Lột da hóa học và siêu mài mòn
Lột da hóa học và mài da siêu nhỏ giúp loại bỏ lớp trên cùng của da (kể cả mụn đầu trắng, mụn đầu đen).
3.3 Cẩn trọng trị mụn khi mang thai
Khi mang thai, đa số phụ nữ thường bị nổi mụn trứng cá nhưng các lựa chọn điều trị không giống như những người khác. Phần lớn các loại thuốc dùng để điều trị mụn trứng cá ở thanh thiếu niên, người lớn đều không an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc độ an toàn của thuốc vẫn chưa được kiểm chứng.
Retinoids có hại cho thai nhi đang phát triển nếu sử dụng với số lượng lớn. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tretinoin.
Isotretinoin có thể gây dị tật bẩm sinh, tetracycline làm đổi màu răng của bé nên phụ nữ mang thai không nên sử dụng. Thuốc isotretinoin cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, ảnh hưởng đến mức cholesterol và chức năng gan.
Các sản phẩm trị mụn tương đối an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai là những sản phẩm có chứa benzoyl peroxide.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai tốt nhất nên đến bác sĩ tư vấn, chẩn đoán, áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp, không ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Việc phát hiện mụn và điều trị mụn trứng cá càng sớm càng tốt để tránh nổi mụn nhiều hơn, viêm nhiễm, khó điều trị hoặc để lại sẹo thâm. Do đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ khi:
Mụn đỏ xuất hiện trên mặt, ngực trên, lưng hoặc những nơi khác: cần đến bác sĩ khám, điều trị sớm để giúp người bệnh chăm sóc da an toàn, hiệu quả hơn.
Một số tình trạng khác như: mụn trứng cá đỏ, viêm nang lông…
Các trường hợp mụn trứng cá nhẹ thường được loại bỏ bằng các sản phẩm trị mụn không kê đơn. Mụn trứng cá có thể được điều trị khoảng 10 – 12 tuần, hoặc 3 tháng bằng phương pháp điều trị không kê đơn. Nếu mụn trứng cá không cải thiện sau khi sử dụng các sản phẩm trị mụn trứng cá không kê đơn.
Khi mụn viêm, nốt sần hoặc mụn nang từ trung bình đến nặng (cần ngưng sử dụng các sản phẩm không kê đơn).
Người bệnh bắt đầu nổi mụn trứng cá khi đang sử dụng các loại thuốc như: steroid, thuốc tránh thai…
Cảm thấy không tự tin khi mụn trứng cá xuất hiện.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có chuyên khoa Da liễu, với bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên chẩn đoán, điều trị các loại mụn và bệnh về da như: chàm, sẹo lồi, viêm da cơ địa, mề đay… Các bác sĩ da liễu sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng tình trạng bệnh.
- Gọi tổng đài 0287 102 6789 – 0287 300 6858 (TP HCM) hoặc 1800 6858 – 024 7106 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
- Đăng ký hẹn khám bệnh với bất kỳ bác sĩ nào mà mình tin tưởng tại đường link: https://tamanhhospital.vn/danh-cho-khach-hang/dat-lich-kham/
- Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc Fanpage Tiết niệu – Nam học BVĐK Tâm Anh
- Nhắn tin qua Zalo OA của BVĐK Tâm Anh.
Thuốc trị mụn trứng cá có nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng thuốc trị mụn trứng cá sẽ gây hại cho sức khỏe. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn, nhận những lời khuyên hữu ích trong việc điều trị và chăm sóc da an toàn, hiệu quả.