Top 12 các loại bánh ngày Tết Việt Nam mang đậm nét truyền thống độc đáo
Các loại bánh Tết luôn là niềm tự hào của người Việt vì nó mang đậm bản sắc dân tộc, phong phú và đa dạng theo từng vùng miền. Cùng Mordan Mooncake khám phá top 10 các loại bánh ngày Tết Việt Nam mang đậm nét truyền thống độc đáo nhé.
1. Bánh chưng
Bánh chưng là món bánh truyền thống ngày Tết mà hầu hết nhà nào cũng có, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc.
Chiếc bánh chưng hình vuông được bao bọc bởi lớp lá dong xanh mướt, tạo hương thơm mộc mạc gần gũi cho món bánh, bên trong là lớp nếp dẻo thơm ôm lấy phần nhân thịt mỡ có chút béo béo cùng đậu xanh mềm bùi. Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị truyền thống không thể nào quên, ăn cùng hành muối hoặc dưa món càng làm nổi bật lên sự mộc mạc của món bánh truyền thống này.
2. Bánh Tét
Nếu miền Bắc quen thuộc với bánh chưng thì miền Nam lại gần gũi với bánh tét vào mỗi dịp Tết đến. Thành phần cũng gần giống với bánh chưng nhưng bánh tét vẫn có nét riêng cho mình.
Chiếc bánh được gói thành hình trụ dài, hay còn được gọi là đòn, sử dụng lá chuối gói bên ngoài vừa tạo màu xanh tự nhiên cho bánh vừa tạo thương thơm gần gũi thân quen. Đằng sau lớp lá chính là lớp nếp dẻo thơm bao bọc lấy phần nhân thịt mỡ và đậu xanh truyền thống.
Ngoài ra bánh tét còn được sáng tạo với nhiều hương vị khác như: bánh tét đậu, bánh tét chuối, bánh tét lá cẩm, bánh tét ngũ sắc, … thể hiện sự phóng khoáng, khéo léo và sáng tạo.
3. Bánh giầy
Cùng nằm trong câu chuyện cổ tích “ bánh chưng bánh giầy “ thì làm sao không nhắc đến bánh giầy. Chiếc bánh giầy mềm dẻo, trắng trẻo hình tròn được là từ nếp đã nấu chín rồi giã nhuyễn ra, tạo thành hình tròn cho bánh rồi đặt lên lá chuối.
Bánh giầy tuy rất mộc mạc đơn giản, khi ăn chỉ cần chấm cùng ít muối tiêu hoặc ăn cùng giò chả nhưng lại mang đến cảm giác thích thú, vui miệng, là 1 trong những loại bánh ngày Têt không thể thiếu khi cúng tổ tiên.
Ngoài xuất hiện vào dịp Tết thì bánh dầy cũng thường xuyên xuất hiện ở các ngày lễ truyền thống, đặc biệt là ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương.
4. Bánh xu xê (bánh phu thê)
Bánh xu xê hay còn được gọi là bánh phu thê thường được dùng để làm lễ vật đựng tráp trong ngày ăn hỏi, 1 số nơi dùng làm món tráng miệng trong các tiệc cưới. Tuy nhiên đây cũng là loại bánh ngày Tết truyền thống của người miền Trung.
Tuy vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng lại được làm rất kỳ công, từ khâu xếp hộp bằng lá dừa đến chọn bột làm bánh sao cho bánh làm ra có màu trong đẹp, ít dừa nạo trộn vào phần bột giúp tăng hương thơm cho bánh, khi ăn cũng vui miệng hơn, và điểm nhấn chính là phần nhân đậu xanh mềm bùi ngọt ngọt khiến bạn say đắm.
5. Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh nổi tiếng là đặc sản của tỉnh Hải Dương, được làm từ đậu xanh quết nhuyễn, đường và 1 ít dầu thực vật, sau khi sơ chế các nguyên liệu, đậu xanh được đóng khuôn thành những viên bánh đậu xanh nhỏ hình vuông, bên ngoài gói lớp giấy bạc đặc trưng.
Khi ăn, bánh đậu xanh từ từ tan ra trong miệng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị mềm bùi của đậu xanh, chút ngọt của đường, và chút béo từ dầu thực vật. Bởi vì bánh có màu vàng và được cho là màu mang lại may mắn nên rất thường xuất hiện trong những ngày Tết, bánh đậu xanh ngon nhất là khi bạn kết hợp ăn bánh và uống trà.
6. Bánh in
Bánh in có xuất xứ từ Huế được làm từ nguyên liệu là bột nếp, bột năng, đường và đậu xanh được ép thành khuôn với lớp vỏ ngoài trắng tinh xốp mềm có chút dẻo, trên bề mặt bánh còn được in chữ Phúc, Lộc, Thọ, … ở giữa là phần nhân đậu xanh được sên mềm mịn ngọt bùi, bên ngoài gói giấy bóng nhiều màu sắc cho bắt mắt.
Món bánh này được cho là khá giống với món bánh khảo của người miền Bắc, bánh in là loại bánh ngày Tết thường được dâng lên ông bà tổ tiên để tỏ lòng biết ơn hoặc dùng để mời khách đến thăm nhà.
7. Bánh cộ
Nhiều người dễ lầm tưởng bánh cộ với bánh in của Huế là 1 nhưng bánh cộ lại khác hoàn toàn. Nhìn từ bên ngoài chiếc bánh cộ cũng được gói bằng những tờ giấy bóng nhiều màu sắc nhưng với kích thước bé hơn, chỉ to bằng khoảng 2 ngón tay. Khi cắn vào miếng bánh sẽ cảm nhận được độ giòn thơm mùi đậu xanh lẫn trong phần bột.
Bánh cộ có vị ngọt dịu dàng hơn, hương thơm đậu xanh cũng nhẹ nhàng hơn bởi nó không có nhân mà đậu xanh được hòa chung vào bột bánh. Bánh cộ sau khi đóng khuôn sẽ được mang đi sấy cho khô và giòn, gói lại bằng giấy bóng màu rồi xếp thành từng tháp, những tháp bánh cộ thường được đặt trên bàn thờ gia tiên vào mỗi dịp Tết hoặc những ngày lễ quan trọng của người dân xứ Huế.
8. Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là món ăn truyền thống của người Bình Định, không chỉ được dùng làm món ăn chơi hằng ngày, dùng làm quà biếu người thân mà bánh ít lá gai còn xuất hiện trong các dịp lễ quan trọng như cưới hỏi và cả dịp Tết.
Loại bánh này có hương vị và màu sắc rất riêng biệt, không thể lẫn với loại bánh nào khác. Phần lá gai được xay nhuyễn rồi trộn vào bánh đã làm nên hương thơm cũng như màu đen đặc trưng của bánh, lớp vỏ bánh dẻo thơm ôm trọn lấy phần nhân đậu xanh dừa mềm bùi béo thơm, khi ăn cảm giác vui miệng từ âm thanh sần sần khi nhai phải sợi dừa.
9. Bánh thuẫn
Bánh thuẫn là món bánh đặc trưng của người miền Trung và thường xuất hiện nhiều vào ngày Tết. Thoạt nhìn thấy bánh thuẫn sẽ giống với bánh bông lan nhưng khi ăn vào, bánh thuẫn lại có độ cứng và khô hơn do được làm từ bột bình tinh.
Sau khi nướng, bánh thuẫn sẽ bung nở như hoa mai, chính vì vậy mà bánh thuẫn còn được xem là loại bánh ngày Tết bởi tượng trưng cho năm mới may mắn, sung túc, an lành.
10. Bánh tổ
Bánh tổ có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào Hội An khoảng vào thế kỷ 16 – 17 và dần trở thành món bánh đặc sản của người dân Quảng Nam.
Nguyên liệu chính để làm bánh tổ là bột gạo nếp và đường, tùy vào từng địa phương mà có thể thêm mè hoặc gừng hoặc đậu đỏ, sau khi trộn bột xong thì mang đi hấp trong lá chuối. Bánh tổ có thể dùng trong vòng 8 – 12 ngày, để càng lâu, bánh càng rặc và ngon hơn.
11. Bánh pía
Bánh pía chính là đặc sản của Sóc Trăng, do người Hoa di cư đến đây và sáng tạo ra loại bánh này, đặc trưng chính là vỏ bánh ngàn lớp xốp mềm, phần nhân bên trong ngọt bùi từ đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn hay sầu riêng và nhấn nhá hương vị với chiếc trứng muối mặn mặn.
Đặc trưng khi ăn bánh pía chính là vị ngọt rất đậm bởi người miền Tây thường thích ăn ngọt, khi ăn bánh nên uống cùng ít trà để làm giảm độ ngọt của đường mà hương vị bánh được giữ trọn vẹn.
12. Bánh khảo
Bánh Khảo có nguồn gốc từ dân tộc tày và khá giống với bánh in của Huế nhưng phần bột hơi khác so với bánh in, khi ăn vào sẽ cảm nhận được độ xốp mềm bởi được làm hoàn toàn từ gạo nếp rang khác với bánh in sẽ có chút độ dẻo từ bột năng.
Đây là loại bánh không thể thiếu vào các dịp lễ, đặc biệt là Tết của các đồng bào ở tỉnh Cao Bằng. Chiếc bánh khảo với hương vị ngọt ngào, để được lâu mà không bị mốc, vì vậy thường được dùng để làm quà biếu trong mỗi dịp đặc biệt.
Mordan Mooncake bật mí với bạn top 12 các loại bánh ngày Tết Việt Nam mang đậm nét truyền thống độc đáo. hãy đếm thử xem bạn đã được nếm thử bao nhiêu loại bánh Tết rồi nhé.
Biên tập bởi Phạm Thị Thùy Trang
Thông tin liên hệ
Địa chỉ: 23 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM
Hotline: 093 989 7171
Website: mordanbakery.vn
Fanpage: fb.com/mordanbakery