Top 10 trò chơi dân gian ngày Tết dành cho trẻ em

Tết là dịp gia đình sum vầy, quây quần bên nhau tận hưởng thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Đặc biệt, Tết cũng là dịp gia đình cùng nhau du xuân, tham gia các lễ hội, trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa.

Trò chơi dân gian ngày Tết không chỉ mang lại giá trị truyền thống tốt đẹp mà đó còn là những trò chơi bổ ích, thú vị giúp trẻ rèn luyện sức khỏe và trí tuệ khi tham gia. Cùng điểm qua một số trò chơi dân gian dành cho trẻ ngay sau đây nhé!

Tết cổ truyền Việt Nam thường có các lễ hội, trong lễ hội không thể thiếu các trò chơi dân gian và rồng rắn lên mây là trò chơi thân thuộc với biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.  Trò chơi rồng rắn lên mây góp phần rèn luyện tính nhanh nhẹn, khéo léo trong di chuyển, phát huy khả năng ngôn từ, ứng xử cho trẻ.

Các bạn cùng đọc bài đồng dao sau nhé:

“Rồng rắn lên mây 

Có cây lúc lắc

Có nhà hiển vinh

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không ?”

Trò chơi rồng rắn lên mây càng đông bạn tham gia sẽ càng sôi động và vui hơn. Một bạn sẽ đóng vai thầy thuốc, các bạn còn lại xếp thành một hàng dọc đứng nối với nhau và đối diện người thầy thuốc. 

Rồng rắn lên mây đi lượn vòng vèo trước mặt thầy thuốc vừa đi vừa hát bài đồng dao rồng rắn lên mây : 

“Rồng rắn lên mây 

Có cây lúc lắc

Có nhà hiển vinh

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không ?”

Đến câu cuối dừng trước mặt thầy thuốc và hỏi “Có thầy thuốc ở nhà không?”

Thầy thuốc: Thầy không có nhà, thầy đang ngủ, đang đi chơi, đi xem phim

 Rắn : Lại đi tiếp và đọc lời c

Thầy thuốc : Thầy thuốc đang đánh răng

 Rắn : Lại đi tiếp và đọc lời ca

 Thầy thuốc : Có nhà. Mẹ con con rắn đi đâu ?

 Rắn : Mẹ con rồng rắn đi xin thuốc

Thầy thuốc : Xin khúc đầu

Rắn : Cùng xương cùng xẩu

 Thầy thuốc : Xin khúc giữa

Rắn : Cùng máu cùng mẹ

Thầy thuốc : Xin khúc đuôi

Rắn: Tha hồ mà đuổi. 

Nghe rồng rắn trả lời tha hồ mà đuổi, thầy thuốc đứng dậy đuổi cho bằng được khúc đuôi (tức là người đứng cuối cùng trong hàng). Rồng rắn chạy, người đứng đầu cố cản thầy thuốc không cho thầy thuốc chạm vào đuôi của mình. 

Các bạn cùng chạy nhảy, reo hò cho đến khi nào thầy thuốc chạm được vào đuôi của mình thì trò chơi kết thúc và bắt đầu lại từ đầu. 

trò chơi dân gian kéo co | Special kid

Kéo co một trong những trò chơi dân gian vẫn luôn được gìn giữ và phát huy cho đến tận bây giờ. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa riêng, trò chơi kéo co còn thể hiện sức mạnh của tập thể, sự đoàn kết đồng lòng của người chơi. 

Để có thể tham gia trò chơi kéo co người chơi cần có một thể lực tốt, sự dẻo dai và kiên trì. Trò chơi kéo co thường chơi theo đội, mỗi đội từ 5 – 7 người tham gia. Kéo co và trò chơi vận động nên thường được tổ chức ở nơi rộng rãi, bằng phẳng và sạch sẽ. 

Trước khi vào cuộc chơi cần chuẩn bị một số dụng cụ như: một đoạn dây đay, dây thừng dài và mềm, tùy theo điều kiện và tập tục từng nơi sẽ chuẩn bị dụng cụ khác nhau, có nơi sử dụng cây tre nhỏ, dài và thẳng có nơi không cần dụng cụ mà hai đội chơi kéo trực tiếp bằng tay không. 

Kẻ một vạch để làm ranh giới giữa hai đội chơi và ở giữa đoạn dây cũng buộc 1 mảnh vải màu để đánh dấu làm mốc phân thắng thua giữa hai đội. 

Chia số người chơi thành 2 đội bằng số lượng và cân sức nhau, đứng đối mặt nhau ở hai bên vạch theo hàng dọc, người chơi trong đội nên đứng so le nhau chân trước và chân sau luôn trụ vững, tay cầm vào dây, thông thường người có sức khỏe tốt nhất sẽ đứng đầu hàng.

Trọng tài sẽ là người đứng giữa vạch để ra hiệu lệnh và quan sát hai đội chơi. Trong các cuộc thi chuyên nghiệp ở mỗi đội sẽ có huấn luyện viên theo sát để hướng dẫn và bắt nhịp cho đội của mình.

Trọng tài đứng ở giữa vạch xuất phát, cầm cờ và hô to 1…2…3 bắt đầu thì hai đội chơi bắt đầu kéo. 

Hai đội dùng hết sức kéo dây về phía đội mình. Đội nào kéo được điểm mốc đánh dấu trên dây về phía mình thì đó là đội chiến thắng.

Trò chơi kéo co thường diễn ra từ 5 – 10 phút và hai đội phải thi đấu 3 lượt để phân thắng bại. Đội nào có hai lượt thắng sẽ là đội dành chiến thắng. Trong trường hợp tỉ số hòa nhau bại thì kết thúc 3 hiệp đấu hai đội sẽ nghỉ giải lao sau đó thi đấu 1 hiệp cuối cùng tìm ra đội chiến thắng.

– Đội chơi nào kéo dây trước khi có hiệu lệnh của trọng tài là phạm luật và phải kéo lại từ đầu, nếu vi phạm hai lần sẽ tính là thua luôn trận đó

– Đội nào có người chơi ngã hoặc tuột tay ra khỏi dây cũng bị tính là thua cuộc.

trò chơi dân gian chơi chuyền | Special kid

Trò chơi dân gian chơi chuyền (nhiều vùng miền gọi là chơi chắt) đòi hỏi người chơi phải khéo léo, nhanh nhẹn khi chuyền bóng và lượm que. Chơi chuyền là trò chơi tương đối đơn giản, chỉ cần một khoảng nhỏ, đủ chỗ cho từ hai đến năm bạn cùng chơi.

Đầu tiên chúng ta cần chuẩn bị 1 đồ vật hình tròn (quả cà, quả bưởi non, quả bóng nhỏ….) và 10 que nhỏ được vót nhẵn, bằng nhau, độ dài như đôi đũa. 

Cùng oẳn tù tì ai là người thắng cuộc sẽ được chơi trước. Người chơi cầm quả bằng tay phải, tung lên không trung và nhặt que (theo thứ tự từ bàn một đến bàn mười). Trong quá trình chơi, vừa kết hợp tung quả chuyền lên, nhặt que, đón quả chuyền, vừa hát những câu thơ phù hợp với từng bàn, từng chặng:

Chặng 1: 10 bàn

Bàn 1: Cái mốt, Cái mai, Con trai, cái hến, con nhện, vương tơ, quả mơ, quả mít, chuột chít, lên bàn đôi.

Bàn 2: Đôi tôi, đôi chị, đôi cành thị, đôi cành na, đôi lên ba

Bàn 3: Ba đi ra, ba đi vào, ba cành đào, một lên tư

Bàn 4: Tư ông sư, tư bà vãi, hai lên năm.

Bàn 5: năm con tằm, năm lên sáu

Bàn 6: Sáu của ấu, Bốn lên bảy

Bàn 7: Bảy lá đa, ba lên tám

Bàn 8: Tám quả trám, hai lên chín

Bàn 9: Chín cái cột, một lên mười

Bàn 10: Ngả năm mươi, mười quả đấm, chấm tay vỏ, bỏ tay chuyền

Chặng 2: chuyền thẻ, gồm 5 bàn

Bàn 1: chuyền chuyền một, một đôi

Bàn 2: chuyền chuyền khoai, hai đôi

Bàn 3: chuyền chuyền cà, ba đôi

Bàn 4: chuyền chuyền từ, tư đôi

Bàn 5: chuyền chuyền tằm, năm đôi, Sang bàn chống

 Chặng 3: chống, gồm 5 bàn

Bàn 1: chống cột, một đôi

Bàn 2: Chống khoai, hai đôi

Bàn 3: chống cà, ba đôi

Bàn 4: chống từ, tư đôi

Bàn 5: Chống tằm, năm đôi

Chặng 4: quét, gồm 5 bàn

Đọc giống chặng 3, thay chữ chống bằng chữ quét

 Chặng 5: đập, gồm 5 bàn

Đọc giống chặng 3 thay chữ quét bằng chữ đập

Chặng 6: Chải

Đọc giống chặng 3 thay chữ quét bằng chữ chải

Chơi chuyền đòi hỏi không chỉ sự khéo léo mà còn phải nhanh tay, nhanh mắt để bắt được bóng và que. Nếu không nhanh tay tinh mắt để có thể bắt được cả bóng và que cùng một lúc sẽ bị mất lượt, lượt chơi sẽ bị chuyển sang người bên cạnh.

trò chơi dân gian ô ăn quan | Special kid

Trò chơi ô ăn quan là một trò chơi thiên về trí óc, sự sáng tạo. Chơi ô ăn quan giúp trẻ rèn luyện sự nhanh nhạy trong tính toán. Có thể chơi ô ăn quan ở bất cứ nơi nào nền nhà, nền sân, lớp học bằng những vật dụng rất đơn giản như sỏi, đá, hạt đậu…

Trước khi chơi chúng ta phải vẽ một ô hình chữ nhật, hai đầu có hình bán nguyệt. Trong hình chữ nhật kẻ tiếp một đường dọc chia đôi hình chữ nhật làm hai phần bằng nhau sau đó kẻ tiếp hình chữ nhật thành 5 ô vuông bằng nhau.

Nhặt những viên đá, sỏi nhỏ làm quân và một viên lớn làm quan. Người chơi ngồi đối diện trước ô quan, người chơi rải quân đều và các ô. Các ô nhỏ sẽ rải 5 quân, ô quan rải 10 quân nhỏ và 1 quân to sau đó oẳn tù tì để tìm người thắng chơi trước.

Người chơi được đi trước bốc hết số quân trong một ô bên phía mình để đi trước. Nước đi đầu tiên này cần phải tính toán kỹ để không bị “chững” (Bị trắng tay không ăn được quân nào của đối thủ) rải từng viên một lần lượt theo các ô từ trái sang phải (hoặc từ phải sang trái) tùy ý đồ của người chơi. Cứ rải như thế khi hết hòn quân của ô nào thì bốc quân ở ô tiếp theo và chỉ dừng lại khi: 

  • Nếu có 2 ô liên tục phía trước ô được rải quân cuối cùng không có quân (ô trống) để bốc lên hoặc dải tiếp hoặc gặp ô chững thì phải nhường quyền chơi cho đối phương

  • Nếu ô phía trước ô được dải quân ô cuối cùng có một ô trống nhưng liền kề ô trống đó là ô có quân thì được “ăn” (lấy) những quân đó. Sau đó bốc hết quân ô tiếp theo ô vừa được ăn để dải tiếp cho đến khi “chững” lại hoặc được ăn 

Cứ luân phiên chơi như thế cho đến khi ăn hết số quân trong ô hoặc số quân trong ô quan. Ai ăn được nhiều quân khiến cho đối phương trống ô trước thì đó là người chiến thắng.

  • Đến lượt người nào đi thì phải bốc quân của mình trước, không được bốc quân của đối thủ 

  • Cách ô hoặc cách quan thì mới được ăn, có thể đi một lần mà ăn được 2, 3, 4 ô 

  • Người chơi bốc quân ở ô nào và rải theo chiều nào thì không được đổi chiều hoặc bỏ xuống. Nếu vi phạm sẽ bị mất lượt 

5. Trò chơi dân gian: Bịt mắt bắt dê

trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê | Special kid

Trò chơi bịt mắt bắt dê giúp trẻ rèn luyện kĩ năng di chuyển, nhanh nhẹn, khéo léo và khả năng phán đoán. Trò chơi giúp tạo không khí vui vẻ, sôi động và tăng thêm tính đoàn kết.

Tùy theo mỗi vùng miền mà có cách chơi khác nhau. Sau đây là 2 cách chơi bịt mắt bắt dê phổ biến như sau: 

Cách 1: 

Cả nhóm cùng oẳn tù tì hoặc chọn một người xung phong bịt mắt đi bắt dê, khăn bịt mắt, những người xung quanh đứng thành vòng tròn rộng. 

Người chơi chạy xung quanh người bịt mắt cho đến khi người đó hô “đứng lại” thì phải đứng lại không được di chuyển, lúc này người bịt mắt đi quanh vòng tròn và bắt một người bất kỳ, người chơi cố tạo ra tiếng động để người bịt mắt mất phương hướng khó phán đoán. Cho đến khi người bịt mắt bắt được và đoán đúng tên một ai đó thì người đó phải thế chỗ cho người bịt mắt. Nếu không bắt được ai lại hô bắt đầu để mọi người di chuyển. 

Cách 2

Chọn hai người vào chơi, một người làm dê, một người đi bắt dê. Cả hai cùng đứng trong vòng tròn và bịt bịt mắt, đứng quay lưng vào nhau. Sau đó nghe theo hiệu lệnh người làm dê vừa di chuyển vừa kêu “be be” để người bắt dê định hình phương hướng và đuổi bắt. Những người đứng xung quanh hò reo tạo không khí sôi động. Người săn bắt được dê thì dê được thay chỗ làm người săn và một người khác ở hàng rào vào làm dê, người săn thắng cuộc trở lại làm hàng rào.

– Mắt phải được bịt kín

– Người chơi chỉ được cổ vũ, không được nhắc hoặc mách cho bạn đi bắt dê

– Không được đi ra khỏi vòng tròn

– Nếu trong một thời gian quy định mà không bắt được dê thì coi như bên dê thắng và thay người khác vào chơi.

trò chơi dân gian đá cầu| Special kid

Đá cầu là trò chơi quen thuộc có từ bao đời và là “món ăn tinh thần” của bao thế hệ học sinh. Với trò chơi này, người chơi được tha hồ vui chơi trong một bầu không khí vui vẻ và lành mạnh. Đây là một trò chơi thú vị, mang đến cho các bạn nhỏ một sân chơi vui vẻ hấp dẫn và rèn luyện hoạt động thể chất, sự nhanh nhẹn. Trò chơi dân gian đá cầu sẽ mang đến cho các bạn nhỏ những phút giây vui chơi vui vẻ và bổ ích, làm tình bạn thêm khăng khít gắn bó.

Cách chơi đá cầu 

Số lượng người chơi: Từ 2 đến 8 em theo các đội hình khác nhau, nếu đông chia thành nhiều nhóm. Các em chơi tại sân trường, sân nhà sạch sẽ, bằng phẳng nhé. 

Chuẩn bị: Trước khi chơi, các em có thể tự làm quả cầu bằng cách lấy một đồng tiền xu hay một mảnh kim loại hình tròn, mỏng và có lỗ ở giữa, dùng giấy hoặc 4 – 5 chiếc lông gà, lông vịt xuyên qua lỗ rồi buộc chặt lại thành quả cầu. 

Luật chơi: Trò đá cầu sẽ có 2 cách chơi.

Cách 1: Đá cầu đơn

  • Người chơi oẳn tù tì để xếp thứ tự chơi.

  • Đến lượt, từng người dùng tay tung cầu rồi giơ chân đỡ cầu và đá cầu lên cao. Khi cầu rơi xuống vừa tầm lại tiếp tục dùng chân đá câu lên. Cứ thế, người chơi vừa đá cầu vừa đếm số lần tâng được cầu. Ai đá được nhiều lần nhất sẽ là người thắng cuộc, được đi trước trong lần tiếp theo. 

 Cách 2: Đá cầu đôi

  • Số lượng người chơi 2 hoặc 4 bạn. Trên sân chơi vẽ một hình chữ nhật kích thước 3m và 5m. Kẻ một đường thẳng chia đôi sân, dựng hai gậy cao 1m, giăng một sợi dây từ bên này qua bên kia làm lưới.

  • Từng bạn chơi sẽ dùng chân đá cầu sang sân bạn, bạn kia dùng chân đỡ rồi lại đá sang trở lại, bạn bên này đỡ rồi lại đá sang… Ai đá hụt chân, để cầu rơi xuống đất hoặc đá ra ngoài vạch giới hạn của sân là bị thua.

7. Trò chơi dân gian: Cướp cờ

trò chơi dân gian cướp cờ| Special kid

Trò chơi cướp cờ là trò chơi dân gian rất phổ biến ở trẻ em, nó thường được tổ chức trong các hoạt động tập thể, mang lại cho trẻ những tiếng cười vui vẻ, thư giãn sau giờ học ở căng thẳng. Khi trẻ tham gia trò chơi cướp cờ sẽ luyện cho trẻ khả năng vận động nhanh, khéo léo và rèn luyện sự nhanh nhẹn để dành được chiến thắng. Ngoài ra trò chơi giúp tạo không khí vui vẻ, sôi động và tăng thêm tính đoàn kết, các bạn sẽ được giao tiếp với nhau nhiều hơn tăng tình thân mến.

Chuẩn bị trước khi chơi

–  Người chơi: Số lượng người chơi tham gia chơi thường từ 8-10 người. Chia làm 2 đội với số thành viên mỗi đội bằng nhau.

–  Khu vực chơi: cần phải có 1 khuôn viên rộng, bằng phẳng không có chướng ngại vật (như ở các sân trường, sân nhà văn hóa, ủy ban.,)

–  Dụng cụ: 

+ Một cái khăn bất kì tượng trưng cho cờ

+ Một vòng tròn

+ Vạch xuất phát cũng là đích của 2 đội

Cách chơi 

–    2 đội đứng hàng ngang ở vạch xuất phát của đội mình. Các thành viên lần lượt điểm danh từ 1 đến hết. Mỗi người cần nhớ chính xác số của mình.

–  Khi quản trò gọi tới số nào thì số đó của hai đội nhanh chóng chạy đến vòng và cướp cờ.

–   Khi quản trò gọi số nào về thì số đó phải về

–   Một lúc quản trò có thể gọi hai ba bốn số

Luật chơi

–  Khi đang cắm cờ nếu bị bạn vỗ vào người, thua cuộc

–  Khi lấy được cờ chạy về vạch xuất phát của đội mình không bị đội bạn vỗ vào người, thắng cuộc

–   Khi có nguy cơ bị vỗ vào người thì được phép bỏ cờ xuống đất để tránh bị thua

–  Trong trường hợp gọi nhiều số lên một lúc thì số nào vỗ số đó không được vỗ vào số khác (số 1 đội bạn cướp được cờ thì số 1 bên mình phải là người dồn theo chạm vào, số 2 đứng gần chạm được cũng không được tính

–  Số nào bị thua rồi (“bị chết”) quản trò không gọi số đó chơi nữa

–  Người chơi không được ôm, giữ nhau cho bạn cướp cờ

–  Khoảng cách cờ đến hai đội bằng nhau

trò chơi dân gian đẩy gậy| Special kid

Trò chơi đẩy gậy đem lại cho các bé rất nhiều sự bổ ích, đem lại niềm vui tiếng cười. Đồng thời góp phần rèn luyện thân thể và sức mạnh cơ bắp, sự khéo léo phối hợp nhịp nhàng với tập thể cho các bé.

Chuẩn bị

–  Số lượng người chơi không hạn chế, 2 bé thành 1 đội, 2 đội thi đấu với nhau trong một trận

–  Địa điểm chơi là sân nhà, hay sân trường, bãi cỏ…bằng phẳng, rộng rãi, thoáng mát.

– Chuẩn bị 3 – 5 đoạn gậy bằng gỗ tròn được bào nhẫn không có vết xước và 2 đầu được tiện tròn, đường kính 3 – 5 cm, dài từ 80 – 100cm

–  Dùng vôi, phấn vẽ vòng tròn giới hạn có đường kính khoảng 1,5cm

–  Nếu sân chơi rộng rãi thì cho nhiều cặp đôi thi đấu cùng một lúc, cho các cặp đôi thi đấu trong vòng tròn, mỗi bên cầm một đầu gậy. Người chơi của mỗi đội phải cầm chặt đầu gậy, hai bàn tay sát nhau ở giữa gậy, cách đứng tùy ý

Cách chơi

Khi có hiệu lệnh, mỗi người lấy tay nắm chặt và gắng sức đẩy gậy về phía đội bạn, làm thế nào để đội bạn phải lùi về phía sau, mất thế đứng vững, chân dẫm vào vạch tròn hoặc ngã, bật ra ngoài vòng tròn. Hoặc đẩy cho đầu gậy vượt ra ngoài vòng tròn giới hạn là thắng cuộc.

Luật chơi

Các bé chỉ được đẩy gậy bằng tay, không được dùng đầu, lưng, đùi để đẩy đội bạn hoặc dùng gậy đâm vào đội bạn. Nếu có những vi phạm trên thì sẽ bị nhắc nhở, trừ điểm hoặc mất quyền thi đấu tùy mức độ.

trò chơi dân gian ném vòng| Special kid

Ném vòng là một trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các ngày hội xuân cho thiếu nhi. Nếu là ngày tết thì vật để ném vòng thường là hộp bánh kẹo, đồ chơi, nếu ném trúng thì được nhận luôn phần thưởng. 

Tham gia vào trò chơi giúp các bé rèn luyện được tác phong nhanh nhẹn, đồng thời giúp các bé học được tính đoàn kết trong suốt quá trình chơi. Bên cạnh đó, ném vòng còn giúp các bé rèn luyện và phát triển khả năng tư duy. Trò chơi giúp các bé cảm thấy thoải mái, vui vẻ sau mỗi giờ học căng thẳng.

Số lượng người trong trò chơi ném vòng là không giới hạn. Từ 2-3 bé có thể tổ chức trò chơi. Ném vòng là một trò chơi tập thể nên càng đông người tham gia càng vui và thú vị. Địa điểm lý tưởng để tổ chức trò chơi là ở những không gian rộng rãi, thoáng mát để các bé có thể thỏa thích chơi đùa. Ví dụ như công viên, bãi đất trống hoặc là sân chơi của các bé. Cách thức trò chơi được thực hiện đơn giản như sau: 

Chuẩn bị

  • Bé cần chuẩn bị vỏ chai hoặc lon, hộp…(Tùy theo số lượng người chơi )

  • Tiếp đó là 10-15 cái vòng nhựa hoặc vòng tre có đường kính từ 15 đến 20cm (tùy theo đích ném nếu đích là vật có cổ to thì vòng phải to sao cho lọt được vào cổ vật làm đích).

Cách chơi

  • Bạn hãy đặt chai hoặc lon thành một hàng thẳng cách nhau 50 đến 60 cm.

  • Vẽ vạch chuẩn cách chai từ 100 đến 150cm (tùy theo khả năng và mức độ chơi ở các lần khác nhau mà tăng dần khoảng cách). 

  • Các bạn cùng nhau xếp hàng đứng dưới vạch kẻ, có bao nhiêu chai ( hoặc hộp, vật) làm vật ném thì có bấy nhiêu bạn xếp hàng ở vạch để ném vòng. Lưu ý là mỗi bạn chỉ được phát trước 3 – 5 vòng. Mỗi lần chơi cho 3 người ném, mỗi người ném 3 vòng. 

  • Sau khi có tín hiệu bắt đầu, các bé hãy tập trung quan sát, ước lượng và ném vòng vào cổ chai (hoặc hộp, vật). Nếu ai ném được nhiều vòng lọt nhiều nhất thì bạn đó sẽ là người thắng cuộc.

trò chơi dân gian nhảy dây| Special kid

Nhảy dây là trò chơi dân gian có từ lâu đời, được các bạn gái ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng yêu thích. Tranh thủ lúc rỗi rãi ở nhà hoặc giờ ra chơi ở trường, dăm ba bạn, một sợi dây thừng hoặc dây thun và khoảng đất đủ rộng là trò chơi có thể bắt đầu.

Trò chơi nhảy dây vừa vui vừa bổ ích, rèn luyện sự nhanh mắt, nhanh chân và sức khỏe dẻo dai, có ích cho quá trình phát triển cơ thể của tuổi thiếu nhi.Tạo không khí vui vẻ, sôi nổi và thư giãn cho các bạn nhỏ. 

Với trò chơi nhảy dây có thể chơi từ 2 – 3 bạn theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm từ 5 – 10 người. Những địa điểm để chơi trò chơi này sân trường, sân nhà, rộng rãi và sạch sẽ 

Dù nhảy cá nhân hay tập thể thì người chơi cũng không được chạm vào dây. Day phải được quay liên tục theo 1 chiều cố định không được quá nhanh hoặc quá chậm. Người nhảy phải vừa nhảy vừa đếm số vòng, người nào nhảy được nhiều hơn người đó sẽ dành chiến thắng. 

Cách thứ nhất (Nhảy một người)

Người chơi chuẩn bị một đoạn dây thừng hoặc dây thun dài khoảng 1,5m .Người chơi trước hai tay cầm hai đầu dây, đưa dây ra phía sau lưng, quay cổ tay cho dây vòng lên đầu và xuống đất đồng thời kết hợp nhảy co hai chân lên cho dây bật ra phía sau, tiếp tục quay cổ tay để dây quay liên tục theo vòng như trên. Cứ như vậy khi nào bị vướng chân mất lượt thì đổi cho bạn khác chơi. Một người nhảy, người không nhảy ngồi đếm số vòng người nhảy được. Ai có số lượt nhảy nhiều hơn thì người đó thắng 

Cách thứ hai (Nhảy nhiều người)

Bốn người chia làm hai đội (cũng có thể nhiều hơn tùy theo độ dài của dây). Một đội đứng quay dây, một đội nhảy. Hai người đứng quay dây cách xa nhau và cho dây trùng chạm xuống đất, dùng tay quay dây chạm đất rồi vòng lên cao rồi theo chu kỳ vòng quay đều đặn để cho người nhảy căn theo vòng quay để nhảy cho chính xác. 

Nếu ai chạm dây thì phải dừng lại ra quay dây thay lượt cho hai bạn kia vào nhảy, cứ như thế đổi lượt cho nhau. 

Trên đây là 10 trò chơi dân gian dành cho trẻ trong ngày Tết mà Special Kid đã tổng hợp. Nếu có dịp thì cha mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội cho bé tham gia chơi các trò chơi dân gian trong ngày Tết để bé có thêm nhiều trải nghiệm thú vị nhé.