Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2021
Ngày 24 tháng 12 năm 2021, Vietnam Report chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2021.
Danh sách Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2021 – Nhóm ngành Giấy
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2021, tháng 12 năm 2021
Danh sách Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2021 – Nhóm ngành Nhựa
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2021, tháng 12 năm 2021
Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành Bao bì
Trong những năm qua ngành bao bì đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam và được đánh giá là ngành sản xuất có nhiều tiềm năng với những cơ hội đến từ sự phát triển của ngành công nghiệp, thương mại điện tử, truyền thông kỹ thuật số, và các Hiệp định thương mại được ký kết. Theo FiinGroup, bao bì là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh tại thị trường Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 13,4%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Nhìn chung, thị trường vật liệu bao bì đóng gói được chia thành các phân khúc: Giấy và bìa cứng, nhựa, kim loại, thủy tinh, gỗ, dệt may và các vật liệu thích hợp khác như xốp, da, v.v. Trong đó, phần lớn doanh thu bán hàng thuộc về phân khúc bao bì nhựa, bao bì giấy và thùng carton với trên 80%. Vì vậy, trong phạm vi của nghiên cứu về ngành bao bì, Vietnam Report chỉ tập trung phân tích các khía cạnh liên quan đến hai vật liệu này.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 và cho đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và đời sống xã hội trên toàn thế giới, đối với ngành bao bì có cả những tác động tích cực lẫn tiêu cực theo sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Giống như trong nhiều ngành công nghiệp khác, đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn lớn trong lĩnh vực bao bì do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, thiếu lực lượng lao động. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguyên liệu bị thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao nhưng nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ nhập khẩu và chiếm 60%-70% giá thành. Bức tranh ngành bao bì trong năm qua là sự phân hóa theo nhóm ngành hàng và vật liệu đóng gói. Xét theo nhóm ngành hàng, các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến phân khúc bao bì đóng gói dược phẩm, thực phẩm đóng gói, dán nhãn chất khử trùng, bao bì xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay hiện có nhu cầu cao. Mặt khác, nhu cầu về bao bì cho các sản phẩm sang trọng và công nghiệp lại có xu hướng giảm.
Xét theo tính chất vật liệu: Bao bì mềm là một trong những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nhất do bao bì thực phẩm chiếm tỷ trọng cao, đang được duy trì tốt. Bao bì nhựa cứng cũng có sự phát triển tốt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, nhưng ở lĩnh vực khác bao gồm bao bì nhựa công nghiệp, đồ trang điểm/mỹ phẩm và hàng tiêu dùng khác đã gặp khó khăn hơn. Do nhu cầu đóng gói các sản phẩm phụ trợ, phục vụ việc bán hàng online và phân phối trực tiếp cùng hoạt động xuất khẩu tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử v.v giúp cho phân khúc giấy bao bì, hộp giấy, thùng carton có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Bao bì kim loại cũng ghi nhận những kết quả tích cực khi người tiêu dùng chuyển sang tích trữ thực phẩm lâu dài do hậu quả của đại dịch. Bao bì thủy tinh đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa khách sạn và nhà hàng, và chỉ được bù đắp ở một mức độ nào đó bằng doanh số bán đồ uống thông qua bán lẻ cao hơn. Ở phân khúc cao cấp, bao bì thủy tinh đã bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm lớn về nhu cầu từ ngành mỹ phẩm như nước hoa.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao bì dưới tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc trong tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, với 37,5% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh xấu đi một chút; 25% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng; 25% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn một chút và 12,5% doanh nghiệp phản hồi tốt hơn nhiều.
Hình 1: Tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Bao bì trong năm 2021
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Bao bì, tháng 11/2021
Thị trường tiêu thụ của nhiều nhóm bao bì thuận lợi, khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao, nhưng biến động tăng giá của giá nguyên liệu đầu vào, tăng chi phí phát sinh do dịch Covid khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp, tỷ lệ doanh nghiệp có tăng trưởng doanh thu cao hơn so với nhóm tăng trưởng lợi nhuận. Thống kê sơ bộ trong 16 doanh nghiệp bao bì niêm yết có 15 doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ, và chỉ có 7 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận do 3 yếu tố chính: Một là, có lợi thế chủ động được nguyên liệu đầu vào, tự cung ứng phần lớn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bao bì, khiến biên lợi nhuận gộp của những doanh nghiệp này cao hơn so với các doanh nghiệp khác cùng ngành. Hai là, một số doanh nghiệp có công nghệ sản xuất bao bì từ hạt nhựa PP tái sinh (tái chế từ bao xi măng có nguồn cung trong nước dồi dào), chi phí nguyên liệu ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá hạt nhựa trên thị trường thế giới. Ba là, nhiều doanh nghiệp có chiến lược quản trị tốt, nhập khẩu với số lượng lớn nên chi phí nhập khẩu tương đối tốt.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, Covid-19 cũng tạo ra thêm những cơ hội phát triển cho ngành bao bì Việt Nam, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo, số hóa, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ ở nhiều phân khúc bao bì thuận lợi, đặc biệt là sự đánh giá cao hơn của xã hội về vai trò tích cực của bao bì. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần thích ứng nhanh, có phương án phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, đảm bảo các yêu cầu ngày cao về chất lượng và mẫu mã của bao bì, bảo quản tốt, tiện lợi, thông minh hơn, và đáp ứng truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
5 yếu tố định hình xu hướng của ngành bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Theo đánh giá và tổng hợp của Vietnam Report, xu hướng của ngành bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo được định hình bởi 5 yếu tố: (i) Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; (ii) Tính bền vững và những chính sách quy định về môi trường, an toàn thực phẩm; (iii) Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng; (iv) Sự phát triển của thương mại điện tử; (v) Sự phát triển công nghệ.
Hình 2: 5 yếu tố định hình xu hướng của ngành bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Nguồn: Vietnam Report
Tính bền vững và những chính sách quy định về môi trường
Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về khí hậu tháng 8 năm 2021 đã chỉ ra, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, phổ biến và ngày càng gia tăng với các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn. Trước sự biến đổi khí hậu, mối quan tâm đến tính bền vững trong kinh doanh được chú trọng hơn bao giờ hết, tập trung đặc biệt vào bao bì, chất thải tạo ra từ việc đóng gói thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm tiêu dùng. Điều này được phản ánh trong các quy định của chính quyền trung ương và thành phố, thái độ của người tiêu dùng và các giá trị của chủ sở hữu thương hiệu được truyền đạt thông qua bao bì. Khi tính bền vững đã trở thành động lực chính cho người tiêu dùng, các thương hiệu ngày càng quan tâm đến bao bì bền vững, các vật liệu và thiết kế bao bì thể hiện cam kết của họ đối với môi trường.
Liên minh châu Âu (EU) đã đi tiên phong trong lĩnh vực này với định hướng hướng tới các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và dành một sự quan tâm đặc biệt với chất thải nhựa cùng khả năng tái chế. Một số chiến lược đang được tiến hành để giải quyết vấn đề này, bao gồm thay thế bằng các vật liệu thay thế, đầu tư vào phát triển nhựa sinh học, thiết kế bao bì để làm cho chúng dễ dàng xử lý hơn trong quá trình tái chế và cải thiện việc tái chế/xử lý chất thải nhựa.
Khi bao bì được thay đổi để thích ứng với các hoạt động bền vững, có thể có tác động sâu sắc đến thị trường. Nhiều nghiên cứu và phát triển đang tiến hành cải tiến công nghệ đóng gói theo hướng bền vững hơn, bao gồm cả việc tích hợp các vật liệu chế tạo nano. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng có thể thay đổi dựa trên bao bì mới này. Các nhà sản xuất cần đảm bảo tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệp phải được chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi này, để thích ứng với bao bì bền vững, và có sự điều hướng và quản lý phù hợp. Đây sẽ không phải là việc diễn ra chỉ một lần. Khi một cuộc cách mạng bền vững tiếp tục phát triển và công nghệ đóng gói được mở rộng, các nhà sản xuất sẽ phải tiếp tục thích ứng với những thay đổi, nhất là khi thế hệ Millennials và Gen-Z tiếp tục mở rộng vào lực lượng lao động và trở thành nhóm người tiêu dùng lớn hơn; tính bền vững, tái chế và các vấn đề môi trường sẽ tiếp tục được chú trọng.
Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng
Một trong những xu hướng quan trọng của ngành bao bì trong những năm gần đây là sự thay đổi lớn trong tâm lý người tiêu dùng ủng hộ các giải pháp đóng gói thân thiện với môi trường. Trước khi Covid-19 xuất hiện, việc giảm sử dụng nhựa một lần ngày càng trở thành tiêu chuẩn. Nhiều chính phủ bắt đầu thiết lập các quy định và loại bỏ dần một số sản phẩm dùng một lần, đặc biệt là ở châu Âu. Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, mối quan tâm ngày càng tăng về vệ sinh và an toàn thực phẩm trong bối cảnh đại dịch đang đẩy vấn đề bền vững của vật liệu bao bì xuống thấp hơn trong danh sách ưu tiên của người tiêu dùng, điều này xảy ra ít nhất là trong ngắn hạn. Kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report trong tháng 8/2020 và 8/2021 cũng cho thấy có sự gia tăng về quan tâm nhiều hơn sự an toàn, hạn chế sử dụng bao bì tái chế; sẵn sàng chi trả cao hơn cho bao bì đóng gói đẹp mắt, hợp vệ sinh và an toàn sức khỏe. Những thay đổi hành vi kéo dài này là kết quả của đại dịch.
Hình 3: Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch Covid-19
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng tháng 8/2020 và tháng 8/2021
Do sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, các nhà cung cấp thực phẩm mang đi và các nhà cung cấp khác đang dựa vào các lợi thế về vệ sinh bao bì nhựa để giảm bớt nỗi sợ hãi của người tiêu dùng về việc lây truyền vi rút. Một số thành phố trên thế giới đã hoãn việc ban hành lệnh cấm túi nhựa như một phản ứng trước những lo ngại về Covid-19 và những nghi vấn về độ an toàn của túi có thể tái sử dụng. Tại Anh đã trì hoãn lệnh cấm ống hút nhựa, máy khuấy và tăm bông vì những lý do tương tự. An toàn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng, vì vậy việc vệ sinh và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác trở nên rất quan trọng trong suốt thời gian nhiễm virus corona. Khi đại dịch qua đi, người ta có thể mong đợi sự chú trọng nhiều hơn đến sự an toàn của gói hàng, vì tâm lý của người tiêu dùng chuyển sang “sức khỏe và sự bảo vệ là trên hết”. Có khả năng điều này sẽ thay đổi quan điểm của người tiêu dùng về bao bì để tập trung vào vệ sinh hơn là tập trung vào tính bền vững. Không chỉ quan tâm đến tính an toàn, người tiêu dùng còn quan tâm đến tính mới mẻ và tiện lợi. Ngày càng có nhiều người tiêu thụ các sản phẩm như thực phẩm, đồ uống, dược phẩm khi đang di chuyển. Đây là nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp đóng gói thuận tiện và di động, trong đó lĩnh vực nhựa dẻo là đối tượng hưởng lợi chính. Các công ty bao bì cần phản ứng nhanh nhạy với những hành vi thay đổi của người tiêu dùng, chẳng hạn như phát triển bao bì có thể giúp giải quyết sở thích của thế hệ Millennials và Gen-Z về mục đích, chất lượng và tính mới mẻ.
Sự phát triển của thương mại điện tử
Mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến không phải là điều mới do sự phát triển của Internet và điện thoại thông minh nhưng những làn sóng bùng phát của Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ các chủ doanh nghiệp mở cửa hàng thương mại điện tử và người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Trong thời điểm giãn cách, đơn hàng online tại các cửa hàng, siêu thị có lúc tăng từ 5-7 lần khi nhiều người hạn chế đến siêu thị. Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận có khoảng 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD. Người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn dẫn đến khối lượng bao bì thương mại điện tử gia tăng. Khi Covid-19 tác động đến việc mua hàng, bao bì đóng gói sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa. Bao bì thương mại điện tử vẫn phản ánh các nguyên tắc cơ bản giống như khi mua sắm trực tiếp và cho phép một sản phẩm đóng gói tham gia vào chuỗi phân phối dài hơn, phức tạp hơn của thế giới thương mại điện tử và đáp ứng kỳ vọng đang thay đổi của khách hàng và người tiêu dùng trong lĩnh vực này.
Một cuộc khảo sát gần đây của Vietnam Report cho thấy 51,96% người sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên như khi xảy ra đại dịch và 45,10% người cho rằng sẽ mua sắm trực tuyến ít hơn so với khi đại dịch bùng phát nhưng nhiều hơn so với trước khi có dịch. Thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển mạnh sau đại dịch, nhiều định dạng đóng gói hiện tại sẽ phải được cập nhật hoặc thiết kế lại để tối ưu hóa cho thương mại điện tử và vận chuyển: các định dạng đóng gói trong tương lai sẽ cần để ngăn ngừa hư hỏng sản phẩm, hỗ trợ năng suất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận chuyển và cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp bao bì cần tiếp tục đổi mới trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bao bì chuyên dụng dành cho thương mại điện tử.
Sự phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành Bao bì
Sự phát triển của khoa học công nghệ đã mở ra cơ hội, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ trong ngành công nghiệp bao bì từ định hình thiết kế, chất liệu bao bì đến thay đổi trong sản xuất, vận hành và tự động hóa giao hàng. Đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng biến đổi ngành công nghiệp bao bì theo nhiều cách, đặc biệt là bằng cách thúc đẩy nhu cầu áp dụng kỹ thuật số không chỉ để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng và sản xuất mà còn để cải thiện năng suất và hạ giá thành. Ngoài ra, khi chi phí giảm, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc áp dụng các giải pháp thông minh và số hóa vào bao bì nhằm mục đích tương tác với người tiêu dùng, theo dõi và truy tìm nguồn gốc. Ngành công nghiệp bao bì cũng đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng đối với việc số hóa trước sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại điện tử, đã tạo ra các yêu cầu mới về bao bì cần phải thông minh, tiện lợi hơn.
Theo đó, các doanh nghiệp bao bì sẽ tăng cường đầu tư vào thiết bị và công nghệ mới để nâng cao năng lực cũng như khả năng cạnh tranh, đáp ứng các quy định về môi trường, nhu cầu của khách hàng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Động lực và tiềm năng tăng trưởng của ngành Bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report, 6 biến số ảnh hưởng nhất đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp bao bì, bao gồm: (i) Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng; (ii) Sự biến động của giá và nguồn nguyên liệu, phụ gia; (iii) Sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nội – ngoại; (iv) Các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; (v) Khả năng hồi phục của nền kinh tế; (vi) Sự tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất.
Hơn 80% chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đánh giá ngành bao bì sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng và có thể tăng trưởng hơn một chút so với năm 2021. Ngành bao bì trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều động lực thúc đẩy khi mà Việt Nam và nhiều nước là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp bao bì cũng chuyển sang chiến lược sống chung với Covid, nền kinh tế có nhiều triển vọng phục hồi trong năm 2022, cùng với đó là nhiều người có việc làm và mua nhiều hàng hóa tiêu dùng hơn sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng của ngành bao bì.
Công nghiệp/vận chuyển là ứng dụng đóng gói cuối cùng lớn nhất, chiếm 41,6% doanh số bán hàng thế giới vào năm 2020, tiếp theo là thực phẩm với 29,6% và đồ uống với 13,9%. Tại Việt Nam, thống kê sơ bộ cho thấy bao bì đóng gói thực phẩm chiếm 30%-50%; điện – điện tử chiếm 5%-10%; hóa dược phẩm từ 5%-10%. Sự phát triển của ngành hàng thực phẩm của Việt Nam là tác nhân thúc đẩy lĩnh vực Bao bì đóng gói luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 15% -20%/năm, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm và chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất trong cơ cấu ngành nhựa (38% – 39%). Kết quả khảo sát Vietnam Report về nhu cầu với một số phân khúc sản phẩm theo ngành hàng cho thấy một xu hướng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 cho thị trường xuất khẩu, ngành hàng thực phẩm – đồ uống, điện tử, dược phẩm, bao bì xi măng. Lĩnh vực dược phẩm được dự báo sẽ tăng doanh số bán hàng đóng gói với tốc độ nhanh nhất, tiếp theo là điện tử và thực phẩm đồ uống. Trong lĩnh vực công nghiệp, doanh số bán hàng container rời trung gian (IBC) được dự đoán sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất, nhờ nhu cầu về thùng phuy nhựa và thép tăng do độ bền và khả năng tái sử dụng của chúng.
Hình 4: Đánh giá nhu cầu của một số phân khúc sản phẩm bao bì trong năm 2022
Nguồn: Vietnam Report khảo sát chuyên gia và các doanh nghiệp bao bì, tháng 11/2021
Các Hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP, RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực sẽ tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì như nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến v.v, cùng với nhu cầu về bao bì chất lượng cao trên thế giới rất lớn như giấy bao bì cao cấp (tráng phủ), điều đó mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành bao bì của Việt Nam.
Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn lớn từ việc nhiều doanh nghiệp bao bì đã nắm bắt cơ hội tăng trưởng bằng việc mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy, Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Bao Bì Toàn Cầu, giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021 có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Sự tăng đầu tư mở rộng sản xuất từ phía doanh nghiệp, sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch, mà còn phục vụ xuất khẩu, và bắt làn sóng khi chủ sở hữu nhiều thương hiệu cải tiến việc ra mắt sản phẩm của họ trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Trong trung và dài hạn: Tăng trưởng trong ngành bao bì hiện đang được thúc đẩy bởi hai xu hướng lớn: tăng dân số toàn cầu và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. So với con số 7,8 tỷ người hiện nay, dân số toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 9,2 tỷ vào năm 2040. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 66% từ 3 tỷ lên hơn 5 tỷ trong 10 năm tới, với những người sống lâu hơn, khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng.
Xét theo vật liệu đóng gói: Bao bì giấy và thùng carton được dự báo sẽ tăng doanh số bán, theo dự đoán của VPPA, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng bao bì giấy dự báo tăng trưởng 14%-18%/năm. Điều này là do một số yếu tố, đầu tiên là (i) sự ưa chuộng ngày càng tăng đối với bao bì làm từ sợi phù hợp với các mục tiêu bền vững của chủ sở hữu thương hiệu, (ii) sự điều tiết của chính sách môi trường là tập trung vào việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và (iii) sự gia tăng doanh số thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch. Trong giai đoạn 5 năm tới, đại dịch sẽ tiếp tục có ảnh hưởng và phân khúc vật liệu phát triển nhanh thứ hai sẽ là nhựa cứng và mềm. Mặc dù loại chất liệu này thường được coi là những loại bao bì kém bền vững nhất, nhưng cả hai đều sẽ được hưởng lợi từ việc đổi mới thiết kế và một loạt các công nghệ tái chế mới, cả cơ học và hóa học trong thời gian tới, tạo ra sự tiện lợi, hiệu quả, chi phí thấp khi người tiêu dùng chuyển sang mua nhiều hàng hóa đóng gói hơn.
Top 5 giải pháp của doanh nghiệp Bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Để đạt được thành công trong bối cảnh nền kinh tế biến động và nhiều xu hướng phát triển vượt bậc sẽ đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có một tư duy đổi mới kết hợp với các lựa chọn chiến lược đúng đắn. Sự tiếp cận chủ động sẽ giúp các công ty đi đầu trong các diễn biến của thị trường, đồng thời tạo cơ hội trở thành đối tác quan trọng của khách hàng, các chủ thương hiệu.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 giải pháp của doanh nghiệp bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo: (i) Tăng cường đầu tư công nghệ, số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp; (ii) Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chuỗi cung ứng; (iii) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với chuyển đổi số; (iv) Mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing; (v) Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự thay đổi trong chiến lược hành động của doanh nghiệp bao bì, nếu như năm 2020 phương án Mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất, thì năm nay Tăng cường số hóa các hoạt động vận hành là giải pháp được ưu tiên hàng đầu với gần 80% doanh nghiệp lựa chọn, gia tăng đáng kể so với kết quả khảo sát năm trước (năm 2020 là 57,14%). Ngành công nghiệp bao bì áp dụng chuyển đổi số còn hạn chế, có 20% doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report còn đang trong giai đoạn thiết kế chuyển đổi số. Với cách tiếp cận đúng đắn và trọng tâm thực hiện, các công ty bao bì sẽ có thể nâng cao hiệu quả về chi phí, tăng trưởng và năng suất do kỹ thuật số mang lại.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường và tiếp tục gây ra những thách thức về gián đoạn chuỗi cung ứng. Để đối phó với thách thức này, các doanh nghiệp bao bì phải tìm kiếm các phương án dự phòng, tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro về tài chính, liên tục cập nhật giá cả và xu hướng thị trường, xác định mức hàng tồn kho hợp lý, đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu, chủ động hơn trong việc sản xuất nguyên liệu v.v.
Hình 5: Top 5 giải pháp của doanh nghiệp Bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Nguồn: Vietnam Report khảo sát các doanh nghiệp bao bì, tháng 11/2021
Việc chuyển đổi kỹ thuật số đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất nhiều đến công nghệ của ngành đóng gói, cùng với đó đầu tư vào con người cũng là một cách để nâng cao hiệu quả sản xuất bao bì. Kết quả khảo sát gần đây của Vietnam Report với các doanh nghiệp bao bì đã cho thấy một trong những khó khăn mà hầu hết doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số trong thời gian qua đó là việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng và vận hành hoạt động chuyển đổi số. Theo đó, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với chuyển đổi là một trong 5 giải pháp quan trọng các doanh nghiệp bao bì trong khảo sát của Vietnam Report lựa chọn.
Trước chủ trương của Chính phủ giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhằm hướng tới phát triển bền vững và vai trò triển khai chiến lược phát triển bền vững trong nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, có 40% doanh nghiệp bao bì trong khảo sát của Vietnam Report lựa chọn thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới thông qua tăng sử dụng nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế như thu gom bao bì giấy, xây dựng nhà máy tái chế; nâng cao công tác quản trị; liên kết hợp tác trong chuỗi cung ứng, giảm lượng khí thải cac bon v.v.
Đánh giá truyền thông
Kết quả phân tích Media coding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành Bao bì: Tài chính/Kết quả kinh doanh; Cổ phiếu; Chiến lược kinh doanh/M&A; Hình ảnh/PR/Scandal; Sản phẩm; Đầu tư. So với thời gian nghiên cứu của năm trước, hai chủ đề có sự gia tăng mạnh về lượng tin là Chiến lược kinh doanh/M&A và Đầu tư. Với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang phát triển nhanh chóng tại thị trường Việt Nam. Không nằm ngoài xu hướng đó cùng tiềm năng phát triển cao, ngành Bao bì cũng chứng tỏ sức hấp dẫn của mình khi thu hút được lượng lớn công ty/tập đoàn tham gia đầu tư, chuyển nhượng. Theo dữ liệu của FiinGroup, trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam ghi nhận 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới trong ngành bao bì với tổng trị giá 516 triệu USD. Trong đó, phân khúc bao bì giấy, thùng carton và bao bì mềm là những phân khúc hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nhất do nhu cầu của các loại bao bì này trong nước và tiềm năng xuất khẩu ngày càng lớn.
Hình 6: Top 10 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bao bì từ tháng 9/2020 đến tháng 10/2021
Xét về tỷ lệ tin tích cực – tiêu cực theo chủ đề: Nhóm chủ đề về Hình ảnh/PR, Tài chính/Kết quả kinh doanh, Vị thế thị trường có nhiều tin tích cực nhất. Những hoạt động ủng hộ quỹ vắc xin, quỹ vì người nghèo, tặng giường carton cho các khu cách ly hay thực hiện thu gom nguyên liệu bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã xây dựng những hình ảnh tốt đẹp trong mắt công chúng, nhà đầu tư và xã hội. Tỷ lệ tin tiêu cực cao thuộc về các nhóm Đầu tư, Cổ phiếu với những thông tin về hiệu quả đầu tư thấp ở một số doanh nghiệp.
Vietnam Report