Tổng quan về quản trị chiến lược trong doanh nghiệp | Vân Nguyên

Quản trị chiến lược là nghệ thuật và khoa học của việc xây dựng, thực hiện và đánh giá các quyết định tổng hợp giúp cho doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu dài hạn đặt ra trong từng thời kỳ. Nó cũng là tập hợp các quyết định và hiến pháp hành động dẫn đến việc hoạch định và thực hiện các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu dài hạn của mình.

Quản trị chiến lược được thực hiện theo ba giai đoạn: xây dựng chiến lược, tổ chức thực hiện và đánh giá & điều chỉnh chiến lược.

Các giai đoạn của quản trị chiến lượcCác giai đoạn của quản trị chiến lược

Các cấp quản trị chiến lược

Quản trị chiến lược được tiến hành tại nhiều cấp khác nhau trong một doanh nghiệp. Cấp quản trị chiến lược là những cấp, đơn vị trong hệ thống tổ chức có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược riêng của mình, và nhằm đảm bảo góp phần thực hiện chiến lược tổng quát của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có thể chia quản trị chiến lược theo ba cấp:

Cấp doanh nghiệp 

Chiến lược Cấp doanh nghiệp thường là những chiến lược tổng quát và hướng tới việc phối hợp các chiến lược kinh doanh trong mối tương quan với những mong đợi của những người chủ sở hữu. Với một triển vọng dài hạn, chiến lược cấp doanh nghiệp luôn hướng tới sự tặng trưởng và phát triển trong dài hạn.

Cấp cơ sở

Cấp này còn gọi là SBU – Đơn vị kinh doanh chiến lược. Chiến lược cấp cơ sở xác định những căn cứ để chúng có thể hoàn thành các chức năng và nhiệm vụ của mình, đóng góp cho hoàn thành chiến lược chung của công ty trong phạm vi mà nó đảm trách.

Cấp chức năng

Đây là nơi tập trung hỗ trợ cho chiến lược công ty và chiến lược cấp cơ sở kinh doanh. Cấp này xây dựng các chiến lược cụ thể theo từng chức năng và lĩnh vực quản trị.

Các cấp quản trị chiến lược tại các đơn vị kinh doanh đa ngành và đơn ngành được sơ đồ hóa như sau:

Các cấp quyết định trong quản trị chiến lượcCác cấp quyết định trong quản trị chiến lược

Hình trên cho ta thấy nội dung cơ bản ở các cấp chiến lược đều giống nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt của nó thể hiện ở phạm vi nội dung thực hiện và mức độ ảnh hưởng của các quyết định mà nó đưa ra. Các nhà quản trị chiến lược cấp cao coi mọi cơ sở kinh doanh là một đơn vị kế hoạch, trong khi đó, các nhà quản trị cấp chức năng coi mọi sản phẩm hoặc phân khúc thị trường là một đơn vị kế hoạch chủ yếu.

Chiến lược doanh nghiệp phải được đề ra định hướng phát triển cho các đơn vị kinh doanh đơn ngành cũng như đa ngành. Các đơn vị kinh doanh đơn ngành giới hạn lĩnh vực hoạt động của nó trong một ngành công nghiệp hoặc thương mại chính. Các đơn vị kinh doanh đa ngành hoạt động trong hai ngành trở lên, vì vậy họ gặp phải nhiệm vụ phức tạp hơn là quyết định tiếp tục các ngành hiện tại, đánh giá khả năng xâm nhập vào các ngành mới, và quyết định mọi đơn vị nghiệp vụ đã lựa chọn phải tiến hành như thế nào.

Chiến lược cấp cơ sở cũng cần được đề ra đối với các đơn vị kinh doanh đơn ngành và đối với mọi cơ sở trong kinh doanh đa ngành. Nó phải chỉ rõ ra các đối thủ nào cũng tham gia cạnh tranh, mức độ cạnh tranh ra sao, kỳ vọng của các đối thủ tham gia như thế nào. Chiến lược kinh doanh cấp cơ sở có mức độ quan trọng như nhau đối với các công ty kinh doanh đơn ngành và từng doanh nghiệp tách biệt trong các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành.

Chiến lược kinh doanh cấp chức năng dựa trên tổ hợp các chiến lược đã được đề ra ở các cấp đơn vị. Đối với nhiều doanh nghiệp, chiến lược marketing là cốt lõi của chiến lược cấp cơ sở kinh doanh, giữ vai trò liên kết cùng với các chiến lược cấp chức năng khác. Đối với nhiều doanh nghiệp thì vấn đề sản xuất hoặc nghiên cứu phát triển lại có thể là vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết. Một chiến lược cấp cơ sở cần phù hợp với chiến lược cấp công tất yếu và hài hòa với các chiến lược cấp cơ sở khác của doanh nghiệp.

Đối với các đơn vị kinh doanh đa ngành, mỗi cơ sở kinh doanh trong các đơn vị kinh doanh đa ngành, chiến lược cấp chức năng là tương tự như nhau, tuy chiến lược cấp chức năng đối với từng doanh nghiệp trong các doanh nghiệp đa ngành có sự khác biệt.

Quản trị chiến lược với vấn đề đạo đức kinh doanh

Có khá nhiều vấn đề về chiến lược động chạm đến khía cạnh đạo đức kinh doanh. Lý do rất đơn giản. Bất cứ chương trình hành động nào của công ty cũng đều có tác động đến quyền lợi của các nhóm đối tượng hữu quan như nhân viên trong công ty, khách hàng, các nhà cung ứng, cổ đông, địa phương hoặc xã hội nói chung. Một chiến lược có thể làm tăng phúc lợi cho một nhóm người này nhưng lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm người khác.

Ví dụ, trong tình huống dư thừa công suất và giảm mạnh nhu cầu. Một doanh nghiệp sản xuất có thể phải đóng cửa một bộ phận sản xuất, vốn là nguồn công ăn việc làm chủ yếu của một xã. Mặc dù biện pháp này là phù hợp với mục đích tối đa hóa lợi ích của cổ đông, nhưng hệ quả là hàng ngàn người bị thất nghiệp.

Liệu một quyết định như thế có hợp với đạo đức kinh doanh hay không? Đó có phải là việc nên làm hay không, nếu như cân nhắc tới tác động của nó với nhân viên và với địa phương? Bởi vậy, các nhà lãnh đạo công ty cần cân đối giữa lợi nhuận và chi phí xã hội. Họ cần phải xem xét có nên thực thi chiến lược dự định hay không không chỉ dựa vào những yếu tố kinh tế mà còn tính đến cả những khía cạnh nhân bản nữa.

Chủ đích của khía cạnh đạo đức kinh doanh nêu ở đây không hướng tới việc phân giải giữa cái đúng và cái sai, mà với ý đồ cung cấp những công cụ để xác định và tư duy về những khía cạnh đạo đức nảy sinh trong các quyết định chiến lược.

Những giá trị này định hướng cách thức tiến hành công việc kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức. Ở đây, họ nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tôn trọng và tin tưởng giữa con người với nhau, việc giao tiếp cởi mở và mối quan tâm đến từng cá nhân trong doanh nghiệp. Sau đó các giá trị đạo đức kinh doanh phải được thể hiện trong bản tuyên bố nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc thiết lập một bầu không khí nhân bản trong doanh nghiệp, các nhà quản trị cần phải biết tư duy một cách có hệ thống về quan hệ mật thiết của khía cạnh này trong các quyết định chiến lược.

5/5 – (2 bình chọn)