Tổng quan cuộc sống ở Mỹ từ góc nhìn của du học sinh Việt Nam | IDP Vietnam

Giao tiếp trong cuộc sống thường ngày ở Mỹ

Nhờ sự phát triển của công nghệ, việc giao tiếp và tương tác, vốn dĩ đã được đề cao trong xã hội, nay lại càng được đề cao tại Mỹ. Để không bị bỡ ngỡ, hãy chuẩn bị sẵn sàng và tự tin để giới thiệu bản thân mình một cách dõng dạc nhất trước các bạn học, giáo sư và nhân viên trong và ngoài trường. Sử dụng Email và Internet một cách thông minh, tận dụng nguồn lực sẵn có để trao đổi thông tin hiệu quả. Có một thực tế là, kể cả sinh viên Mỹ sống xa nhà, skype hay email là các phương tiện được họ sử dụng thường xuyên để giao tiếp và liên lạc với bạn bè và gia đình.

Văn hóa làm việc của người Mỹ

Người Mỹ đề cao tính cá nhân (individualism) và sự khác biệt (uniqueness). Cho dù quan hệ gia đình và bạn bè có thân thiết đến mức nào đi nữa, khi làm việc, tính cá nhân, độc lập làm việc luôn được đề cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người Mỹ không làm việc được trong nhóm. Khi được giao việc làm cùng đồng nghiệp, mỗi cá nhân sẽ tiết chế cái tôi của mình để mang đến kết quả tốt nhất, chứ không đề cao việc ai sẽ là người nổi bật nhất trong nhóm. Người đứng đầu thường được gọi là Lãnh Đạo (Leader) chứ không phải là Sếp (Boss). Cũng vì vậy, sự thoải mái trong lúc làm việc cũng là một điều quan trọng. Sự khác biệt về tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội không phải là vấn đề lớn. Sinh viên có thể gọi giáo sư bằng tên và ngược lại. Ngoài ra, việc đặt câu hỏi cũng được xem là tôn trọng các giáo sư. Điều này có nghĩa là bạn nắm hiểu được bài giảng và có thể đưa ra sự phản biện. Cuối cùng, người Mỹ luôn đặt kết quả công việc lên hàng đầu. Cụ thể, điểm số trung bình, năng lực học tập của sinh viên luôn là cái nhìn đầu tiên từ phía nhà tuyển dụng.

Với sự khác biệt về văn hóa này, việc ‘Sốc Văn Hóa’ là điều tất yếu, không thể tránh khỏi cho các du học sinh. Vì vậy, mình có một số lời khuyên cho các bạn như sau:

– Đầu tiên, nhớ nhà, cô đơn, lạc lõng, khóc ròng trong một, hai tháng đầu tiên là điều hoàn toàn bình thường. 

– Giữ liên lạc với bạn bè và gia đình của bạn qua mạng xã hội (facebook, twitter, zalo), email, skype.

– Trong thời gian đầu có thể nấu ăn những món ăn quen thuộc, vừa đỡ nhớ cơm mẹ nấu, lại có thể tiết kiệm chi phí. Thế nên lúc xếp hành lý có thể mang một số đồ khô đi như mì gói, gia vị, thực phẩm khô.

– Tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ trong trường sẽ giúp bạn mở rộng mối quan hệ, làm quen với các bạn có cùng sở thích, thêm đó là phát triển khả năng ngôn ngữ.

– Trong trường luôn có trung tâm chăm sóc sinh viên quốc tế, một số trường còn có trung tâm tâm lý dành cho các bạn có nhu cầu chia sẻ. Đây là nơi các bạn có thể giãy bày tâm sự và cảm thấy tốt hơn sau mỗi buổi ghé thăm.

Nơi ở, học tập và sinh hoạt

Sinh viên trước khi đi học chắc chắn đã được các tư vấn viên cho các bạn sự lựa chọn về chỗ ở. Tuy nhiên, có một số và ưu nhược điểm của từng loại hình như sau:

– Ký túc xá, là những tòa nhà với nhiều phòng ngủ và sinh hoạt, thường với hai hoặc ba người (cùng giới) ở 1 phòng. Các bạn sinh viên ở ký túc xá thường chia sẻ các phòng tắm lớn bao gồm phòng tắm và vòi hoa sen. Đa số các trường đại học ở Mỹ yêu cầu sinh viên năm nhất ở trong ký túc xá. Điểm cộng của việc này là sinh viên được ở trong khuôn viên trường, việc đi lại dễ dàng, học tập nhóm và mở rộng mối quan hệ với các bạn cùng phòng. Nhược điểm là chi phí cho ký túc xá thường đắt hơn ở ngoài. 

– Thuê nhà, trong trường hợp trường không có ký túc xá hoặc không yêu cầu sinh viên ở trong ký túc xá. Tuy nhiên, văn phòng tư vấn nhà ở ngoài khuôn viên sẽ giúp bạn tìm được một nơi thích hợp để sinh sống. Thông thường, văn phòng điều phối các hoạt động để giúp sinh viên tìm một bạn cùng phòng tương ứng để chia sẻ chi phí; họ cũng cung cấp thông tin về các khu phố lân cận, bao gồm các nhà hàng phổ biến, khu vực mua sắm, công viên và giải trí, và phương tiện giao thông công cộng.

– Ở cùng một gia đình bản địa cũng là một lựa chọn khả thi cho sinh viên. Trong một chương trình nhà ở, bạn sẽ được đặt trong một gia đình người Mỹ mà cách trường khoảng 20 đến 45 phút. Bạn sẽ có phòng riêng, và các bữa ăn sẽ được cung cấp. Sống với một gia đình Mỹ sẽ cho phép bạn đắm chìm vào văn hoá Mỹ khi bạn thích nghi với cuộc sống của gia đình bạn đang sống. Bạn có thể tận hưởng những tiện nghi như ở nhà và trong cuộc sống gia đình, ngay cả khi bạn ở xa nhà và trong một đất nước hoàn toàn mới.

Giao thông

Sẽ tùy thuộc vào từng bang và hạt mà bạn ở mà các bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng các phương tiện đi lại phù hợp nhất với bản thân. Cụ thể, ở các thành phố lớn như New York, Boston, Chicago, San Francisco thì phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm cực kì phát triển, nó có thể chạm đến mọi ngóc ngách trong thành phố cũng như ngoại ô. Tuy nhiên nếu bạn ở các hạt nhỏ, vùng ít dân cư thì việc có bằng lái xe là một ý tưởng tốt cho việc đi lại, du lịch. Ở Mỹ, thanh niên đủ 16 tuổi đã có thể bắt đầu học và thi bằng lái xe. Các trường đại học cũng có các chuyến xe buýt di chuyển trong khuôn viên trường, hoặc trường với các trung tâm mua sắm trong thành phố. Vì vậy, để chuẩn bị tốt hơn, hãy nghiên cứu về nơi bạn sẽ ở tại Mỹ.

Việc làm ở Mỹ

Khi du học dưới dạng thị thực F1, du học sinh có thể làm việc đến 20 giờ trong khuôn viên trường. Các trường đại học ở Mỹ có thể xem như một thành phố thu nhỏ với đầy đủ các tiện ích từ nhà hàng, bưu điện, bệnh viện đến các cửa hàng tạp hóa, quầy sách. Vì vậy, công việc làm thêm cũng rất đa dạng từ bồi bàn, nhân viên bán hàng, phòng chuyển phát nhanh hay hỗ trợ ở các phòng nghiên cứu, gia sư. Ngoài ra, nếu bạn có khả năng tiếng Anh tốt kèm theo một kiến thức phong phú, và mối quan hệ tốt với các giáo sư, bạn có thể xin làm trợ giảng. Nhưng những công việc này thường rất cạnh tranh, vì tính chất công việc nhẹ nhàng hơn,hãy tạo một ấn tượng thật tốt với giáo sư của các bạn. Chú ý đến tiểu tiết, ví dụ đi học sớm hơn, hay là đặt câu hỏi để làm thầy cô nhớ đến các bạn cũng là một cách tạo mối quan hệ, tạo tiền đề cho công việc thuận lợi cho các bạn.

‘Giấc mơ Mỹ’ là điều mà hàng triệu người trên thế giới đều mong muốn trở thành hiện thực. Hãy ‘dám’ mơ, thể hiện bản thân của mình và nỗ lực không ngừng để đạt được nó.

Tác giả: Đinh Nam Phương – NGO Internships – bang Virginia, Mỹ.