Tổng hợp các loại cá cảnh dễ nuôi, chăm sóc cho hộ gia đình | Cleanipedia

Reading time: 5 minutes

Tổng hợp các loại cá cảnh dễ nuôi

Các loại cá cảnh dễ nuôi không cần oxy

Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm khi lựa chọn những thành viên mới cho bể cá của mình. Trên thực tế, cá cũng giống như tất cả các sinh vật sống khác trên hành tinh, chúng đều cần oxy để hô hấp. Tuy nhiên, có một số loài cá cảnh đặc biệt không cần đến hệ thống sục oxy trong nước mà vẫn có thể sống tốt.

  • Cá betta

Đại diện phổ biến nhất trong danh sách các loại cá cảnh không cần oxy vẫn có thể sống tốt chính là cá betta. Cá betta hấp thụ không khí trong khí quyển và thỉnh thoảng nổi trên bề mặt mà từ đó nó tạo ra oxy để chúng hô hấp. Trong điều kiện bể nuôi tốt, cá betta này có thể sống tới 3-4 năm. Loài cá này rất dễ nuôi, không đòi hỏi phải chăm sóc quá nhiều nhưng bạn vẫn phải đảm bảo nước sạch sẽ với nhiệt độ lý tưởng là 25 độ C. Cá betta có rất nhiều màu sắc sặc sỡ, những con đực thường có màu sắc tươi sáng và đẹp hơn con cái. 

  • Cá bảy màu

Cá bảy màu là loài cá phổ biến nhất trên thế giới và là một trong những loại cá cảnh không cần oxy và có thể chung sống trong một bể gồm rất nhiều các loài cá nhỏ khác. Đúng như cái tên của nó, cá bảy màu có nhiều màu sắc đa dạng. Thông thường, cá bảy màu hoang dã trong tự nhiên có ít màu sắc hơn cá được nuôi trong môi trường hiện đại. Ngoài ra, chúng cũng sống lâu hơn 3-4 năm so với cá bảy màu được nuôi trong bể cá.

  • Cá thiên đường

Cá thiên đường còn có tên gọi khác như cá săn sắt, cá đuôi cờ,… Đây là loại cá sở hữu màu sắc cực kỳ đa dạng và mang trên mình một nét đẹp rất cổ điển. Cá thiên đường là một trong những loại cá cảnh có khả năng thích nghi rất tốt, không cần oxy nhờ vào cơ quan hô hấp phụ. Cá thiên đường thích sống trong nước lạnh hoặc trong bể cá thủy tinh tròn loại mini và chỉ chịu được mức độ chiếu sáng trung bình. 

Các loài cá cảnh nước ngọt dễ nuôi

  • Cá vàng

Cá vàng là loài cá đa dạng nhất về kiểu dáng thân và đuôi. Chúng có loài thân dài, thân ngắn, có loài 1 đuôi nhưng cũng có loài sở hữu 2-3 đuôi. Màu sắc của loài cá này rất phong phú nhưng thường gặp nhất là màu vàng cam, cam đen và trắng đỏ. Cá vàng có thể sống từ 6-8 năm trong môi trường nuôi trong bể. Thức ăn của cá vàng chủ yếu là thức ăn viên. Ngoài ra, cá vàng rất thông minh và thân thiện với chủ nuôi.

  • Cá Huyết Anh Vũ

Cá huyết anh vũ có cơ thể tròn, lưng cong, đầu gồ về phía trước và có mỏ quặp như mỏ két. Cá thường có kích thước 20cm và màu đỏ rực khi trưởng thành. Đây là loài cá có bản tính khá hung hãn. Thức ăn của cá huyết anh vũ thường là trùng chỉ, tép bò, thức ăn viên hoặc thức ăn đông lạnh. Loài cá này ưa sạch nên bạn nên đảm bảo nước trong bể không quá bẩn, có thể làm sạch bể bằng bộ lọc nước.

  • Cá dĩa

Cá dĩa còn có tên gọi khác là cá đĩa, là loài cá cảnh nước ngọt đẹp với thân hình to tròn và dẹt như cái đĩa. Loài cá này có thân hình thanh thoát, mảnh mai nên có danh hiệu là nữ hoàng của loài cá. Cá dĩa sống hiền hòa theo bầy đàn và có kích thước từ 15-20 cm khi trưởng thành. Cá dĩa không kén ăn nhưng thức ăn của chúng thường là trùn đỏ, trùn chỉ, bo bo, lăng quăng,… 

Các loại cá cảnh thường nuôi trong bể mini

  • Cá neon

Một chiếc bể cá mini muốn đẹp thì không thể thiếu sự góp mặt của cá neon. Thân cá nhỏ, chỉ dài khoảng 5cm và sở hữu đường vân xanh kéo dài từ đầu đến đuôi. Khi có ánh sáng chiếu vào, phần vân này tỏa sáng và lấp lánh ánh dạ quang tuyệt đẹp. Cá neon thường sống theo bầy, tính cách cực kỳ thân thiện và dễ nuôi. Phổ biến nhất là dòng cá neon vua, cá neon xanh và cá neon kim cương.

  • Cá thủy tinh

Đây là loại cá có vẻ ngoài vô cùng độc lạ, vì sắc tố thấp nên khi di chuyển trong bể nước, thân cá trở nên trong suốt và gần như có thể thấy được phần ruột ở trong của chúng. Dưới ánh sáng mặt trời hoặc ánh đèn, thân cá sẽ sáng rực tựa như những viên thủy tinh lấp lánh. Cá thủy tinh tạo thành bầy từ 5 cá thể trở lên, cùng kiếm ăn và sống rất thân thiện với các loài cá khác.

  • Cá mây trắng

Chiều dài của cá mây trắng đạt khoảng 6cm khi trưởng thành, phần thân màu nâu nhạt với vài chấm đỏ và chiếc bụng ánh bạc vô cùng xinh xắn. Cá mây trắng là ứng cử viên sáng giá để nuôi trong bể mini, bạn có thể thả thêm một ít sỏi đá và thực vật vào bể cùng loài cá này để đạt hiệu ứng màu sắc đẹp nhất.

Lưu ý khi nuôi cá cảnh trong nhà

Thay bể nước định kỳ

Không nên dùng nước máy để nuôi cá mà phải khử clo trước khi cho cá vào bể. Dùng giấy quỳ hoặc bút thử để kiểm tra độ pH của bể, nên đảm bảo độ pH của bể từ 6.5 – 8.5. Nếu độ pH thấp hoặc cao hơn mức lý tưởng đó sẽ làm giảm sức đề kháng của cá, cá dễ bị mệt mỏi, bơi chậm và còi cọc.

Thay nước bể định kỳ

Lưu ý bể nước mới khi thay chứa ⅓ nước cũ và ⅔ nước mới để cá dễ thích nghi, không bị thay đổi môi trường nước đột ngột.

Đảm bảo nhiệt độ cho bể cá

Nhiệt độ thích hợp nhất cho cá cảnh sinh sống là từ 26 – 30 độ C. Trong trường hợp mùa đông nhiệt độ xuống thấp, cần dùng sưởi để tăng nhiệt độ. Ngược lại, mùa hè nhiệt độ cao quá cũng cần có biện pháp che chắn làm mát hồ. Cá cũng cần lượng ánh sáng cần thiết để phát triển.

Chọn các loại cá nuôi chung phù hợp

Khi nuôi cá cảnh cần chú ý đến đặc tính của từng loại cá để lựa chọn các loại cá nuôi chung trong bể phù hợp, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Đặc biệt, cần chú ý những loài cá có đặc tính hung hãn để chăm sóc chúng đúng cách.

Cho cá ăn vừa đủ

Khi cá ăn quá no sẽ dẫn đến tình trạng bị chết dần, làm ô nhiễm hồ cá. Do đó, nên cho cá ăn một ngày 2 lần, gồm sáng và chiều và cho lượng thức ăn để cá ăn hết trong vòng 5 phút là lý tưởng nhất.

Bể nuôi cá cảnh không chỉ là một hình thức trang trí cho không gian nhà cửa thêm độc đáo mà còn là một thú vui tao nhã, mang đến sự giải tỏa về tinh thần cho gia chủ. Hy vọng Cleanipedia đã giúp bạn lựa chọn được các loài cá cảnh dễ nuôi phù hợp cho bể cá nhà mình. Hãy truy cập vào Cleanipedia để đọc thêm những thông tin thú vị khác nhé!.

>> Xem thêm:

Tác giả: Team Cleanipedia

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.