Tổng hợp các câu hỏi về Luật Doanh nghiệp 2020 – Monday VietNam

Bài viết dưới đây là sự tổng hợp các câu hỏi về Luật Doanh nghiệp 2020 (sau đây gọi là LDN 2020) và nội dung giải đáp của các câu hỏi này. Monday VietNam mời bạn đọc cùng tham khảo.

Nội Dung Chính

1. Có cần chứng minh vốn điều lệ khi đăng ký thành lập công ty không ? 

Khi làm thủ tục thành lập, công ty không cần chứng minh vốn điều lệ trong tài khoản ngân hàng với cơ quan chứng nhận đăng ký trừ các trường hợp có các ngành nghề có điều kiện cần vốn pháp định.

….

Việc đăng ký vốn điều lệ và việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức vốn điều lệ là vấn đề nội bộ của công ty. Công ty chỉ cần kinh doanh đúng luật và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ mình đăng ký khi xảy ra các vấn đề liên quan đế giải thể, phá sản thì cần đảm bảo nghĩa vụ với người lao động, đối tác, chủ nợ…

2. Vốn điều lệ ảnh hưởng gì đến các thủ tục sau khi thành lập công ty ?

Số vốn góp quyết định mức đóng thuế môn bài mà công ty phải nộp sau khi hoàn tất quy trình thành lập công ty cũng như một số thủ tục khác liên quan đến kế toán.

3. Có được rút phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty TNHH hay không ?

Có thể rút phần vốn góp từ vốn điều lệ trong cả công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Cụ thể như sau:

  • Đối với công ty TNHH 2 thành viên có 2 trường hợp gồm hoàn trả vốn góp cho chủ sở hữu và chuyển nhượng vốn điều lệ cho bên thứ 3:

Một là: Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty (Khoản 3 Điều 87 LND 2020)

Hai là: chủ sở hữu công ty có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác (Điều 76 LDN 2020).

  • Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên gồm 2 trường hợp là hoàn trả vốn góp cho thành viên hoặc công ty mua lại vốn góp của thành viên như sau:

Một là: hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty

Hai là: công ty mua lại phần vốn góp của thành viên (Theo Điều 68 LDN 2020).

4. Việc thay đổi Vốn điều lệ có ảnh hưởng gì tới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không ? Thủ tục thay đổi Vốn điều lệ như thế nào?

Việc thay đổi Vốn điều lệ có ảnh hưởng tới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN ĐKDN) hay trước đây còn gọi là Giấy phép đăng ký kinh doanh, vì trên GCN ĐKDN có ghi nhận số vốn điều lệ. Nếu thay đổi VĐL thì phải đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp GCN ĐKDN mới (ghi nhận nội dung sửa đổi về vốn điều lệ) cụ thể như sau:

  • Sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ trên thực tế, công ty thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo đúng số vốn đã tăng.
  • Thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ phải được thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi.

Hồ sơ đăng ký gồm:

1. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (cụ thể là thay đổi vốn điều lệ) và;

2. (Kèm theo) Quyết định bằng văn bản và Biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; Quyết định của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên về việc thay đổi vốn điều lệ

Lưu ý: Các Quyết định, Biên bản họp của mỗi loại hình công ty nêu ở mục 2 phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty liên quan tới vấn đề thay đổi vốn điều lệ của công ty

5. Nhiều người góp vốn khác nhau có được ủy quyền cho cùng 1 người không?

Theo Khoản 3 Điều 141 BLDS 2015 quy định về Phạm vi đại diện:

“Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.”

Theo quy định của LDN 2020. Có 2 trường hợp đại diện:

  • Ủy quyền đại diện quản lý vốn (có thể kéo dài vài năm);
  • Ủy quyền tham dự cuộc họp và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (công ty cổ phần)

Như vậy, một cá nhân có thể làm đại diện theo ủy quyền cho nhiều cá nhân, tổ chức cùng lúc. Trong đó, đảm bảo việc đại diện không dẫn đến trục lợi cá nhân vàcác tổ chức được cá nhân đó đại diện không được đối nhau về mặt lợi ích.

6. Trường hợp hai công ty có cùng một người đại diện ký kết hợp đồng thì xử lý như thế nào?

Điều 141 BLDS 2015 có quy định về Phạm vi đại diện như sau:

“..người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Trường hợp đồng thời là người đại diện của cả 2 công ty thì không được đại diện cho cả 2 bên ký tên trên cùng một hợp đồng. Thay vào đó có thể giải quyết bằng cách ủy quyền cho cấp phó (người có chức vụ trong công ty) của 1 trong 2 công ty để ký các hợp đồng với bên còn lại.

7. Kiểm soát viên có bắt buộc phải có trong cơ cấu công ty TNHH 1 thành viên hoặc công ty TNHH 2 thành viên trở lên không?

LDN 2020 hiện hành không có quy định nào bắt buộc tất cả công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty 1 thành viên phải thành lập ban kiểm soát. mà chỉ bắt buộc phải lập ban kiểm soát đôi với các loại hình công ty sau: (Khoản 2 Điều 54 và Khoản 2 Điều 79 LDN 2020)

  • Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước;
  • Công ty con của doanh nghiệp nhà nước hoặc;
  • Công ty có chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước theo quy định.
8. Trường hợp mở văn phòng đại diện khác tỉnh, thành với trụ sở chính thì cần lưu ý điều gì?

Công ty có quyền thành lập văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Công ty có thể đặt một hoặc nhiều văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.

Tại khoản 2 Điều 45 LDN 2020 quy định về thủ tục đăng ký văn phòng đại diện trong nước, công ty gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt văn phòng đại diện.

(1) Thành phần hồ sơ:

a. Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;

b. Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của cty;

c. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.

(2) Trình tự thủ tục:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;
  • Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho công ty.
  • Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải thông báo bằng văn bản cho công ty và nêu rõ lý do.

>>> xem thêm Các câu hỏi thường gặp liên quan đến đăng ký Nhãn hiệu

9. Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ có được dùng để góp vốn vào doanh nghiệp? Loại tài sản nào cần định giá khi góp vốn?
  • Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ

    có thể được

    dùng để góp vốn vào doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 LDN 2020:

“Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.”

  • Theo khoản 1 Điều 36 LDN 2020, loại tài sản cần định giá khi góp vốn là:

“Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.”

Như vây, loại tài sản góp vốn nào không phải là “Đồng Việt Nam” thì phải tiến hành định giá quy đổi giá trị của tài sản đó ra Đồng Việt Nam.

10. Thủ tục thay đổi các thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên?

Công ty TNHH hai thành viên trở lên được phép thay đổi các thành viên trong công ty.

(1) Trình tự thực hiện việc thay đổi, như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung GCN ĐKDN thông qua 1 trong 2 hình thức:

  • Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc;
  • Nộp trực tuyến qua mạng điện tử trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Khi nhận Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty.

(2) Thành phần hồ sơ, bao gồm:

a. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;

b. Danh sách thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên;

Ngoài ra, kèm thêm các giấy tờ dưới đây nếu:

Trường hợp thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần vốn góp:

c. Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh đã hoàn tất việc chuyển nhượng;

d. Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc GCN ĐKDN hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với thành viên mới là tổ chức hoặc bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của thành viên mới là cá nhân;

e. Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.

Hoặc:

Trường hợp thay đổi thành viên do thừa kế:

f. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế;

g. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người thừa kế.

11. Người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là người nước ngoài hay không? Có bắt buộc là chủ sở hữu không?

Hiện nay, pháp luật không có quy định nào cấm người nước ngoài là người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH.

Nhưng người đại diện theo pháp luật của công ty phải đáp ứng một số điều kiện sau:

(1) Phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

(2) Phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

(3) Người đại diện theo pháp luật công ty không luôn luôn là chủ sở hữu. Vì chủ sở hữu có thể bổ nhiệm, thuê Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng Giám đốc làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

12. Tổ chức làm chủ sở hữu doanh nghiệp được có tối đa bao nhiêu người đại diện theo ủy quyền?

Trường hợp Điều lệ cty không có quy định khác thì số lượng thành viên đại diện theo ủy quyền được quy định như sau:

  • Tổ chức là thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên

    có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền;

  • Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần

    có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.

Trong trường hợp chủ sở hữu cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần cho mỗi người đại diện theo ủy quyền.

Nếu chủ sở hữu công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền thì phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho tất cả người đại diện theo ủy quyền.

13. Khi nào công ty TNHH 1 thành viên là tổ chức có Hội đồng thành viên?

Theo khoản 1 Điều 79 LDN 2020:

“Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

1. Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

2. Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.”

Như vậy, công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có thể lựa chọn mô hình có Hội đồng thành viên hoặc không.

14. Có thể chuyển nhượng hoặc tặng cho 1 phần Vốn điều lệ của công ty TNHH cho cá nhân, tổ chức khác không?

Chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH được hiểu là thành viên hoặc chủ sở hữu chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp của mình cho thành viên hay cá nhân, tổ chức khác không phải là thành viên của công ty thông qua một trong các hình thức sau: mua bán, tặng cho, thừa kế,…

Thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

  • Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
  • Chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty (với cùng điều kiện chào bán như đối với các thành viên còn lại của công ty) nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.

Phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại (Điều 51) hoặc chuyển nhượng (Điều 52) theo quy định LDN 2020 trong các trường hợp sau đây:

  • Người thừa kế của thành viên góp vốn không muốn trở thành thành viên;
  • Người được tặng cho phần vốn góp từ thành viên góp vốn không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên mới;
  • Thành viên công ty là tổ chức giải thể hoặc bị phá sản.

Trường hợp thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác thì người được tặng cho trở thành thành viên công ty theo quy định sau đây:

  • Người được tặng cho thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người này đương nhiên là thành viên công ty;
  • Người được tặng cho nhưng không thuộc đối tượng thừa kế thì người này chỉ trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.

Như vậy, LDN 2020 cho phép thành viên góp vốn có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác không phải là thành viên công ty trong các trường hợp nêu ở trên.

15. Công ty có được góp vốn thành lập công ty khác không?

Theo Điều 188 LDN 2020, Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Theo Khoản 3 Điều 17 LDN 2020, công ty TNHH, công ty hợp danh và công ty cổ phần có quyền tham gia góp vốn để thành lập công ty.

16. Giấy ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền có cần công chứng, chứng thực không?

Bộ luật dân sự 2015 không quy định cụ thể những trường hợp nào giấy ủy quyền bắt buộc phải công chứng mà tùy thuộc vào lĩnh vực ủy quyền sẽ có luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể. Theo đó, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên trong việc lựa chọn hình thức công chứng giấy ủy quyền trong một số trường hợp không bắt buộc.

LDN 2020 quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, Luật này không có quy định nào bắt buộc văn bản ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền phải công chứng, chứng thực.

17. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có ưu và nhược điểm gì?

Ưu điểm:

  • Số lượng thành viên không nhiều (2-50 thành viên), có cơ cấu tổ chức rõ ràng và quản lý điều hành không phức tạp.
  • Vì có tư cách pháp nhân nên chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn.
  • Thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn mình đã góp.
  • Phải chào bán phần vốn của mình cho các thành viên còn lại trước khi chào bán cho người ngoài, hạn chế sự tham gia của người lạ vào công ty.

Nhược điểm:

  • Chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật ít hơn DNTN, công ty hợp danh.
  • Bị hạn chế huy động vốn do không có quyền phát hành cổ phiếu.
18. Thay đổi người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh như thế nào?

Khi thay đổi người đại diện của văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh, công ty chuẩn bị hồ sơ gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở của chi nhánh.

  • Thành phần hồ sơ gồm:

1. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh (về nội dung thay đổi người đứng đầu của văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh) theo mẫu tại Phụ lục II-9 Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT;

2. Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp về nội dung thay đổi người đứng đầu văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh của: Chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (đối với công ty TNHH 1 thành viên); của Hội đồng thành viên công ty (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên); của Hội đồng quản trị (đối với công ty Cổ phần);

3. Bản sao hợp lệ hộ chiếu hoặc CMND của người đứng đầu văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh mới;

4. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh;

5. Văn bản ủy quyền (trong trường hợp người đại diện của công ty không trực tiếp nộp hồ sơ).

  • Công ty thực hiện nộp hồ sơ theo 02 cách:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh, thành phố nơi văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh công ty đặt trụ sở.

Cách 2: Nộp hồ sơ qua mạng điện tử (trực tuyến)

Lưu ý: Hiện tại đối với Phòng đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh yêu cầu các công ty nộp hồ sơ qua mạng. Do đó nếu Văn phòng đại diện ở Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh thì cty phải tiến hành nộp hồ sơ qua mạng điện tử.

  • Trình thực giải quyết như sau:

Bước 1: Khi nhận được Thông báo của công ty, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận;

Bước 2: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký công ty và;

Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh.

Lưu ý: Trường hợp công ty có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động văn phòng đại diện/chi nhánh/địa điểm kinh doanh.

19. Có thể rút toàn bộ vốn của chủ sở hữu của công ty TNHH 1 thành viên không?

Căn cứ Khoản 5 Điều 77 LDN 2020 quy định về nghĩa vụ của Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên:

“Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty”.

Như vậy, chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên có thể rút toàn bộ vốn của mình bằng cách chuyển nhượng lại toàn bộ vốn của mình cho cá nhân, tổ chức khác nhưng phải tuân thủ theo hình thức, trình tự mà LDN 2020 quy định.

20. Doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện về vốn pháp định thì cần tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp như thế nào?

Doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện về vốn pháp định thì sẽ tiến hành thủ tục giống như doanh nghiệp bình thường, tuy nhiên sẽ phải có các chứng từ chứng minh về vốn của các thành viên góp vào công ty. Điều này nhằm minh chứng cho phần vốn điều lệ của công ty sẽ đảm bảo tồn tại đúng như vốn pháp định.

Các hình thức dùng để chứng minh vốn pháp định:

  • Mở một tài khoản ngân hàng có đủ số vốn pháp định để chứng minh;
  • Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập, thành viên công ty;
  • Dịch vụ xác nhân vốn pháp định (ký quỹ) mà một số đơn vị đang cung cấp hoặc là tài sản thì cần phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá tại Việt Nam.

Thành phần hờ sơ gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp.

2. Danh sách thành viên/ cổ đông/ chủ sở hữu.

3. Bản sao giấy tờ chứng thực của các thành viên/ cổ đông/ chủ sở hữu.

4. Điều lệ công ty (nếu có).

5. Các tài liệu chứng minh vốn của doanh nghiệp.

6. Chứng chỉ hành nghề (giấy phép con).

7. Giấy ủy quyền (nếu có)

Nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thời hạn xử lý trong vòng 03 đến 05 ngày làm việc.

21. Các chức danh nào trong công ty có thể làm người đại diện theo pháp luật?

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thường là những người giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp. Vì các chức danh quản lý trong mỗi loại hình doanh nghiệp là khác nhau. Do đó, người đại diện theo pháp luật của mỗi loại hình doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau. Cụ thể:

(1) Doanh nghiệp tư nhân: 

Căn cứ Khoản 3 Điều 190 LDN 2020 quy định về quản lý doanh nghiệp tư nhân:

“Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc Dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi vầ nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân.

(2) Công ty TNHH 1 thành viên: 

  • Đối với công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu

    :

Theo Khoản 3 Điều 79 LDN 2020 thì “Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty“.

Như vậy, với cơ cấu tổ chức của công ty có tổ chức làm chủ sở hữu thì người đại diện theo pháp luật có thể giữ các chức danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc

  • Đối với công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu

    :

Dựa vào Điều 85 LDN 2020 và bản chất pháp lý của người đại diện theo pháp luật thì trường hợp cá nhân làm chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên, người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ là Chủ tịch công ty (chủ sở chữu cty).

(3) Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: 

Căn cứ Khoản 3 Điều 54 LDN 2020 về cơ cấu tổ chức của công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì:

“Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định thì Chủ tịch hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật”

Như vậy, các chức danh có thể làm người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 thành viên trở lên là: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng Giám đốc. Tùy vào Điều lệ công ty quy định số lượng và chức danh nào mà những người giữ chức danh tương ứng sẽ được chọn làm người đại diện theo pháp luật.

(4) Công ty Cổ phần: 

Căn cứ Khoản 2 Điều 137 LDN 2020 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần, chức danh người đại diện theo pháp luật được xác định theo các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Công ty chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật

  • Điều lệ có quy định chức danh thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật;
  • Điều lệ không quy định rõ chức danh nào thì Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiên là người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp 2: Công ty có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật: Chủ tịch hội đồng quản trị Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

(5) Công ty hợp danh: 

Căn cứ Khoản 1 và điểm a Khoản 4 Điều 184 LDN 2020 quy định về việc điều hành kinh doanh của công ty hợp danh thì:

“1. Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và….”.

“4. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng Giám đốc có các nghĩa vụ sau đây:

a) Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh;..”

Như vậy, người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là thành viên hợp danh giữ chức vụ hoặc đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.

22. Những Người đại diện theo ủy quyền có nắm giữ quyền ngang nhau tại một công ty không?

Căn cứ Khoản 1 Điều 14 LDN 2020 quy định về người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức:

“Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.“

Người đại diện theo ủy quyền cho chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức tại một công ty chỉ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo phạm vi ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty mà mình đại diện ghi nhân trong văn bản quyền.

Thêm vào đó, quyền lợi của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Vì thế, Pháp luật doanh nghiệp không thể đặt ra các quy định về quyền và nghĩa vụ chung cho người đại diện theo ủy quyền được.

Vì vậy, các đại diện theo ủy quyền sẽ không có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.

23. Chủ tịch Công ty TNHH 1 thành viên có thể kiêm nhiệm Giám đốc/ Tổng Giám đốc không?
  • Trường hợp chủ sở hữu công ty là

    cá nhân

    :

Căn cứ Khoản 2 Điều 85 LDN 2020 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì:

“2. Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.”

  • Trường hợp chủ sở hữu công ty là

    tổ chức

    :

Căn cứ Khoản 1 Điều 82 LDN 2020 quy định về Giám đốc, Tổng Giám đốc thì:

“…Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác.”

Như vậy, dù thuộc trường hợp công ty có chủ sở hữu là tổ chức hay chủ sở hữu là cá nhân thì Chủ tịch công ty TNHH 1 thành viên đều hoàn toàn có thể kiêm nhiệm Giám đốc/ Tổng giám đốc, nếu điều lệ công ty không có quy định khác.

24. Văn phòng giao dịch có phải là văn phòng đại diện?

Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 44 LDN 2020 quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp:

“1. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.“

Văn phòng giao dịch không phải là một thuật ngữ pháp lý mà là khái niệm do công ty tự đặt khi đăng ký địa điểm kinh doanh. Như vậy, văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch là khác nhau. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó còn văn phòng giao dịch là địa điểm kinh doanh nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh.

©Monday VietNam