Tổng hợp các cách làm bánh đúc miền Trung đơn giản nhất

Bánh đúc là món ăn quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Việt. Bánh đúc có nhiều công thức chế biến khác nhau, đặc trưng theo từng vùng miền. Nếu miền Bắc có bánh nóng hay bánh đúc lạc thì miền Nam có bánh đúc nhân tôm cháy mặn. Vậy còn miền Trung thì sao? Hãy cùng vào bếp tham khảo cách làm bánh đúc miền Trung theo hướng dẫn dưới đây. 

Bánh đúc miền Trung khác gì so với bánh đúc miền Bắc và miền Nam?

Có thể nói, cách chế biến của bánh đúc miền Nam và miền Bắc đơn giản hơn nhiều so với loại bánh đúc miền Trung. Ở 2 đầu đất nước, bánh đúc chỉ là món tráng miệng không có thành phần tôm, thịt. Đây chính là điểm khác biệt rõ rệt nhất với bánh đúc miền Trung.

Các chuyên gia làm bánh đúc truyền thống đều có chung nhận định, món bánh này của dải đất miền Trung tốn nhiều thời gian chế biến hơn. Tuy nhiên, thành phẩm lại ngon và không hề thua kém hương vị của 2 món bánh kia.

Cách làm bánh đúc Huế

Như các bạn đã biết, ẩm thực Huế rất đa dạng và phong phú với nhiều món ngon hấp dẫn. Trong số đó, bánh đúc Huế được nhiều người ưa thích, gồm bánh đúc mặn và ngọt. Bánh đúc ngọt ăn kèm với mật mía, bột bánh xanh mướt thường dùng cho những dịp đầu xuân với mong muốn cầu chúc điều may mắn. Dưới đây hướng dẫn chị em cách làm bánh đúc huế mặn:

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • Bột gạo: 230g;
  • Bột năng: 120g;
  • Tinh bột đậu xanh: 70g;
  • Mắm nêm: ¼ chén;
  • Nguyên liệu làm mắm: Chanh, tỏi, ớt, 1 lát thơm (⅛ trái thơm);
  • Gia vị cơ bản: Muối, dầu ăn;

Nguyên liệu làm bánh đúc Huế

Nguyên liệu làm bánh đúc Huế

Khi các nguyên liệu đã sẵn sàng, cùng bắt tay vào làm bánh đúc Huế theo hướng dẫn sau:

  • Đầu tiên, bạn cho 3 loại bột vào âu lớn, ½ muỗng cafe muối rồi thêm từ từ 375ml nước ấm (50 – 60 độ). Khuấy đều cho hỗn hợp bột tan, bột mịn thì để cho bột nghỉ 15 phút.
  • Tiếp đến, bạn đặt nồi lên bếp, thêm 1375ml nước lọc, nấu cho sôi thì hạ lửa về mức nhỏ nhất. Cho từ từ hỗn hợp bột gạo vào và khuấy liên tục cho đến khi thu được bột đặc sệt, dẻo mịn.
  • Khi bột đã đạt bạn cho bột vào khuôn, thường là sử dụng chén ăn cơm đã thoa dầu trong lòng rồi đặt vào xửng hấp với nước đã được nấu sôi, phủ khăn lên miệng nồi hấp để nước không nhiễu vào bánh, đậy kín nắp và hấp cho bột chín hoàn toàn ở lửa lớn trung bình 15 phút.
  • Trong thời gian đợi bánh chín, chúng ta làm mắm nêm ăn kèm. Bạn vắt thơm lấy nước, cho vào nồi rồi đặt lên bếp, cho 2 muỗng canh đường vào rồi nấu cho tan đường, nước cốt thơm đặc lại là tắt bếp. Bạn cho trực tiếp vào mắm nêm, thêm ớt, tỏi băm và 1 lát nước cốt chanh (nếu thích ăn chua) là hoàn thành.
  • Bánh đúc hấp chín trắng, mềm dẻo dai ăn cùng với mắm nêm mặn chua cay, một ít chả bò, tóp mỡ vô cùng đậm đà, ngon khó cưỡng.

Bánh đúc Huế ăn kèm mắm nêm ngon khó cưỡng

Bánh đúc Huế ăn kèm mắm nêm ngon khó cưỡng

Cách làm bánh đúc Nghệ An 

Nghệ An còn nổi tiếng với món bánh đúc dân dã. Tuy là món ăn được làm từ nguyên liệu đơn giản nhưng bánh đúc là nét văn hóa đại diện cho ẩm thực người con xứ Nghệ. Để làm bánh đúc chuẩn hương vị, bạn cần chuẩn bị nguyên liệu sau:

  • Gạo Khang Dân hoặc loại gạo cứng, không chọn gạo dẻo: 1kg;
  • Vôi ăn trầu;
  • Muối;
  • Lá chuối;
  • Dầu ăn;
  • Dụng cụ: Cối xay bột hoặc máy xay sinh tốt, nồi, chén, mâm;

Chi tiết cách làm bánh đúc miền Trung chuẩn xứ Nghệ:

  • 1kg gạo bạn ngâm trong 3 ngày, để tránh bột bị mua mỗi lần ngâm cho 1 ít muối, mỗi ngày thay 1 lượt nước. Sau đó mang đi xay mịn với máy xay sinh tố hoặc cối xay. Tỷ lệ gạo và nước 40/60.
  • Vôi hòa tan trong nước lạnh, lắng lọc và lấy phần nước vôi trong ở trên, lấy 1 lít nước.
  • Đặt nồi lên bếp, cho nước vôi trong vào nồi đun sôi. Khi nước vôi trong sôi bạn đổ thật nhanh bột vào và quậy liên tục để bột không bị vón cục.
  • Khuấy liên tục để bánh mịn, không bị vón cục ở lửa đun vừa. Đến khi bột bánh vớt lên không bị đứt đoạn mà chảy nối nhau liên tục là bánh đã chín.
  • Sau đó, múc bỏ vào những chiếc chén đã sắp sẵn và lót lá chuối ở dưới. Lưu ý: Việc múc bánh phải thực hiện thật nhanh khi bột đang còn nóng, nếu để nguội bột đông lại không thể múc ra.
  • Đợi cho bánh đúc nguội mới thưởng thức.
  • Bánh đúc này được ăn kèm với xáo thịt bò, thịt lợn,…tùy theo từng vùng miền của Nghệ An sẽ có cách ăn bánh đúc đặc trưng riêng.

Bánh đúc xứ Nghệ 

Bánh đúc xứ Nghệ 

Cách làm bánh đúc Quảng Nam

Người dân xứ Quảng làm bánh đúc truyền thống từ gạo xay ướt với nước vôi trong. Tuy nhiên, cách thưởng thức bánh lại hoàn toàn khác. Bánh được rải một ít lạc rang giã nhuyễn, rau hành và rau ngò lên bề mặt rồi chấm với mắm nêm. Chính cái đậm đà của mắm nêm, cái bùi bùi và béo béo của đậu làm nên món ăn dân dã làm thổn thức bao người con xa quê.

Để làm bánh bạn chuẩn bị nguyên liệu sau đây:

  • Gạo khô: 1kg;
  • Vôi: 10g;
  • Đậu phộng rang;
  • Hành lá, ngò rí;
  • Dầu ăn;
  • Mắm nêm;
  • Ớt, tỏi, chanh;

Hướng dẫn cách làm bánh

  • Gạo vo sạch, sau đó ngâm với nước ít nhất 7 giờ đồng hồ. Bóp hạt gạo thấy mềm là đạt. Người xưa thường xay gạo đã ngâm bằng cối, bạn có thể sử dụng máy xay sinh tố để xay gạo. Nhớ lược bột qua rây để đảm bảo bột mịn hoàn toàn.
  • 10g vôi ăn trầu hòa với 1 lít nước, đợi cho vôi lắng thì chắt lấy phần nước vôi trong ở trên để làm bánh đúc.
  • Đặt chảo sâu lòng lên bếp, đun sôi nước vôi trong rồi cho từ từ bột gạo vào khuấy. Cách khuấy tương tự như cách làm bánh đúc Nghệ An. Lửa khuấy bánh phải là lửa nhỏ.
  • Bột chín cho ra tàu lá chuối đã để sẵn trong mẹt nhỏ với độ dày 3 – 5 cm hoặc mâm lớn.
  • Để bột nguội, phết lên bánh một ít dầu đậu phộng đã phi hành, đậu phộng rang giã nhuyễn, lá ngò và hành.
  • Bạn ăn kèm với mắm nêm đã gạn ép xác, nặn một ít chanh, thêm đường và tỏi ớt là thưởng thức.

Bánh đúc xứ Quảng 

Bánh đúc xứ Quảng 

Cách làm bánh đúc sốt Thanh Hóa

Bánh đúc sốt là món ăn vang danh một thời nhưng đến nay nó không còn được bán ở nhiều nơi. Cách làm bánh đúc sốt cũng không quá khó như bạn nghĩ. Và dưới đây là hướng dẫn cách thực hiện:

Phần bánh đúc: Nhìn chung, cách làm bánh đúc tương tự như cách làm bánh đúc Nghệ An, bánh đúc Quảng Nam. Cũng là gạo tẻ xay nhuyễn quấy trên bếp cho đặc cùng nước vôi trong nhưng bánh đúc sốt lại có màu xanh lạ mắt.

Không làm từ nguyên liệu lá dứa, màu xanh của bánh đúc sốt được lấy nước cốt lá ngót, lá cải hòa với bột trong quá trình quấy bột.

Bánh đúc Thanh Hóa có màu xanh đặc trưng 

Bánh đúc Thanh Hóa có màu xanh đặc trưng 

Phân nhân: Điểm tạo nên sự đặc biệt cho bánh đúc sốt Thanh Hóa chính là nhân bánh. Được làm từ đỗ xanh hấp chín, đánh tơi vừa phải, không xay quá nhuyễn. Hành phi, tóp mỡ đặt bên trên.

Trình bày: Bánh được trình bày trong ly với lớp đậu xanh dưới đáy đến phần bánh đúc nóng, thêm một lớp đậu xanh, hành phi tóp mỡ thơm nức mũi. Bánh đúc này phải ăn nóng mới ngon, múc một thìa các nguyên liệu hòa quyện với nhau quả là khó cưỡng lại.

Bánh đúc sốt Thanh Hóa độc đáo ở phần nhân và cách thưởng thức

Bánh đúc sốt Thanh Hóa độc đáo ở phần nhân và cách thưởng thức

Không có một công thức chuẩn nào để làm bánh đúc miền Trung mà nó tùy thuộc vào từng vùng miền. Mỗi vùng miền đều có một cách chế biến riêng mang hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nếu bạn bỗng nhớ hương vị quê nhà chần chừ gì mà không vào bếp thực hiện theo 1 trong các công thức gợi ý trên đi nào!