Tổng cục Thuế nói về thuế của doanh nghiệp chế xuất

TCDN –
Tại Diễn đàn “Khu công nghiệp Việt Nam – 2022: Khơi thông dòng vốn đầu tư mới” diễn ra ngày 11/8, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có những chia sẻ xung quanh chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất.

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Việt Nam cho hay, những năm qua, việc thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam rất tốt nhưng quá trình thực hiện văn bản pháp quy quá phụ thuộc vào nhà tư vấn như khái niệm về doanh nghiệp chế xuất, được hưởng chế độ ưu tiên.

Theo bà Hương, trước đây có nhiều điểm hạn chế, nhưng sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 18 với mục tiêu xử lý vướng mắc về hoàn thuế, đầu vào nhưng vẫn có những khúc mắc khác chưa được giải quyết.

“Một doanh nghiệp chế xuất đến từ Nhật Bản cho rằng, từ tháng 12/2018, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo Nghị định 18. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp mua cung ứng của nhà nội địa ở Việt Nam nhưng chưa được thông qua thủ tục về hải quan, mong muốn được Chính phủ, cơ quan ban, ngành có hướng giải quyết, hỗ trợ”, bà Hương nhấn mạnh.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế.

Liên quan vướng mắc thuế giá trị gia tăng (GTGT) của doanh nghiệp, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho hay, Nghị định 82 trước đây quy định là doanh nghiệp được hiện cơ chế doanh nghiệp chế xuất sau khi có xác nhận cơ quan hải quan.

Sau này, nếu kiểm ta không đủ điều kiện thì không được hoạt động diện doanh nghiệp chế xuất (nghĩa là không còn hưởng khu phi thuế quan). Khi chưa được công nhận là doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT. Sau khi được công nhận, các hàng hóa mua nước ngoài thì không chịu GTGT, mua hàng từ Việt Nam thì đồng nghĩa người trong nước xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Huy cho biết, khi Bộ Tài chính sửa Nghị định 134 về thuế xuất nhập khẩu, trong đó có sửa về thuế nhập khẩu, bổ sung quy định xử lý với hàng hóa doanh nghiệp mua từ nước ngoài về. Theo đó, khi được công nhận là doanh nghiệp chế xuất, được đủ điều kiện phi thuế quan, doanh nghiệp được hoàn tiền nộp thừa. Với hàng hóa mua trong nước, thuộc phạm vi Nghị định 82, không căn cứ với phần tiền hoàn nộp thừa.

Khi chuyển từ doanh nghiệp cơ chế mua thường sang chế xuất (khu vực phi thuế quan), doanh nghiệp thuộc đối tượng không nộp thuế GTGT, sẽ không có cơ chế hoàn, khấu trừ, thuế GTGT, mà sẽ đưa vào chi phí thuế TNDN.

Ông Lưu Đức Huy khẳng định, về nguyên tắc, cơ quan thuế là cơ quan thực hiện theo pháp luật về thuế. Muốn đưa vào chi phí thuế TNDN thì phải đáp ứng 3 điều kiện. Một là khoản chi liên quan đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; hai là có hóa đơn chứng từ hợp lý, hợp lệ; ba là, nếu khoản chi hơn 20 triệu cần thanh toán qua ngân hàng, cần xác định khoản này có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không.

Trong Luật Thuế TNDN có quy định về tài trợ riêng không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được trừ theo quy định trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp,. Tuy nhiên, nếu không thuộc các trường hợp tài trợ quy định trong luật sẽ rất khó để cơ quan thuế chấp nhận đây là khoản chi phí được trừ khi tính thuế.