Tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc
Chủ nhân công nghệ vắc xin mRNA phòng Covid-19 được vinh danh
Lễ trao giải thưởng VinFuture hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới và công bố những sáng kiến, phát minh có tác động lên hàng triệu người sẽ đưa VN trở thành tâm điểm của giới khoa học, thu hút sự chú ý của thế giới đến với VN.
T.H
Trong mùa giải đầu tiên, VinFuture đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải đến từ 6 châu lục. Trong đó, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3%. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize… VN cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với một giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture.
Hội đồng giải thưởng gồm các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã tìm ra chủ nhân của Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên trị giá 70 tỉ đồng (3 triệu USD) gồm 3 nhà khoa học: GS Katalin Kariko, GS Drew Weissman (Mỹ) và GS Pieter Rutter Cullis (Canada) với công nghệ vắc xin mRNA cứu sống hàng tỉ người. Công nghệ mRNA đã mở đường tạo ra loại vắc xin ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả. Các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna đã tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.
3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 11,5 tỉ đồng (500.000 USD), gồm: Giải thưởng nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho GS Omar M.Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ – kim loại (MOFs) có tiềm năng cải thiện cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người. Giải thưởng nhà khoa học nữ được trao cho GS Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Giải nhà khoa học từ các nước đang phát triển được trao cho cặp vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim (Nam Phi) với công tình nghiên cứu ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh nhân AIDS.
VinFuture tôn vinh giá trị của khoa học trên phạm vi toàn cầu
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chào mừng các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã đến VN tham dự lễ trao giải VinFuture và chúc mừng chủ nhân của các giải thưởng mùa đầu tiên. Thủ tướng cho biết 2 năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19, cả nhân loại đặt niềm tin hy vọng, trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vắc xin, thuốc chữa phòng chống dịch. “Vắc xin được ví như lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch Covid-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học, những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Chúng ta có mặt ở đây bình yên, an toàn cũng chính nhờ các nhà khoa học, nhờ có vắc xin”, Thủ tướng bày tỏ.
Theo Thủ tướng, tại VN, phát triển khoa học – công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội. Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế chính sách, cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc đưa khoa học – công nghệ trở thành mục tiêu quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng. “VN luôn trân trọng, trân quý tôn vinh các nhà khoa học chân chính đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của nhân loại. Sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture chính là cổ vũ, tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho cả thế hệ tương lai”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Tập đoàn Vingroup đã nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển Quỹ VinFuture nhằm tôn vinh giá trị của khoa học trên phạm vi toàn cầu. Thủ tướng mong chờ trong thời gian tới sẽ có những bước phát triển mới trong việc ứng dụng các nghiên cứu của các nhà khoa học tại VN.
Những người tạo nên các công nghệ đột phá
Theo đánh giá của giới khoa học công nghệ toàn cầu, một trong những công nghệ vắc xin đột phá trong đại dịch Covid-19 là vắc xin mRNA do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển.
Quý Hiên
Nhưng để đưa được những vắc xin này vào cơ thể người là nhờ công nghệ hạt nano lipid. Tác giả của những công trình này là GS Katalin Kariko, GS Drew Weissman (đều là người Mỹ) và GS Pieter R. Cullis (Canada). GS Katalin Kariko là người Hungary, lấy bằng TS ở ĐH Szeged cũng của Hungary. Sau đó, bà sang Mỹ làm nghiên cứu sau TS, rồi làm GS trợ giảng và bây giờ là GS thỉnh giảng ở ĐH Pennsylvania (Mỹ), đồng thời là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech. Từ năm 1989, khi làm việc ở ĐH Pennsylvania, bà Kariko tập trung nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm. Thời gian đó, cũng tại ĐH Pennsylvania, GS Drew Weissman có những kế hoạch đầy tham vọng trong việc tìm kiếm vắc xin cho bệnh nhân AIDS. Hai người tình cờ gặp nhau, Kariko đã chia sẻ về nghiên cứu tạo ra mRNA của bà với GS Weissman và ông Weissman đã nhận ra những tiềm năng độc đáo của công nghệ này. Từ đây, hai nhà nghiên cứu bắt đầu cộng tác cùng nhau.
GS Drew Weissman là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Trong sự nghiệp của mình, ông đã dành hơn 15 năm nghiên cứu về RNA nhằm sản xuất vắc xin với một niềm tin lớn vào khả năng chữa bệnh dường như vô tận của mRNA tùy chỉnh.
Tuy nhiên, bản thân ông không ngờ rằng công nghệ mRNA mà ông đồng sáng tạo với đồng nghiệp cũ, GS Katalin Kariko, đã trở thành một công nghệ bước ngoặt được sử dụng trong một số vắc xin Covid-19 dựa trên mRNA hiện đang được phát triển ở giai đoạn cuối. GS Kariko và GS Weissman đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vắc xin mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer/BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vắc xin của họ. 150 quốc gia đã được hưởng lợi từ sự ra đời của vắc xin Covid-19 mRNA. Đóng góp của hai nhà khoa học này cho nhân loại trong đại dịch Covid-19 đã khiến họ là những tên tuổi nổi bật trong danh sách đề cử nhận giải thưởng Nobel 2021.
Nhưng theo giới khoa học, vắc xin Covid-19 mRNA chỉ trở nên khả thi là nhờ thành tựu nghiên cứu của GS Pieter R.Cullis, Giám đốc Viện Khoa học sự sống tại ĐH British Columbia, Canada. GS Cullis và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA). Công trình này góp phần tạo ra 3 loại thuốc đã được các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu phê chuẩn để điều trị ung thư và các biến chứng liên quan. Đặc biệt, GS Cullis đã tạo ra đột phá trong việc phát triển các hạt nano lipid cần thiết để bao bọc và bảo vệ mRNA hoạt động. Điều này đã mở ra một ngành khoa học mới và các phương pháp mới trong sản xuất vắc xin mRNA Covid-19 giúp cải thiện cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người. Kỹ thuật do GS Cullis tiên phong tạo ra đã được sử dụng thành công để phát triển hệ thống phân phối LNP cho vắc xin mRNA, bao gồm cả những kỹ thuật đang được sử dụng để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Quý Hiên