Tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống, văn hóa Việt Nam
Tới dự, có nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện các nữ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan và tổ chức quốc tế.
Áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, được xuất hiện trang trọng, lịch sự, duyên dáng trong các dịp lễ lớn của dân tộc, các sự kiện quan trọng của đất nước, cũng như của mỗi địa phương và từng gia đình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc và tiếp biến văn hóa, tà áo dài có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với nhịp sống đương đại nhưng ở thời kỳ nào cũng vẫn giữ trong mình nét truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam và để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Trong dòng chảy của suối nguồn nghệ thuật, áo dài trở thành nguồn cảm hứng bất tận của sân khấu, hội họa, thơ ca, âm nhạc và thực sự đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng tinh hoa văn hóa Việt, ẩn chứa vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn người Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng, phát động các tầng lớp phụ nữ trong cả nước hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” được tổ chức định kỳ hằng năm vào tuần đầu tháng 3 để tôn vinh áo dài Việt Nam, với nhiều hoạt động phong phú như: đồng diễn, trình diễn áo dài, các cuộc thi duyên dáng áo dài, tặng áo dài cho phụ nữ khó khăn khăn ở các địa phương.
Chương trình nghệ thuật “Tinh hoa Áo dài Việt” tổ chức ngày hôm nay là tổng hòa các tiết mục nhạc kịch đặc sắc được dàn dựng công phu, nhằm tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam và các màn trình diễn áo dài khắc họa đậm nét vẻ đẹp và tình yêu với áo dài.
Với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam, kết hợp trình diễn bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và các nữ nhà thiết kế khác, chương trình gồm ba chủ đề. Chương 1: Cội nguồn – Hà Nội xưa (bộ sưu tập áo dài về họa tiết xưa, 12 mùa hoa..); Chương 2: Tinh hoa (các bộ sưu tập về nàng thơ, sen, thủ công làng nghề…); Chương 3: Hội nhập (bộ sưu tập quốc kỳ và dạ hội).
Qua chương trình nghệ thuật “Tinh hoa áo dài Việt”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn góp phần truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, tích cực về tình yêu, lòng tự hào dân tộc và giá trị nhân văn đối với đất nước, con người và áo dài Việt Nam đến đông đảo công chúng. Đồng thời, góp phần để các giá trị của áo dài sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới.