Tôn trọng lịch sử – tiêu chí của đổi mới :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com

Trong nhà trường phổ thông của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Lịch sử là môn học bắt buộc. Nếu học sinh từng bước được trang bị kiến thức về cội nguồn dân tộc, truyền thống đánh giặc giữ nước, truyền thống lao động cần cù sáng tạo và những giá trị văn hóa, tinh thần mà ông cha mình, cũng như các nhà khai sáng đã gây dựng, giữ gìn bao đời thì chắc chắn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, một thế giới quan đầy tính nhân văn sẽ được hình thành trong tâm hồn trẻ thơ qua môn học Lịch sử này.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lịch sử Việt Nam còn là lịch sử của một nền văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là lịch sử của tình đoàn kết, lao động cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo luôn “chung lưng đấu cật”, đoàn kết yêu thương, mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ… trong một cộng đồng lớn Nhà – Làng – Nước – Dân tộc. Đó chính là sức mạnh tiềm ẩn, là nét độc đáo riêng, là “hồn thiêng sông núi” của dân tộc Việt Nam. Chính nó là lời đáp cho câu hỏi: Tại sao trải qua 1082 năm đô hộ bọn phong kiến phương Bắc, không tài nào đồng hóa một con người Việt Nam? Tại sao đứng trước một sức mạnh bạo cường của những tên thực dân, đế quốc dân tộc ta vẫn trường tồn và phát triển?

Chính lịch sử đã hun đúc nên chủ nghĩa yêu nước Việt Nam làm cho nó trở thành bền vững, sống động. Yêu nước là đá thử vàng đối với mọi phẩm chất khác là phẩm chất chuẩn mực nhất, giá trị cao nhất của con người, biểu hiện tinh thần làm chủ rất cao của con người Việt Nam đối với Tổ quốc, với quê hương, đối với nền văn hóa lâu đời của cộng đồng, là chủ nghĩa anh hùng, là tinh thần bất khuất trong đấu tranh về sự sống còn của dân tộc.

Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, nếu không biết giữ bản sắc văn hóa dân tộc thì rất có thể bị hòa tan, bị nhấn chìm. Một dân tộc không biết dựa vào lịch sử và xem nhẹ sử, thì không thể định hướng và càng không thể tìm đâu là điểm tựa cho mình.

Quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục, cái mới sẽ ra đời trên mảnh đất truyền thống. Vì vậy, tôn trọng lịch sử là tiêu chí của đổi mới. Bác Hồ – vị lãnh tự kính yêu của dân tộc ta, lúc sinh thời đã rất quan tâm đến việc truyền bá kiến thức lịch sử nước nhà, Bác đã từng nói:

“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Lịch sử có vai trò to lởn như vậy nhưng hiện nay trong xã hội và nhà trường, môn học Lịch sử côn bị xem là phụ, học sinh ít muốn học, học qua loa, chiếu lệ hay buộc phải học. Kết quả chấm thi đại học trong hai năm gần đây (2005-2006, 2006-2007) khiến nhiều người không khỏi giật mình: “bội thực” điểm 0 môn Lịch sử trong các kỳ thi Đại học. Số thí sinh đạt điểm trung bình chiếm tỉ lệ rất thấp.

Việc dạy sử cũng chưa được chú trọng. Thầy, cô lên lớp chỉ nói qua loa nội dung bài học, rồi đọc cho học sinh chép. Học sinh thì đến lớp trả bài cho thầy cô không sai một ly so với trong sách, đến khi tan trường lại quên sạch sành sanh. Cách học, cách dạy như vậy thì sao đạt được hiệu quả cao. Giới trẻ hầu như chỉ tiếp cận với lịch sử đất nước bằng một con đường duy nhất là các bài giảng khô khan của thầy cô trong nhà trường qua sách giáo khoa. Trong khi đó, học sinh lại biết nhiều về lịch sử Trung Hoa được trình bày một cách sinh động trong những bộ phim đã sử đầy kịch tính cùng dàn diễn viên tài năng và xinh đẹp… Thật ngạc nhiên khi dân tộc ta không thiếu những vị anh hùng, những tích Trạng Nguyên lý thú nhưng lại không được khai thác triệt để thành những bộ phim hay những tác phẩm văn học sử để xem, dễ hiểu. Từ thực trạng trên, có thể chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, chúng ta chưa đặt đúng vị trí, chức năng môn Lịch sử trong hệ thống các môn học phổ thông, hầu như chỉ tập trung vào các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Tiếng Việt… khiến học sinh có xu hướng coi nhẹ môn Lịch sử. Trên lý thuyết và thực tế, môn Lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc tức môn Quốc sử, không chỉ trang bị kiến thức cơ bản rất cần thiết cho thế hệ trẻ mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam. Nếu không chú ý, mỗi công dân của chúng ta khi học hết cấp phổ thông, trong đầu sẽ mang những khoảng trống vắng, hay mờ nhạt về lịch sử nghĩa là không hiểu biết về quá khứ dân tộc, về các giá trị mà ông cha ta đã đổ bao xương máu để giành, giữ được thì vô cùng nguy hiểm.

Hai là, ngành giáo dục còn tồn tại quan niệm quy kết trách nhiệm chán ghét môn Sử là tại học sinh, do vậy, tìm cách áp đặt bắt buộc các em học lịch sử mà không biết rằng làm như thế là duy ý chí. Kết quả học sử kém ở phổ thông không phải do học sinh, càng không phải do nội dung lịch sử, mà do người lởn chúng ta, do những nguyên nhân nằm trong chương trình, sách giáo khoa và các phương pháp dạy sử.

Ba là, do sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn chưa tốt. Đối với môn sử thì gia đình với vốn hiểu biết của cha mẹ làm các nghề khác, nhiều lắm chỉ có thể lưu ý, động viên con em mình quan tâm học lịch sử. Do đó, vai trò của xã hội là rất quan trọng. Xét về phương diện nào đó, học lịch sử nên hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả trường học trên các kênh thông tin môi trường văn hóa, giáo dục của xã hội.

Bốn là, việc dạy và học môn Lịch sử ở nước ta chưa tận dụng được hệ thống bảo tàng là những bộ sử bằng hiện vật rất phong phú và mang tính cảm thụ trực tiếp rất phù hợp với tuổi trẻ. Hệ thống bảo tàng khá phong phú của chúng ta từ cấp Trung ương đến địa phương chưa phát huy được tác dụng giáo dục đối với học sinh và các trường học, các thầy, cô giáo cũng không quan tâm tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng. Ngay cả môn lịch sử địa phương đã quy định trong chương trình cũng không mấy trường thực hiện được.

Năm là, còn nhiều vấn đề về chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy. Nền giáo dục của chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách, sách giáo khoa có khá hơn sau mỗi lần cải cách, nhưng vẫn chưa tương xứng với vai trò, vị trí, chức năng của môn Lịch sử trong trường phổ thông. Về nội dung, thực chất sách giáo khoa lịch sử bậc phổ thông là tóm tắt lịch sử viết cho người lớn. Lấy sách viết cho người lớn tóm lược lại cho trẻ con học thì dĩ nhiên không phù hợp với lứa tuổi, không thể gây hứng thú học tập ở các em. Cách trình bày trong sách giáo khoa cũng cứng nhắc, thiếu sinh động, thậm chí bản đồ, ảnh minh họa chưa được tuyển chọn chuẩn xác cũng là nguyên nhân góp phần làm cho học sinh chán ghét học lịch sử. Chương trình và sách giáo khoa do Bộ GDĐT chủ trì, về phương diện khoa học, cũng chưa cập nhật được những thành tựu mới của khoa học lịch sử trong nước và trên thế giới. Ví dụ lịch sử miền Nam Trung bộ và Nam bộ vẫn bỏ trống. Vương triều Mạc không có bài riêng như các vương triều khác, nội dung văn hóa và quan hệ giao lưu văn hóa vẫn chưa nổi bật… Cách viết sách giáo khoa vẫn nặng về tư liệu sự kiện hay có lúc lại sa đà vào phân tích nguyên nhân thắng lợi các cuộc kháng chiến gần na ná như nhau và lặp đi lặp lại. Nội dung sống động nhất của lịch sử là phải gắn với cuộc sống, qua các thời kỳ lịch sử và cuộc sống hôm nay, lại chưa được quan tâm và phát huy. Tóm lại là cách trình bày lịch sử khô khan, nặng nề và như vậy học sinh không thích học là hệ quả tất yếu.

Từ thực trạng học và dạy sử hiện nay, chúng tôi tạm thời đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần áp dụng ngay một số giải pháp tình thế đế cố gắng cải tiến một bước tình trạng dạy và học sử hiện nay. Trước hết phải rà soát lại chương trình chỉnh sửa sách giáo khoa, giảm tải những nội dung không cần thiết dối với bậc phổ thông, nâng cao tính hấp dẫn, phù hợp với mọi lứa tuổi, cải tiến phương pháp dạy sử.

Thứ hai, tổ chức, nghiên cứu một cách sâu sắc toàn điện với một tư duy mới về môn lịch sử, xây dựng lại chương trình, viết lại sách giáo khoa, thực hiện cuộc cải cách căn bản về dạy học môn Lịch sử cấp phổ thông. Với trình độ phát triển nền sử học hiện đại Việt Nam, đội ngũ chuyên gia và thầy cô đầy tâm huyết, chúng ta có đủ khả năng để nghiên cứu thực hiện thành công một cuộc cải cách như vậy, tất nhiên đặt trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Tất cả tùy thuộc vào vai trò tổ chức của cơ quan quản lý, làm sao tập hợp được trí tuệ của đội ngũ sử gia và thầy, cô giáo có trình độ và kinh nghiệm. Công việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa trước đây chỉ là giao khoán cho một nhóm người nên không tránh khỏi những hạn chế và sai sót như vậy. Đã đến lúc phải xóa bỏ lối độc quyền và áp đặt như thế trong khoa học, nhất là biên soạn sách giáo khoa. Cũng đã đến lúc, có thể nghĩ tới một phương thức biên soạn sách giáo khoa “thoáng” hơn, giao nhiều cá nhân hay nhiều nhóm đứng ra biên soạn sách giáo khoa theo chương trình thống nhất rồi lập hội đồng tuyển chọn sách hay làm sách giáo khoa.

Thứ ba, cùng với chương trình và sách giáo khoa, phải nghĩ đến đội ngũ thầy, cô giáo dạy môn Lịch sử cấp phổ thông. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng mà chức năng thuộc về hệ thống Trường Đại học và Cao đẳng sư phạm. Nhưng ngay cả cơ sở đào tạo cũng nên mở rộng cho một số trường khoa học cơ bản khác. Trong chương trình đào tạo giáo viên dạy môn Lịch sử, bên cạnh các môn nghiệp vụ sư phạm, giáo dục, tâm lý, giáo học pháp… cần coi trọng hơn nữa kiến thức cơ bản, phương pháp luận chuyên môn và nhà trường cũng cần gắn chặt vào đào tạo nghiên cứu khoa học. Giáo viên dạy môn Lịch sử cấp phổ thông không phải là người chỉ nắm chắc sách giáo khoa để truyền thụ lại cho học sinh mà phải có tầm hiểu biết sâu rộng hơn thế về kiến thức cũng như phương pháp luận sử học để có thể cập nhật tri thức của mình, gắn nội dung sách giáo khoa với thời sự của sử học và cuộc sống sôi động của đất nước và thế giới, từ đó áp dụng phương pháp giảng dạy sinh động, hấp dẫn đối với lớp trẻ.