Tôi thấy các môn tích hợp mới không khác gì mô hình VNEN

GDVN – Tiếng là học môn Khoa học tự nhiên nhưng lại ghi chép kiến thức của 3 môn ra 3 cuốn vở riêng biệt, bởi nếu ghi chung 1 cuốn vở học sinh sẽ không thể ôn tập được.

Các địa phương trên cả nước đã bước vào vào năm học mới được gần 2 tháng. Tuy nhiên, việc dạy các môn tích hợp như thế nào vẫn khiến cả giáo viên lẫn lãnh đạo nhà trường lúng túng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học 2021-2022 là tiếp tục triển khai chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp 2 và lớp 6, trong đó lớp 6 có môn học mới tích hợp Lịch sử và Địa lý(gồm 2 phân môn Lịch sử, Địa lý) và môn Khoa học tự nhiên (gồm 2 phân môn Vật lý – Hóa học – Sinh học).

Nhưng hiện nay, môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên dạy tương ứng với 3 phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học dạy song song. Mặt khác, ngoài dạy 1 phân môn trong môn tích hợp mới ở lớp 6, các thầy cô vẫn phải đảm nhiệm dạy các đơn môn Vật lý, Hóa học và Sinh học của lớp 7, 8, 9 theo chương trình cũ khiến nhiều trường lúng túng trong việc xếp thời khóa biểu.

Tôi thấy các môn tích hợp mới không khác gì mô hình VNEN ảnh 1

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô N.N.A (xin không nêu tên), giáo viên dạy môn Hóa, chủ nhiệm lớp 6 tại một Trường trung học cơ sở ở tỉnh Đồng Tháp. Cô N.N. A. chia sẻ:

“Tôi là giáo viên dạy Hóa với gần 20 năm đứng lớp, nhưng giờ đây tôi phải dạy thêm cả môn Sinh học và Vật lý, chính vì vậy tôi đã phải đăng ký học một lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên gồm 36 tín chỉ hết 7,2 triệu đồng.

Tôi thật sự thấy mình không thể dạy nổi bởi một giáo viên không thể nào đào sâu chuyên môn của cả 3 môn cùng một lúc. Tôi nghĩ đây cũng là điều mà rất nhiều giáo viên giống như tôi trên cả nước đang gặp phải.

Hiện tại trường trung học cơ sở nơi tôi đang giảng dạy, với môn Khoa học tự nhiên đang được triển khai dạy nối tiếp, bởi chưa có đủ mặt bằng về trình độ môn Khoa học tự nhiên, vậy nên giáo viên Lý dạy trước, rồi đến môn Hóa và như tôi là kiêm thêm cả dạy Sinh học luôn. Nói là dạy luôn nhưng theo kiểu có gì trong sách giáo khoa tôi nói theo như vậy, chứ thực tế tôi không hề biết gì về môn Sinh học. Tính ra tôi phải dạy 21 tiết trong 1 tuần.

Được đào tạo chuyên môn Sư phạm Hóa, tôi rất hứng thú nên thường xuyên đào sâu nghiên cứu, nhưng giờ đây cầm cuốn sách Lý hay Sinh tôi không hiểu được, từ đó không có hứng thú. Và cũng như tôi, các giáo viên dạy Lý và Sinh trong trường cũng phải đi học thêm để về dạy cả 3 phân môn trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên.

Có thể hiểu, từ nay 3 giáo viên dạy đơn môn sẽ trở thành 3 giáo viên dạy Khoa học tự nhiên, nhưng về kiến thức 2 môn “trái ngành” kia thì chỉ dạy ở mức cho có, nói lại theo sách giáo khoa chứ thực chất thầy cô cũng không hiểu sâu, như vậy thì làm sao có kiến thức để truyền đạt được cho học trò?

Bản thân tôi khi dạy trên lớp môn Sinh, có những câu học trò hỏi nhưng tôi có biết gì đâu mà trả lời, mặc dù đã rất cố gắng nhưng cũng không có đủ thời gian bởi tôi còn đang phải đào sâu về môn Hóa của mình. Hơn nữa nói là giảm tải nhưng tôi thấy đâu có giảm mà còn tăng thêm, ví dụ: Về môn Hóa, theo chương trình cũ cuốn sách giáo khoa khá mỏng, nhưng học sinh nào cũng đều nắm vững kiến thức. Nhưng hiện tại cuốn sách dày hơn chút, in đẹp hơn chút nhưng thực sự kiến thức rỗng tuếch.

Bây giờ lớp 6 phải học Khoa học tự nhiên, theo tôi không khác gì mô hình mà Bộ đã từng thí nghiệm dạy học VNEN mà theo tôi là đã thất bại, vì không phù hợp với tình hình thực tế địa phương, cơ sở vật chất không đảm bảo, điều kiện kinh tế mỗi học sinh không thể đáp ứng được theo xu thế thế giới. Tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền từ mô hình sáo rỗng, nhiều tỉnh thành đều yêu cầu dừng vì không thể thực hiện”

Về việc soạn giáo án môn Khoa học tự nhiên 6, cô N.N.A nói: “Bình thường, chuyên môn của tôi là dạy Hóa, đương nhiên tôi soạn giáo án sẽ chất lượng vì tôi biết và hiểu về môn Hóa, nhưng giờ đây tôi đâu có biết gì về Lý và Sinh để mà soạn? Một điều nữa khá nguy hiểm là trong trường không có ai đủ trình độ để nghiệm thu giáo án môn Khoa học tự nhiên này do tôi soạn.

Thực tế, Tổ trưởng và Tổ phó tổ Khoa học tự nhiên của tôi lại có chuyên môn về Sinh, vậy nên dẫn đến việc các thầy kiểm tra giáo án chỉ nhìn các gạch đầu dòng, đề mục 1 nhỏ, 2 nhỏ là gì mà thôi, chứ hoàn toàn không biết nội dung bên trong thế nào. Chất lượng tiết dạy chỉ trông chờ vào thầy cô, nhưng đến thầy cô còn không hiểu thì thử hỏi làm sao mà truyền đạt được kiến thức cho học trò?”.

Tôi thấy các môn tích hợp mới không khác gì mô hình VNEN ảnh 2

Sách giáo khoa còn thiếu

Cô N.N.A cho biết: “Đến bây giờ vào năm học được gần 2 tháng, nhưng thư viện nhà trường vẫn chưa có sách cho giáo viên và sách bài tập, tôi ra ngoài mua nhưng giá 1 bộ cho tất cả các môn cho giáo viên quá cao tới gần 600 nghìn đồng, mua lẻ 1 cuốn Khoa học tự nhiên 6 thì họ không bán. Toàn bộ các thầy cô phải dùng sách online nên khá bất tiện.

Vấn đề chấm điểm môn Khoa học tự nhiên, cho đến thời điểm này cũng chưa thấy ai hướng dẫn phải chấm thế nào, môn Hóa thì tôi còn chấm được vì đó là chuyên môn, còn Sinh học và Vật lý thì thật sự tôi không viết phải chấm điểm sao cho chuẩn.

Mỗi chủ đề trong sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6 đều có bài kiểm tra giữa và cuối kì, ví dụ: Học kì 1 môn Lý dạy một đoạn, và môn Hóa dạy một đoạn, vậy 2 thầy cô phải ngồi với nhau để thống nhất ôn tập thế nào cho học sinh làm bài kiểm tra. Một đồng nghiệp dạy môn Lý cùng với tôi ở trường đã nói: Môn Lý của tôi chấp nhận học sinh ở mức 5 điểm, còn cô dạy Hóa muốn học sinh của mình được điểm cao thì tự đi mà ôn tập, tôi không tham gia.

Tạm tính thời gian 4 tuần đầu năm học, học sinh sẽ học môn Lý, rồi 11 tuần tiếp theo sẽ học môn Hóa, nhưng sau thời gian dài như vậy khi kiểm tra lại phần môn Lý, nhưng vấn đề khó khăn nhất ở đây là học sinh có nhớ được kiến thức hay không thì không ai đảm bảo bởi các em đã tạm không học qua một thời gian rất dài. Và cứ như vậy mọi chuyện lại diễn ra theo trình tự ở học kì 2.

Trong một bài kiểm tra sẽ có 3 phần kiến thức tương ứng với 3 môn Lý, Hóa và Sinh, và đương nhiên sẽ có 3 thầy cô chấm cùng 1 bài kiểm tra, người này chấm xong sẽ chuyển cho người khác chấm tiếp, bởi chưa có một thầy cô nào đủ trình độ để chấm điểm được cả 3 môn mặc dù đã có chuyên môn là Hóa.

Nói cho đúng thì 36 tín chỉ tôi đã học cũng chỉ là đối phó, là hình thức, bởi trong 4 năm học đại học sư phạm tôi không được đào tạo dạy môn Khoa học tự nhiên, nhưng những kiến thức phổ thông là do tôi tích lũy được qua 12 năm đi học, để bây giờ dùng kiến thức đó dạy học sinh. Giờ lại nói chỉ hơn 10 buổi học đã có 36 tín chỉ để dạy 2 môn còn lại là Vật lý và Sinh học thì làm sao mà đủ kiến thức được, và cũng không thể đánh giá được thực chất trình độ của một học sinh ở bộ môn Khoa học tự nhiên này.

Ngay như việc tập huấn giáo viên, tôi thấy mô-đun không đâu vào đâu khiến cho các thầy cô rất nản, tập huấn chỉ chú trọng vào mặt hình thức của giáo án, còn phần chuyên môn kiến thức chúng tôi không được tập huấn. Nói là tập huấn giáo viên hoàn thiện về phương pháp, kĩ thuật dạy học tích hợp, nhưng thực chất đối với một lớp có học lực trung bình, hoặc một lớp khá giỏi thì tập huấn đều chung một phương pháp, không có sự khác biệt”.

Tôi thấy các môn tích hợp mới không khác gì mô hình VNEN ảnh 3

Học 1 môn học nhưng phải ghi ở 3 cuốn vở

Cũng về vấn đề này, thầy N.H. L – Giáo viên dạy Vật lý một trường Trung học cơ sở ở Thành phố Vũng Tàu cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Theo thầy N.H.L: “Hiện nay, trường chúng tôi đang rất thiếu giáo viên nên việc bố trí càng bị động, do đó, việc triển khai 2 môn tích hợp ở lớp 6 là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý rất khó khăn.

Một khó khăn nữa là khi bố trí các chủ đề dạy học theo các phần trong sách giáo khoa Khoa học tự nhiên không hợp lí, dẫn tới các kiến thức không khớp theo logic của chương trình. Ví dụ, môn Sinh học 2 tiết, Hóa học 1 tiết, môn Vật lý 1 tiết trong tuần dẫn tới kiến thức của học sinh chưa đủ.

Ngay như việc phải phân công sao cho nhịp nhàng giữa các bộ môn tích hợp. Nếu nhà trường bố trí không liền mạch các chương kiến thức thì học sinh khó nắm bắt được, nhưng nếu bố trí theo mạch của một lớp thì không đủ giáo viên để dạy các lớp khác. Đó là điều khiến cho các giáo viên rất vất vả nhưng hiệu quả lại không được như mong muốn.

Hơn nữa, chuyên môn của tôi là Vật lý và phần này tôi đảm bảo sẽ dạy rất tốt, học sinh sẽ rất thích vì đó là chuyên môn của tôi, nhưng với 2 môn còn lại trong tổ hợp là Sinh và Hóa thì tôi không có chuyên môn, có dạy thì cũng chỉ là cho có, bởi có nghiên cứu thì tôi cũng không thể hiểu sâu được bằng những giáo viên dạy 2 môn này.

Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn từ “trên” và bản thân các thầy cô trong Tổ Khoa học tự nhiên cũng chưa thống nhất được khi ra đề bài kiểm tra định kỳ phải làm đề chung thế nào, bộ môn nào chấm hay cả 3 thầy cô cùng ra đề rồi chấm, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm với điểm của bài thi đó, ai chịu trách nhiệm lời phê và ký trong học bạ của học sinh?”.

Thầy N.H. L băn khoăn: “Tôi không hiểu tích hợp để làm gì khi thực chất sách giáo khoa Khoa học tự nhiên vẫn chia các phân môn độc lập với các mạch kiến thức riêng của từng môn? Như vậy chỉ là in 3 phần kiến thức của 3 môn vào cùng 1 cuốn sách giáo khoa, trước đây là riêng 3 cuốn sách. Như vậy chỉ là nói tích hợp mà thôi chứ cách dạy và kiến thức vẫn như cũ.

Ngay như học sinh trường tôi, các em mang tiếng là học môn Khoa học tự nhiên nhưng lại ghi chép kiến thức của 3 môn ra 3 cuốn vở riêng biệt, bởi nếu ghi chung 1 cuốn vở sẽ không thể ôn tập được bởi các phần kiến thức không liền mạch. Theo tôi đó cũng là bất cập. Hơn nữa, việc xây dựng, triển khai kế hoạch dạy học song song như hiện nay, học sinh cùng lúc bắt đầu học các chủ đề, như vậy, sự liên kết giữa các chủ đề bị phá vỡ làm mất tính logic của nội dung chương trình, học sinh sẽ rất khó học”.

Tùng Dương (ghi)